Phổ nghi là ai

Vốn không được sống trong cung từ khi mới sinh ra, Phổ Nghi chỉ thực sự nếm trải những ngày tháng của một Hoàng đế từ khi lên 2 tuổi. Đằng sau những bước tường đỏ của Tử Cấm Thành, những quy định nghiêm ngặt đã khiến cho Phổ Nghi không có được một tuổi thơ trọn vẹn. Dù ông ngồi ở vị trí mà vạn người phải cúi đầu.

Tuổi thơ cô đơn, đói khát

Ái Tân Giác La Phổ Nghi [1906-1967] là vị vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung. Ông lên ngôi lúc 2 tuổi, thoái vị năm 1912 khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ và được Phát xít Nhật đưa lên làm Hoàng đế bù nhìn của Đại Mãn Châu Đế quốc ở Đông Bắc Trung Quốc năm 1934.

Năm 1945, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt và quản thúc, sau đó có góp mặt trong phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh của Nhật. Từ năm 1949 đến 1959, ông được trả về nước và bị Quốc vụ viện Trung Quốc quản thúc, giam giữ vì tội danh bắt tay với quân xâm lược Nhật. Tháng 12/1959, ông được thả và sống ở Bắc Kinh như một thường dân cho đến khi qua đời.

Nhiều người có lẽ vẫn ngỡ rằng, Phổ Nghi hẳn đã rất tiếc nuối những ngày tháng được ngồi trên ngai vàng. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện mang tên “Nửa đời trước của ta”, vị Hoàng đế này đã tiết lộ những sự thật khó tin về cuộc sống được coi là trong mơ của của người kế vị vương triều. Trong đó, thông tin về việc những năm tháng thiếu thời sống tại Tử Cấm Thành ông thường xuyên phải chịu cảnh đói bụng, chưa từng biết được cảm giác của một bữa no khiến nhiều người kinh ngạc.

Những ngày tháng đó được Hoàng đế Phổ Nghi kể lại trong cuốn tự truyện bằng lời lẽ đầy chua chát: “Mặc dù ta ngày ngày đều đói bụng, nhưng cũng chẳng có ai quan tâm. Ta nhớ có một hôm đi Trung Nam Hải, Thái hậu Long Dụ cho người cầm tới bánh bao để làm mồi cho cá. Ta nhất thời không kìm chế được, liền đem bánh bao nhét vào miệng mình mà ăn. Thế nhưng cái đói của ta chẳng những không làm cho Long Dụ thái hậu tỉnh ngộ mà còn khiến bà càng thêm quản lý nghiêm khắc”.

Dù sống trong nhung lụa nhưng tuổi thơ của Phổ Nghi chưa một lần được ăn no [Ảnh tư liệu]

“Bụng đói vơ quàng” có lẽ là đúng nhất để nói về câu chuyện trên của Phổ Nghi khi phải lớn lên với một cái bụng luôn trong tình trạng đói. Thậm chí ngay đến mồi cho cá cũng khiến ông không thể kìm lòng mà nuốt xuống.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị Hoàng đế này còn tâm sự thêm: “Có một ngày, các vương phủ đưa tới cống phẩm cho Thái hậu, dừng ở Tây Trường, bị ta nhìn thấy. Ta dựa vào một loại bản năng, chạy thẳng tới chỗ chiếc hộp đựng thức ăn trong số đó, mở nắp ra nhìn một cái, trong hộp đựng đầy giò muối, ta vừa cầm lên một miếng liền vội cắn...”.

Cứ ngỡ lớn lên trong Hoàng cung đầy nhung lụa, Phổ Nghi sẽ không phải lo đến cái ăn, cái mặc, tuy nhiên, từ câu chuyện cắn vội miếng giò trong số cống phẩm đến ăn cả mồm cá có thể tưởng tượng thấy những ngày tháng tuổi thơ của Phổ Nghi không hề hạnh phúc như nhiều người tưởng tượng. Sống trong Tử Cấm Thành nhưng Phổ Nghi lúc nào cũng chưa được một bữa no, lúc nào cũng thèm khát đồ ăn.

Tại sao Hoàng đế phải bị đói?

Trên thực tế, Hoàng tộc nhà Thanh vốn có xuất thân là những người sống theo lỗi du mục, kiểu sống này đã chi phối rất nhiều tới tập quán cũng như quan niệm về ăn uống, dưỡng sinh của họ.

Trong suy nghĩ của những người thuộc Mãn tộc, ăn no chẳng bằng đói bụng. Theo đó, họ tin rằng để bụng đói sẽ giúp cơ thể thanh sạch, từ đó khiến cho thân thể ngày càng khỏe mạnh, ít bệnh tật. Quan niệm này được Hoàng tộc nhà Thanh gọi bằng cái tên “Dục nhi chi đạo”, nghĩa là cái đạo nuôi dưỡng con trẻ.

Vì vậy, hoàng thất nhà Thanh từ sớm đã hình thành một quy luật bất thành văn: Trẻ nhỏ không được ăn nhiều, thậm chí còn có khi cố ý bị bỏ đói. “Luật rừng” nói trên đến cuối thời nhà Thanh thì đã đạt đến trình độ cao nhất, mà Phổ Nghi với thuở thiếu thời chẳng có lấy một bữa no chính là minh chứng cho điều này.

Chỉ khi sống như một thường dân người ta mới thấy được nụ cười trên khuôn mặt Phổ Nghi.

Năm xưa, bản thân Phổ Nghi từng có một lần phải ăn hạt dẻ để chống đói, không ngờ lại bị Long Dụ Thái hậu phát hiện. Bà liền hạ lệnh hủy bỏ toàn bộ ngự thiện trong ngày, lấy cháo cho Hoàng đế dùng thay bữa chính, nhưng ngay tới lượng cháo cũng bị khống chế nghiêm khắc, tóm lại không được phép để nhà vua ăn no.

Không chỉ Phổ Nghi, người tiền nhiệm là Quang Tự đế cũng trải qua những năm tháng thiếu thời không lấy gì làm khá hơn. Quang Tự khi còn bé đã được Từ Hi dạy dỗ rất nghiêm, nhất là trên phương diện ăn uống. Từ năm nhà vua lên 10 tuổi, vì bữa chính không được ăn no nên chưa tới giờ cơm đã thấy đói, Quang Tự vì vậy mà thường xuyên tới phòng thái giám tìm bánh bao lót dạ.

Điều này có thể lý giải cho việc Hoàng cung vốn không thiếu sơn hào hải vị, tuy nhiên bản thân Hoàng đế và hoàng thất không thể ăn uống thỏa mái theo sở thích của mình. Các Hoàng tử luôn được quản lý một cách sát sao về ăn uống để bảo vệ sức khỏe.

Thế nhưng trên thực tế, Phổ Nghi cũng như nhiều hậu duệ khác trong Hoàng tộc Mãn Thanh lại không hề có được một cơ thể khỏe mạnh dù đã tuân thủ nguyên tắc nuôi dạy trên. Bằng chứng là sau nhiều năm lớn lên trong hoàng cung, Phổ Nghi khi trưởng thành vẫn luôn phải sống chung với căn bệnh dạ dày, mà nguyên nhân chủ yếu là những bữa ăn không đủ no từ khi còn nhỏ.

Không chỉ vậy, đa số các học giả hiện đại đều cho rằng, hầu hết các vị vua cuối thời nhà Thanh đều sở hữu thân thể yếu ớt vốn là do thói quen tiết chế ăn uống từ thuở thiếu thời. Đây rất có thể cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến họ không chỉ mắc nhiều bệnh tật mà còn bị rút ngắn tuổi thọ.

Tuy nhiên, Hoàng đế Phổ Nghi lại có một tật xấu khó nói, đó là 7 tuổi rồi mà vẫn chưa cai sữa, trước bữa ăn đều cần bà vú cho bú sữa. Nhiều khi cung nữ trong cung dù nhìn không quen mắt nhưng cũng chẳng thể nói gì, chỉ đành lẳng lặng mà dung túng, chiều theo ý vua.

Bên cạnh đó, khi Phổ Nghi còn là một cậu bé, ông hầu như không có người bạn nào để chơi cùng, niềm vui duy nhất của ông khi ấy chính là được chơi đùa cùng người em trai Phổ Kiệt.

Hai anh em họ thường tận dụng những lúc không ai để ý để trốn ra ngoài chơi, đây có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ và đẹp đẽ duy nhất mà vua Phổ Nghi được trải qua trong nửa đầu cuộc đời của mình.

Trở thành Hoàng đế khi còn nhỏ, nhưng Phổ Nghi cũng chẳng được chỉ bảo, dạy dỗ cặn kẽ. Việc này khiến cho Phổ Nghi thiếu hiểu biết, không hiểu sự đời, lại cũng chẳng có người đáng tin cậy bên mình.

Một Phổ Nghi trưởng thành trong môi trường như vậy, đã khiến cho ông không có đủ cả sức khỏe, tinh thần có thể chịu đựng được những khó khăn, sóng gió ập đến với mình và triều đại nhà Thanh.

Tiểu Vũ

Theo Pháp luật 4 Phương

Ngày 14 tháng 11 năm 1908, vị Hoàng đế thứ 11 của vương triều Đại Thanh là Quang Tự đột ngột qua đời. Cái chết bất ngờ của vị vua yểu mệnh này đã trở thành cột mốc đánh dấu cho sự xuất hiện của một cậu bé chưa tròn 3 tuổi bước lên võ đài lịch sử thời bấy giờ.

Nhân vật này chính là Ái Tân Giác La Phổ Nghi – người được Từ Hi Thái hậu chỉ định làm Tân đế kế vị.

Thế nhưng ít ai biết rằng vào ngày vị Hoàng đế này cử hành lễ lên ngôi, chính người cha ruột của ông là Thuần Thân vương Tải Phong đã vô tình nói ra một "lời tiên tri" ứng nghiệm lên hậu vận Thanh triều chỉ vài năm sau đó.

Đường đến ngai vàng nhiều góc khuất của vị Hoàng đế nhỏ tuổi

Chân dung Hoàng đế Phổ Nghi [bên trái] và hình ảnh hồi nhỏ của ông được tái hiện trong một tác phẩm điện ảnh. [Ảnh: Nguồn Baidu].

Ái Tân Giác La Phổ Nghi [1906 – 1967] là vị Hoàng đế thứ 12 và cũng là vị vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng cũng như chế độ phong kiến Trung Hoa nói chung.

Sau cái chết của vua Quang Tự, Phổ Nghi được Từ Hi chỉ định làm người nối ngôi và thuận lợi kế vị dưới sự trợ giúp từ cha ruột là Nhiếp chính vương lúc bấy giờ, tức Thuần thân vương Tải Phong.

Tuy nhiên điều khiến hậu thế không khỏi băn khoăn nằm ở chỗ, vào thời điểm được chọn làm Tân đế, Phổ Nghi chỉ mới hơn 2 tuổi, về cơ bản không đủ năng lực để lèo lái cả một quốc gia đã trượt dài trên đà diệt vong khi đó. Vậy đâu là lý do khiến Từ Hi lại chọn ông làm người kế vị?

Lý giải về quyết định này của Tây Thái hậu, nhiều học giả cho rằng việc bà chọn Phổ Nghi làm Hoàng đế tiếp theo xuất phát từ hai động cơ dưới đây.

Thứ nhất, xét về huyết thống và xuất thân, Phổ Nghi là lựa chọn thích hợp nhất của Từ Hi trong thời điểm lúc bấy giờ.

Phổ Nghi là con trai thứ của Thuần Thân vương Tải Phong, và Tải Phong sinh thời vốn là em trai cùng cha khác mẹ của Quang Tự. Như vậy, Phổ Nghi chẳng những mang trong mình huyết thống của hoàng tộc Ái Tân Giác La mà còn có mối quan hệ ruột thịt gần gũi với vị vua đương triều lúc bấy giờ.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị Tân đế này còn có mối liên hệ gần gũi với chính Từ Hi Thái hậu. Bởi mẹ ông là con gái của đại thần Vinh Lộc – một trong những người ủng hộ trung thành của Từ Hi trên vũ đài chính trị. Việc mẹ Phổ Nghi được gả cho Thân vương hoàng tộc như Tải Phong cũng là một ân huệ của Từ Hi ban cho gia tộc Vinh Lộc.

Như vậy xét trên phương diện huyết thống hoàng tộc, thân phận, bối cảnh hay quan hệ thân – sơ, Phổ Nghi đều là một ứng cử viên hội tụ đầy đủ những yếu tố phù hợp để kế vị, nhất là khi Hoàng đế Quang Tự khi còn tại thế vẫn không có người nối dõi.

Thứ hai, việc Từ Hi lập một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi như Phổ Nghi lên ngôi thực chất là dã tâm chính trị của vị Thái hậu này.

Việc đưa một đứa trẻ mới hơn 2 tuổi như Phổ Nghi lên ngôi thực chất là nước cờ cuối đời đầy toan tính của Từ Hi Thái hậu. [Ảnh: Nguồn Baidu].

Có không ít ý kiến cho rằng, Tây Thái hậu mới chính là người đứng sau hạ độc và gây ra cái chết của Quang Tự đế. Điều này thể hiện rõ tham vọng quyền lực và thủ đoạn chính trị tàn nhẫn của bà.

Theo lý giải của tờ báo Sina, mặc dù đã lâm bệnh nặng vào thời điểm chọn người kế vị, thế nhưng Từ Hi vẫn đang trông chờ bệnh tình của mình bình phục để tiếp tục buông rèm nhiếp chính.

Và để có thể thuận lợi nắm quyền sau khi Quang Tự qua đời, bà đã lựa chọn người nối ngôi là một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi để dễ bề thao túng, điều khiển.

Thế nhưng hết thảy những toan tính thể hiện dã tâm thâm độc và sự tham lam vô độ này của Từ Hi đã không thành hiện thực. Bởi bà cũng nhanh qua đời chỉ ngay sau khi Hoàng đế Quang Tự băng thệ đúng một ngày.

"Lời tiên tri" vu vơ của cha ruột trong lễ lên ngôi ứng nghiệm lên hậu vận Phổ Nghi và Thanh triều sau này

Bức ảnh chân dung thời nhỏ của Hoàng đế Phổ Nghi. [Ảnh: Nguồn Baidu].

Tương truyền rằng vào thời điểm tin tức Phổ Nghi được chọn làm Tân đế được truyền tới nơi, phủ đệ của Thuần Thân vương Tải Phong lúc đó chẳng những không hề vui mừng mà còn mang không khí nặng nề như thể nhà có tang sự.

Bà nội của ông là Lưu Giai thị đã sợ hãi và lo lắng tới mức bất tỉnh nhân sự. Còn bản thân Phổ Nghi vì không muốn xa gia đình nên đã khóc lóc, náo loạn, không chịu theo các thái giám về hoàng cung.

Thế nhưng ý chỉ của Thái hậu chẳng khác nào lệnh vua ban, Thân vương Tải Phong vốn không có quyền phản đối, chỉ còn cách để cho nhũ mẫu ôm người con trai thứ của mình lên kiệu để tiến vào Tử Cấm Thành.

Ngày 14 tháng 11 năm 1908, Quang Tự đế băng hà. Từ Hi Thái hậu chỉ thị Phổ Nghi kế vị, cũng cho Tải Phong đảm nhiệm chức Nhiếp chính vương giám quốc.

Chỉ đúng 1 ngày sau đó, Tây Thái hậu cũng băng thệ, chấm dứt thời kỳ nắm quyền kéo dài hơn nửa thế kỷ mà vị Lão Phật gia khét tiếng ấy từng hô mưa gọi gió.

Sự phò tá của cha ruột Tải Phong trong vai trò Nhiếp chính vương chỉ giúp Phổ Nghi thuận lợi lên ngôi chứ không thể khiến ông lèo lái tốt con thuyền của Đại Thanh khi đó. [Nguồn Baidu].

Tháng 12 năm ấy, thời tiết trở lạnh bất thường, tiếng chuông cổ trong điện Thái Hòa ở Tử Cấm Thành vang vọng, báo hiệu sự bắt đầu của nghi lễ sắc phong cho vị Hoàng đế mới.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, nghi lễ lên ngôi long trọng lần ấy đã diễn ra một cách hết sức hoang đường. Bởi bá quan văn võ dù dự lễ nhưng chẳng có lấy nửa điểm vui vẻ, ai ai cũng mang nét mặt lo lắng, u ám.

Phổ Nghi lúc đó vừa mới vào cung, đối mặt với những thứ lạ lẫm này đều hết sức sợ hãi, e dè. Thời tiết khắc nghiệt của mùa đông năm ấy vốn đã khiến cho vị vua nhỏ tuổi chẳng cách nào chịu nổi, hơn nữa còn phải ngồi một mình trên ngai vàng lạnh ngắt, nghe những thứ âm nhạc đinh tai nhức óc, nhìn những người xa lạ ở dưới huơ tay múa chân.

Tới lúc tiến hành nghi thức quỳ lạy, vị Hoàng đế nhỏ tuổi không khỏi sợ hãi trước những tiếng hô vang trời của quần thần. Ông vội muốn chạy xuống khỏi long ỷ, vừa khóc vừa kêu:

"Ta phải về nhà! Ta phải về nhà!".

Thấy con trai sắp phá hỏng cả nghi lễ quan trọng, cha ông là Tải Phong đang quỳ bên ngai vàng, không còn cách nào khác đành phải dùng thân mình ngăn cản bước chân đang toan chạy xuống của Phổ Nghi.

Vị Hoàng đế nhỏ tuổi càng khóc lớn hơn, luôn miệng nói muốn về nhà. Thanh âm non nớt vang vọng cả điện Thái Hòa, khiến cho bản thân Tải Phong căng thẳng vô cùng, vội vàng nói đại ra một câu dỗ dành:

"Đừng khóc, sắp hết rồi, sắp hết rồi!".

Mặc dù sau đó nghi lễ sắc phong cũng miễn cưỡng hoàn thành. Thế nhưng không khí càng thêm nặng nề, sắc mặt văn võ bá quan ai ai cũng âm trầm.

Giai thoại lễ lên ngôi "hoang đường" của Phổ Nghi từng được tái hiện gần như trọn vẹn trong bộ phim "Hoàng đế cuối cùng" kể về cuộc đời của vị vua này. [Ảnh: Nguồn Baidu].

Sau buổi lễ hôm ấy, quan lại trong triều đều truyền tai nhau nhiều lời chê trách về việc Nhiếp chính vương nói ra những lời xui xẻo ngay trong lễ lên ngôi của Tân đế.

Bởi lẽ theo quan niệm của người thời bấy giờ, ai cũng không được tùy tiện nói ra những chữ mang hàm ý tiêu cực như "hết", "chết", "mất", "diệt" trong các ngày lễ lớn của vương triều, đặc biệt là vào thời điểm vận nước đang ở buổi suy vi như lúc đó.

Cũng bởi vậy mà không ít người đã cho rằng, câu nói vô tình của Thuần Thân vương Tải Phong chính là một điềm báo đại hung đối với hậu vận của vương triều Đại Thanh. Và thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, lời "tiên tri" vu vơ của Tải Phong năm nào quả thực đã ứng nghiệm lên vận mệnh Thanh triều.

Sự thực là chỉ vẻn vẹn 4 năm sau khi đăng cơ, chiếu thư thoái vị của Phổ Nghi đã được công bố ra ngoài vào năm 1912, đánh dấu sự sụp đổ của nhà Thanh và cũng là sự kết thúc của thời kỳ phong kiến trong lịch sử Trung Hoa.

*Dịch từ báo nước ngoài.

Mất 4 tháng để đuổi hết nhân viên yếu kém, vị quản lý giải thích lý do ai cũng nên biết

Video liên quan

Chủ Đề