Gãy xương cánh tay bao nhiêu phần trăm?

Gãy xương cánh tay là dạng gãy xương thường gặp. Phần lớn nguyên nhân là do tai nạn trong giao thông, lao động và sinh hoạt. Nếu không có biện pháp xử trí đúng cách, người bệnh rất dễ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm khi xương cánh tay bị gãy.

Cấu tạo và chức năng của xương cánh tay

Xương cánh tay là xương dài, thẳng, trong đó ⅓ trên hơi tròn và ⅔ dưới hình lăng trụ tam giác. Xương hỗ trợ cho một số hoạt động của vai và các hoạt động của tay [gập, duỗi, đưa về phía trước và phía sau, xoay tay…]. [1]

Gãy xương cánh tay là gì?

Gãy xương cánh tay hay gãy xương cẳng tay là tình trạng gãy từ dưới mấu động lớn tới trên mỏm trên lồi cầu xương cánh tay. Đây là chấn thương thường gặp, chiếm khoảng 3 – 5% trong tất cả các loại gãy xương. Trong đó, gãy ⅓ giữa chiếm 60% trong tất cả những trường hợp xương cánh tay bị gãy. Tình trạng gãy ⅓ trên và ⅓ dưới xương cánh tay chỉ chiếm khoảng 30% và 10%. [2]

Nguyên nhân gãy xương cánh tay

  • Cơ chế chấn thương trực tiếp gặp chủ yếu, xảy ra do vật cứng đập vào cánh tay hoặc tai nạn giao thông. Phần lớn gây gãy phức tạp, gãy xương hở.
  • Cơ chế chấn thương gián tiếp là do ngã chống tay, gãy chéo xoắn ⅓ giữa và ⅓ dưới.

Ngoài ra, tổn thương xương cánh tay còn có thể do bệnh lý như u xương, nang xương… Gãy xương ở trẻ nhỏ có thể liên quan tới biến chứng sản khoa.

Dấu hiệu bị gãy xương cánh tay thường gặp

Một số dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn đã bị gãy xương là:

  • Đau cánh tay, đau tăng khi cử động.
  • Có âm thanh lạ ở cánh tay tại thời điểm bị thương.
  • Sưng tấy.
  • Bầm tím.
  • Xuất hiện cục u hoặc vết sưng có thể nhìn thấy rõ ở cánh tay.
  • Giảm phạm vi chuyển động

Đối với các trường hợp gãy xương ở cánh tay, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để tránh các biến chứng nặng xảy ra, khiến tình trạng tổn thương kéo dài. Điều này có khả năng ảnh hưởng tới quá trình hồi phục giải phẫu cánh tay.

Cách chẩn đoán tình trạng gãy tay

Lâm sàng

  • Dấu hiệu gãy xương:
    • Đau nhiều ổ gãy sau chấn thương.
    • Mất cơ năng khớp vai, khớp khuỷu.
    • Biến dạng gấp góc cánh tay.
    • Có thể có tiếng lạo xạo xương.
  • Dấu hiệu liệt thần kinh quay:
    • Bác sĩ cần thăm khám kỹ để phát hiện biến chứng này: Bàn tay rủ, không duỗi được cổ tay và những ngón tay, không dạng được ngón cái, mất cảm giác mu tay của ngón I, ngón II và ô môi ngón cái.

Cận lâm sàng

  • Chụp X-quang:
    • Tư thế chụp X-quang thẳng và X-quang nghiêng.
    • Chụp X-quang lấy hết khớp vai, khớp khuỷu tay ở 2 bình diện vuông góc với nhau, thường cần dịch chuyển thay đổi tư thế người bệnh để chụp, không nên chỉ xoay cánh tay để chụp.
    • Kết quả X-quang ghi nhận vị trí gãy, đường gãy, di lệch, mạch rời…
  • Chụp CT, MRI: Trong trường hợp gãy do bệnh lý, bác sĩ cần đánh giá thêm bằng phim cắt lớp vi tính [CT Scanner], chụp cộng hưởng từ [MRI] để xác định giới hạn của xương bệnh.

Gãy xương cánh tay có nguy hiểm không?

Một số biến chứng khi xương cánh tay bị gãy có thể kể đến là: [3]

1. Liệt thần kinh quay

Biến chứng này xảy ra ở 18% trong các trường hợp gãy xương cánh tay. Trong đó, 90% là liệt cơ năng [neurapraxia]. Người bệnh thường phục hồi tự nhiên sau 3 – 4 tháng.

2. Can xương liền tư thế xấu

Biến chứng thường gây gập góc 20 – 30° hoặc ngắn chi 2 – 3cm, ít để lại di chứng gì lớn. Biên độ rộng của vai làm giảm đi ảnh hưởng của can xấu do xoay, ngay cả các biến dạng lớn hơn cũng được thích nghi với một hạn chế cơ năng không đáng kể.

3. Không liền xương

Biến chứng này xảy ra ở 2 – 5% người bệnh điều trị bảo tồn và 25% người bệnh điều trị phẫu thuật ngay kỳ đầu. Không liền xương xuất hiện phổ biến hơn ở các trường hợp gãy hở, gãy do chấn thương tốc độ cao, gãy có mảnh rời, các gãy mà nắn không tốt, gãy được mổ nhưng bất động không vững. Những yếu tố làm tăng nguy cơ không liền xương gồm cứng khớp vai hoặc khớp khuỷu trước đó, phần mềm che phủ kém, người bệnh béo phì, ung thư di căn, nghiện rượu dẫn tới loãng xương, đang điều trị với corticosteroid hoặc bị đa chấn thương.

4. Nhiễm trùng không liền xương

Liên quan trực tiếp giữa bất động không vững và nhiễm trùng, đặc biệt là trong gãy hở. Bất động vững, cắt lọc triệt để những mô chết gồm cả xương, rửa sạch vết thương và sử dụng kháng sinh có hệ thống có thể giúp liền xương trong đa số trường hợp.

5. Không liền xương với khuyết xương

Các trường hợp không liền xương kèm với khuyết xương trên 5cm cần can thiệp phẫu thuật lại. Với trường hợp này, bác sĩ thường khuyến nghị ghép xương xốp dày có kèm theo vỏ xương hoặc ghép xương có cuống mạch.

6. Biến chứng mạch máu

Biến chứng này ít gặp trong gãy kín, thường gặp trong gãy xương hở. Nếu có nghi ngờ tổn thương mạch máu hay trong các gãy xương có nguy cơ cao tổn thương mạch máu, cần chụp động mạch nhằm xác định vị trí tổn thương để phục hồi lại. Việc phục hồi lại mạch máu là chỉ định tuyệt đối trong những trường hợp bất động xương vững chắc với nẹp vít hay cố định ngoài. Trong phần lớn trường hợp, bất động xương gãy được thực hiện trước phẫu thuật mạch máu, cắt mở lớp cân tại cánh tay, cẳng tay hay bàn tay đôi khi cần thiết sau khi dòng máu được tái lập.

Cách điều trị gãy xương cánh tay

1. Sơ cứu

  • Giúp giảm đau toàn thân.
  • Cố định tạm thời bằng hai nẹp gỗ, ôm giữ cánh tay hay nẹp Crame cánh tay-bàn tay.

2. Điều trị bảo tồn bằng phương pháp bó bột

Chỉ định cho các trường hợp gồm:

  • Gãy hở ở trẻ em
  • Gãy kín ít hoặc không di lệch.

Mức độ nắn chỉnh chấp nhận được:

  • Di lệch gấp góc ra trước < 20 độ
  • Di lệch vẹo trong hoặc vẹo ngoài < 30 độ
  • Di lệch chồng [ngắn chi] < 3 cm [Đối với trẻ em]

Phương pháp:

  • Gây mê hay gây tê đám rối thần kinh cánh tay
  • Nắn chỉnh, cố định, bó bột kiểu bột ngực – vai – cánh tay:
    • Gãy 1/3 trên: Bó bột ngực cánh tay ở tư thế dạng vị trí gãy càng cao thì dạng càng nhiều, gãy trên chỗ bám cơ ngực to cánh tay dạng 80 – 90°, ra trước 30 – 40°
    • Gãy dưới chỗ bám cơ ngực to cánh tay dạng 60 -70°, ra trước 30° Khớp khuỷu gấp 90°, cẳng tay nửa sấp nửa ngửa.
  • Thời gian cố định 3 – 4 tuần.

Nhược điểm:

  • Dễ dãn cách do trọng lượng chi thể.
  • Di lệch thứ phát.
  • Khớp giả.

3. Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp gãy có biến chứng như gãy hở, tổn thương mạch máu thần kinh. Gãy xương có di lệch lớn nắn chỉnh thất bại, gãy có dấu hiệu chèn ép khoang. [4]

Phương pháp kết hợp x

  • Khung cố định ngoại vi trong trường hợp gãy hở phức tạp, có nguy cơ nhiễm trùng.
  • Kết hợp xương bằng đinh nội tủy có chốt.
  • Kết hợp xương bằng đinh Metaizeau dưới màn tăng sáng[đối với các gãy xương ở trẻ em]
  • Kết hợp xương bằng nẹp vít.

Nhược điểm:

  • Tốn kém.
  • Tạo một cuộc mổ gây đau đớn cho bệnh nhân.
  • Dễ tổn thương thần kinh quay.

Cách phòng tránh chấn thương cẳng tay

Dù không thể ngăn ngừa gãy xương nhưng chúng ta vẫn có một số biện pháp giảm thiểu nguy cơ gãy xương như:

  • Ăn tăng cường sức mạnh cho xương: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh gồm những thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua và pho mát cùng thực phẩm giàu vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi. Bạn có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể từ cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích…; từ thực phẩm tăng cường sữa và nước cam…; và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Ngăn ngừa té ngã: Để tránh bị ngã, hãy mang giày phù hợp cho từng hoạt động. Hãy đảm bảo rằng không gian sống của bạn có đầy đủ ánh sáng. Lắp các thanh vịn trong phòng tắm và tay vịn cầu thang [nếu cần], đặc biệt là với người cao tuổi.
  • Sử dụng đồ bảo hộ: Đeo dụng cụ bảo vệ tay cho các hoạt động có nguy cơ cao như đá bóng, trượt ván, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…
  • Không hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ gãy tay do làm giảm mật độ xương. Ngoài ra, khi bị gãy xương, thói quen xấu này cản trở quá trình lành xương gãy.
  • Thường xuyên tập thể dục: Tham gia những hoạt động thể chất phù hợp sẽ giúp xương dẻo dai và khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa gãy xương do căng thẳng. Bạn có thể bơi lội, đi bộ nhẹ hay đạp xe đạp. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn bộ môn phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe.

Chăm sóc cho bệnh nhân

Chế độ sinh hoạt

  • Trước khi gặp bác sĩ nên dùng bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào [nẹp, móc hay dây đeo] để cố định vùng tay tổn thương.
  • Chườm đá ở vùng tay bị thương khoảng 20 – 30 phút, 4 – 5 lần/ngày.
  • Nâng cánh tay bị thương cao trên tim càng nhiều càng tốt, giúp giảm sưng. Dùng gối để nâng đỡ cánh tay khi nằm trên giường hay ngồi trên ghế.
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya.
  • Tránh ăn quá nhiều muối.
  • Kiêng rượu bia và những thức uống có cồn.
  • Kiêng hút thuốc lá trong suốt thời gian chờ xương lành.
  • Tránh vận động nhiều ở vùng xương gãy.
  • Kiêng những thức uống có chứa caffeine và nước ngọt có gas.
  • Nếu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
  • Lưu ý giữ nẹp hay bột bó sạch, khô.
  • Không lái xe nếu đang sử dụng thuốc giảm đau có chất gây mê.
  • Liên lạc ngay với bác sĩ khi cơn đau tăng, mất cảm giác, hay nếu ngón tay, bàn tay bị chuyển lạnh, xanh tái.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống đủ dưỡng chất sẽ giúp sức khỏe của người bệnh hồi phục nhanh chóng, đồng thời rút ngắn thời gian lành xương. Các nhóm chất nên được bổ sung trong chế độ ăn mỗi ngày như:

  • Proten: Thịt, sữa, cá, trứng, những loại đậu, diêm mạch, bí ngô, tôm…
  • Canxi: Sữa chua, sữa tươi pho mát, bông cải xanh, hạnh nhân, rau dền, đậu phụ, sung…
  • Vitamin D: Lòng đỏ trứng, viên uống dầu cá, cá hồi, cá trích, cá mòi, hàu, tôm, nấm, sữa, ngũ cốc, bột yến mạch…
  • Chất xơ: lê, dâu tây, bơ, táo, mâm xôi, chuối, cà rốt, củ cải đường, bông cải xanh, atiso, rau mầm brussels, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh, yến mạch, hạnh nhân, hạt chia, khoai lang…
  • Chất sắt: Động vật có vỏ [sò, ốc…], rau bina, gan và các loại nội tạng khác, các loại đậu, thịt đỏ, hạt bí ngô, diêm mạch, gà tây, bông cải xanh, đậu phụ, cá…
  • Kali: Chuối, cam, dưa lưới,  dưa hấu, dưa lê, bơ, mơ, bưởi, rau lá xanh, rau chân vịt, măng tây, bông cải xanh, dưa leo, khoai tây, khoai lang, nấm, cà tím, củ cải, củ dền, bí ngô, thịt, gạo lứt, bánh mì ngũ cốc nguyên cám…
  • Nguồn vitamin phức hợp từ trái cây.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Phần lớn trường hợp gãy xương cánh tay đều có thể lành lại, không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào. Để quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ, người bệnh nên tới gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng gãy xương. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể hỗ trợ quá trình phục hồi bằng cách tuân thủ các phương pháp điều trị được bác sĩ khuyến nghị như vật lý trị liệu, chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.

Chủ Đề