Lịch sử nhà nước và pháp luật thời Nguyễn

Trong sự nghiệp Đổi mới của nước ta hiện nay, quá trình cải cách Hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng, nhà nước cùng toàn dân quan tâm. Quá trình này vận dụng nhiều nguồn lực, trong đó có sự nghiên cứu và học tập từ lịch sử.

Chính vì vậy, hiện nay vấn đề lịch sử nhà nước và pháp luật trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều học giả. Đối với bản thân tôi, sau khi được giới thiệu và trang bị những kiến thức về lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, tôi thấy đây là vấn đề lý thú, có nhiều điều cần bàn. Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp luật Việt Nam qua các thời đại phong kiến dân tộc. Bởi vì, pháp luật nước ta thởi trung đại cho chúng ta biết khá sâu rộng về nhiều vấn đề: tổ chức nhà nước, hệ tư tưởng, nền kinh tế, hệ thống văn hoá, giáo dục, xã hội… cùng nhiều bài học ý nghĩa.

NHỮNG GIÁ TRỊ TỔNG QUAN LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

PHẦN NỘI DUNG

1. Đánh giá tổng quan về pháp luật Việt Nam qua các thời đại. Thời đại phong kiến Việt Nam bắt đầu và kết thúc từ khi nào, hiện nay còn là vấn đề gây tranh cãi của nhiều học giả. Nhưng phần đa ý kiến cho rằng thời đại phong kiến Việt Nam bắt đầu từ triều đại Ngô đến hết triều Nguyễn. Trên cơ sở ý kiến đó, bài viết này tập trung nghiên cứu pháp luật Việt Nam từ thời Ngô đến trước khi nước ta trở thành thuộc địa Pháp [938 – 1884]

1.1 Thời Ngô – Đinh – tiền Lê. Thời kì này, khi đất nước mới thoát khỏi hơn 1000 năm Bắc thuộc những nhà nước mở đầu cho thời kì quốc gia độc lập thống nhất. Vì vậy, nhà nước mang đậm màu sắc tù trưởng quân sự. Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến luật pháp.Từ những tư liệu ít ỏi, chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét đối với pháp luật thời kì này như sau:Triều đình chủ yếu dùng uy lực để răn dạy và chế ngự nhân dân, nhằm củng cố quyền lực trung ương. Các biện pháp rất cụ thể như vua Đinh cho đặt vạc dầu sôi lớn ở sân, kẻ nào phạm tội thì bỏ vào đó, vua còn nuôi hổ cũng nhằm răn đe những kẻ phạm tội. Phần nhiều ý kiến hiện nay cho rằng luật pháp thời kì này chưa thành văn mà chỉ dừng lại ở những biện pháp trên. Phổ biến vẫn là những phong tục tập quán của nhân dân. Những phong tục này vẫn được bảo tồn và phát triển trải qua quá trình lịch sử lâu dài. Nó ảnh hưởng sâu sắc và lớn lao đối với nhân dân.Những hạn chế của pháp luật thế kỉ X tập trung ở những điểm như có nhiều tuỳ tiện trong qui định, xét xử. Do đó dẫn đến sự không công bằng của luật pháp, không hiệu quả. Ngoài ra, các biện pháp hình phạt của Lê Long Đĩnh rất bất nhân tuỳ tiện, lấy hành động giết người làm thú vui: bắt người có tội trèo lên cây cao rồi chặt gốc để ngã chết, hay bắt người nhốt trong cũi, thả ven biển chờ nước triều lên ngập cũ làm sặc nước mà chết… Những hạn chế này được chấp nhận, nó phù hợp với hoàn cảnh lúc đó là nhà nước mới thoát nạn Bắc thuộc, trong thế kỉ bản lề của dân tộc.

1.2 Thời Lý: Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý, đặt nền móng cho một trong những triều đại thịnh trị của lịch sử phong kiến dân tộc. Song song với quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước là sự tiến bộ từng bước của pháp luật nhà Lý.Những đóng góp tích cực thể hiện qua các điểm sau:Pháp luật thành văn đầu tiên. Năm 1042, Lý Thái Tông ban hành bộ luật “hình thư”. Với sự kiện này, chứng tỏ nhà nước trung ương tập quyền đã tương đối ổn định, thiết chế tương đối hoàn chỉnh; khắc phục sự tản mạn, tuỳ tiện, bất thống nhất, không công bằng từ triều đại trước.Pháp luật triều Lý có phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ ở hình sự mà còn qui định về qui phạm pháp luật, giải quyết kiện cáo, khiếu nại thủ tục xét xử… tức luật tố tụng hình sự. Pháp luật xác định quyền sở hữu tài sản trâu bò, ruộng đất, việc cầm cố đoạt mại, việc tranh chấp ruộng ao… tức luật dân sự. Pháp luật còn qui định việc lấy vợ chồng, nuôi con nuôi, nghĩa vụ vợ chồng tức luật hôn nhân và gia đình. Nó còn qui định nguyên tắc tổng quát về hoạt động tổ chức nhà nước, như qui chế tuyển dụng quan lại, y phục của quan văn võ, qui chế bảo vệ cung cấm, khen thưởng, kỉ luật qui định nghĩa vụ của nhân dân nó có giá trị như luật hành chính. Hình thư còn qui định thuế má và cách thức thu thuế, tức luật hành chính. Hình thư qui định những tội và trị tội đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm bảo vệ tài sản, địa vị chính trị của giai cấp thống trị, tương đương luật hình sự.Pháp luật triền Lý còn được dùng để đòi đất: “nhà Tống vẫn giữ lại đất Vật Dương và Vật Hoá tức hai châu Quy Hoá và Thiên An với lí do hai châu đó là được tù trưởng thiểu số địa phương đem nộp cho nhà Tống. Chuyến đi đòi đất đó, vua Lý giao cho Lê Văn Thịnh làm sứ giả. Lê Văn Thịnh dùng pháp lý để đòi đất bằng lập luận: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp và trốn đi, thì đất ấy thành ra vật ăn cắp của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sổ sách của nhà vua.” . Nhà Tống đã chịu giao trả đất cho nhà Lý trước sự sắc sảo và chặt chẽ về pháp luật của sứ thần Đại Việt. Đây là thắng lợi ngoại giao lớn của Đại Việt nhờ sự góp sức của luật pháp.Triều Lý đã đặt nền móng cho các triều đại sau về kĩ thuật làm luật. Kĩ thuật lập pháp thời Lý đã đạt đến trình độ tiên tiến, thể hiện qua nhận thức và những qui định:- Một người nếu đã nhận thức được hành vi sai trái mà vẫn làm gây hậu quả nghiêm trọng mới được coi là kẻ tội phạm- Phân biệt tội cố ý và tội vô ý- Xác định người có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý về độ tuổi, sức khoẻ nhận thức…Hình thư đã xác định được những nguyên tắc tố tụng nhất định. Án đã xử xong thì không xử lại. Xác định thời gian còn được thưa kiện và thời gian kết án; xác định thẩm quyền của tài phán; cưỡng chế và miễn hình phạt đối với người phạm tộiSong song với công tác xét xử, làm luật là biện pháp mà nhà Lý pháp luật vào cuộc sống. Chia dân theo các bảo [mỗi bảo có 3 hộ gia đình] để kiểm soát, tố cáo và cùng chịu trách nhiệm, từ đó tạo được mạng lưới an ninh nhân dân. Hay nhà Lý cho đặt chuông kêu oan ở của công đình, dân có oan thì đến đánh chuông kêu oan. Ngoài ra, pháp luật nhà Lý có qui định khen thưởng đối với những người tích cực tố giác tội phạm.Hạn chế thấy rõ nhất của luật pháp nhà Lý là cho người phạm tội được chuộc tội bằng tiền. Qui định này làm bất công giữa người giàu và kẻ nghèo. Người nghèo không có tiền phải chịu tội, còn kẻ giàu lấy tiền coi thường luật pháp, trở nên hống hách. Điểm hạn chế này không được khắc phục ở những triều đại sau mà còn gia tăng mạnh mẽ nhất là thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nó phát triển thành nạn mua bán quan tước và nạn tham nhũng.

1.3 Thời Trần Nhà Trần thay thế nhà Lý [1225] tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có luật pháp. Nhà Trần có nhiều văn bản luật hoàn chỉnh hơn so với nhà Lý. Nổi bật lên là những bộ luật: “Quốc triều tống chế”; “Quốc triều thường lễ”[1230]; “Hoàng triều ngọc điệp” [1267]; “Hoàng triều đại điển” [1341]; “Hình luật thư” [1341]; “Công văn cách thức” [1290]… Hầu hết những văn bản luật này có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát hầu hết mọi lĩnh vực đời sống. Pháp luật triều Trần đề cao ý thức tự chủ, ý thức độc lập dân tộc và sự sáng tạo. Nhà Trần lập ra những cơ quan pháp luật chuyên trách: Thẩm hình viện; tam ti viện; quan địa phương…. Như vậy, triều Trần đã có bước phát triển hơn hẳn về pháp luật so với nhà Lý.Điểm hạn chế của pháp luật Trần ngoài qui định cho chuộc tội bằng tiền, ruộng, pháp luật nhà Trần thể hiện sâu sắc chế độ đẳng cấp như cấm dân không được ăn mặc, xây nhà cửa giống quan lại quý tộc; cùng phạm tội nhưng người đó là quí tộc thì chiụ phạt nhẹ hơn. Thừa nhận sự tồn tại của chế độ nô tỳ. Nhà Trần hôn nhân đồng tộc do đó pháp luật không có qui định về hôn nhân gia đình, thừa nhận tảo hôn, bảo vệ chế độ gia trưởng …

1.4 Thời Hồ Cuối thế kỉ XIV, triều đại Trần bước vào giai đỵan suy vi, tình hình đất nước rối ren, nông dân khởi nghĩa. Nhân thời cơ đó, Hồ Quý Ly đoạt ngôi về tay họ Hồ [1400]. Cũng trong giai đoạn này, Hồ Quý Ly cho thi hành cuộc cải các táo bạo. Cuộc cải cách không lấy được lòng dân nên không thành công. Cũng trong thời gian đó, quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ kháng chiến nhanh chóng bị thất bại. Đất nước rơi vào tay giặc. Quân Minh thi hành chính sách vơ vét, bóc lột kinh tế và tàn phá các giá trị văn hoá Đại Việt.Các tư liệu rất ít nhắc đến luật pháp triều Hồ. Tuy nhiên, nhà Hồ có ban hành bộ “Đại Ngu quan chế hình luật” nhưng hiện nay không còn do quân Minh sang đốt phá.. Những chính sách tích cực gắn liền với luật pháp như hạn điền, hạn nô nhằm hạn chế sự cướp đoạt ruộng đất của quý tộc Trần

1.5 Thời Lê sơ Năm 1427, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi mở ra cho lịch sử dân tộc một triều đại thịnh trị. Vài chục năm sau vua Lê Thánh Tông anh minh, đã thực hiện những chính sách cai trị tương đối tiến bộ. Trong luật pháp, nhà Lê đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh, phát triển thành đỉnh cao trong lịch sử pháp luật phong kiến dân tộc. Trong đó nổi lên các bộ luật: “Quốc triều hình luật”; “Luật thư”, “Quốc triều luật lệ”, “Lê triều quan chế [1471], “Thiên nam dư hạ tập” [1483], “Hồng Đức thiện chính thủ” [1470 – 1497]… Các bộ luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng và qui định rất chi tiết.Trong pháp luật Lê sơ nổi lên vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đó là pháp luật đã bảo vệ quyền lợi người phụ nữ. Đây là điều đặc biệt tiến bộ xét trong hoàn cảnh triều Lê sơ là nhà nước phong kiến chuyên chế mang tư tưởng Nho giáo sâu sắc. Tư tưởng Nho giáo không đề cao phụ nữ. Tuy luật Hồng Đức có học tập các bộ luật của Trung Hoa nhưng về mặt này thì tiến bộ hơn hẳn.Luật tố tụng chặt chẽ thể hiện sự tiến bộ nhân ái, tác dụng ngăn chặn sự tuỳ tiện và thiếu công bằng trong xét xử, buộc người xét xử phải có trách nhiệm đối với những qui định như trên. Do đó luật pháp được đề cao và có tác dụng.Nhà Lê sơ được đánh giá là triều đại với tay đến “lệ làng” một cách sâu sắc và hiệu quả nhất so với các triều đại khác. Đã từ lâu, những phong tục của nhân dân tồn tại trong các làng xã song song với pháp luật nhà nước. Mỗi làng xã là một cộng đồng tương đối hoàn chỉnh. Người dân sống trong làng xã rất tôn trọng “lệ làng” mà xa vời “phép nước”. Lệ làng được biểu hiện qua truyền miệng hoặc bản hương ước. Vua Lê Thánh Tông ra chính sách các làng muốn làm hương ước phải soạn và thông qua quan trên. Từ đó nhà nước có thể kiểm soát tốt hơn hương ước làng xã, biến hương ước trở thành bản cụ thể hoá pháp luật nhà nước.“Luật Hồng Đức thể hiện rõ nét ý thức giai cấp của nhà Lê trong các mối quan hệ nhưng cũng phản ánh khá rõ nét tính dân tộc. Ở đây nổi lên ý thức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, của người dân tự do cũng như ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.”

1.6 Thời nhà Mạc, Lê trung hưng và Nguyễn Tây Sơn. Sau giai đoạn thịnh trị của nhà nước Đại Việt là khoảng thời gian xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng từ cuối thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XVIII. Các cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến với nhau, các cuộc khởi nghĩa nông dân từ Đàng ngoài đến Đàng trong là những sự kiện nổi bật nhất.Thời kì này, luật pháp chủ yếu theo luật thời Hồng Đức. Ở Đàng ngoài xuất hiện thêm bộ “Khánh tụng điều lệ”qui định các thủ tục rõ ràng chặt chẽ hơn. Ngoài ra luật pháp Đàng ngoài có thêm những qui định về cấm đạo Thiên chúa.Ở Đàng trong thế kỉ XVIII, nạn tham nhũng phát triển mạnh. Quan phủ xét kiện ăn hối lộ, bòn rút của dân làm nguồn thu chính. Triều đại Tây Sơn tồn tại ngắn ngủi nên pháp luật không có điểm nổi bật.Nhìn chung pháp luật thời kì này dựa trên bộ luật Hồng Đức. Vì bộ luật đó khá hoàn chỉnh. Và ánh hào quang của nhà Lê vẫn còn nên nó là cơ sở cho sự tồn tại lâu năm của luật Hồng Đức. Ngoài ra, pháp luật không có những thay đổi mạnh vì pháp luật phải dựa trên nền tảng ổn định về chính trị, trong khi thời kì này loạn lạc nhiều.

1.7 Thời nhà Nguyễn Nguyễn Ánh sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn đã lập ra triều đình nhà Nguyễn. Triều Nguyễn xây dựng trên cơ sở đề cao tư tưởng Nho giáo. Nhà Nguyễn có 13 đời vua nhưng phần lớn giữ ngôi khi đất nước thuộc Pháp. Pháp luật được đặt ra theo hệ tư tưởng Nho giáo. Từ khi Pháp xâm lược, chúng đã có nhiều tác động đến hệ thống luật pháp nhà Nguyễn. Do đó, bài viết này chỉ nghiên cứu pháp luật phong kiến Việt Nam trước khi có thực dân xâm lược, tức là đến năm 1858.Hiện nay chúng ta có nhiều tư liệu viết về pháp luật triều Nguyễn. Nổi bật nhất trong số bộ luật triều Nguyễn là bộ “Hoàng triều luật lệ” hay còn gọi là luật Gia Long. Bộ luật này cũng giống luật Hồng Đức về phạm vi điều chỉnh rất rộng. Luật Gia Long mang nặng tư tưởng Nho giáo. Nó học tập gần như nguyên mẫu luật của Đại Thanh.Điểm hạn chế của luật Gia Long nói riêng và luật triều Nguyễn nói chung là nó mang nặng tính phân biệt đẳng cấp khắt khe. Nó gần như không có tính dân tộc trong đó vì luật Gia Long gần như sao chép hoàn toàn luật Đại Thanh. Vì vậy, nó tước bỏ quyền phụ nữ, ít quan tâm đến phong tục tập quán và các vấn đề dân luật, ít chú ý đến quan hệ tài sản giữa vợ và chồng… Luật Gia Long là một bước tụt hậu so với luật Hồng Đức.Như vậy, trải qua quá trình lịch sử từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX, pháp luật phong kiến nước ta đã có sự phát triển đi đến hoàn thiện về văn bản luật, phạm vi điều chỉnh, cơ quan chuyên trách… Pháp luật Việt Nam qua các triều đại có sự tồn tại song song giữa luật pháp nhà nứơc với phong tục của nhân dân, nó bao gồm pháp trị và đức trị. Khi nghiên cứu những đặc điểm này sẽ cho chúng ta những bài học lịch sử ý nghĩa.

2. Những bài học rút ra

Thứ nhất, pháp luật nước ta hầu hết tham khảo từ pháp luật Trung Quốc, tuy nhiên nó cũng thể hiện tính dân tộc nổi bật. Tính dân tộc là sự sáng tạo của luật pháp Trung Quốc vào hoàn cảnh thực tế nước ta. Nó đảm bảo cho tính thực thi pháp luật một cách nghiêm túc. Như vây, trong công tác lập pháp hiện nay không những phải đảm bảo tính dân tộc tự chủ, mà còn chú ý đến tính thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, pháp luật các triều đại phong kiến mang nhiều hạn chế trong đó có sự bất công bằng giữa quan lại quý tộc với người dân, giữa người giàu với kẻ nghèo. Pháp luật phong kiến cho phép chuộc tội bằng tiền, tức là bảo vệ lợi ích của người giàu. Pháp luật phải đảm bảo tính công bàng thì dân mới phục. Dân có phục thì luật mới thực thi được. Ngày nay, một nguyên tắc của pháp luật nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc này luôn được tôn trọng thể hiện tính dân chủ bình đẳng của nhà nước cách mạng.

Thứ ba, muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì nước ta phải hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật. Mọi người dân đều biết pháp luật, tôn trọng pháp luật. Mọi hoạt động của xã hội đều tuân theo pháp luật nhà nước. Ngay từ các triều đại Lý Trần, nhà nước đã chia dân theo các bảo để giám sát lẫn nhau, tích cực tham gia tố giác tội phạm, hay đặt chuông kêu oan… Đó là những biện pháp cụ thể để đưa luật pháp vào cuộc sống mà ngày nay chúng ta cần học tập.

Thứ tư, pháp luật nhà nước và phong tục nhân dân ở các làng xã luôn gắn bó và tồn tại song song với nhau. Nhìn chung “lệ làng” là sự cụ thể hoá hoặc bổ sung pháp luật nhà nước trong địa phương nhất định. Nhà nước cần tôn trọng lệ làng vì nó gắn bó với văn hoá làng xã của dân tộc ta hàng ngàn đời nay. Nó có ảnh hưởng lớn đến cư dân trong vùng, vì vậy nhà nước cần vận dụng đặc điểm này để quản lý đất nước bằng pháp luật một cách hiệu quả nhất.

KẾT LUẬN

Lịch sử nhà nước và pháp luật thời trung đại chứa đựng nhiều bài học cho thực tiễn cách mạng hiện nay. Qua nghiên cứu luật pháp nước ta trải qua các triều đại, chúng ta thấy được những ưu điểm và hạn chế của pháp luật từng thời kì. Từ đó, chúng ta rút ra được các bài học lịch sử cụ thể về tính dân tộc, tính công bằng, việc giáo dục pháp luật và mối quan hệ gắn bó giữa “phép vua” với “lệ làng”. Ngày nay, trong công cuộc Đổi mới đất nước, việc nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật lại càng đặt ra mạnh mẽ hơn. Hi vọng, trong thời gian sau nay, tôi lại được nghiên cứu đề tài này thấu đáo hơn.

___________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Học viện Hành chính quốc gia. Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. NXB Giáo dục. Hà Nội. 19992. Trương Hữu Quýnh [chủ biên]. Đại cương lịch sử Việt Nam. NXB Giáo dục. Hà Nội. 20053. Cao Văn Liên. Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước. NXB Thanh niên. Hà Nội. 20044. Các tạp chí nghiên cứu lịch sử.

Nguyễn Bá Tùng

Video liên quan

Chủ Đề