Luật y tế 2023

Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/ tháng

Ngày 20/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2023 chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng [khoảng 20,8%]. Đồng thời sẽ tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2023 áp dụng điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. “Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền”, ông Phớc nêu. Đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí lùi thời gian thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đồng thời, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Chỉ rõ địa chỉ để xảy ra lãng phí nghiêm trọng

Sáng 20/10, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 7 dự án luật khác. Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này đều rất quan trọng. Trong đó, dự án Luật Ðất đai [sửa đổi] nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược, lâu dài; không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm.

Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Ðây là nội dung giám sát quan trọng, có quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên nhiều lĩnh vực được quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những lĩnh vực, những địa bàn, những địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng.

THÀNH NAM

Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự

Chiều 20/10, Quốc hội họp riêng về vấn đề nhân sự. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Trần Sỹ Thanh; Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Nguyễn Văn Thể. Sau khi trình dự kiến nhân sự, hôm nay [21/10], Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu 3 lý do cần thực hiện tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023.

3 lý do thực hiện tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023

Thảo luận tại Tổ 6, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023, với các lý do:

Một là, sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 giờ đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cần được quan tâm xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Hai là, hiện nay lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc nhất là công chức, viên chức ngành y tế. Do vậy việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực hiện nay.

Ba là, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào 1/7/2019 nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào 1/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ thì phải sau 4 năm lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8% . Trong khi đó các chỉ số tiêu dùng tăng qua các năm bình quân là 11,8%;…

Đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, theo thống kê đã có gần 40. 000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống.

Vì vậy, đại biểu cho rằng để kéo dãn chênh lệch mức lương giữa khu vực công và tư, góp phần ngăn chặn sự dịch chuyển này cần quan tâm kịp thời đến các chế độ đãi ngộ, trong đó có việc điều chỉnh lương cơ sở.

Cùng chung quan điểm này, các đại biểu tổ 10 [gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai] cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Tăng lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý

Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Chính sách tiền lương cũng là chính sách tạo cho người lao động nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng đảm bảo để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, việc đưa nội dung về điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý; tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. 

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục. 

Trong đó, số lượng công chức, viên chức thôi việc chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm của năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm của năm 2022.

Cũng theo đại biểu, số lượng cán bộ công chức viên chức nghỉ việc trọng tâm, trọng điểm ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và đặc biệt là những nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất của các địa phương, ….

Về nguyên nhân, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch COVID -19 đã tác động trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, chi phối, tác động đến cả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công chức, viên chức, nhất là viên chức phải chịu áp lực rất lớn về công việc. Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, giáo dục.

Cần phải xem xét lại một cách toàn diện, tổng thể về công tác cán bộ

Theo đại biểu, giải pháp được đưa ra là cần tập trung quan tâm, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, cần phải xem xét lại một cách tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, công tác sử dụng và công tác quản lý.

Phải nhìn nhận một cách khách quan và công tâm về vấn đề này để thay đổi một cách toàn diện đặc biệt là vấn đề tuyển dụng đối với công chức, nhất là đối với hệ thống viên chức đang thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công ích trong bối cảnh của cơ chế thị trường.

Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, xây dựng môi trường thân thiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc.  

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà cũng chia sẻ thêm, trên thế giới  tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc cũng rất phổ biến. Ví dụ như Pháp hay Singapore,… mặc dù là những quốc gia có nền công vụ rất tốt thế nhưng tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Tra cho rằng: Cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư; xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo được sự cạnh tranh rõ ràng, công bằng giữa khu vực công, khu vực tư, để giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao;…

Chủ Đề