Những tấm gương nhà giáo mẫu mực trong lịch sử

Your browser does not support the audio element.

Cô Phạm Thị Kiều Phương tấm gương nhà giáo tâm huyết, gương mẫu

18/01/2021

     “Trên những nẻo đường của tổ quốc xinh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc gương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…” [Hoàng Vân] Lời ca ấy, hơn đôi lần khiến tôi suy ngẫm, bâng khuâng rồi biết ơn, trân quý vô ngần công lao to lớn của những người ngày đêm thầm lặng, lái biết bao chuyến đò đưa khách qua sông. Và trên chính ngôi trường chuyên này, tôi bắt gặp một người lái đò đã dành trọn 30 năm tuổi xuân cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục – cô Phạm Thị Kiều Phương, giáo viên bộ môn sử, chủ tịch công đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành. 

     Cô Phạm Thị Kiều Phương [07/02/1966] hoàn thành chương trình Đại học vào tháng 9 năm 1990 và bắt đầu công tác tại trường Cấp III Càng Long, nay là THPT Nguyễn Đáng. Đến 2006, cô chuyển về trường THPT Chuyên Trà Vinh, nay là trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành tiếp tục công tác giảng dạy. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, đến tháng 6/2021,cô chính thức bước vào giai đoạn nghỉ hưu. 
Đối với cô Kiều Phương, nghề giáo như một cái duyên khiến cô gắn bó suốt gần nửa đời người. Ngay từ những năm đầu rời mái trường cấp 3, cô chưa định hướng mình sẽ trở thành một nhà giáo, một phần do thiếu sự tư vấn về ngành nghề, phần còn lại xuất phát từ hoàn cảnh gia đình. Nhưng rồi, khi bước chân vào giảng đường đại học, cô sinh viên ngày ấy mới hiểu được cái cao cả, cái thiêng liêng của nghề giáo. Bắt đầu công tác giảng dạy, nhìn thấy sự cố gắng, nổ lực không ngừng nghỉ của học trò mình, cộng với sự tin tưởng, ủng hộ, yêu thương của phụ huynh, học sinh, cô biết mình phải có trách nhiệm dạy dỗ những đứa trẻ ấy, không chỉ về kiến thức mà còn là đạo đức, là nhân cách để chúng nên người. Cũng trong thời điểm ấy, cô biết rằng, vào ngành giáo dục chính là một trong những lựa chọn đúng đắn, sáng suốt nhất cuộc đời mình. Đồng thời, biến điều đó thành động lực để cô vượt qua khó khăn trong giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ và gắn bó với nghề cho đến ngày hôm nay.

     Đi dạy trong nhiều năm liền, cô đã từng chứng kiến biết bao hoàn cảnh khó khăn của học sinh, từ nghèo khó, cha mẹ ly hôn đến những mảnh đời mồ côi, không nơi nương tựa. Dù ít hay nhiều, cô cũng dành sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần cho học trò mình. Trong suốt quá trình đó, một hoàn cảnh khiến cô thương nhất, ấn tượng nhất chính là anh Hồ Thanh Tâm học sinh lớp chuyên Văn năm ấy. Do gia đình nghèo, điều kiện học tập thiếu thốn, tiền sinh hoạt hằng ngày quá thấp không đủ để trang trải, chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo đến trường và phải ở nhờ nhà chùa để đi học. Nhận thấy được điều ấy, cô đã dành cho anh rất nhiều sự quan tâm,động viên, khuyến khích. Cô còn nhớ có lần khi tan học mọi người đã về hết, cô vẫn thấy bóng dáng của anh nơi ghế đá dưới sân trường, một mình ôn lại kiến thức. Thương cho tinh thần học tập của anh, nhưng vì lúc ấy còn khó khăn, cô chỉ có thể giúp đỡ 1 phần nhỏ về vật chất, như mua thức ăn hay dành tặng một bộ quần áo mới trước ngày anh thi đại học. Bằng sự cố gắng của mình, anh Hồ Thanh Tâm đã 2 lần đạt giải khuyến khích quốc gia môn Lịch sử và hiện đang trong quá trình nghiên cứu tiến sĩ về lĩnh vực Sử học.      Đã hơn cái tuổi 50, nhưng người giáo viên ấy dường như chưa bao giờ vơi bớt đi tình yêu nghề. Mỗi tiết học trôi qua là một lần cô được sống hết mình. Dù đang mang căn bệnh ở cổ họng, dù không được phép nói lớn, nói nhiều để tránh bệnh tình trở nặng, thế nhưng, chưa bao giờ cô bỏ qua việc giảng bài trên lớp. Cô cố gắng truyền đạt kiến thức của mình để học sinh biết, hiểu được nhiều nhất có thể. Nếu ai đã từng học qua tiết Lịch sử của cô, chắn chắn rằng sẽ nhớ mãi những sự kiện lịch sử khô khan, những cột móc thời gian khó nhớ. Vì biết Lịch sử từ trước đến nay là môn học khó và dễ gây nhàm chán, thế nên, cô thường xuyên trau dồi kiến thức để nắm bắt các sự kiện mang tính thời đại, đổi mới phương pháp giảng dạy để tăng hứng thú và thu hút học sinh. Đó là việc cô áp dụng khoa học kĩ thuật vào giảng dạy, hướng dẫn, tổ chức các chương trình đố vui để học, thảo luận chuyên đề để tăng khả năng thuyết trình, hùng biện cho học sinh. Bởi lẽ, cô quan niệm “học tập là cả một quá trình dài, không nên áp đặt, gây áp lực cho học sinh, không khí thoải mái, cởi mở, vui tươi mới giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả, học rồi lần sau vẫn có thể học tiếp được”.      Với cống hiến đáng kể của mình cho ngành, năm 2005, cô nhận “Kỉ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục” danh giá,nhiều lần đạt bằng khen của UBND tỉnh, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, năm học 2018 – 2019 đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.Trong 30 năm dạy học, được phân công nhiệm vụ chủ nhiệm rất nhiều lần và tất cả những lần đó,cô đều hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt có lần còn đạt giải nhất hội thi Gíao viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh do sở giáo dục Trà Vinh tổ chức. Điều khiến cô tự hào nhất khi làm chủ nhiệm là tỉ lệ học sinh cuối năm đạt loại khá giỏi luôn ở mức100% đồng thời, tỉ lệ tốt nghiệp luôn trên tỉ lệ tỉnh.

     Ngoài là một người giáo viên có chuyên môn giỏi, cô Kiều Phương còn được tin tưởng, đảm nhận vai trò là Chủ tịch công đoàn trường. Là người đảm trách nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cô luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên công đoàn cũng như động viên giúp đỡ những đoàn viên có khó khăn hoặc khi gia đình gặp hủ sự. Trong những năm hoạt động ở công đoàn, cô có đầy đủ hồ sơ sổ sách, có kế hoạch hoạt động cụ thể, hỗ trợ với Ban giám hiệu nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Kết quả các năm học 2014 – 2015, 2015 – 2016, 2016 – 2017, 2017 – 2018, 2018 – 2019, Công đoàn được xếp loại vững mạnh đạt trên 95 điểm trở lên. Năm học 2017-2018, cô được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua. Luôn đôn đốc tạo điều kiện tốt nhất cho Ban Nữ công hoạt động, cô cùng Ban quan tâm sâu sát hoàn cảnh của từng chị em trong nhà trường; gần gũi, động viên, giúp đỡ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; cùng với chị em phụ nữ trong nhà trường tham gia tốt các phong trào của Công Đoàn trường, Sở phát động. Được tặng kỉ niệm chương “vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”, cô nhiều lần được Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động. Năm 2019 – 2020, nhận bằng khen đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn giai đoạn 2016-2019 và nhiều thành tích khác.

     Quãng thời gian gắn bó với nghề giáo cũng sắp đến lúc phải kết thúc. Khi được hỏi: hết năm học sau,khi không còn được ngày ngày đứng trên bục giảng nữa cô có buồn không? Cô cho biết: “Buồn chứ em! Kiến thức mình vẫn còn đó, kinh nghiệm ngày một nhiều nhưng không còn được truyền đạt lại nữa, cũng không còn được nhìn tụi em học hành, chơi đùa, cô thấy tiếc lắm”. Đối với khối 12 nói riêng và các thế hệ học sinh nói chung, cô nhắn nhủ: tương lai mình, mình phải tự giành lấy, thời hòa nhập quốc tế giờ khác với thời kì trước, xã hội cần người có năng lực thật sự, phải cố gắng học mới lo cho tương lai mình được. Phải trở thành người thật sự giỏi, phải biết trang bị cho mình kiến thức thực tế để khi ra đời không bị hụt hẫng, không bị thua sút người khác. Tất cả được cô nhấn mạnh một lần nữa “Các em hãy cố gắng học tập thật giỏi để đứng vững trong xã hội hiện đại này”.

     Chia tay cô, người phụ nữ tự cường, tôi thầm cảm ơn người đã dành tuổi xuân của mình để cống hiến, để truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho biết bao lứa học trò đi qua. Để lan rộng tinh thần ấy đến các ngành nghề khác chứ không chỉ là ngành giáo dục, để khi những giờ ôn thi Tốt nghiệp mệt mỏi, học sinh chúng tôi có thể nói với nhau rằng: “không nỡ nghỉ học vì hôm nay có tiết cô Kiều Phương”. Xã hội sẽ đẹp hơn khi con người ta biết yêu thương, biết cống hiến, biết sẻ chia như vậy. 
     Trong lòng tôi giờ đây âm vang câu hát thay cho sự thán phục và lòng biết ơn chân thành nhất “Tiếng em nói nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng, tiếng kêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước, em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời, tuổi trẻ của em là tương lai tổ quốc, lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam...”

                                                        Thực hiện :  Lê Thị Kim Ngân

Tương phản

Video liên quan

Chủ Đề