Mức đền bù dịch sang tiếng anh là gì

Thuật ngữ Compensation, tạm dịch là sự đền bù - đề cập đến một loại cơ chế phòng vệ mà trong đó một người đạt được thành tích vượt trội trong một lĩnh vực để bù đắp cho những thất bại trong lĩnh vực khác. Ví dụ, những cá nhân có cuộc sống gia đình nghèo khó có thể tập trung vào việc trở nên xuất sắc và vượt xa hơn những gì mà công việc yêu cầu. Theo đó, những người thực hiện đền bù sai lầm đã ngụy trang những bất cập, thất vọng, căng thẳng của họ. Mặc dù chiến lược tâm lý này có lợi, nhưng đôi khi nó cũng có thể gây ra vấn đề khi bạn lạm dụng hoặc áp dụng nó sai cách.

Cơ Chế Phòng Vệ (Defense Mechanisms) Là Gì?

Cơ chế bảo vệ là những phản ứng vô thức giúp bảo vệ mọi người khỏi cảm giác lo lắng hoặc các mối đe dọa đến ý thức về bản thân của họ. Những sự bảo vệ này lần đầu tiên được mô tả bởi nhà phân tâm học Sigmund Freud như là một phần của Lý thuyết Nhân cách (nhân cách ở đây được hiểu theo nghĩa là đặc điểm, tính cách của con người) của ông và sau đó tiếp tục được xây dựng bởi con gái ông - nhà phân tâm học Anna Freud.

Nhà tâm lý học Alfred Adler đã mô tả sự đền bù (Compensation) rằng, cơ chế phòng vệ này có thể được sử dụng để ứng phó với cảm giác kém cỏi. Sự đền bù này có thể dẫn đến tác động tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ, một người có thể bù đắp cho sự thiếu sót của bản thân trong một lĩnh vực bằng cách trau dồi các kỹ năng của họ trở nên điêu luyện hơn trong một lĩnh vực khác – đây là điều tích cực. Tuy vậy, tác động tiêu cực của điều này là họ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, thậm chí là hạnh phúc của bản thân để có thể là đạt được thành tích phi thường (thường là vượt quá khả năng của họ).

Nhìn chung, các Cơ chế phòng vệ (điển hình là sự đền bù) giúp bảo vệ bản thân khỏi cảm giác lo lắng. Mặc dù chúng thường có thể có tác động tiêu cực, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng theo những cách hợp lý và lành mạnh.

Sự Đền Bù Là Gì?

Sự đền bù (Compensation) được định nghĩa là sự xuất sắc trong một lĩnh vực để bù đắp cho những thâm hụt hoặc yếu kém trong một lĩnh vực khác. Bằng cách này, bạn thu hút sự chú ý vào lĩnh vực mà bạn có thế mạnh nhiều hơn và giảm thiểu mối quan tâm của mọi người đến lĩnh vực là thế yếu của bạn. Thuật ngữ Đền bù thường được sử dụng đồng nghĩa với thuật ngữ Bù đắp quá mức (overcompensation) với ý nghĩa là sự bù đắp vượt xa những gì cần thiết để bù đắp cho sự thiếu hụt của họ và đôi khi mang lại những tác động tiêu cực.

Thuật ngữ Đền bù được sử dụng thường xuyên một cách đáng ngạc nhiên trong ngôn ngữ hàng ngày. Ví dụ mọi người thường nói rằng ai đó “chỉ đang bù đắp quá mức cho điều gì đó” (just overcompensating for something) để ngụ ý rằng một người đang ham mê thái quá trong một lĩnh vực để che giấu sự bất an về các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.

Trong một số trường hợp, sự đền bù này có thể xảy ra một cách có ý thức. Chẳng hạn nếu bạn biết rằng kỹ năng thuyết trình trước đám đông của mình không tốt thì bạn có thể cố gắng bù đắp điều này bằng cách thể hiện khả năng giao tiếp bằng văn bản một cách xuất sắc tại nơi làm việc. Trong những trường hợp khác, sự đền bù có thể xảy ra một cách vô thức. Bạn thậm chí có thể không nhận ra cảm giác kém cỏi tiềm ẩn của chính mình dẫn đến việc bạn phải bù đắp trong các lĩnh vực khác.

Những Cách Thức Khác Nhau Của Đền Bù Sai Lầm

Sự bù đắp quá mức (Overcompensation) xảy ra khi mọi người cố gắng đạt thành tích vượt mức trong một lĩnh vực để bù đắp cho những thiếu sót trong một khía cạnh khác của cuộc sống.

Sự bù đắp dưới mức (Undercompensation) xảy ra khi mọi người giải quyết những thiếu sót của bản thân bằng cách phụ thuộc hoặc dựa dẫm vào người khác.

Ví Dụ Về Đền Bù

Để tìm hiểu sự đền bù ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của một người, chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ dưới đây:

Một học sinh cảm thấy rằng mình là một thành viên kém cỏi trong đội thể thao của trường và không bao giờ được chọn thi đấu trong các bộ môn thể dục. Học sinh này sẽ bù đắp quá mức bằng cách tham gia nhiệt tình vào các hoạt động khác của trường như câu lạc bộ kịch và hay câu lạc bộ truyền thông của trường.

Một học sinh cảm thấy mình học môn toán quá kém nên đã bù đắp dưới mức bằng cách trở nên quá phụ thuộc vào giáo viên và các bạn cùng lớp để được hỗ trợ trong học tập.

Một người trong gia đình cảm thấy buồn bã vì nấu ăn không giỏi, họ sẽ bù đắp bằng cách rửa bát sau bữa ăn và dọn dẹp căn bếp thật ngăn nắp, sạch sẽ.

Một người bù đắp cho thói quen hút thuốc có hại cho sức khỏe bằng cách cam kết ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày.

Một học sinh trung học trải qua cảm giác tự ti vì cậu ấy không thể chơi bóng rổ hay như các bạn cùng trang lứa. Vì vậy, cậu ấy đăng ký tập bóng rổ và bắt đầu tự tập mỗi ngày sau giờ học. Cuối cùng, cậu trở thành một cầu thủ bóng rổ giỏi, thậm chí còn giỏi hơn nhiều bạn bè của của cậu trước đây.

Ưu Điểm Và Nhược Điểm Của Sự Đền Bù

Sự đền bù có những tác động mạnh mẽ đến các quyết định về hành vi và sức khỏe của mỗi người. Mặc dù đền bù sai lầm thường được miêu tả dưới góc độ tiêu cực, nhưng nó có thể có tác động tích cực trong một số trường hợp.

Ưu Điểm

Adler đề cập rằng khi mọi người trải qua cảm giác kém cỏi, họ sẽ tự động có nhu cầu bù đắp để cố gắng vươn lên. Kết quả là mọi người thúc đẩy bản thân khắc phục điểm yếu và đạt được mục tiêu của mình. Điều này có thể dẫn đến một số tác động tích cực, chẳng hạn như:

  • Tăng động lực

Mọi người có thể cảm thấy có động lực để thành công trong một lĩnh vực nào đó vì họ cảm thấy không an toàn hoặc không tự tin trong các lĩnh vực khác. Ví dụ một người không tự tin vào khả năng tính toán có thể thử làm một công việc liên quan đến viết lách.

  • Xây Dựng Hình Ảnh Bản Thân Tốt Hơn

Những người tập trung sự chú ý và nỗ lực vào điểm mạnh của mình có thể có ý thức tốt hơn về bản thân.

  • Phát Triển Bản Thân

Khi mọi người cảm thấy không an toàn hoặc kém cỏi, sự bù đắp sẽ thúc đẩy họ phát triển các kỹ năng mới ở những lĩnh vực mà họ cảm thấy không tự tin hoặc ở những lĩnh vực mà họ đã có thế mạnh.

Hãy tưởng tượng rằng bạn mới bắt đầu tham gia một lớp khiêu vũ. Ban đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy lạc lõng và thậm chí hơi rụt rè vì những người khác dường như đã rất giỏi, rất thành thạo và có kinh nghiệm. Vì những cảm giác tự ti ban đầu này, bạn có thể chuyển sang tập yoga tại nhà để cải thiện tính linh hoạt của cơ thể, từ đó giúp cải thiện khả năng khiêu vũ của bạn. Nhờ sự thôi thúc ban đầu để vượt qua cảm giác tự ti ở lớp khiêu vũ, bạn đã có thể phát triển các kỹ năng mới (yoga) và gắn bó với thói quen tập luyện mà bạn thực sự yêu thích.

Nhược điểm

Đền bù được coi là một cơ chế phòng vệ nhưng chúng cần được sử dụng một cách hiệu quả để mang lại lợi ích. Tuy nhiên, sự đền bù cũng có thể ngăn mọi người thử những điều mới hoặc cố gắng giải quyết những thiếu sót của bản thân trong một lĩnh vực nào đó (hay nói cách khác là trốn tránh). Ví dụ đơn giản nhất mà chắc hẳn mỗi chúng ta đều quen thuộc là nếu chẳng hạn điểm toán của chúng ta quá thấp thì chúng ta thường cố gắng đạt điểm cao ở các môn khác như lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, … để bù đắp cho điểm toán kia (thay vì học toán chăm chỉ và chữa lỗi sai bài kiểm tra toán một cách cẩn thận). Hay ví dụ một sinh viên đại học năm nhất cảm thấy tự ti vì cô ấy có ít bạn bè. Cô ấy thấy các bạn cùng trang lứa tham gia vào các cuộc trò chuyện sôi nổi với bạn bè của họ ở mọi nơi cô ấy đến và cô cảm thấy lạc lõng giữa những cuộc vui cũng như không biết nói gì để hòa mình vào những cuộc trò chuyện ấy. Vì vậy cô ấy bù đắp cho điều này bằng cách thay vì tìm kiếm các mối quan hệ xã hội, cô ấy vùi mình vào việc học và dành ít thời gian để vui chơi hoặc tham gia các sự kiện xã hội. Trong trường hợp này, sự đền bù đã thực sự ngăn cản cô ấy vượt qua cảm giác tự ti.