Dđơng giá xử lý chất thải rắn tại hải dương

Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính với tổng diện tích toàn tỉnh là 1.668,2 km2, dân số tính đến hết năm 2020 là 1.916.774 người, mật độ dân số là 1.149 người/km2. Những năm qua, công tác quản lý và thu gom xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, các cấp, các ngành các địa phương đã thật sự vào cuộc,...

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Thu gom, xử lý chất thải rắn[CTR]sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2019 tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã đạt 85,62% [năm 2016 tỷ lệ mới đạt 58,08%]. Tỉnh đã đưa vào vận hành 3 nhà máy xử lý CTR sinh hoạt với tổng công suất 498 tấn/ngày đêm, hỗ trợ 166 xã xây dựng 201 bãi chôn lấp CTR hợp vệ sinh với kinh phí trung bình là 500 triệu đồng/xã], hỗ trợ 40 xã và 3 thị trấn kinh phí để vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tại các nhà máy với khối lượng khoảng 120 tấn/ngày.

Công tác thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực đô thị được thực hiện bởi 42 tổ thu gom, 7 hợp tác xã, 5 công ty. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại TP. Hải Dương hiện nay đạt 95%; TP.Chí Linh đạt 90%, các khu đô thị khác, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đạt khoảng 85%, các thị trấn của các huyện tần suất thu gom trung bình từ 1 - 2 ngày/lần. Đối với khu vực nông thôn có 1.003 đơn vị thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt hiện nay đạt khoảng 85%, tần suất thu gom từ 1 - 3 ngày/lần là do số lượng dân cư ít, thiếu nhân lực thu gom.

Hiện nay việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng theo hai phương pháp: Đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã.

TP.Hải Dương xử lý chất thải rắn sinh hoạt của 40 xã, 3 thị trấn đã được chuyển về các nhà máy đốt tiêu hủy với khối lượng khoảng 340 tấn/ngày, tương ứng 27,7% lượng chất thải toàn tỉnh phát sinh. Chất thải rắn của các địa bàn chưa được chuyển về nhà máy xử lý còn lại 167 xã, phường, thị trấn được xử lý chôn lấp tại 756 bãi chôn lấp của các địa phương với khối lượng khoảng 887 tấn/ngày, tương ứng 72,3 % lượng chất thải toàn tỉnh phát sinh.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất thiết kế đốt tiêu hủy theo dự án đầu tư đã được phê duyệt là 498 tấn/ngày đêm, ủ mùn compost 90 tấn/ngày đêm. Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương tại xã Việt Hồng [Thanh Hà] có 3 lò đốt tương ứng lượng đốt 192 tấn/ngày. Hoạt động ủ mùn hữu cơ sản xuất mùn compost: Công suất hoạt động 160 tấn/ngày [rác tươi đầu vào]. Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc tại TT. Kẻ Sặt [Bình Giang] công suất thiết kế đốt tiêu hủy là 90 tấn/ngày đêm. Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt của các Nhà máy cơ bản đáp ứng Quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 756 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã. Kinh phí cho hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, hiện tại mức hỗ trợ được xác định theo cự ly vận chuyển đến 15 km là 165.000 đồng/tấn; cự ly vận chuyển trên 15 km đến 20 km là 174.000 đồng/tấn; cự ly vận chuyển trên 20 km là 193.000 đồng/tấn. Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt được hỗ trợ mức kinh phí từ 447.000 đồng - 470.000 đồng/tấn, mức hỗ trợ giảm dần khi công suất nhà máy tăng.

Kết quả thực hiện Đề án Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn 162 thôn, khu dân cư không có đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Tới nay, 100% các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện đều đã thành lập được các tổ, đội thu gom chất thải rắn sinh hoạt, đã tăng 27% tỷ lệ chất thải được thu gom đã cơ bản kiểm soát không để tình trạng phát sinh các bãi chôn lấp tự phát.

- Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn: Đã chuyển chất thải rắn sinh hoạt của 40 xã và 3 thị trấn có bãi chôn lấp đã quá tải, lấp đầy về các nhà máy xử lý đốt tiêu hủy với khối lượng khoảng 120 tấn/ngày. Mô hình thí điểm lò đốt tại xã Cao An [Cẩm Giàng] cho thấy: Lò đốt rất nhanh xuống cấp, đưa vào vận hành từ 2 - 3 năm đã bị hỏng do vật liệu xây dựng lò không chịu được theo chế độ hoạt động, vận hành của lò. Lò đốt không có thiết bị, biện pháp xử lý khí thải nên đã trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 KCN đã được thành lập, thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng và đang đi vào hoạt động khai thác, vận hành. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 81% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao. Đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 50 cụm công nghiệp [CCN] được thành lập, trong đó có 33 CCN đã đi vào hoạt động và có 65 làng nghề được công nhận làng nghề CN, TTCN trong đó nhóm làng nghề mộc chiếm tỉ lệ lớn nhất 23%, nhóm làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm 18%, nhóm làng nghề thêu ren 12%, nhóm làng nghề gốm sứ và nhóm làng nghề kim hoàn chiếm tỷ lệ thấp nhất 3%.

Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh năm 2020, theo số liệu tổng hợp báo cáo của 405 cơ sở khoảng gần 2 triệu tấn. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp đã đầu tư lò hơi sử dụng nhiên liệu đốt là vải vụn; 04 doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có đủ chức năng, năng lực xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Có 05 Công ty tham gia xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường: Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương; Công ty TNHH Sản xuất, Dịch vụ, Thương mại Môi Trường Xanh; Công ty CP Tập đoàn Thành Công; Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc; Công ty CP Môi trường An Sinh.

Đề án Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với đối tượng được xác định bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2025 có 90% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Định hướng đến 2030, có 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng chương trình giáo dục về môi trường với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các cấp học phổ thông.

Việc thay đổi hành vi, thói quen của người dân, trước đây “để chất thải đúng nơi quy định, tổ thu gom chất thải hàng ngày”, nay phải thực hiện “lọc, phân loại chất thải để vào các bao bì đựng riêng, chuyển đúng loại, đúng thời điểm cho tổ thu gom”; triển khai đồng bộ từ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường cho từng loại chất thải sau phân loại mới đảm bảo được hiệu quả của việc phân loại chất thải tại nguồn.

Năm 2022 - 2023 đề án xác định cần tối thiểu 2 năm để tiến hành thực hiện mô hình thí điểm, trong quá trình thực hiện có thể có phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. Sau khi thực hiện thí điểm, cần có đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện cho những năm tiếp theo.

Thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn áp dụng trên địa bàn 22 xã [mỗi huyện, TX, TP thí điểm tại 2 xã trừ TP.Hải Dương]. Năm 2023 tổ chức đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho giai đoạn 2024 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Năm 2024 - 2025 triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn ở khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy việc phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường; xử lý chất thải kết hợp với việc thu hồi năng lượng, khuyến khích hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất.

Theo dự báo về lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025 là 1.387 tấn/ngày; năm 2030 là 1.754 tấn/ngày. Công suất thiết kế của 3 nhà máy hiện có là 498 tấn/ngày. Nếu các nhà máy hiện tại không cải tạo công nghệ, đầu tư mở rộng công suất xử lý thì Dự án đầu tư mới có nhu cầu công suất thiết kế là 1.500 tấn/ngày đêm, trong đó phân kỳ đầu tư: công suất giai đoạn 2025 - 2030 là 1.000 tấn/ngày đêm; giai đoạn sau 2030 đáp ứng đủ công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Đề án thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đánh giá được thực trạng thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao. Đề án được triển khai sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường và thu gom, phân loại xử lý chất thải rắn, phát huy được vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp và các hộ dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Đề án sẽ thay đổi nhận thức của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường, tạo cảnh quan, môi trường sống của cộng động dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu và từng bước kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất thải rắn./.

Bài của Vũ Thị Xuân

Bài đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2021.

Chủ Đề