Hút thuốc lá nơi công cộng thể hiện hành vi

[PLO]-  Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc.

Dù ngày 31-5 hằng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là ngày Thế giới không thuốc lá và tại Việt Nam chúng ta đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng việc hút thuốc lá nơi công cộng, quán ăn, nhà hàng, công viên, thậm chí là khi điều khiển phương tiện giao thông…là hình ảnh không khó để bắt gặp trong đời sống hằng ngày. Để người dân được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá, thiết nghĩ, cần nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của nhiều cá nhân thường xuyên sử dụng thuốc lá.

Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc đang được triển khai thí điểm

Cách đây vài ngày, bản thân tôi và các con có dịp đi ăn tại một nhà hàng lẩu cá ở đường Tô Hiệu [quận Tân Phú, TP.HCM]. Khi mọi người đang trò chuyện vui vẻ thì con gái mới 5 tuổi của tôi liên tục ho vì khói thuốc lá do nhóm thanh niên ngồi bàn ăn bên cạnh hút bay sang. Sau khi lựa lời nhắc khéo nhóm thanh niên trong nhà hàng nhưng họ vẫn thản nhiên hút thuốc, gia đình tôi buộc phải chuyển sang khu vực khác của nhà hàng. Tuy nhiên, do không gian nhà hàng khá kín, lại hơi bé nên khói thuốc lá lẩn quẩn trong không khí, khiến con gái tôi vẫn tiếp tục ho. Chán nản, chúng tôi đành rời khỏi nhà hàng sớm.

Có thể thấy, việc người dân hút thuốc lá tại những địa điểm công cộng, nơi đông người vẫn liên tục xảy ra. Tại một số địa điểm vui chơi như công viên bến bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ…không khó để bắt gặp hình ảnh người dân vô tư hút thuốc lá nơi công cộng. Không ít lần đi dạo ngoài phố, tôi thấy những tài xế vừa hút thuốc lá vừa vô tư thả khói, thò tay qua cửa xe để gạt tàn thuốc lá mà không chịu để ý đến xung quanh. Thậm chí có người còn hút thuốc ngay cả khi đến gần cây xăng, chỉ khi nhân viên nhắc nhở mới miễn cưỡng dập điếu thuốc đang hút dở.

Đặc biệt, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, dù có quy định nghiêm cấm việc hút thuốc lá, nhưng vẫn không ít người vô tư hút thuốc. Điển hình, khu vực công viên nơi có nhiều mảng xanh, tạo không gian thoáng đãng cho bệnh viện Chợ Rẫy cũng bị một số người nhà bệnh nhân tận dụng làm nơi hút thuốc lá, bất chấp các biển “Cấm hút thuốc” được bố trí khắp nơi. Tương tự, tại bệnh viện Mắt TP.HCM, chỉ vừa bước đến cổng, nhiều người đã chán nản với đội quân xe ôm lao đến mồi chài bốc số, “khuyến mãi” thêm làn khói thuốc phả thẳng vào mặt.

Bản thân tôi đã có thời gian sống và làm việc tại Singapore và rất ngưỡng mộ các quy định về việc cấm hút thuốc lá tại những địa điểm công cộng như trạm xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm mua sắm…ở quốc gia này. Mặc dù đã cho phép xây dựng các phòng hút thuốc lá riêng tại các nhà hàng, quán ăn nhưng chủ nhân của các địa điểm trên vẫn không được phép xây dựng quá rộng, chiếm nhiều không gian. Tại những khu vực công cộng, chỉ những nơi có treo biển báo được phép hút thuốc lá thì bạn mới được thoải mái hút thuốc. Tuy nhiên, nếu bị vi phạm hút thuốc lá tại khu vực cấm, người vi phạm có thể bị phạt từ 200 đô Singapore đến 1000 đô Singapore và bị kết án tại tòa.

Dù không thật sự kỳ vọng vào việc khắc phục triệt để tình hình hút thuốc lá tại nơi công cộng ở Việt Nam nhưng tôi thật sự mỏi mệt và ngao ngán khi phải né tránh các trường hợp trên. Cũng bởi, việc hút thuốc lá thường xuyên nơi công cộng không chỉ gây hại cho sức khỏe của người hút mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí có thể gây nguy cơ cháy nổ nếu tàn thuốc vô tình rơi tại khu vực cấm lửa, dẫn đến cháy nổ, hỏa hoạn, tai nạn giao thông. Thực tế là hầu hết phụ nữ, trẻ em, người không có thói quen hút thuốc đều cảm thấy khó chịu với mùi thuốc lá, hay nói khác đi là không muốn phải hút thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Người không hút thuốc lá cảm thấy khó chịu và bất an khi phải hít hơi thuốc một cách thụ động ở nơi công cộng nhưng người hút thuốc lá vẫn bất chấp mọi lời nhắc nhở mà vô tư hút thuốc, miễn sao thỏa mãn cơn thèm thuốc của họ.

Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng thường xảy ra nhanh chóng, đối tượng vi phạm chủ yếu là người vãng lai. Sau khi hút thuốc lá xong, người vi phạm sẽ di chuyển sang nơi khác nên không thể tìm ra những thông tin như tên, địa chỉ người vi phạm. Hành vi vi phạm cần phải bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ và xử lý mới đảm bảo tính khả thi. Do đó, nhiều người dân mặc dù đã tiến hành quay video hoặc chụp ảnh các hành vi vi phạm gởi về cơ quan chức năng nhưng vẫn khó xử lý do thiếu thông tin của các đối tượng vi phạm.

Tôi được biết Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá vừa xây dựng và đưa vào sử dụng thí điểm Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc. Phần mềm được triển khai thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ [Hà Nội] trong năm 2022.

Tôi mong chờ ứng dụng đem lại hiệu quả tốt để triển khai rộng ra nhiều nơi, tôi kỳ vọng đây là liều thuốc trị tình trạng người hút thuốc lá nơi công cộng lờn luật như hiện nay.

LÝ AN NHIÊN

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới vẫn còn cao [năm 2020, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới là 42,3%, nữ giới là 1,7%], tỉ lệ tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn còn cao ở một số địa điểm như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê…; thuốc lá được sử dụng và bày bán tràn lan...

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo triển khai kế hoạch dự án "Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua thí điểm mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng ở cấp quận và nhân rộng trên toàn quốc" do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá [Bộ Y tế] tổ chức hôm qua [6/5].

Bộ Y tế thí điểm ứng dụng Vn0khoithuoc tại hai quận của Hà Nội là Tây Hồ và Hoàn Kiếm. Việc này nhằm tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc

Tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã thông tin Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính tại các địa điểm cấm hút thuốc. 

Theo đó, từ năm 2019-2020, kiểm tra được 1.927 đơn vị, cơ sở, xử phạt 376 trường hợp với số tiền xử phạt là 563,9 triệu đồng. Năm 2021, Bộ Công an đã tổ chức 15 đợt thanh kiểm tra tại 599 đơn vị, xử phạt 15 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là 120 triệu đồng. Ngoài ra, công tác kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá còn được lồng ghép với kiểm tra an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ...

"Mặc dù công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá có nhiều biến chuyển, tuy nhiên kết quả chưa được như mong đợi do còn tồn tại nhiều hạn chế như lực lượng thanh tra thiếu, thanh tra các cấp chưa thực sự quan tâm.."- PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Với mong muốn góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định về môi trường không khói thuốc, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá xây dựng Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động, nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc.

Phần mềm Vn0khoithuoc được triển khai thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ [Hà Nội] trong năm 2022. Phần mềm có 2 ứng dụng gồm: Ứng dụng dành cho người phản ánh để quay video/chụp ảnh các hành vi vi phạm và gửi về cơ quan chức năng và ứng dụng dành cho các cơ quan chức năng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh.

Thông tin phản ánh của người dân sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi cơ quan Ủy ban nhân dân cấp quận và chuyển xuống cấp xã, phường nơi có cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đồng thời chuyển lại kết quả để người dân theo dõi, giám sát quá trình xử lý.

Người dùng thực hiện bằng cách tải miễn phí trên Apple Store và CH Play. Các chức năng chính của ứng dụng phản ánh bao gồm: Phản ánh vi phạm; Bình chọn các địa điểm thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc lá; Cung cấp thông tin sự kiện, quy định của pháp luật về Phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó, thông tin về hành vi vi phạm được phản ánh bao gồm: hình ảnh vi phạm; tên, địa chỉ của địa điểm vi phạm; loại hình cơ sở vi phạm...

Việt Nam áp dụng luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012, trong đó cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ, nơi làm việc, trường đại học, cao đẳng, học viện và các phương tiện giao thông công cộng như ôtô, máy bay, tàu điện...

Nhiều nơi trên thế giới cũng đã xây dựng các ứng dụng cho điện thoại di động để báo cáo các vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng. Các ứng dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và một số bang của Ấn Độ do Bộ Y tế các nước xây dựng và điều hành và được kết nối trực tiếp đến các cơ quan thi hành pháp luật.

Một số các đánh giá cho thấy, các ứng dụng này là công cụ hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các ứng dụng đặc biệt phù hợp ở các thành phố đô thị, nơi tiếp cận tới internet thuận tiện và phù hợp với những người trẻ tuổi.

Thái Bình

Video liên quan

Chủ Đề