Những nông sản nào được xuất khẩu ra thị trường thế giới

Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa. [Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN]

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt. Xu thế thị trường thế giới cũng đang cho thấy nhiều nông sản tăng giá mạnh.

Tuy không sở hữu những nông sản đang tăng tăng nóng như lúa mỳ, ngô... nhưng các nông sản Việt được kỳ vọng tiếp tục có được sự tăng trưởng tốt nhờ xu hướng thị trường thế giới cũng như nhu cầu tăng lên sau khi dịch COVID-19 gây đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất.

Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, nông sản Việt cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất cùng với việc nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 35,6%; cao su 6,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%...

Tuy nhiên, việc tăng này ở một số sản phẩm chủ yếu vẫn tăng ở khối lượng xuất khẩu. Điển hình như mặt hàng gạo, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 906 nghìn tấn với 437 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, có thể thấy, sự tăng trưởng về khối lượng đang tăng mạnh hơn sự tăng về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2022 đạt 486 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2022 với 44,8% thị phần.

[Nông sản Việt Nam gây ấn tượng tại triển lãm quốc tế ở Nhật Bản]

Gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như Thái Lan đầu có sự tăng trở lại. Giá gạo Việt Nam tăng được cho là do các đơn hàng từ Trung Quốc đang tăng lên nên hoạt động thương mại đang nhộn nhịp hơn và khiến giá tăng nhẹ.

Giới thương nhân cho rằng, giá gạo Hoa Kỳ đang tăng nhanh do gạo có thể sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mỳ - vốn đang trở nên rất đắt đỏ sau khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng. Giá gạo Hoa Kỳ tuần qua đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb [lb = 0,45359237 kg], cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.

Hay nhu cầu gạo tấm sẽ tăng lên trong thời gian tới, do giá ngô đang tăng, nên các nhà nhập có thể chuyển sang gạo tấm để thay thế cho ngô.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng [Tiền Giang] đánh giá, khi giá nhiều loại lương thực trên thế giới tăng, trong tương lai, giá gạo dự báo cũng sẽ điều chỉnh tốt lên.

Còn hiện giá lúa trên thị trường lại đang thấp hơn khá nhiều so với cuối  năm 2021, hy vọng thị trường tiêu thụ tốt sẽ đẩy giá lúa lên để gánh bớt phần nào chi phí đang tăng lên của nông dân do giá vật tư đầu vào ngày càng cao.

Thu hoạch càphê ở tỉnh Đắk Lắk. [Ảnh: Phạm Cường/TTXVN]

Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, tính liên thông của thị trường lương thực, thực phẩm Việt Nam với thị trường thế giới tốt nên những biến động cũng sẽ có tính liên thông.

Tuy nhiên, yếu tố tác động giá trước hết là do chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics.  Liệu việc tăng giá nông sản thời gian tới có đến được người sản xuất hay phải bù vào chi phí logistics thì cần có sự đánh giá kỹ lưỡng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam [VFA], chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU [EVFTA] chưa được lấp đầy trong năm 2021, trong khi xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.

Với thị trường EU, không chỉ riêng mặt hàng gạo, Bộ Công Thương dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu... tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Riêng về càphê, mặt hàng này 2 tháng đầu năm có sự tăng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng tới 35,6%. Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 32,6% so với tháng 2/2021.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Dự báo, giá càphê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Giới đầu cơ rút vốn tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine "leo thang." Về dài hạn, giá cà phê sẽ phục hồi khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine “hạ nhiệt.”

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group các doanh nghiệp trong ngành đã có sự cải cách, thay đổi, đầu tư số hóa, đa dạng các mặt hàng, sản phẩm có chiều sâu hơn so với xuất thô như trước đây. Riêng công ty đã đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng cho tới chế biến thành phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, công ty còn tăng cường việc bán hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada...

Mặc dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1-2% giá trị nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ nên có thể thấy dư địa xuất khẩu còn rất nhiều. Nhất là khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo nhập khẩu nông sản trong năm 2022 của nước này có thể lên tới 165 tỷ USD.

Một số nhóm sản phẩm có tỷ trọng nhập khẩu lớn như thủy sản, nông sản nhiệt đới, gia vị chiếm đến trên 90%; rau quả tươi, hạt thực vật, nước trái cây tỷ trọng nhập khẩu chiếm từ 20-50%. Những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn.

Với thị trường Trung Quốc, nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau thị trường Mỹ. Xuất khẩu nông sản sang thị trường này quan trọng là việc thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách “Zero COVID” với tất cả các nước nhập khẩu, nên việc kiểm soát hàng hóa từ khâu đóng gói, vận chuyển... để đảm bảo trong kiểm soát dịch.

Mới đây, quả ớt tươi đã chính thức được xuất khẩu trở lại cùng với 9 loại hoa quả và thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán tiếp tục mở rộng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, đồng thời triển khai mở rộng nhiều thị trường để giảm áp lực thị trường Trung Quốc cũng như thu được giá trị cao hơn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp sẽ phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng,vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản... đều có thể đáp ứng được. Cộng với đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn các thị trường.

“Thị trường truyền thống thì cần tận dụng tối đa; tập trung phát huy các thị trường ngách; thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay./.

Bích Hồng [TTXVN/Vietnam+]

Giá trị xuất khẩu của sản phẩm cá tra trong quý 1 năm nay đã tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. [Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN]

Tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 31/3 cho hay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Lệnh 248, 249 của Trung Quốc gây ách tắc nông sản tại các cửa khẩu, chiến sự Nga và Ukraine gây bất ổn thị trường xuất nhập khẩu và nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 1 vẫn đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý 1/2021 [vượt mục tiêu đề ra 10,7 tỷ USD]. Đặc biệt, thặng dư thương mại tăng gấp 3,1 lần.

Trong quý 1, nhiều mặt hàng nông, lâm thủy sản đã đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Giá trị xuất khẩu cà phê trong quý 1 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 50,4%; cá tra đạt 606 triệu USD, tăng 82%; hồ tiêu khoảng 252 triệu USD, tăng 40,8%; tôm đạt 929 triệu USD, tăng 39,7%; mây, tre, cói thảm đạt 265 triệu USD, tăng 34,4%; cao su đạt khoảng 746 triệu USD, tăng 10,7%; gạo đạt 715 triệu USD, tăng 10,5%; sắn và sản phẩm sắn đạt 420 triệu USD, tăng 15,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 3,9 tỷ USD, tăng 3%. 

Bên cạnh đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm giảm gồm: Chè đạt 36 triệu USD, giảm 11,9%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 849 triệu USD, giảm 12%; hạt điều ước đạt 630 triệu USD, giảm 5%.

Về thị trường xuất khẩu, châu Á là thị trường chiếm tỷ lệ lớn nhất về giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm của Việt Nam với 40,3%, tiếp đến là châu Mỹ 29,5%, châu Âu 13,1%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,3%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,5 tỷ USD [chiếm 27,1%], trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với trên 2,1 tỷ USD [chiếm 16,6%], trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 29%. Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 872 triệu USD [chiếm 6,8%] và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỷ lệ lớn nhất [44,3%]. Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 562 triệu USD [chiếm 4,4%] và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỷ lệ lớn nhất [45,2%].

[Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nga và Ukraine]

Trái ngược với đà tăng của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong quý 1 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021, ước gần 9,8 tỷ USD. Braxin là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Việt Nam lớn nhất trong quý 1 với kim ngạch nhập khẩu là 846 triệu USD, chiếm 8,6%; tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 738,4 triệu USD, chiếm 7,5% .

Giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính, nhóm lâm sản chính, nhóm sản phẩm chăn nuôi, nhóm đầu vào sản xuất đều giảm, chỉ có giá trị nhập khẩu nhóm hàng thủy sản tăng. Đặc biệt, giá trị nhập khẩu phân bón tăng tới 55,8%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 17,1%.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển thị trường xuất khẩu. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tập trung tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc; chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước, xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản./.

Tính chung quý 1, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD [tăng 12,8%]; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD [tăng 4,4%]; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD [tăng 38,7%]; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD [giảm 22,4%]; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 603 triệu USD [tăng 72,5%, nhất là phân bón giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước].   

Hồng Kiều [Vietnam+]

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề