Giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Với sự ra đời của Luật Thương mại năm 2005 và luật Giao dịch điện tử năm 2005, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.

Theo Điều 34 Luật Giao dịch điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Điều 14 Luật này cũng quy định: Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Như vậy, pháp luật đã ghi nhận tính pháp lý của hợp đồng điện tử và được sử dụng làm chứng cứ trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm điều khoản của hợp đồng nhưng phải đảm bảo rằng:

  • Nội dung của hợp đồng điện tử được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng thông điệp hoàn chỉnh. Nghĩa là thông điệp đó trong hợp đồng điện tử chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu.
  • Nội dung của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết nghĩa là thông điệp dữ liệu có thể mở được, đọc được, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ tin cậy mà các bên thoả thuận với nhau.

Chia sẻ:

1. Giới thiệu

Hành lang pháp lý cho các giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại đã được Luật giao dịch điện tử ngày 29-11-2005 quy định, trong đó có các điều kiện để dữ liệu điện tử hình thành trong hoạt động giao dịch điện tử được công nhận có giá trị pháp lý như chứng từ, hồ sơ “truyền thống”, khi đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật.

Tương tự như hoạt động giao dịch điện tử trong kinh doanh thương mại, giá trị của dữ liệu điện tử trong hoạt động của các cơ quan tư pháp [sử dụng dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình gây án] là một nguồn chứng cứ trong quá trình xét xử, cũng đã được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Chứng cứ là gì?

Nếu BLTTHS 2003 quy định về khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ trong cùng một điều luật [Điều 64], thì BLTTHS 2015 dành 02 điều luật [Điều 86, Điều 87] quy định tách bạch, rõ ràng về khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ. Điều 86 BLTTHS 2015 so với Điều 64 BLTTHS 2003 đã có sự mở rộng phạm vi chủ thể có quyền thu thập chứng cứ.

Điều 64 BLTTHS 2003 quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Điều 86 BLTTHS 2015 thay đổi theo hướng: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, việc BLTTHS 2015 bỏ cụm từ “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án” của BLTTHS 2003 cho thấy quyền thu thập chứng cứ không chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, mà còn là quyền của người tham gia tố tụng. Khái niệm trên thể hiện đầy đủ 03 thuộc tính của chứng cứ: Tính xác thực, tính hợp pháp và tính liên quan. Thông tin, tài liệu, đồ vật có đầy đủ 03 thuộc tính trên thì mới trở thành chứng cứ. Thiếu một trong ba thuộc tính, thì không phải là chứng cứ.

3. Dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Điều 87 BLTTHS 2015 về nguồn chứng cứ so với khoản 2 Điều 64 BLTTHS 2003 có một số thay đổi, bổ sung.

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, tháo gỡ vướng mắc do thực tiễn đặt ra, BLTTHS 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới so với BLTTHS 2003. Cụ thể đó là dữ liệu điện tử, kết luận định giá tài sản, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác.

Cụ thể Điều 87 BLTTHS 2015 quy định như sau:

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a] Vật chứng;

b] Lời khai, lời trình bày;

c] Dữ liệu điện tử;

d] Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ] Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e] Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g] Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Như vậy, theo Điều 87 trên thì dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ.

4. Vì sao cần bổ sung dữ liệu điện tử làm nguồn chứng cứ

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tốc độ phát triển rất nhanh chóng về công nghệ, lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Nó dần đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Công nghệ mang lại nhiều lợi ích như: tăng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại cho khách hàng thông qua tài chính số; giúp tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của công nghệ là việc kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về các hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao.

Tội phạm công nghệ cao còn có tên gọi khác: tội phạm máy tính, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ảo, tội phạm không gian ảo, tin tặc. Trên thế giới, tội phạm công nghệ cao đã trải qua nhiều hình thái, từ đơn giản đến phức tạp, từ những cá thể đơn lẻ phát triển thành các tổ chức lớn và hoạt động ngày càng trở nên tinh vi. Sau khi cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, tội phạm công nghệ cao có nhiều biến thể đa dạng hơn.

Theo Bộ Luật Hình sự 2015, tội phạm công nghệ cao là “các hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Xét về bản chất thì tội phạm công nghệ thông tin cũng có đầy đủ các tính chất, đặc điểm như mọi tội phạm truyền thống khác, nghĩa là cũng được coi là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, gồm 4 cấu thành cơ bản của một tội phạm [mặt khách thể, mặt khách quan, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm]. Điểm khác biệt giữa chúng với tội phạm khác là công nghệ thông tin, máy tính và mạng máy tính có vai trò, mức độ nhất định trong việc thực hiện, che giấu và gây ra những hậu quả tác hại đối với xã hội của hành vi phạm tội. Chúng ta cũng có thể thấy một số dấu hiệu khác biệt khác so với các nhóm tội phạm thông thường như tính không biên giới của loại tội phạm này, tính chất ngày càng tăng về số lượng và hậu quả, tinh vi về cách thức tiến hành cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Nhìn một cách tổng thể, đối với loại tội phạm công nghệ thông tin, chúng ta thấy công nghệ thông tin, máy tính và mạng máy tính đóng một số vai trò quan trọng trong quá trình phạm tội, chúng vừa có thể là khách thể của tội phạm, vừa có thể là công cụ phạm tội lại vừa có thể đóng vai trò như là chủ thể của tội phạm.

Từ thực tiễn trên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, bổ sung dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ trong BLTTHS 2015 là cần thiết.

5. Dữ liệu điện tử là gì?

Điều 99 BLTTHS 2015 quy định dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử, được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác, Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Để có thể được sử dụng làm chứng cứ thì nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử cần có đủ ba thuộc tính:

Thứ nhất là tính khách quan, dữ liệu này phải có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, duy trì được tính toàn vẹn, không bị làm cho sai lệch, biến dạng, đã được tìm thấy và được lưu trữ trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung dữ liệu đó hoặc được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu.

Thứ hai là tính hợp pháp, Dữ liệu điện tử phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Thứ ba là tính liên quan, dữ liệu điện tử thu được phải có liên quan đến hành vi phạm tội, được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ án.

6. Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử

BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa hoạt động thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử tại Điều 107, cụ thể như sau:

- Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

- Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử.

- Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.

- Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.

Đây là quy định mới, tiến bộ bởi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nên phương tiện, dữ liệu điện tử cần thu giữ ngày càng đa dạng; Dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ mới được quy định trong tố tụng hình sự và là tài liệu chứng cứ khoa học có giá trị cao trong chứng minh tội phạm, nên phải được thu giữ, niêm phong chặt chẽ, tránh tiêu cực xảy ra.

LUẬT MINH KHUÊ [Sưu tầm & Biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề