Gò Công Đông thuộc tỉnh nào

Gò Công Đông là một huyện duyên hải phía đông tỉnh Tiền Giang.
Huyện giáp với thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây. Nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ và sông Tiền, có sông Cửa Tiểu chảy qua. Các con sông này đổ ra biển Đông qua các cửa theo thứ tự lần lượt kể trên: cửa Soài Rạp, cửa Đại và cửa Tiểu.
** Diện tích : 267,68 km².
** Dân số : 143.418 (2010)

Các đơn vị hành chính :
Thị trấn Tân Hòa
Thị trấn Vàm Láng
Xã Bình Ân
Xã Bình Nghị
Xã Gia Thuận
Xã Kiểng Phước
Xã Phước Trung
Xã Tân Điền
Xã Tân Đông
Xã Tân Phước
Xã Tân Tây
Xã Tân Thành
Xã Tăng Hoà
Từ năm 1976, địa bàn huyện Gò Công Đông nằm trong huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Quyết định 77-CP ngày 26 tháng 03 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ chuyển thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang thành thị trấn Gò Công, huyện lị của huyện Gò Công.
Quyết định 155-CP ngày 13 tháng 04 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ chia huyện Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang thành huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây.
- Huyện Gò Công Đông gồm có 16 xã Tân Đông, Tân Trung, Bình Xuân, Bình Đông, Tân Phước, Gia Thuận, Tân Thành, Tân Điền, Phước Trung, Tăng Hòa, Bình Nghị, Bình Ân, Phú Đông, Kiểng Phước, Vàm Láng, Tân Tây và thị trấn Gò Công.
Quyết định 23-HĐBT ngày 13 tháng 2 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng giải thể xã Tăng Hoà để thành lập thị trấn Tân Hoà (thị trấn huyện lỵ huyện Gò Công Đông).
Quyết định 37-HĐBT ngày 16 tháng 2 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng tái lập thị xã Gò Công, với diện tích 31 km², dân số 48.043 người, gồm 2 phường và 4 xã, trên cơ sở tách một phần đất của 2 xã Tân Đông, Bình Nghị của huyện Gò Công Đông, và phần đất của 2 xã Thành Công và Yên Luông thuộc huyện Gò Công Tây cùng với thị trấn Gò Công.
Nghị định số 07/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 01 năm 2002 tái lập xã Tăng Hoà từ 1.745,67 ha diện tích tự nhiên và 9.568 nhân khẩu của thị trấn Tân Hoà.
Nghị định 09/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc:
- Chuyển các xã Bình Đông, Bình Xuân và Tân Trung thuộc huyện Gò Công Đông về thị xã Gò Công quản lý;
- Chuyển 11.575,43 ha diện tích tự nhiên và 9.630 nhân khẩu của xã Phú Đông và xã Phú Tân huyện Gò Công Đông về huyện Tân Phú Đông
Nghị quyết 37/NQ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 09 năm 2010 điều chỉnh địa giới hành chính xã:
- Thành lập thị trấn Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trên cơ sở điều chỉnh 600 ha diện tích tự nhiên và 13.921 nhân khẩu của xã Vàm Láng.
- Điều chỉnh toàn bộ 1.282,76 ha diện tích tự nhiên và 1.205 nhân khẩu còn lại của xã Vàm Láng về xã Kiểng Phước để quản lý thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Huyện ven biển duy nhất của tỉnh Tiền Giang; Bắc giáp sông Vàm Cỏ, ngăn cách với huyện Cần Đướchuyện Cần Giuộc của tỉnh Long An; Nam giáp huyện Tân Phú Đông cùng tỉnh; Tây giáp huyện Gò Công Tâythị xã Gò Công; Đông Bắc giáp sông Soài Rạp ngăn cách với huyện Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh, Đông và Đông Nam giáp biển. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Tân Hoà và 12 xã: Vàm Láng, Tân Đông, Tân Tây, Bình Nghị, Bình Ân, Phước Trung, Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước, Tân Thành, Tân Điền, Tăng Hoà.

Gò Công Đông là quê hương của anh hùng Trương Định. Huyện có nhiều di tích lịch sử văn hoá như: đền Trương Định, miếu thờ Đốc binh Trương Công Luận ở Tăng Hoà, ngôi miếu thờ Nam Hải tướng quân (còn gọi lăng Ông Nam Hải) ở xã Vàm Láng, đình Bình Ân...Hằng năm, nhân dân trong huyện tổ chức hai kỳ lễ hội lớn là: lễ hội Nghinh Ông được tổ chức tại đình Kiểng Phước và lăng Ông Nam Hải  vào ngày mùng 9 và 10 tháng 03 âm lịch; lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định được tổ chức trọng thể tại ấp 4, xã Tân Phước, ngày 20-08 dương lịch, thu hút rất đông người dân trong khu vực đến tham dự. Bên cạnh du lịch văn hoá, Gò Công còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh tái biển, hiện huyện đã có khu du lịch Biển Tân Thành hàng năm đón tiếp đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ mát.

Từ cuối thế kỷ XVII, đã có nhiều nhóm di dân từ miền Trung đến khai phá rồi hình thành các cụm dân cư trên các giồng đất cát: giồng Nâu, giồng Chùa, giồng Lãnh, giồng Bà Lẫy, giồng Đình, giồng Tháp, giồng Bà Canh, giồng Lức... Họ sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược vùng đất phương Nam và tổ chức các đơn vị hành chính, vùng đất này thuộc quận Tân Bình, dinh Phiên Trấn.

Thời Gia Long, năm 1808, vùng đất Gò Công thuộc tổng Hoà Bình, trấn Định Tường. Năm 1831, Gò Công thuộc huyện Tân Hoà, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, lỵ sở đóng ở Đồng Sơn. Năm 1867, Pháp lập hạt tham biện Gò Công, bao gồm 4 tổng: Hoà Đồng Thượng (có 8 làng), Hoà Đồng Hạ (có 10 làng), Hoà Lạc Thuợng (có 10 làng), Hoà Lạc Hạ (có 12 làng). Năm 1900, Pháp thành lập tỉnh Gò Công, vẫn bao gồm 4 tổng trên.

Ngày 09-02-1913, tỉnh Gò Công bị giải thể, thành lập quận Gò Công, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đến ngày 09-02-1924, Pháp lập lại tỉnh Gò Công bao gồm 5 tổng không có đơn vị hành chánh cấp quận: Hoà Đồng Thượng (5 làng), Hoà Đồng Trung (5 làng), Hoà Đồng Hạ (9 làng), Hoà Lạc Thượng (7 làng), Hoà Lạc Hạ (10 làng). Quận Gò Công Đông bây giờ thuộc hai tổng Hoà Lạc Hạ và Hoà Lạc thượng thời ấy.

Ngày 02-04-1955, chính quyền Sài Gòn chia tỉnh Gò Công thành 2 quận: Châu Thành và Hoà Đồng, thuộc tỉnh Định Tường; quận Châu Thành có 2 tổng: Hoà Lạc Thượng với 7 làng, Hoà Lạc Hạ với 10 làng; quận Hoà Đồng có 3 tổng: Hoà Đồng Thượng với 6 làng, Hoà Đồng Trung với 9 làng, Hoà Đồng Hạ với 8 làng. Năm 1965, địa bàn tỉnh Gò Công thời Pháp được chia thành hai quận Gò Công và Hoà Đồng thuộc tỉnh Định Tường. Ngày 20-12-1963, chính quyền Sài Gòn lập lại tỉnh Gò Công gồm 2 quận: Châu Thành và Hoà Đồng; quận Châu Thành có 2 tổng: Hoà Lạc Thượng với 9 xã, Hoà Lạc Hạ với 9 xã; quận Hoà Đồng có 2 tổng: Hoà Đồng Thượng với 8 xã, Hoà Đồng Hạ với 5 xã. Ngày 06-04-1965, quận Châu Thành được chia thành hai quận: Hoà Tân và Hoà Lạc, quận Hoà Đồng được chia thành hai quận: Hoà Đồng và Hoà Bình.

Sau 30-04-1975, Gò Công trở thành huyện của tỉnh Tiền Giang, gồm các xã: Đồng Sơn, Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Tân Thới, Đông Thạnh, Vĩnh Hữu, Bình Phú, Thạnh Trị, Long Vĩnh, Tân Phú, Thành Công, Long Bình, Yên Luông, Bình Tân, Phú Thạnh, Bình Xuân, Bình Đông, Tân Trung, Tân Phước, Tân Tây, Tân Đông, Bình Nghị, Phước Trung, Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình An, Phú Đông, Vàm Láng, Tân Điền, Tân Thành, Phú Tân.

Ngày 13-04-1979, huyện Gò Công được chia thành hai huyện: Gò Công Tây và Gò Công Đông. Huyện Gò Công Đông gồm thị trấn Gò Công và 16 xã: Bình Xuân, Bình Đông, Tân Trung, Tân Phước, Tân Tây, Tân Đông, Bình Nghị, Phước Trung, Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình Ân, Vàm Láng, Phú Đông, Tân Điền, Tân Thành, Tăng Hoà. Ngày 13-02-1987, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ban hành Quyết định số 23/HĐBT, giải thể xã Tân Hoà để thành lập thị trấn Tân Hoà thuộc huyện Gò Công Đông. Ngày 16-02-1987, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ban hành Quyết định số 37/HĐBT, thành lập thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Theo đó, tách thị trấn Gò Công, xã Bình Nghị, của huyện Gò Công Đông hợp nhất với một phần đất của các xã Thành Công, Yên Luông từ huyện Gò Công Tây để thành lập thị xã Gò Công. Huyện Gò Công Đông còn 16 xã - thị trấn, có diện tích tự nhiên 35.942 ha với 149.845 nhân khẩu.

Ngày 09-03-1992, lập xã Phú Tân trên cơ sở tách đất của xã Phú Đông. Ngày 14-01-2002, Chính phủ Việt Nam ban hành 07/2002/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thành lập xã Tăng Hoà thuộc huyện Gò Công Đông trên cơ sở 1.745,67 ha diện tích tự nhiên và 9.568 nhân khẩu của thị trấn Tân Hoà. Cuối năm 2004, huyện Gò Công Đông bao gồm thị trấn Tân Hoà và 17 xã: Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Thành, Tân Điền, Phú Đông, Phú Tân, Bình Đông, Bình Xuân, Bình Nghị, Bình Ân, Tân Trung, Tân Tây, Tân Đông, Phước Trung, Tăng Hoà.

Ngày 21-01-2008, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 09/2008/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Cụ thể như sau:

- Điều chỉnh 6.410,28 ha diện tích tự nhiên và 39.949 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Bình Đông, Bình Xuân và Tân Trung) về thị xã Gò Công quản lý.

- Tách 11.575,43 ha diện tích tự nhiên và 9.630 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phú Đông và xã Phú Tân) để tham gia thành lập huyện Tân Phú Đông.

Sau khi điều chỉnh, huyện Gò Công Đông còn lại 26.768,16 ha diện tích tự nhiên và 143.418 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Vàm Láng, Tân Đông, Tân Tây, Bình Nghị, Bình Ân, Phước Trung, Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước, Tân Thành, Tân Điền, Tăng Hoà và thị trấn Tân Hoà.

Gò Công Đông là huyện ven biển duy nhất của Tiền Giang. Huyện có 32 km chiều dài bờ biển với 02 cửa sông lớn là cửa Tiểu và cửa Soài Rạp, là điều kiện thuận lợi để giao lưu với các tỉnh bạn và thông thương quốc tế. Đồng thời, đây là nơi hội tụ nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào phong phú.

Địa hình huyện tương đối bằng phẳng, thấp dần theo hướng Bắc Nam và Tây Đông, đất phù sa cổ và phù sa ven biển chiếm phần lớn diện tích. Từ khi thực hiện chương trình ngọt hóa Gò Công vào những 1980, tình hình đất được cải thiện, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Khí hậu Gò Công Đông nằm trong chế độ khí hậu chung cả miền Tây Nam Bộ, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình hàng năm 27,90C, lượng mưa trung bình hàng năm 1.191 mm.

Gò Công Đông có thế mạnh kinh tế thuộc về Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Theo thông tin từ Website tỉnh Tiền Giang, cơ cấu kinh tế của huyện năm 2007 bao gồm: Nông - Lâm - Ngư nghiệp chiếm 68,8%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 9,5%, Thương mại - Dịch vụ chiếm 21,7%.

Nông - Lâm - Ngư nghiệp

Từ khi có chương trình ngọt hoá vùng Gò Công, sản xuất nông nghiệp đã phát triển ổn định, năm 2002, huyện có 13.000 ha sản xuất 03 vụ lúa/năm, 3.256 ha sản xuất 02 vụ/năm; năng suất lúa bình quân 4,5 tấn/ha; sản lượng lương thực 180.000 tấn, bình quân lương thực 960kg/đầu người. Riêng trong năm 2007, tổng sản lượng lương thực 195.931 tấn, trong đó sản lượng lúa thơm giá trị cao chiếm 60%, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 30%. Cơ cấu cây trồng - vật nuôi cũng chuyển dịch theo hướng đa dạng hơn. Sản xuất hoa màu gia tăng với diện tích gieo trồng hàng năm 8.300 ha. Kinh tế vườn từng bước phát triển với diện tích 2.160 ha (trong đó khoảng 700 ha trồng cây sơ ri). Phong trào chăn nuôi ổn định, hàng năm huyện duy trì đàn heo 44.012 con, gần 01 triệu con gia cầm. Nuôi bò, dê đang có xu thế phát triển.

Sản xuất ngư nghiệp đang được quan tâm đầu tư có bước phát triển khởi sắc nhất là lĩnh vực nuôi thủy sản. Năm 2008, diện tích nuôi thủy sản của huyện đạt 3.566 ha. Trong đó nuôi tôm sú vẫn giữ vai trò chủ đạo với số lượng con giống thả nuôi gần 300 triệu con. Hoạt động đánh bắt hải sản giảm số phương tiện do nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt, ngư dân thiếu vốn tích lũy để đầu tư cải tạo, đóng mới phương tiện đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng thủy hải sản thu hoạch hàng năm của huyện là 55.140 tấn.

Huyện Gò Công Đông đã xác định: phát triển kinh tế tổng hợp theo hướng VAC và mô hình trang trại cho thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ chế biến xuất khẩu là định hướng quan trọng của địa phương trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, ngoài việc tăng mùa, chuyển vụ, xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất cao trên đất nhiễm mặn, huyện Gò Công Đông còn mở rộng diện tích vườn cây ăn quả đặc sản, rau màu, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, mô hình nuôi trồng thủy sản gồm cả nước lợ, nước mặn và nước ngọt khu vực nội đồng đang được nông dân trong huyện phát triển mạnh theo hướng da dạng hóa đối tượng nuôi tiến tới xây dựng vùng nuôi tập trung cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tôm sú, nghêu, tôm càng xanh, các đối tượng thủy sản nuôi khác đang là thế mạnh của huyện.

Công nghiệp - Xây dựng

Công nghiệp - Xây dựng phát triển chậm, quy mô nhỏ và lạc hậu. Sản phẩm nông nghiệp, hải sản chủ yếu bán thô chưa qua chế biến nên thu nhập còn thấp. Huyện đã quy hoạch các khu - cụm công nghiệp và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Đã có một số nhà đầu tư được tỉnh cho nghiên cứu, xây dựng dự án đầu tư ở khu vực Vàm Láng, Gia Thuận, Tân Phước cặp sông Soài Rạp gồm: khu công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp (180 ha); khu công nghiệp dịch vụ dầu khí (616 ha) do tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; cụm công nghiệp Gia Thuận – Cảng biển Tân Phước do công ty Cổ phần An Sơn làm chủ đầu tư với diện tích 630 ha; dự án tổng kho dầu khí Soài Rạp – Tiền Giang (42 ha) do công ty dầu khí Mê kông làm chủ đầu tư.

Thương mại - Dịch vụ

Hoạt động thương mại du lịch phát triển khắp đến vùng nông thôn, lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 24-07-2008, trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư phát triển mạng lưới chợ đồng bộ từ chợ trung tâm huyện, các thị trấn mang tính chất đô thị loại V, đến các chợ trung tâm xã. Các chợ sẽ được mở rộng, cải tạo hoặc xây mới, kiện toàn bộ máy quản lý chợ, đảm bảo việc giao lưu hàng hoá thuận lợi hơn. Ưu tiên quy hoạch và xây dựng mở rộng các chợ: thị trấn Tân Hoà, thị trấn Tân Tây, thị trấn Vàm Láng, Tân Thành, Đèn Đỏ. Tại Vàm Láng, xây dựng chợ đầu mối và sàn giao dịch thủy sản nằm trong cụm phức hợp công nghiệp - bến cá - chợ đầu mối.

Cùng với những tiến bộ về kinh tế, huyện Gò Công Đông cũng chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Những năm qua, huyện đã chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng; mạng lưới đường huyện, đường xã ngày càng được nâng cấp và mở rộng. Năm 2007, trên địa bàn huyện có 7 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 40 km, đã nhựa hoá được 3 tuyến (ĐH01, ĐH02, ĐH03) với tổng chiều dài 18,479 km đạt 46,19% tổng số chiều dài đường huyện hiện có.

Năm học 2008 - 2009, ngành Giáo dục huyện đã huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 99,7%, trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 100%. Kết quả cuối năm học 2008 - 2009, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng bậc tiểu học đạt gần 97%, bậc trung học cơ sở có 17,8% học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh yếu và kém chỉ khoảng 13%. Toàn huyện có 19 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, tăng 5 giải so với năm học 2007 - 2008.