Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước

Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận, thay mặt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Lê Thành Long đã báo cáo và làm rõ thêm một số của dự luật.

Bộ trưởng cho biết, một trong những nguyên tắc được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất là thiết kế dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước [sửa đổi] lần này trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tốt hơn quyền của con người, quyền của công dân và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. “Chúng tôi ý thức rất rõ là sau này khi đất nước chúng ta có điều kiện hơn thì sẽ có một Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước tốt hơn và toàn diện hơn nữa”. Bộ trưởng nói và nhận định, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn so với luật hiện hành. Trước hết, về phạm vi trách nhiệm trách nhiệm bồi thường của nhà nước: đã quy định rộng hơn, rõ hơn và dứt khoát hơn. Theo quy định của luật hiện hành có 29 trường hợp nhà nước bồi thường và công dân được bồi thường thì dự thảo hiện hành đã nâng lên 35 trường hợp. Dẫn chứng số liệu so sánh với một số nước trong lĩnh vực về quản lý hành chính, tố tụng hình sự…Bộ trưởng cho biết phạm vi của dự thảo, Việt Nam đã rộng hơn nhiều. Đáng lưu ý về thủ tục bồi thường nhanh hơn và số ngày thì ngắn hơn. Theo dự thảo trình Quốc hội thì thời gian tối thiểu là 41 ngày, tối đa là 71 ngày, trong khi theo luật hiện hành là 125 ngày. Công thức tính bồi thường cũng rõ ràng, cụ thể hơn. Về mức hoàn trả, Bộ trưởng cho biết dự thảo quy định mức hoàn trả cao hơn, có trường hợp hoàn trả là 100%. Thêm vào đó, người bị thiệt hại có quyền tạm ứng một khoản trước.  Đây là những vấn đề mới, luật hiện hành chưa quy định. Bên cạnh đó, dự thảo lần này cũng là làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền của công dân, nhưng đồng thời cũng đảm bảo sự vận hành bình thường và không làm “chùn tay” cơ quan Nhà nước trong khi thi hành công vụ. Về nguyên tắc thương lượng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng nói rõ: đây là nguyên tắc được áp dụng trong giải quyết bồi thường và chúng ta đã thống nhất theo nguyên tắc thủ tục dân sự. Đây là cách tiếp cận chung của các nước và cũng là cách tiếp cận của luật hiện hành. Dự thảo luật lần này đã có thiết kế kỹ về bồi thường, thương lượng từ thành phần cho đến địa điểm, nội dung và quy trình. “Chúng tôi ý thức rõ thương lượng là để thống nhất và bàn bạc giữa các bên, tạo thỏa thuận trước khi quyết định thực hiện việc bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân”. Bộ trưởng nói. Cũng trong vấn đề về thương lượng, có ý kiến đại biểu cho rằng cần quy định để có thêm nhiều thành phần, đại diện nhiều cơ quan tham gia, Bộ trưởng cho biết, khi thiết kế điều luật cũng đã tính toán đến các vấn đề này nhằm đảm bảo khi có nhiều cơ quan tham gia sẽ cùng ngồi lại để thực hiện ngay, như vậy nghĩa là thủ tục bồi thường cũng nhanh gọn hơn. Còn người yêu cầu bồi thường có nhu cầu cần luật sư, người tư vấn thì theo nguyên tắc luật dân sự họ vẫn có thể mời những người này. Dự thảo đã có những ý đó và cũng không có quy định nào hạn chế quyền tham gia của luật sư, người tư vấn pháp luật đối với người yêu cầu bồi thường. Về phục hồi danh dự, do còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều đại biểu cho rằng, chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ là không phù hợp, Bộ trưởng hứa sẽ tiếp tục, nghiên cứu, tiếp thu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng xuất phát từ nguyên tắc của Bộ luật dân sự phương thức bảo vệ quyền của mình bắt đầu chủ động từ bên nguyên đơn. Trong trường hợp có xin lỗi cũng buộc phải cải chính công khai theo quy định của Bộ luật dân sự. Xuất phát từ nguyên lý như vậy nên dự thảo mới thiết kế theo hướng đã trình Quốc hội. Về trách nhiệm hoàn trả, Bộ trưởng cho biết vấn đề này đã được thảo luận rất kỹ. Về nguyên tắc là trách nhiệm bồi thường trong trường hợp công chức gây ra thiệt hại là trách nhiệm của nhà nước. Trong trường hợp công chức, người thi hành công vụ của mình làm sai thì nhà nước phải chịu trách nhiệm, cùng với đó là trách nhiệm hoàn trả của những người trực tiếp gây ra. Trong dự thảo luật này vẫn theo nguyên tắc là trách nhiệm chính là của nhà nước. Nhưng cũng có trường hợp hoàn trả 100% và các trường hợp khác thì căn cứ vào mức độ lỗi của những người thi hành công vụ để tính ra các mức cụ thể. Riêng về liên đới bồi hoàn quy định tại Khoản 3, Điều 64 dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục phải có đầu tư để quy định cụ thể. Trước đó, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước [sửa đổi], Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đồng thời, đề nghị rà soát, bổ sung các trường hợp khác thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được pháp luật quy định, bảo đảm quyền của người dân cũng như hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để chỉnh lý dự thảo Luật trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước: Đa số ý kiến đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị, người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường. Tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường. Đối với việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại nên cho đến nay chưa có trường hợp nào giải quyết bồi thường theo thủ tục nói trên. Hơn nữa, giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại cũng là cơ chế giải quyết theo thủ tục hành chính, do đó nên tập trung vào một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.  Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự: Đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật thuộc về Viện kiểm sát vì cho rằng trong giai đoạn này Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và do đó cần xác định Viện kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến đề nghị xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý cụ thể từng điều, khoản và xây dựng 2 phương án tại các điều này để lấy ý kiến các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Qua tổng hợp, đa số ý kiến đều thống nhất với phương án quy định tại các điều này như dự thảo Luật Chính phủ trình. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như được thể hiện tại các điều 34, 35 và 36 của dự thảo Luật.

Theo Báo điện Pháp luật Việt Nam - Baophapluat.vn

Khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự [BLDS] năm 2015 quy định: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.

Điều 150 BLDS năm 2015 quy định bốn loại thời hiệu: thời hiệu hưởng quyền dân sự [khoản 1]; thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự [khoản 2]; thời hiệu khởi kiện [khoản 3]; và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự [khoản 4].

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước [TNBTCNN] năm 2017 có quy định về thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường [khoản 1 Điều 6], thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường [Điều 52], và thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính [khoản 2 Điều 6].

Một số vấn đề pháp lý đặt ra là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường và thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường trong Luật TNBTCNN là giống nhau hay khác nhau? Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường có phải là loại thời hiệu đặc trưng, riêng có trong Luật TNBTCNN mà BLDS không có quy định[1]? Một số nội dung liên quan đến thời hiệu trong Luật TNBTCNN được thể hiện như thế nào? Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính được thể hiện ra sao?… Chúng ta sẽ lần lược đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi vừa nêu để góp phần làm sáng rõ pháp luật thực định, áp dụng thống nhất pháp luật và hoàn thiện pháp luật về thời hiệu trong Luật TNBTCNN nói riêng cũng như pháp luật dân sự nói chung.

 1.Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5[2] của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự”.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường vừa nêu trên là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường được giải quyết [theo thủ tục] tại cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Điều này có nghĩa rằng, người yêu cầu bồi thường yêu cầu chính cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết bồi thường[3].

Trước đây và hiện nay, ngoài thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, BLDS chỉ có quy định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Cụ thể hiện nay, theo khoản 3 và 4 Điều 150 BLDS năm 2015, “thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” và “thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.

Với các quy định nêu trên, “thời hiệu khởi kiện” là “thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự”, còn “thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự” là “thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự”. Như vậy, BLDS phân biệt “thời hiệu khởi kiện” và “thời hiệu yêu cầu” là dựa vào tiêu chí phân biệt “vụ án dân sự” hay “việc dân sự” theo tố tụng dân sự, và trong cả hai trường hợp, yêu cầu đều được tiến hành tại Tòa án.

Theo chúng tôi, so với BLDS, Luật TNBTCNN đã theo một hướng khác mang tính đặc thù, riêng có liên quan đến thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường. Ở đây, thời hiệu được nêu tại khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 không phải là thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự về vấn đề bồi thường và cũng không phải là thời hiệu để yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự liên quan đến vấn đề bồi thường, mà là thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Nói cách khác, Luật TNBTCNN đã tạo ra một loại thời hiệu mới chưa được quy định trong BLDS.

Với những nội dung được trình bày ở phần trên, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015, Luật TNBTCNN năm 2017, chúng tôi thấy cần thiết nên ghi nhận trong các văn bản này một khái niệm về thời hiệu yêu cầu bồi thường, cụ thể như sau: Thời hiệu yêu cầu bồi thường là thời hạn mà chủ thể bị thiệt hại được quyền yêu cầu chủ thể có chức năng giải quyết bồi thường do Luật quy định tiến hành giải quyết yêu cầu bồi thường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể mất quyền yêu cầu bồi thường.

Hiện nay, khi chưa có khái niệm nêu trên được ghi nhận trong BLDS và Luật TNBTCNN hiện hành thì trong án lệ cũng như thực tiễn xét xử, Tòa án nên có sự giải thích theo hướng xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường là một loại thời hiệu trong pháp luật dân sự, riêng có và có tình đặc thù trong Luật TNBTCNN.

 2.Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án

Theo pháp luật nội dung, khoản 3 Điều 150 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.

Theo pháp luật hình thức, khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

 * Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết bồi thường

Luật TNBTCNN năm 2017 [điểm a khoản 1 Điều 52] quy định: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp: Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Đối với trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường giống với thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là 03 năm, kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Điểm khác biệt đối với hai loại thời hiệu này là trong thời hạn 03 năm ấy, người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ [khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017]; hoặc có quyền khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án [điểm a khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017].

 * Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi đã yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết nhưng sau đó rút yêu cầu bồi thường

Luật TNBTCNN năm 2017 [điểm b khoản 1 Điều 52] quy định: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp: Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51[4] của Luật này”.

Đối với trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án vẫn là 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường giống như thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ giải quyết bồi thường được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.

Điểm khác biệt về thời hiệu được quy định tại điểm a và thời hiệu được quy định điểm b của khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017 là trong thời hạn 03 năm ấy, điểm a quy định người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện trực tiếp đến Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường và trong trường hợp này, người yêu cầu bồi thường không yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ; còn điểm b quy định người yêu cầu bồi thường sau khi đã yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, rồi sau đó họ rút yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường, và người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường.

 * Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi nhận được quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Luật TNBTCNN năm 2017 [khoản 2 Điều 52] quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47[5] của Luật này mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Theo quy định trên, thời hiệu khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường là rất ngắn, chỉ có 15 ngày. Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm đến sự kiện pháp lý và thời điểm bắt đầu của thời hiệu, đó là “kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường”. Điều này có nghĩa rằng, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường, nếu người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ thì có quyền khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự trong thời hạn 15 ngày để yêu cầu Nhà nước bồi thường.

 * Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi có biên bản kết quả thương lượng thành với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Luật TNBTCNN năm 2017 [khoản 2 Điều 52] quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành quy định tại khoản 7 Điều 46[6] của Luật này mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Theo khoản 1 Điều 47 Luật TNBTCNN năm 2017, “Ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng”. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, khách quan hay chủ quan mà sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ[7] ra Tòa án trong thời hạn 15 ngày [kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành] để yêu cầu Nhà nước bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

 * Thời hiệu khởi kiện ra Tòa án khi có biên bản kết quả thương lượng không thành với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ

Luật TNBTCNN năm 2017 [khoản 2 Điều 52] quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật này thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”.

Thời hiệu khởi kiện này liên quan đến việc người bị thiệt hại đã yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ và thủ tục thương lượng việc bồi thường đã được thực hiện nhưng kết quả thương lượng không thành. Do vậy, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu Nhà nước bồi thường.

 3.Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

Luật TNBTCNN năm 2017 đã cũng cố thêm khả năng người bị thiệt hại [người yêu cầu bồi thường] có quyền yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính để “tiết kiệm được thời gian, chi phí cho cả hai bên, đồng thời cũng phù hợp với quy định tại nhiều luật hiện hành như Luật Khiếu nại năm 2011, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2015”[8].

Luật TNBTCNN năm 2017 [khoản 1 Điều 55] quy định: “Việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính”.

 * Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong tố tụng hành chính

Đối với thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, khoản 2 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính”. Với quy định vừa nêu, các loại thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là 3 năm tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường là 03 năm theo thủ tục tố tụng dân sự… được trình bày ở phần trên không được áp dụng, bởi lẽ không có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 [Điều 116] quy định: Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính [điểm a khoản 2]. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện: là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai [điểm a khoản 3]; là 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại [điểm b khoản 3].

 * Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong tố tụng hình sự

BLTTHS năm 2015 [Điều 30] quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Đối với yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, Luật TNBTCNN năm 2017 không có quy định về thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường. Điều này có nghĩa rằng, thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ án hình sự [khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử] theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

 Kết luận và kiến nghị

Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định nhiều loại thời hiệu khác nhau như thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, thời hiệu khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu Nhà nước bồi thường, thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính. Theo chúng tôi, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định nhiều loại thời hiệu như vậy là xuất phát từ việc đa dạng hóa các thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do Nhà nước gây ra.

Trong bài viết, chúng tôi đã làm rõ và khẳng định thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là loại thời hiệu đặc trưng riêng có trong Luật TNBTCNN, đưa ra khái niệm thời hiệu yêu cầu bồi thường, phân loại thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự, làm rõ thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần làm sáng rõ pháp luật thực định, áp dụng thống nhất pháp luật và hoàn thiện pháp luật về thời hiệu trong Luật TNBTCNN cũng như pháp luật dân sự.

Thông qua việc nghiên cứu pháp luật thực định và thực tiễn xét xử, chúng tôi thấy cần thiết có một Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc [và] một Thông tư liên tịch của các ngành liên quan để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về thời hiệu yêu cầu, khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường nói riêng cũng như những vấn đề khác trong Luật TNBTCNN năm 2017 nói chung.

Một vụ xin lỗi người bị oan tại Long An – Ảnh: Triều Sinh [Báo Đồng khởi]

[1] Khoản 1 Điều 149 BLDS năm 2015 còn quy định: “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.

[2] Điều 5 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: Người yêu cầu bồi thường là “Người bị thiệt hại” [khoản 1]; “Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại” [khoản 2]; “Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự” [khoản 3].

[3] So với Luật TNBTCNN năm 2009, chúng ta thấy Luật TNBTCNN năm 2017 đã có sự thay đổi lớn về vai trò của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Trước đây, cơ quan này vừa là cơ quan giải quyết bồi thường vừa là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Ngày nay, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là Nhà nước và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có vai trò là cơ quan giải quyết bồi thường và là đại diện Nhà nước tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trước Tòa án [Xem thêm Đỗ Văn Đại và Nguyễn Trương Tín, Pháp luật Việt Nam về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 298, 402].

[4] Luật TNBTCNN năm 2017 [điểm a khoản 1 Điều 51] quy định: “Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ: Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại”.

[5] Khoản 2 Điều 47 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày trao cho người yêu cầu bồi thường”.

[6] Khoản 7 Điều 46 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người giải quyết bồi thường phải lập biên bản kết quả thương lượng. Biên bản kết quả thương lượng phải ghi rõ những nội dung chính quy định tại khoản 5 Điều này, xác định rõ việc thương lượng thành hoặc không thành. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu bồi thường, chữ ký của đại diện các cơ quan, người tham gia thương lượng quy định tại khoản 3 Điều này và được giao cho mỗi người 01 bản tại buổi thương lượng”.

[7] Khoản 7 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: “Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đại diện Nhà nước tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn”.

[8] Báo cáo số 152/BC-UBPL14 ngày 13-10-2016 về Thẩm tra Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước [sửa đổi] của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Video liên quan

Chủ Đề