Hướng dẫn làm bài nghị luận xã hội 2 điểm

Hướng dẫn làm bài nghị luận xã hội 2 điểm

A. Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống xã hội

I. Yêu cầu

Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống xã hội là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội: đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ.

Yêu cầu về nội dung: Bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống phải nêu rõ được sự việc, hiện tượng có vấn đề, phân tích mặt sai, mặt đúng, mặt lợi, mặt hại, chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến, nhận định của người viết. Các dẫn chứng minh họa sáng tỏ vấn đề tiêu biểu, chọn lọc, có tác dụng định hướng, giáo dục.

Yêu cầu về hình thức: Bài viết phải có bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp, lời văn chính xác, sinh động.

II. Các bước tiến hành bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống xã hội

Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý

- Đọc kĩ đề bài

- Xác định đúng nội dung, yêu cầu của đề bài

- Xác định phạm vi kiến thức

- Xác định các thao tác lập luận chính(chứng minh, giải thích, so sánh, bác bỏ….)

- Xác định phạm vi dẫn chứng: trong thực tiễn đời sống

Bước 2: Lập dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận

2. Thân bài:

- Nêu thực trạng vấn đề:

+ Phạm vi xảy ra như nào? (chú ý từ rộng đến hẹp, từ phổ biến đến ít phổ biến)

+ Biểu hiện của hiện tượng đó ra sao?

+ Hiện tượng đó diễn ra với đối tượng nào và mức độ như thế nào?

- Nguyên nhân của vấn đề:

+ Trình bày nguyên nhân theo trình tự từ lớn đến nhỏ, từ trực tiếp đến gián tiếp, từ chủ quan đến khách quan (Chú ý nguyên nhân bao giờ cũng xuất phát từ đối tượng trực tiếp liên quan đến vấn đề nghị luận)

+ Các nguyên nhân cần được phân tích và trình bày logic hợp lí vì nó có thể xâu chuỗi, liên quan đến nhau

- Trình bày hậu quả/ ý nghĩa/ vai trò/ tác dụng của vấn đề:

+ Người viết cần phải dựa trên nhiều góc độ khác nhau: có cái thuộc về lợi ích trước mắt, có cái thuộc về lâu dài, có cái trực tiếp, có cái gián tiếp, có cái thuộc về giá trị vật chất, có cái thuộc về giá trị tinh thần…

+ Người viết cần phân tích, đánh giá thấu đáo, đúng mức, không quá đề cao đồng thời cũng không xem nhẹ.

- Trình bày giải pháp cho vấn đề:

+ Các giải pháp được trình bày theo quy trình từ nhận thức về vấn đề đến thái độ tư tưởng, quan điểm và đến hành động. Trong đó phần nhận thức và thái độ tư tưởng chỉ trình bày mang tính dẫn dắt còn phải tập trung xoáy sâu vào giải pháp hành động cụ thể.

+ Chú ý giải pháp sẽ tương ứng với nguyên nhân nên người viết phải ngầm hiểu từ nguyên nhân sẽ suy ra giải pháp.

- Rút ra bài học, liên hệ bản thân:

+ Phần bài học, liên hệ phải chân thành, không nên hô hào, giáo điều.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

- Đánh giá, nhận xét của bản thân về vấn đề đó.

Bước 3: Viết bài

Bước 4: Đọc lại bài và sửa lỗi chính tả.

III. Một số đề nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống xã hội

- Bàn về hiện tượng bệnh lề mề.

- Nghị luận về vấn đề gian lận trong thi cử.

- Anh (chị) suy nghĩ gì về lối sống buông thả của một số thanh niên trong xã hội hiện nay?

- “Con người sẽ phải đối mặt một số thảm họa khi nguồn nước sạch đang ngày càng cạn kiện”. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.

- Ngày nay, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với toàn nhân loại. Anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về vấn đề đó.

B. Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí xã hội

I. Yêu cầu

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.

Yêu cầu về nội dung: Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí xã hội phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… để chỉ ra chỗ đúng, chỗ sai của một tư tưởng, đạo lí nào đó. Qua đó, người viết bày tỏ quan điểm, ý kiến, góc nhìn của mình về vấn đề đó.

Yêu cầu về hình thức: Bài viết phải đảm bảo bố cục ba phần, có luận điểm đúng đắn, sáng tỏ, luận cứ sâu sắc để làm sáng tỏ luận điểm, lời văn chính xác, sinh động, sắc sảo…

II. Các bước tiến hành bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí xã hội

Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý

- Đọc kĩ đề bài

- Xác định đúng nội dung, yêu cầu của đề bài

- Xác định phạm vi kiến thức

- Xác định các thao tác lập luận chính (chứng minh, giải thích, so sánh, bác bỏ….)

- Xác định phạm vi dẫn chứng: trong thực tiễn đời sống

Bước 2: Lập dàn ý

1.Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận

- Trích dẫn tư tưởng, đạo lí được nêu ở đề bài

2. Thân bài

- Giải thích các khái niệm, các vế (nghĩa đen, nghĩa bóng) và rút ra ý khái quát của vấn đề.

+ Ở phần giải thích này người viết tránh trình bày chung chung. Đây là phần vô cùng quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho toàn bài.

- Chứng minh: Đưa ra lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục

- Bàn luận, mở rộng, nâng cao vấn đề

+ Ở phần này có thể đưa ra lí lẽ phản biện lại vấn đề, bổ sung quan điểm để hoàn thiện vấn đề.

+ Liên hệ bản thân, đưa ra bài học nhận thức và hành động.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận

- Đánh giá, nhận xét của bản thân về vấn đề đó

Bước 3: Viết bài

Bước 4: Đọc lại bài và sửa chữa

III. Một số đề nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí xã hội

- Suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa của sự đồng cảm trong cuộc sống

- Suy nghĩ từ truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”

- Suy nghĩ về đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

- “Cuộc đời bạn sẽ trôi qua một cách vô nghĩa nếu mãi chìm đắm trong những hối hận của quá khứ hay quá lo lắng cho tương lai” Anh/chị trình bày suy nghĩ về ý kiến

- A. France từng nói: “Một người chưa biết nói những lời nói dối đẹp đẽ thì người đó không bao giờ biết đến thế giới chân thực”. Suy nghĩ của anh/chị về quan điểm trên