Đối với các hải sản như tôm cá ngư dân thường bảo quản như thế nào

Kinh tế

Một số hình thức đánh bắt hải sản tiêu biểu ở xã Bình Minh

Tác giả: Nguyễn Văn Ngọc Ngày đăng: 10:47 | 20/04/17 Lượt xem: 3153

Các làng ven biển ở Bình Minh có nhiều hình thức đánh bắt phong phú, đa dạng, tùy vào từng ngư trường [lộng hay khơi], trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, lịch sử hình thành từng nhóm cư dân mà có những hình thức đánh bắt khác nhau. Các hình thức đánh bắt đó không chỉ là phương thức mưu sinh mà còn chứa đựng nhiều mối quan hệ xã hội, là điều kiện để hình thành nên các giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng ngư dân.

Có nhiều cách phân loại các hình thức đánh bắt hải sản, có thể chia theo các loại hình ngư cụ, như hình thức đánh bằng lưới [lưới kéo, lưới rê, lưới vây, lưới rùng]; hình thức đặt bẫy [như đặt bóng, đặt lờ]; câu [câu tay và câu dàn]; theo ngư trường hoặc mùa đánh bắt. Tuy nhiên, cách phân loại nào cũng có sự chồng chéo, vì khi đánh bắt ở gần bờ, lộng hay khơi, ngư dân đều sử dụng các hình thức đánh bắt đó, nói như vậy là các hình thức đánh bắt trên hoàn toàn phù hợp với mọi ngư trường, chỉ có điều tùy vào năng suất thu được, khả năng đầu tư mà ngư dân sẽ lựa chọn từng hình thức sao cho phù hợp nhất. Nếu ở ngư trường gần bờ, lộng có hình thức đánh lưới là đạt hiệu quả thì ngư trường khơi hình thức câu lại chiếm ưu thế.
Ở Bình Minh, chúng tôi tạm đưa ra hai hình thức đánh bắt, theo địa bàn [hay ngư trường] đánh bắt.
Các hình thức đánh bắt ở gần bờ và lộng
Phương tiện và công cụ đánh bắt
Phương tiện đánh bắt
Tàu, thuyền: là phương tiện quan trọng bậc nhất, không chỉ giúp cho ngư dân di chuyển trên mặt nước mà còn tham gia vào hoạt động đánh bắt. Trước đây chủ yếu phổ biến các loại thuyền đan bằng tre già, trét [trát] bằng dầu rái 1, dầu hắc 2, hiện nay ở Bình Minh vẫn còn loại thuyền này, nhưng số lượng không nhiều, khoảng 10 chiếc thuyền nang, với công suất từ 15 CV - 35 CV.
Từ thuyền đan bằng nan tre, ngư dân đã cải tiến thành thuyền gỗ, so với thuyền tre, thuyền gỗ có độ bền tốt hơn. Theo số liệu thống kê trong năm 2016, toàn xã có 147 chiếc, tổng công suất 35.600 CV, trong đó tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên có 107 chiếc, tăng 5% so với năm 2015.
Bảng 1: Số lượng tàu thuyền ở Bình Minh
Công suất loại tàu
Năm 2015
Năm 2016
Số lượng tàu
Tỷ lệ %
Số lượng tàu
Tỷ lệ %
Dưới 90 CV
45
32,64027,2
Từ 90 CV trở lên
9367,4
10772,8
Tổng138100147
100
Nguồn: Uỷ ban nhân dân xã Bình Minh cung cấp
Công cụ đánh bắt
* Đánh bằng lưới: hiện nay, nghề lưới ở Bình Minh chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong các hình thức đánh bắt, với hơn 70% lao động tham gia, chủ yếu tập trung ở hai thôn Tân An và Hà Bình. Lưới có nhiều loại khác nhau như: lưới cước, lưới ghẹ, lưới vây [lưới quây], lưới chụp, giã rút, cào ốc, cào nghêu Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt khái quát về các loại lưới đó.
+ Lưới cước: có 3 loại; lưới cước dày, lưới cước sưa và lưới 3 lớp.
- Lưới cước dày: là loại lưới làm bằng cước, có chiều dài khoảng 400m, chiều cao khoảng 2m, kích cỡ mắc lưới dày 2cm, có giềng phao và chì. Để đánh bắt có hiệu quả, ngư dân phải tính toán sao cho giữa giềng phao và giềng chì, đảm bảo được độ nặng cần thiết, đồng thời phù hợp với túi tiền, thời gian của ngư dân. Mỗi người có kỹ thuật làm khác nhau, nhưng khoảng cách để cột [buộc] viên chì phải đảm bảo từ 20 - 25cm, giềng phao cũng tương tự như vậy. Thông thường một dàn lưới cần đến 20 kg chì, 10kg phao [khoảng 1500 cái phao], kinh phí đầu tư khoảng 6 triệu đồng. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá hố, cá sòng, cá ngân, các bạc má đạt hiệu quả nhất là cá hố và cá sòng. Thời gian khai thác là quanh năm, đạt nhất từ tháng Bảy đến tháng Chạp, với độ sâu từ 22m nước trở vào bờ.
- Lưới cước sưa: về cơ bản giống với lưới cước dày, nhưng kích cỡ mắc lưới thưa hơn khoảng 11cm, có chiều dài là 500m, chiều cao 2,5m. Khoảng cách cột chì khoảng 40cm và viên chì của loại lưới này cũng to hơn, trọng lượng cả dàn lưới khoảng 110kg [60 kg chì + 10 kg phao + 40kg lưới], kinh phí đầu tư 12 triệu một dàn. Đối tượng đánh bắt chủ yếu là mực nan, cá đuối, ghẹ xanh Thời gian đánh bắt đạt hiệu quả nhất từ tháng Ba đến tháng Bảy. Tuy nhiên tùy theo từng năm mà thời gian đánh bắt cũng có thể khác.
- Lưới 3 lớp [3 màng]: được cấu tạo thành 3 lớp, có hai lớp rào [hai bên] và một lớp ruột [ở giữa], kích cỡ mắc lưới của 3 lớp này là như nhau. Có chiều dài khoảng 200m, chiều cao là 2m, kích cỡ mắc lưới khoảng 2cm, thường đánh các loại tôm bạc, tôm sú [nhưng ít], cách thức cột chì giống với lưới dày, khoảng cách từ 20 - 30 cm. Trọng lượng của dàn lưới khoảng 40 kg [tính cả chì + phao + lưới], kinh phí đầu tư là 6 triệu. Thời gian khai thác từ tháng Mười đến tháng Chạp.
+ Lưới Vây [lưới quây]: là ngư cụ khai thác chủ động, đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, chủ yếu bắt cá tập trung theo đàn với số lượng lớn. Lưới vây thường bao vây đàn cá đến hết độ sâu nơi khai thác, thông qua giềng chì để chặn cá thoát xuống phía dưới. Lưới vây được cấu tạo thành 3 phần: miệng lưới, thân lưới và đáy [đụt] lưới. Tính năng của miệng lưới có tác dụng bao vây, lùa cá vào thân và đáy. Với chức năng như vậy, nên người ta thiết kế miệng lưới dài hơn so với thân và đáy. Tùy vào từng ngư trường, từng cách đánh mà kích thước mắc lưới, độ dài, rộng sẽ khác nhau. Lưới vây có hai loại, lưới vây dày [lưới vây trủ] và lưới vây sưa. Lưới vây trủ có chiều dài khoảng 300m, chiều cao [sâu] khoảng 50 - 60m, kích thước mắc lưới từ 5 - 6 mm, được làm bằng chất liệu cước, còn lưới vây sưa có chiều dài khoảng 400m, chiều cao [sâu] đến 100m, khoảng cách mắc lưới từ 7 - 9 mm, chất liệu được làm bằng ni lông. Giữa hai loại lưới vây sưa và lưới vây trủ, mỗi loại có điểm mạnh, yếu riêng, nếu nghề lưới vây trủ đánh bắt những loại cá nhỏ, vừa, đánh ở lộng, thì lưới vây sưa lại có thế mạnh là đánh bắt các loại cá lớn, đánh bắt xa bờ. Theo số liệu thống kê ở Bình Minh hiện nay, loại lưới vây có số lượng nhiều nhất trong các loại đánh bắt bằng lưới [lưới vây sưa có 5 thuyền, lưới vây trủ có 60 thuyền].
Nghề lưới vây xuất hiện ở Bình Minh cách đây khoảng 18 - 20 năm. Đó là khoảng thời gian không nhiều nhưng hiệu quả mà nó đêm lại cho ngư dân là rất lớn, nhiều gia đình, nhiều thôn xóm đã giàu lên nhanh chóng, đến nay loại hình đánh bắt này đã loan tỏa khắp các thôn, vạn [dạn] 3. Nghề này, do ông Trần Văn Liên [thôn Tân An, Bình Minh], học hỏi ở Nha Trang, Khánh Hòa đem về. Ban đầu có nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của nó, vì đây là loại hình đánh bắt mới, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường có nhiều rạn 4 còn ở Bình Minh có cách đánh theo kiểu nước lần [gặp đâu đánh đó] nên phải có sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, qua thời gian trải nghiệm, ông đã cải tiến thêm những tính năng để phù hợp với ngư trường nơi đây.
+ Lưới chụp [chụp mực]: cũng dựa trên nguyên tắc lọc nước bắt hải sản, khi đánh bắt người ta thả lưới chụp từ trên xuống, các loại hải sản bị giữ lại trong lưới bởi sự gom tụ của giềng chì. Lưới chụp mực chủ yếu sử dụng nguồn ánh sáng để khai thác hải sản, giống với loại lưới vây, nhưng ở đây lượng ánh sáng dùng lớn hơn lưới vây, ví như lưới vây chỉ cần khoảng 25 - 50 bóng đèn cao áp [1000w], lưới chụp cần đến 50 - 120 bóng cao áp [1000w]. Loại lưới này đã xuất hiện từ lâu và được sử dụng rộng rãi trên thế giới, vào Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 90. Ở Bình Minh, hình thức đánh bắt này, xuất hiện được 8 năm, do ông Trần Văn Liên [thôn Tân An - Bình Minh], đi học nghề ở Quảng Bình, đem về địa phương.
Lưới chụp có cấu tạo đơn giản, gồm nhiều tấm lưới ghép lại với nhau, có dạng hình chóp, thon dần từ miệng đến đụt [đáy] lưới. Phương tiện đánh bắt chủ yếu là tàu có công suất từ 90 CV trở lên, ngư trường hoạt động hiệu quả nhất là ở vùng lộng. Kích thước của lưới chụp có chiều dài từ 100 - 110m, chiều cao khoảng 34m [từ miệng đến thân lưới khoảng 26m được làm bằng cước, phần đáy còn lại dài khoảng 8m, làm bằng chất liệu phialen [vật liệu bền, để tăng cường khả năng chịu sức nặng, vì đây là phần hải sản có xu hướng thoát ra nhiều nhất]. Kích cỡ mắc lưới là 12cm, trọng lượng một dàn lưới khoảng 8 tạ, riêng phần chì nặng đến 7 tạ. Vốn đầu tư của một giàn lưới này khoảng 70 triệu. Theo số liệu thống kê năm 2016 toàn xã có 32 tàu chụp mực, riêng ở thôn Tân An có 23 chiếc, còn lại Hà Bình 6 chiếc, Bình Tịnh 2 chiếc, Bình Tân 1 chiếc. Chiếc nhỏ nhất có công suất 250 CV, lớn nhất có công suất 860 CV.
+ Cào ốc, cào nghêu
- Cào ốc [chủ yếu là loại ốc rút]: là hình thức dùng vợt để cào. Vợt được cấu tạo thành 2 bộ phận là vành vợt và đãy [đáy] vợt; vành vợt làm bằng tre hoặc bằng sắt được chia làm hai phần, vành trên gắn với cán cào, vành dưới người ta bố trí gắn với lưỡi cào, để khi người cào ấn mạnh cán cào thì vành dưới ăn sâu vào đất; phía sau vành cào là đáy cào được kết bằng lưới có mắc lưới dày. Khi khai thác ngư dân hay đi thụt lùi, cán cào và vợt được giữ thẳng đứng, để khi vành cào trườn qua lớp đất cát, chúng sẽ không bị đùn [giữ] lại mà đẩy ra ngoài vợt, còn ốc nằm lại trong đáy vợt.
Từ những năm 90 trở lại đây, những người làm nghề cào ốc đã cải tiến vợt cào thành bàn cào và gắn máy nổ để kéo, cho hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay loại hình này vẫn dùng phương thức thủ công là chính, tập trung ở thôn Bình Tịnh. Cào ốc thường cào theo mùa, nhưng đạt năng suất nhất là từ tháng Hai đến tháng Tư, ngoài thời gian này, ngư dân chuyển sang cào nghêu.
- Cào nghêu
Về nguyên tắc, dụng cụ và phương tiện khai thác giống với cào ốc, chỉ có điều khác biệt là kích cỡ mắc lưới ở phần đáy thưa hơn. Nghề cào nghêu diễn ra quanh năm, đạt hiệu quả hơn cả là từ tháng Một đến tháng Tư.
+ Giã [rê] ruốc
Ruốc thuộc họ tôm tép, giống với tép sông, có màu hồng phấn, ruốc có thể bán khi còn tươi hoặc phơi khô, nhiều khi có thể còn làm mắm để ăn cũng rất ngon. Ruốc thường nổi vào mùa đông, cách bờ khoảng 50 - 100m. Giã ruốc là hình thức dùng ghe nhỏ [có gắn máy] để kéo dàn te vớt ruốc. Dàn te được kết bằng loại lưới trủ [chất liệu bằng cước] kích cỡ mắc lưới rất dày khoảng 1mm, dạng hình phễu có đãy [đụt] dài và nhỏ dần về phía đáy. Kết cấu của dàn te gồm có hai phần; phần vành và phần lưới, phần lưới gồm có giềng chì để chìm dưới nước, giềng phao để nổi lên mặt nước. Tại hai đầu vành te người ta đặt hai cây gang [hoặc sắt] để dàn te giang rộng về chiều đứng, điểm giáp mối giữa giềng chì và giềng phao được nối bằng hai sợi gióng te và buộc chặt vào một đoạn tre dài khoảng 3 - 4 m để căng dàn te rộng về chiều ngang và nối hai sợi dây cân đối vào ghe để kéo đi. Trước đây, ngư dân thường giã [rê] ruốc bằng chất liệu cước, hiện nay đa số chất liệu đó được thay thế bằng ni lông, đơn giản vì nó đạt năng suất hơn. Theo thống kê [2016], toàn xã có 33 ghe [thuyền] làm nghề cào ốc, cào nghêu, giã ruốc, với công suất mỗi ghe là 16 CV - 35 CV.
* Đánh bằng bẫy
Là loại hình đánh bắt thụ động. Các loại hải sản được dẫn dụ vào nơi đã bố trí ngư cụ, chúng bị lôi cuốn bởi con mồi mà tiến đến miệng hom, sau đó mắc bẫy và không thể thoát ra được. Điển hình cho loại này là lồng ghẹ, bóng mực
- Lờ ghẹ: giống như đặt lờ ở sông, có dạng hình tròn, chiều cao khoảng 20cm, đường kính khoảng 60cm, kết cấu khung được làm bằng sắt, nhìn tổng thể một lồng ghẹ giống với chiếc trống cơm, xung quanh được bọc bằng lưới, bên hông có chừa một lỗ nhỏ dạng hình phễu [ngoài rộng, trong hẹp, ngư dân hay gọi là miệng hom], trong lờ có đặt lưỡi câu để đặt mồi. Mồi nhữ thường dùng là các loại cá nục, cá chuồn còn tươi sống. Ngư trường đánh bắt thuận lợi nhất là gần bờ, với độ sâu từ 25 - 35m nước [ngoài khơi cũng có thể khai thác được, nhưng ở Bình Minh ngư dân không đặt ở ngư trường này], chủ yếu các loại hải sản ở tầng đáy như ghẹ, mực Phương tiện đánh bắt bằng ghe [có gắn máy] hoặc thúng nan. Mỗi lần đặt lờ, ngư dân đặt tới 30 - 40 cái lồng, tất cả chúng được kết lại với một sợi dây to, cứ cách 15 - 20m đặt một lờ, khi thả xuống sát đáy người ta dùng vật nặng để đè lên cho khỏi nổi, thả xong để tránh sự nhầm lẫn ngư dân đánh dấu chổ đặt lờ bằng cách làm những lá cờ thả nổi trên mặt nước. Sau khoảng 5 - 6 giờ ngâm lờ, ngư dân đi kiểm tra, nếu có thì tiến hành tháo gỡ.
- Bóng [lồng] mực: giống với đặt lờ ghẹ, kết cấu khung được làm bằng tre, chiều dài khoảng 1.2m, chiều cao khoảng 60cm, xung quanh bọc lưới, có dạng hình bán nguyệt và bên trên bóng người ta phủ một lớp lá, để làm cho lồng có bóng râm, dễ thu hút mực. Mồi nhử là cá tươi hoặc dùng trứng mực [dùng bông viên lại thành hình tròn có hình dạng giống với trứng mực] để dụ con mực vào trong. Sau đó đem bỏ vào túi ni lông và buộc lại, mực thấy vậy vào đẻ trứng và không chui ra được. Mùa đánh bắt diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Sáu.
* Đánh bằng câu
Là hình thức đánh bắt thụ động, làm lôi cuốn, dụ dỗ các loại hải sản di chuyển đến nơi đã bố trí lưỡi câu. Do sự hấp dẫn của con mồi [có thể tự nhiên hoặc nhân tạo], chúng dễ dàng bị bắt khi cố gắng ăn mồi. Ở Bình Minh hiện nay, có nhiều hình thức câu, vùng gần bờ có câu giàn, câu tay; ngoài khơi có câu khơi [sẽ trình bày ở phần các hình thức đánh bắt xa bờ].
+ Câu giàn [câu giăng]: gồm nhiều lưỡi câu được gắn kết với nhau và thả cùng một lúc. Mỗi lưỡi câu được buộc một đoạn dây cước ngắn từ 3 - 5m [tùy theo từng người câu, sao cho phù hợp với điều kiện ngư trường], sau đó lấy tất cả những lưỡi câu đã buộc dây, đem buộc vào một sợi dây chính [bằng cước to] dài khoảng 100 - 150m, có khi dài đến 300 - 400m, tùy vào người câu. Lưỡi câu làm bằng thép được thiết kế một đầu nhọn và có ngạch để móc mồi, khi cá cắn câu không bị rơi xuống, phía trên lưỡi câu có chừa một cái ngạch để buộc dây cước. Lưỡi câu có nhiều loại, tùy vào từng loại hải sản mà có kích cỡ khác nhau, nhưng hầu hết các lưỡi câu đều có hình dạng số 6 hoặc số 7.
+ Câu tay: dùng tay để câu, tùy vào từng loại hải sản mà ngư dân có thể câu một lưỡi hoặc nhiều lưỡi [gọi là câu rường hay câu chui]. Khi câu ngư dân cầm một đầu dây cước và thả một đầu kia được móc lưỡi câu xuống nước, độ sâu thích hợp để câu thường là 9 - 15 sải [tương ứng với 13,5m - 22,5m]. So với đánh lưới, đánh bẫy có phương thức khai thác đơn giản hơn, đầu tư không nhiều, nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật tốt và tính kiên nhẫn
Trừ hai hình thức khai thác lưới vây và chụp mực ra, nhìn chung các hình thức còn lại như: lưới cước, cào nghêu, cào ốc, giã ruốc, đặt bẫy [lờ ghẹ, bóng mực] có ưu điểm là đầu tư không nhiều [khoảng 15 triệu đồng], ngư dân có thể đầu tư được ngư lưới cụ, ghe [thuyền] và các trang bị khác. Hoạt động đánh bắt diễn ra trong ngày, nên ngư dân có thể chủ động được kinh phí và thời gian. Không những vậy, người lớn tuổi, phụ nữ cũng có thể tham gia. Những hình thức đánh bắt này, phù hợp với đặc tính vùng biển ngang, hiệu quả cũng tương đối, được mùa, có ngày trừ chi phí, ngư dân thu được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, còn không trung bình mỗi ngày được 150 - 200 ngàn đồng. Hiện nay ở Bình Minh, chỉ có 10% hộ ngư dân làm nghề này.
Ngoài các loại hình đánh bắt trên, ở Bình Minh còn có nhiều hình thức đánh bắt khác như: Lưới rùng 5, lưới quát 6, lưới cao 7, mành chốt 8 đây là những loại hình đánh bắt truyền thống. Nhưng hiện nay các loại hình đánh bắt này, không được hiệu quả nên ngư dân không dùng đến.
Đối tượng đánh bắt
Ngư dân muốn đánh bắt được nhiều tôm cá, ngoài việc trang bị các điều kiện vật chất như ghe, tàu, lưới bên cạnh đó, họ còn phải nắm bắt được các đặc điểm, tập tính của các loại hải sản. Điều này không chỉ có ý nghĩa quyết định giúp cho ngư dân chuẩn bị ngư cụ phù hợp, đặc biệt hơn là đưa ra cách đánh bắt tốt nhất, để đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn như ở tầng cá nổi, ngư dân sẽ sử dụng các phương pháp đánh bằng lưới, ở tầng cá đáy thì dùng lưới kéo hoặc đặt bẫy...
Hiện nay ở trong ngư trường Bình Minh có khoảng trên 100 loại hải sản khác nhau. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào một số đối tượng chính có sản lượng tàu ghe khai thác nhiều và có giá trị kinh tế cao.
Số liệu thống kê của địa phương trong những năm qua cho thấy các loại cá cơm, cá sòng, cá chim, cá ngừ, cá thu và các loại mực cơm, mực ống và mực nang được khai thác nhiều nhất. Chúng sống ở tầng nước nổi với độ sâu mặt nước từ 30 - 50m, chủ yếu tập trung ở ngư trường ven bờ và lộng [chỉ có cá ngừ, cá thu, mực nang, mực ống là sống ở vùng khơi, nhưng vào tầm tháng Tư đến Chín là chúng di chuyển vào bờ]. Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, đàn cá nổi thường tập trung ở vùng nước gần bờ và lộng, chiếm tỉ lệ khoảng 70%; còn 30% là ở vùng nước xa bờ; và thường xuất hiện vào mùa đánh bắt chính của ngư dân [vụ cá Nam].
Tổ chức đánh bắt
Ở Bình Minh hiện nay, có loại lưới vây, lưới chụp mực là đánh bắt có hiệu quả kinh tế cao. Lưới vây, lưới chụp đều đánh bắt ở vùng lộng và xa bờ, nhưng vùng lộng có hiệu quả hơn. Lưới vây chủ yếu đánh bắt các loại cá [mực có, nhưng ít], lưới chụp chủ yếu khai thác mực. Cả hai loại lưới đều sử dụng ánh sáng để đánh bắt. Với loại hình lưới vây có cách tổ chức đánh bắt như sau: dùng ánh sáng để thu hút đàn cá tập trung, khi đàn cá tập trung đến số lượng nhiều, lúc này ngư dân tắt dần các bóng điện và dùng thuyền thả lưới vây thành vòng tròn xung quanh đàn cá rồi kéo dây rút gọn giềng chì để thắt kín đáy, không cho đàn cá thoát xuống dưới; sau đó thu dần vàng lưới, dồn cá vào đáy lưới rồi dùng vợt xúc cá lên tàu. Lưới vây có thể đánh cả đêm lẫn ngày. Đánh ban ngày là gặp trường hợp cá nổi nhiều trên mặt nước, ít khi xảy ra. Do đặc trưng là dùng ánh sáng, nên những lúc tối trời là điều kiện thuận lợi để ngư dân đánh bắt có hiệu quả, và được ngư dân đúc kết tối trời ngời cá. Vào những thời điểm có trăng sáng từ mồng 7 trở đi là tàu thuyền bắt đầu nghỉ trăng, đến ngày 18, 19 [có khi đến ngày 21] mới bắt đầu đi biển lại. Đối với loại lưới vây, có số lượng người tham gia đánh bắt đông từ 7 - 9 người, nhiều tàu có đến 12 người, phương tiện sử dụng là ghe có công suất từ 45 CV trở lên.
Nguyên tắc đánh cá
Từ bao đời nay, ngư dân đều hiểu tất cả các loại tài nguyên, khoáng sản ở giữa biển là của chung, không một ai có thể chiếm dụng riêng cho mình. Câu ngạn ngữ Điền tư, ngư chung phải chăng là để ngụ ý nói về hiện tượng trên. Điều này cũng đồng nghĩa với Chim trời, cá nước, ai được thì ăn, ai cũng có quyền đánh bắt. Tuy nhiên trong quá trình đánh bắt, nó cũng có những nguyên tắc nhất định. Gọi là nguyên tắc, chứ thực ra đó là cách ứng xử của con người với con người, khi tham gia đánh bắt phải hành động cho hợp tình và có lý. Theo lời kể lại của các vị cao niên ở Bình Minh, xưa nay chưa bao giờ xảy ra hiện tượng phá vỡ nguyên tắc, nó đã trở thành tập quán hóa, là phương thức sống đã thâm căn cố đế vào máu thịt của ngư dân nơi đây.
Các hình thức đánh bắt xa bờ
Phương tiện và công cụ đánh bắt
Phương tiện đánh bắt
Giống với đánh bắt gần bờ và lộng, cũng dùng ghe, tàu... Tuy nhiên ở mỗi ngư trường, mỗi phương thức đánh bắt, mức độ sử dụng phương tiện cũng khác nhau. Nếu ở ngư trường gần bờ, lộng, ghe là thế mạnh, đánh bắt nhanh thì ở ngư trường khơi, tàu là phương tiện chủ lực, có thể vươn khơi bám biển dài ngày và chống cự được với gió to sóng lớn. Tàu cũng có thể đánh bắt tốt ở trong lộng, nhưng so với ghe năng suất và hiệu quả của nó không cao. Theo số liệu năm [2016], toàn xã có 147 tàu thuyền, trong đó có 54 tàu đánh bắt xa bờ.
Ngoài tàu thuyền, thúng nan cũng góp phần quan trọng vào việc khai thác của ngư dân, đặc biệt đối với nghề câu mực khơi. Hiện nay, số lượng thúng nan hoạt động trong ngư trường khơi chiếm tỷ lệ khá lớn. Mỗi chiếc tàu câu mực hoạt động ở khơi phải trang bị từ 28 - 38 chiếc thúng [mỗi chiếc thúng tương ứng với một người]. Ở Bình Minh hiện có 19 tàu câu mực, cứ như vậy tính ra khoảng 645 chiếc, mỗi chiếc trị giá khoảng 6 triệu đồng. Nếu đem hạch toán ra bằng tiền thì giá trị kinh tế không phải là nhỏ.
Công cụ và trang thiết bị đánh bắt
Dù ở tuyến lộng hay khơi, công cụ đánh bắt luôn là yếu then chốt có tính quyết định đến hoạt động khai thác hải sản. Về cơ bản, công cụ đánh bắt không có gì khác cũng dùng lưới, dùng bẫy, dùng câu nhưng tùy vào ngư trường mỗi công cụ sẽ có lợi thế riêng. Nếu nghề lưới là phương pháp chủ đạo của ngư dân khi khai thác ở gần bờ và lộng, thì tuyến khơi, nghề câu mực xà lại chiếm ưu thế. Tất nhiên, ở tuyến khơi cũng dùng lưới, bẫy để khai thác, nhưng số lượng không nhiều nên chúng tôi không đề cập đến, mà chủ yếu đi sâu vào loại hình câu mực khơi.
* Công cụ đánh bắt của nghề câu khơi [trang bị riêng cho mỗi ngư dân]
Về nguyên lý, tính năng, đặc điểm của nghề câu khơi ở Bình Minh là câu bằng rường [cũng là hình thức câu tay, gồm nhiều lưỡi câu, buộc thành một rường, mỗi rường gồm 14 - 16 lưỡi], dưới rường có buộc chì, khi câu ngư dân cầm một đầu dây cước [có người buộc đầu dây cước này vào ống câu, có dạng hình tròn, được làm bằng nhựa hoặc gỗ], lưỡi câu được móc mồi bằng các loại cá tươi như cá nục, các chuồn độ sâu thích hợp để câu là 50 - 70m.
Loài mực có đặc điểm ưa ánh sáng, bởi vậy khi đi câu, ngư dân phải trang bị bình ắc qui, bóng đèn [khoảng 25 vôn], hoặc đèn nháy [có nhiều màu, xanh, đỏ]; ngoài ra, còn phải có bộ đàm, áo phao, buồm, bọc [đãy] để chao [rửa] mực [được làm bằng chất liệu phatalen]. Đặc biệt với những người mới hành nghề lần đầu phải tự trang bị một chiếc thúng, dụng cụ câu [cước và rường], chuẩn bị nước uống, lương thực. Tính sơ bộ mỗi người phải đầu tư khoảng 8 - 15 triệu, những lần đi tiếp theo, chỉ cần đầu tư một ít lương thực, nước uống Các khoản khác như nguyên vật liệu như xăng dầu, thuốc, lương thực, chủ thuyền bỏ vốn đầu tư. Kết thúc chuyến đi biển, những người thợ câu tính lại cho họ.
* Các trang thiết bị trên tàu câu mực [trang bị chung]
Nghề câu mực khơi [mực xà] ở Bình Minh bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990. Lúc đầu phương tiện và công cụ còn thô sơ, công suất nhỏ, thời gian hoạt động khoảng 10 - 15 ngày, sản lượng đánh bắt và hiệu quả còn thấp. Đến nay, với sự đầu tư của ngư dân, số lượng tàu thuyền được nâng cấp, đóng mới có công suất lớn ngày càng nhiều, khai thác ở ngư trường xa cách bờ từ 300 - 600 hải lý. Khả năng bám biển dài khoảng 75 - 90 ngày. Sức chở của tàu được nâng lên từ 28 - 38 thúng. Tuy nhiên, nghề câu khơi thường hay gặp rủi ro, nguy hiểm, bởi vậy cần phải đầu tư, nâng cấp máy tàu, vỏ tàu, cải tiến ngư cụ và sắm sửa các trang bị hiện đại như máy định vị, máy thông tin liên lạc tầm xa, rada, ECOM để liên lạc với nhau, lỡ có chuyện gì bất trắc xảy ra mà có phương án ứng cứu kịp thời, để ngư dân yên tâm hơn khi đi khai thác.
Nghề câu mực khơi có hai hình thức: câu mực tươi [bảo quản bằng phương thức ướp đá giống như ướp cá, có thời gian đánh bắt từ 10 - 20 ngày, nghề này chủ yếu tập trung ở Núi Thành - Quảng Nam] và câu mực khô. Ở Bình Minh chỉ làm nghề câu mực khô, đặc điểm của nghề này là phải có hệ thống giàn phơi. Một giàn phơi mực thông thường có kích thước bằng với chiều dài của tàu khoảng 17 - 19m, chiều rộng khoảng 5 - 6m, chiều cao từ 4 - 5m, được thiết kế gồm hai tầng, dưới to, trên nhỏ, khoảng cách giữa 2 tầng khoảng 0,8 - 1m. Giàn phơi được làm khá vững chắc gồm nhiều hệ thống trụ [10 - 14 trụ] chia làm hai hàng dọc theo thân tàu, gồm nhiều thanh ngang nằm song song với chiều rộng của thân tàu được nối liền với các trụ đứng, ngoài ra còn có nhiều tấm phơi hình chữ nhật, chiều dài khoảng 2 - 2,5m, chiều rộng khoảng 1,2 - 1,8m tuỳ theo chiều dài của tàu và số lượng người câu. Trên mỗi tấm phơi có khoảng 12 đến 18 nẹp, mỗi nẹp được đóng 20 đinh, khoảng cách giữa các cây đinh là 10cm. Trung bình cứ mỗi tấm phơi có từ 240 đến 360 cây đinh. Mỗi đinh móc một con mực, trung bình mỗi người câu mực có 2 tấm phơi, tổng lượng đinh của mỗi người 500 - 800 đinh. Các tấm phơi này mỗi năm [một mùa câu] lại thay mới một lần.
Đối tượng khai thác
Chủ yếu là các loại mực xà [mực lá], mực vôi, mực bình thủy, mực bánh mì, mực lele, mực bay, trong đó loại mực xà chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là mực bình thủy, mực lele Các loại mực này được khai thác quanh năm, trừ mùa mưa bão. Mực sống ở độ sâu khoảng 100m nước, tập trung nhiều nhất khoảng 30 - 50m. Mực thường nhậy cảm với sự biến đổi của điều kiện thời tiết, áp suất, nguồn nước; mực kiếm thức ăn vào ban đêm, do ban ngày do lớp nước bề mặt bị ánh sáng mặt trời hun nóng, làm nhiệt độ tăng lên, nên chúng thường lặn xuống tầng đáy, đến đêm khi nhiệt độ bề mặt nước giảm đi, mực mới di chuyển lên bề mặt để kiếm mồi Vào mùa khô [từ tháng Chạp đến tháng Ba năm sau], mực còn có tập tính di chuyển đến các vùng nước nông, ở độ sâu trên 30m. Mùa đông mực lại di chuyển đến các vùng nước sâu từ 40 - 70m. Để đánh bắt hiệu quả, ngư dân đã nắm rõ quy luật hoạt động cũng như đặc điểm sinh học của chúng. Tuy nhiên, tùy từng năm, điều kiện thời tiết hiệu quả khai thác sẽ khác.
Tổ chức đánh bắt
Trong các nghề đánh bắt trên biển, có lẽ nghề câu mực khơi là vất vả hơn cả. Nghề lưới chụp, lưới vây có cách đánh mang tính tập thể, thì ngược lại nghề câu mực khơi hành nghề đơn độc, chơ vơ giữa biển khơi, một mình vật lộn với sóng gió. Điều đáng sợ nhất của nghề này, là thường đối mặt với những cơn giông, gió xoáy bất ngờ, cộng thêm thức đêm nhiều hoặc ốm đau đột xuất, sức khỏe không còn đủ chống chọi lại Những lúc như thế, người câu chỉ biết phó mặc cho số phận. Nhiều người ra đi mà không có ngày trở lại là chuyện thường tình, tất cả cũng chỉ vì chuyện miếng cơm manh áo. Dù gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn cứ lặng lẽ thả câu, say sưa đuổi theo đàn mực và mãi bám trụ với nghề cho hết năm này qua năm khác.
Nguyên tắc đánh bắt
Bên cạnh những điểm tương đồng với nguyên tắc đánh bắt ở vùng gần bờ, lộng, nghề câu mực khơi còn có những điểm riêng là đánh bắt theo kiểu cá nhân, mỗi người mỗi thúng, khoảng cách giữa các thúng câu cách nhau từ 300 - 500m, do đó việc tranh giành nguồn lợi rất ít xảy ra. Tuy nhiên với phạm vi hoạt động của mỗi thúng câu cách xa như vậy cũng là một yếu tố bất lợi, có chuyện gì xảy ra với những người thợ câu, họ không thể giúp đỡ được nhau.
Sơ bộ về các hình thức đánh bắt hải sản
Thuận lợi
- Nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến hoạt động đánh bắt của ngư dân như: Quyết định 48/2010/QĐTTg ngày 13/7/2010 của Chính phủ quy định Việc hỗ trợ một phần kinh phí cho những ngư dân đánh bắt xa bờ; Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND tỉnh Quảng Nam Về phê duyệt Đề án hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Gần đây nhất là Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho ngư dân vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Với các chính sách trên đã kịp thời hỗ trợ cho ngư dân có thêm nhiều động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Ngoài ra, sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, Huyện, cùng với đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã Bình Minh xác định hoạt động khai thác và chế biến hải sản là ngành mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
- Ngư trường rộng, nguồn lợi hải sản phong phú; ngư dân có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt, thông thuộc địa hình, có khả năng dự báo và đoán định thời tiết, lịch con nước, đàn cá di chuyển một cách chính xác. Mặt khác khu vực này là nơi tập trung nhiều loại hải sản vào bờ để sinh sản, như cá cơm, cá nục, cá ngừ, cá sòng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại hình đánh bắt với nhiều lối đánh khác nhau như đánh đơn, đánh đôi hoặc đánh tập thể.
- Lực lượng lao động dồi dào, ngư dân có tính cần cù, sáng tạo, tiếp thu nhanh những nghề mới, máy móc mới, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động đánh bắt hải sản.
- Các cơ sở thu mua, chế biến hải sản mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.
Khó khăn, thách thức
- Nguồn vốn: để đầu tư đóng mới phương tiện đánh bắt trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc vay vốn còn nhiều nhiêu khuê, bất cập gây khó khăn cho ngư dân nên họ chưa mặn mà.
- Ngư trường: là vùng bãi ngang nên việc neo đậu, trú ẩn, vận chuyển hải sản của tàu thuyền gặp nhiều khó khăn. Nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, một phần do sự tác động của môi trường, biến đổi khí hậu mặt khác do khai thác quá mức, thiếu thông tin về nguồn lợi...
- Điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng: hạ tầng giao thông phục vụ cho nghề cá chưa đảm bảo. Quy mô một số bến cá còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, làm cản trở và hạn chế trao đổi giao thương hải sản. Hoạt động cung ứng nguyên, nhiên vật liệu khai thác hải sản còn nhiều hạn chế... Bên cạnh đó, các tàu thuyền ở Bình Minh đa phần đã qua sử dụng nên việc bảo quản hải sản trên tàu còn thiếu trang thiết bị, hệ thống hầm bảo quản không đảm bảo, ngư dân chủ yếu ướp cá bằng phương pháp truyền thống như ướp đá, muối nên chất lượng hải sản bị giảm sút ảnh hưởng đến giá cả.
- Thiên tai: luôn có những diễn biến bất thường như bão lớn, lốc xoáy, không khí lạnh tăng cường liên tục, áp thấp nhiệt đới thường xuyên xảy ra gây khó khăn hoạt động đánh bắt của cho ngư dân. Đặc biệt, với nghề đánh bắt mực khơi còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống giàn phơi, do làm từ vật liệu là tre, gỗ nên khi trời mưa dễ bị thấm nước làm tăng trọng lượng gây ra mất an toàn.
- Nhân tai: tình hình rủi ro, tai nạn trên biển và sự gây rối của các tàu lạ thường xuyên xảy ra đã làm cản trở hoạt động đánh bắt của ngư dân. Đặc biệt trong năm 2016 đã xảy ra 8 vụ tại nạn trên biển làm bị thương 5 người, thiệt hại tài sản của ngư dân lên đến 6 tỷ đồng.
- Cơ chế chính sách: có nhiều, nhưng chưa phát huy được tính hiệu quả, nhiều chính sách chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ bước đầu. Chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp, các nhà đầu tư còn mang tính nhỏ giọt.
- Chất lượng nguồn lao động: lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao. Mặt bằng trình độ dân trí của ngư dân còn thấp, hầu hết chưa học xong phổ thông, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phần lớn được đào tạo theo phương thức "cha truyền con nối". Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng hầu hết ít được đào tạo qua trường lớp chính quy, nên việc sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại còn bỡ ngỡ; thiếu kiến thức cơ bản về luật hàng hải để có thể hoạt động khai thác ở những vùng biển quốc tế.
- Thị trường: đầu ra không ổn định, sự liên kết của ngư dân với doanh nghiệp thiếu tính bền vững. Ngoài ra, một số ngư dân làm nghề câu mực khơi bị phụ thuộc khá lớn vào giới đầu nậu, con buôn, do đó họ bị các lái buôn ép giá và điệp khúc được mùa mất giá luôn tái diễn.
- Lực lượng cán bộ quản lý: về lĩnh vực hải sản còn mỏng và thiếu năng lực chưa nắm bắt được yêu cầu đề ra.
- Khoa học, công nghệ: một số tàu cá còn thiếu trang thiết bị khai thác, trang thiết bị an toàn hàng hải như ra đa, máy định vị vệ tinh...; chưa áp dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
- Hoạt động khai thác: thiếu tính bền vững, môi trường vùng biển ngày càng bị xâm hại. Ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của ngư dân còn kém. Hiện tượng khai thác tràn lan không đúng ngư trường, không tuân theo quy hoạch mùa vụ còn xảy ra. Ngư dân chỉ quen với lối khai thác truyền thống, tối đi sáng về hoặc sáng đi chiều về, nên ngư trường vùng khơi ít thông thạo, từ đó dẫn đến nhiều tàu thuyền tập trung khai thác ở vùng lộng, ven bờ còn quá lớn [93/147 tàu thuyền khai thác ở trong bờ, lộng]. Tỷ lệ này cho thấy mật độ khai thác hải sản ở khu vực này là bất hợp lý. Tình trạng khai thác vào mùa cá sinh sản, bãi đẻ, đánh bắt cá con, cá tạp tại các vùng cấm khai thác vẫn còn xảy ra. Thực tế cho thấy trong các mẻ lưới mà ngư dân khai thác được, số lượng hải sản chưa đến tuổi trưởng thành, cá tạp, cá con chiếm tỉ lệ khá cao khoảng 40 - 50%. Thêm vào đó, ngư dân còn quá chú trọng vào năng suất, sản lượng đánh bắt mà không để ý đến chất lượng. Bên cạnh đó, ngư dân còn sử dụng kích cỡ mắt lưới nhỏ hơn giới hạn cho phép. Điển hình như loại lưới vây rút chì, quy định kích thước mắt lưới là 18mm, nhưng ngư dân dùng kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều [từ 3 - 9mm]. Chính những điều này, phần nào đã làm giảm hiệu quả kinh tế, đồng thời còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên trong tương lai. Ngư trường khơi, số lượng loại hình đánh bắt vẫn còn dè dặt, chỉ có nghề câu mực, các loại khác như câu cá ngừ hoặc đánh bằng lưới, bằng bẫy hình như thiếu vắng.
- Tâm lý muốn chuyển đổi nghề nghiệp: một bộ phận ngư dân có tâm lý không ổn định trong việc chọn nghề; chẳng hạn đang làm nghề câu mực khơi mà không đạt hiệu quả, họ chuyển đổi sang nghề khác
Một vài khuyến nghị
Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của kinh tế biển. Các quốc gia có biển ngày càng chú trọng đến khu vực kinh tế này. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò của kinh tế biển trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, phát triển kinh tế biển còn là nhiệm vụ mang tính chiến lược để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chống lại dã tâm xâm chiếm lãnh hải nước ta và các nước trong khu vực để độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, vai trò của ngư dân cực kỳ to lớn. Vì vậy, động viên, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu biển - đảo cho ngư dân. Tuy nhiên, để ngư dân vững vàng và yên tâm bám giữa biển khơi, Nhà nước cần có đầu tư lớn, hỗ trợ ngư dân. Tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích ngư dân cải hoán và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi bám biển, qua đó góp phần làm giảm sức ép, mật độ khai thác ở trong bờ và lộng. Đẩy mạnh, phát triển các hình thức đánh bắt, đồng thời còn là dịp để cũng cố các mối quan hệ xã hội, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Góp phần bảo tồn và phát triển các yếu tố văn hóa.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế xã Bình Minh, để nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, xin được kiến nghị như sau:
Thứ nhất, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ ngư dân một cách rộng rãi hơn với lãi suất ưu đãi. Ngoài nguồn vốn ngân sách, chính quyền địa phương khuyến khích ngư dân tận dụng các nguồn vốn tự có, để ngư dân có điều kiện cải hoán và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, độ bền cao, mua sắm ngư lưới cụ, các trang thiết bị đánh bắt.
Thứ hai, Nhà nước cần hỗ trợ các công cụ như đài máy dự báo thời tiết và máy ECOM tầm xa để các tàu thuyền đánh bắt xa bờ có thể liên lạc với nhau khi có tình huống xảy ra và hỗ trợ các dụng cụ phao cứu sinh để phòng tránh các sự cố xảy ra trên biển. Đặc biệt có chính sách hỗ trợ thiệt hại kịp thời đối với những phương tiện gặp rủi ro, tai nạn.
Thứ ba, đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong thời gian tới địa phương cần phải tiến hành xây dựng bến cá mới [ở phía Bắc thôn Tân An], mở rộng ao thuyền Hồng Triều, để ngư dân tránh trú bão an toàn hơn.
Thứ tư, đào tạo nguồn lao động nghề cá phù hợp với điều kiện thực tế, khuyến khích con em ngư dân theo nghề khai thác hải sản; đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Thăng Bình tiếp tục mở lớp đào tạo dạy nghề như thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về phương thức đánh bắt mới, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao kiến thức về biển đảo và ngư trường, cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn
Thứ năm, có chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến hải sản mở cơ sở sản xuất tại địa phương.
* Về phía chính quyền địa phương
Một là, chính quyền địa phương cùng phối hợp với các cấp, các ngành cấp trên xây dựng lộ trình phù hợp và ban hành các quy định cụ thể như cấm ngư dân dùng các phương pháp có hại; quy định mùa cấm, vùng cấm đối với các vùng như bãi sinh sản; hạn chế ngư dân dùng kích thước mắt lưới cá nhỏ, tỉ lệ cá tạp, cá chưa trưởng thành; giảm số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ, và hạn chế các tàu thuyền có công suất lớn lấn sân khai thác vùng ven bờ và lộng.
Hai là, đưa vấn đề điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản trở thành nhiệm vụ thường niên, cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về nguồn lợi hải sản, dự báo ngư trường phục vụ cho việc hoạch định chính sách và chỉ đạo sản xuất của địa phương.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật và các quy định của Nhà nước về hải sản, để ngư dân có thể nắm bắt và chủ động trong việc khai thác ở các vùng biển trong nước cũng như vùng biển quốc tế.
Bốn là, cùng phối hợp với cấp trên tăng cường công tác tuần tra, giám sát trên biển, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khi tham gia hoạt động khai thác.
Năm là, động viên ngư dân tiếp tục phát huy tinh thần tương trợ, góp vốn, đồng thời xác lập các quy ước cho các phường hội, để họ làm ăn được tồn tại lâu dài.
Sáu là, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, vướng mắc trong các hội thuyền một cách kịp thời.
Bảy là, tiếp tục cũng cố và thành lập mới tổ đoàn kết đánh bắt trên biển nhằm giúp nhau khai thác hiệu quả, cứu hộ, bảo vệ ngư trường và góp phần bảo vệ biển đảo.

[1], [2] Là một loại mủ được chiếc xuất từ cây, giống mủ cây thông. Loại cây này sống ở vùng núi thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Dầu hắc có màu đen, còn dầu rái có màu vàng nhạc, loại mủ này khi trét [trát] lên thúng, thuyền thì vật dụng rất bền, và không thấm nước.
[3] Là một đơn vị tụ cư của những người cùng nghề đánh bắt, buôn bán và chế biến hải sản. Vạn tương đương với làng nhưng nó không phải là một đơn vị hành chính, vạn nhỏ hơn thôn.
[4] Dưới đáy biển có những mạch đá ngầm ngư dân gọi là rạn.
[5] Lưới rùng: là loại lưới đánh bắt bằng phương thức thủ công, xuất hiện rất sớm ở Bình Minh. Lưới được kết từ lưới nhợ, áo lưới gồm hai cánh bên phải và bên trái của đãy [đụt] lưới, đãy lưới được kết bằng loại lưới trũ mắt dày để đọng cá, bên trên khổ lưới kết phao [gọi là giềng phao - hay kình], bên dưới khổ lưới có giềng chì. Chiều dài dàn lưới khoảng 150 sải [tương đương với 200 - 230m], số lượng người tham gia từ 4 - 7 người. Khi bủa lưới, dàn lưới được bố trí theo hình cánh cung, nghĩa là hai đầu mối của dàn lưới người ta để trong bờ. Sau khi thả lưới xong, tất cả mọi người ở trong bờ tiến hành kéo lưới, khi kéo phải để cho hai dây bên trái, phải song song nhau và ngày càng kéo sát lại, kéo cho đến hết dây thì hai đầu lưới giáp nhau. Giềng phao được kéo bao nhiêu, giềng chì gom lại bấy nhiêu, đến khi lưới được kéo lên hết bờ về đến đãy lưới thì lúc này ngư dân bắt đầu thu cá. Loại hình đánh bắt này đến nay không còn tồn tại nữa.
[6] Lưới quác: Về kết cấu dàn lưới và nguyên tắc hoạt động giống với lưới rùng. Tuy nhiên, đây là loại hình phát triển cao hơn, dàn lưới, lường lưới cũng rộng hơn, có thể bủa lưới ở vùng nước sâu và sản phẩm thu được số lượng cũng nhiều hơn.
[7] Lưới cao: là loại hình liên kết gồm hai dàn lưới của hai ghe [thuyền] lại với nhau. Một ghe gọi là ghe tới, ghe còn lại ghe lui. Khi phát hiện ra đàn cá, ghe tới bủa lưới nữa vòng tròn, đồng thời ghe lui cũng bủa nữa vòng tròn ngược lại, hai dàn lưới giáp nhau tạo thành một vòng tròn kép kín, giữ đàn cá lại ở giữa. Khi lưới đã bủa xong, thì ghe tới tiến hành thu dần vòng trong nhỏ lại để vây đàn cá vào chính giữa và nổi lên mặt nước, còn ghe lui lúc này làm nhiệm vụ bắt cá lên ghe. Lưới cao thường bủa vào ban ngày và đối tượng đánh bắt chính là cá ngừ, cá sòng, cá nục Cũng như hai loại hình trên, lưới cao kết thúc vai trò của mình từ những năm 80 của thế kỷ XX.
[8] Mành chốt: là loại hình dùng dàn mành [lưới] để đánh bắt, có dạng hình chảo trải rộng. Mành được kết từ loại lưới nhợ, phần đầu triên [miệng] có mắt lưới rộng, càng về phía đãy thì mắt lưới càng nhỏ dần; đãy có dạng hình phễu làm bằng loại lưới trủ, mắt lưới dày, để đọng cá. Khi đánh bắt loại hình này, người ta cho dàn mành chìm sâu xuống đáy biển vào vị trí cây chà [nghĩa là bóng râm do ngư dân tạo ra để làm cho cá tụ lại, vật liệu để làm chà thường là lá dừa nước được ngư dân kết lại rồi cho bám vào một cây tre dài]. Nguyên tắc đánh bắt của loại mành là lợi dụng dòng nước chảy, khi đánh bắt ngư dân đặt hai chốt neo để neo hai đầu dàn mành xuống đấy biển, sau đó tung hết dàn mành xuống nước, mành theo dòng nước chảy trải dàn mành hình chảo để bọc đàn cá đang đứng dưới bóng chà. Khi dàn mành đã đủ độ rộng và cân đối thì trên thuyền người ta giật hai chốt neo lên, rồi từ hai đầu giàn mành gom hết dây triên [miệng] lên thuyền, sau đó bạn ghe đồng kéo dây giềng phao và gom mành lên ghe.
N.V.N

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn An [2001], "Một số vấn đề về yếu tố biển trong văn hóa Quảng Nam", trong Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam.
2. Diệp Trung Bình [1985], Vài nét về đời sống của ngư dân vùng biển Đông Bắc Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học số 02.
3. Trần Hồng Liên [Chủ biên, 2004], Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội.
4. Đoàn Nô [2003], Ngư cụ thủ công truyền thống chủ yếu của nghề cá Kiên Giang, Nxb Văn hóa thông tin.
5. Nguyễn Văn Ngọc [2014], Các hình thức đánh bắt hải sản của ngư dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, luận văn thạc sĩ Việt Nam học, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
6. Hoàng Tuấn Phổ [2004], Văn hóa đánh bắt chim thú tôm cá ở Thanh Hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
7. Sở Văn hóa Thông Tin Quảng Nam [2007], Văn hóa Quảng Nam - 10 năm Tạp chí Quảng Nam.
8. Nguyễn Văn Vinh [Chủ biên, 2012], Địa chí xã Bình Minh, Đảng ủy xã Bình Minh ấn hành.
N.V.N

Video liên quan

Chủ Đề