Cuộc tấn công của quân ta vào sứ quán Mỹ diễn ra như thế nào

Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 Quân giải phóng Trị Thiên Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị các phương án tác chiến. [Nguồn: Thanhnien.vn]

[Thanhuytphcm.vn] - Sau khi đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 của Mỹ năm 1966, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo soạn thảo, bổ sung, từng bước hoàn chỉnh Dự thảo kế hoạch chiến lược Đông – Xuân 1967. Dự thảo thể hiện chủ trương tận dụng thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng đánh lớn. Quân ủy Trung ương cũng quyết định: hướng sức mạnh chủ yếu của chiến tranh cách mạng miền Nam vào đô thị - nơi đặt các cơ quan đầu não của địch. Từ ngày 20 đến 24/10/1967, tại Hội nghị mở rộng, Bộ Chính trị đã quyết định: về phương pháp, dùng tổng công kích – tổng khởi nghĩa; về hướng tiến công, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam; về phương thức, tiến công và nổi dậy đồng loạt; về thời điểm, bắt đầu vào dịp Tết Mâu Thân 1968.

Tiếp đó, các chiến trường mở những đợt tấn công Thu – Đông 1967 nhằm tạo thế và lực cho Tết Mậu Thân 1968. Tháng 11/1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể về Kế hoạch Tổng khởi nghĩa ở các đô thị miền Nam. Sau Hội nghị, các chiến trường, địa phương bắt tay vào chuẩn bị trực tiếp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và hạ quyết tâm chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của Đảng ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Theo kế hoạch, ngày 12/1/1968, liên quân Việt – Lào nổ súng mở màn chiến dịch tấn công Nậm Bạc. Cùng lúc đó, tại miền Nam Việt Nam, các sư đoàn, trung đoàn chủ lực Quân giải phóng bắt đầu hành quân hướng về các đô thị. Ngày 13/1/1968, phát hiện động thái chuẩn bị đánh lớn của quân ta, Mỹ - Ngụy phải hủy kế hoạch phản công chiến lược lần 3, lui về giữ vùng quanh Sài Gòn; đồng thời hủy các cuộc hành quân mang mật danh “York” và huy động lực lượng tăng cường cho mặt trận phía Bắc [tỉnh Thừa Thiên Huế].

Đêm 20/1/1968, các đơn vị chủ lực của ta tiến công nghi binh chiến lược vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, uy hiếp tuyến phòng thủ Đường 9 của địch để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Chiến dịch nghi binh này đã thành công khi thu hút sự chú ý của giới cầm quyền tại chính quốc Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Trong khi phía Mỹ - Ngụy dồn tâm trí và lực lượng để chống lại cuộc tấn công nghi binh của quân ta tại Đường 9 – Khe Sanh, thì đêm 29, rạng ngày 30/1/1968, quân, dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, thị trấn, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, sở chỉ huy của địch, mở màn cho cuộc Tống tiến công và nổi dậy 1968.

Quân giải phóng đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. [Nguồn: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam]

24 giờ sau khi quân và dân các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên nổ súng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ khắp miền Nam. Ngay từ đầu, bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đã đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn, Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Cần Thơ, Trà Vinh,… Hầu hết các cơ quan đầu não, hệ thống căn cứ quân sự, các tuyến giao thông huyết mạch, hệ thống kho tàng, sân bay, bến cảng,… của địch đều bị quân và dân ta tấn công.

Sài Gòn – Gia Định là trọng điểm thứ nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Quân dân ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Mỹ. Xung quanh Sài Gòn – Gia Định, một loạt các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An cũng bị quân và dân ta tấn công.

Tại Huế - một trong những đô thị lớn nhất miền Trung lúc bấy giờ, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn ở Vùng 1 chiến thuật đã bị quân ta tiến đánh. Rạng sáng ngày 1/2/1968, phần lớn cố đô Huế do Quân giải phóng làm chủ. Đến sáng ngày 3/2/1968, quần chúng bắt đầu nổi dậy truy quét ác ôn và tàn binh địch, phá bỏ ách kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng.

Tại nhiều thị xã, thị trấn, quận lỵ khác trên toàn miền Nam, những mục tiêu trọng yếu trong nội đô cũng bị quần chúng nhân dân nổi dậy tấn công giành chính quyền. Sau đó, dân ta ra sức giúp đỡ bộ đội chủ lực với nhiều hình thức như chỉ đường, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh, dựng chướng ngại vật trên đường phố để ngăn các cuộc phản công của địch.

Trước đòn tấn công bất ngờ, mạnh mẽ và toàn diện của quân và dân ta, quân Mỹ - Ngụy lúng túng chống đỡ trong giai đoạn đầu. Nhưng sau đó, địch đã huy động lực lượng lớn để tổ chức phản công. Quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng để chống trả các cuộc phản công của địch. Nhưng với ưu thế hỏa lực mạnh, số lượng đông, quân Mỹ - Ngụy đã nhanh chóng giành lại thế chủ động trên nhiều mặt trận. Chúng tổ chức bao vây ở nhiều đô thị làm quân và dân ta tổn thất khá nặng nề. Ở Huế, đêm 22/2/1968, quân ta được lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng.

Bộ đội cao xạ chiến đấu bảo vệ đường vận tải chiến lược Trường Sơn trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. [Nguồn: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam]

Từ tháng 3/1968, đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân về cơ bản đã kết thúc. Trong gần hai tháng, quân và dân miền Nam đã tiến công vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Chúng ta đã đánh mạnh, đánh trúng 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh dã chiến của Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, các tiểu khu, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông. Đặc biệt, quân ta đã đánh chiếm và làm chủ Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong nhiều giờ, đã làm cho chính quyền Nhà Trắng, Lầu Năm Góc ở Mỹ và lực lượng đồng minh Mỹ sửng sốt, kinh ngạc.

Sau khi rút kinh nghiệm đợt tấn công lần 1, Bộ Chính trị quyết định mở tiếp các đợt tấn công vào tháng 5 [đợt 2] và tháng 8 [đợt 3] năm 1968 với hướng chính vẫn nhằm vào khu vực đô thị. Trong đó, đợt 2 được thực hiện vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 5/5/1968 tại 31 thành phố, thị xã; 58 thị trấn, quận lỵ. Trong đợt này, quân ta đã đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân của địch.

Như vậy, sau nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, lần đầu tiên toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ - Ngụy bị tiến công với quy mô lớn, đồng loạt và kéo dài; hậu phương, hậu cứ chiến tranh của chúng trở thành chiến trường, nơi đọ sức quyết liệt giữa các bên tham chiến trong nhiều tuần, nhiều tháng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã khiến giới cầm quyền Hoa Kỳ kinh hoàng. Họ buộc phải soát xét lại toàn bộ đường lối và cách thức tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, với thất bại này, người Mỹ ý thức rằng nếu tiếp tục theo đuổi cuộc chiến, chắc chắn Mỹ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn cả.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 như một nhát dao chí tử buộc chính quyền Mỹ - Ngụy phải đơn phương tuyên bố chấm dứt các hoạt động chiến tranh phá hoại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, sẵn sàng ngồi đàm phán với ta. Đó cũng là hồi chuông cuối cùng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở Việt Nam.

Nguyễn Hồ Phong

Tin liên quan

Thời chiến tranh chống Mỹ, ở Sài Gòn-Gia Định có một lực lượng mà chiến công của họ đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Họ là những chiến sỹ biệt động quả cảm và những chiến công của họ mãi mãi được lịch sử ghi nhận. Một trong những chiến công vang dội của lực lượng biệt động Thành Sài Gòn – Gia Định trong những năm đánh Mỹ là trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn vào mùa xuân năm 1968.Theo anh kể thì vào những ngày giáp Tết Mậu Thân, anh đang công tác ở nội thành thì được cấp trên gọi ra ngoài căn cứ để nhận nhiệm vụ mới. Khi về tới xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng là đúng 11 giờ đêm 28/01/1968. Tại đây anh được cấp trên giao cho nhiệm vụ đặc biệt : Tổ chức một lực lượng đặc công biệt động đánh vào toà Đại sứ Mỹ.

Nhận nhiệm vụ, trở về đơn vị, anh triệu tập họp chi uỷ quán triệt và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ. Theo đó anh Hai Chí – Chính trị viên, phụ trách đường dây liên lạc với các cơ sở trong nội thành, phụ trách công tác chính trị tư tưởng, phục vụ cho trận đánh. Anh Ba Dung – Chỉ huy phó, chịu trách nhiệm liên lạc với các tổ võ trang vùng nội thành và ven đô. Còn anh là chỉ huy trưởng, tiếp nhận quân số bổ sung cho đơn vị, súng đạn, thuốc nổ để kịp thời chuyển vào nội thành. Cũng ngay tối hôm đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch tăng cường cho phân đội hai cán bộ có kinh nghiệm đánh trong thành phố [đồng chí Bảy Tiến và đồng chí út Nhỏ] cùng một số chiến sĩ ở các đơn vị được tuyển chọn tham gia trận đánh. Hoàn tất công việc chuẩn bị thì cũng là lúc cấp trên ra lệnh: “Đúng 12 giờ trưa ngày 30/01/1968, toàn phân đội phải tập trung tại điểm hẹn trong nội thành”.

Theo kế hoạch sáng 30-01, cán bộ chiến sĩ dậy sớm, tắm giặt, sửa sang đầu tóc, liên hoan mừng xuân mới. Mọi người mặc sắc phục, đeo phù hiệu của một binh chủng quân đội Nguỵ. Mọi công việc chuẩn bị đã xong, tất cả phân đội lên chiếc xe nhà binh do đồng chí Ba Bảo lái vào thành phố đi trên Quốc lộ1. Đến 11 giờ 30 phút tới trạm gác Củ Chi, đồng chí Ba Bảo cho xe tăng tốc vượt qua. Cùng lúc đó, đồng chí Huệ phát hiện có một tên phóng Honda đuổi theo xe của ta. Đồng chí Huệ cũng nhận ra mặt hắn, là một tên chiêu hồi. Hắn cũng nhận ra mặt đồng chí Huệ trên xe, liền vượt lên trước để đón lõng ở trạm gác Cầu Bông. Thấy vậy, Anh Vân lệnh quay xe lại tạm ém quân vào Bào Mây, và liên lạc với đồng chí Bảy Hoàng, đang lái chiếc xe Jép, từ Sài Gòn ra. Để lừa địch, toàn phân đội lần nữa phải thay sắc phục binh chủng khác rồi tiến thẳng vào Sài Gòn, anh Vân ra lệnh: Trên đường đi gặp địch cản trở, sẽ nổ súng tiêu diệt để vượt qua!

2 giờ chiều thì tới thành phố, toàn phân đội phân tán từng nhóm về nhà các cơ sở. Ngay tối hôm đó, các mũi tập kết tại nhà bà Huệ, chủ ga-ra sửa chữa xe hơi ở đường Phan Thanh Giản. Anh Vân cùng đồng chí hai Chí, lái chiếc xe Pơ-dô 208 màu trắng đến Đại lộ Thống Nhất để tiếp cận mục tiêu, quan sát địa hình. Sơ đồ phía trong toà Đại sứ đã có anh em tình báo quân sự cung cấp. Toàn bộ vũ khí, đạn dược được tập kết về ga ra ôtô nhà bà Huệ. Lúc 12 giờ rưỡi đêm tại trụ sở chỉ huy chiến dịch ở quán phở Bình số 7 đường Yên Đỗ, anh Vân được báo cáo với đồng chí Ba Thăng – Chính uỷ [tức đ/c Võ Văn Thạch] và đ/c Tư Chu – Chỉ huy trưởng [tức đ/c Đại tá Nguyễn Đức Hùng], các đ/c động viên căn dặn phân đội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

3 giờ sáng, toàn phân đội xuất phát theo kế hoạch. Xe ôtô chở đội biệt động  tới cổng toà Đại sứ, hai chiến sĩ cầm AK nhanh chóng lao xuống quét nhiều loạt đạn tiêu diệt gọn mấy tên lính Mỹ gác ở cổng chính, đồng thời kìm chế những tên còn lại. Hai đồng chí khác ôm bộc phá xông lên, đánh sập tường rào vọng gác. Toàn phân đội tràn vào đồng loạt nổ súng để áp đảo. Sau đó, họ chia làm ba mũi, mũi một chiếm giữ cổng trước, mũi hai đánh giữ cổng sau [phía đường Mạc Đĩnh Chi], còn mũi thứ ba đánh thẳng vào dãy nhà nhân viên hành chính. Anh Vân trực tiếp chỉ huy số anh em còn lại, đánh thẳng vào khu nhà chính. Hoàn tất các việc trên, đồng chí út Nhỏ và hai đồng chí án ngữ tầng một và giữ số tù binh ta vừa bắt được. Anh Vân cùng mấy đồng chí khác đánh chiếm tầng hai, bắt thêm được một số tù binh Mỹ, rồi thừa thắng xông lên đánh chiếm tầng ba. Chỉ trong khoảng năm phút, quân ta đã làm chủ tầng ba một cách dễ dàng, mau lẹ, thu rất nhiều súng đạn và bắt gửi thêm một số tù binh. Kẻ địch ở thế bị động hoang mang bối rối. Vợ con lính Mỹ và số nhân viên hành chính gào khóc thảm thiết.

Khoảng nửa giờ sau, địch bắt đầu có chi viện từ bên ngoài, phản kích lại. Ngoài đường tiếng xe bọc thép chạy gầm rú và bắn như đổ đạn về phía quân ta. Chiến sĩ ta vừa chiến đấu vừa khiêng tủ, bàn ghế chất lên tạo thành chướng ngại vật phòng ngự. Trong khoảnh khắc, từ các nhà tầng bên cạnh, lính Mỹ đã kéo đến. Máy bay lên thẳng đỗ trên các nóc nhà để chở vợ con lính Mỹ chạy trốn. Còn xe bọc thép thì vây kín toà Đại sứ, tạo thành thế bao vây dưới đánh lên, trên tầng đánh xuống. Cũng trong thời điểm này, tại phía cổng phụ [đường Mạc Đĩnh Chi] và khu nhà nhân viên toà Đại sứ, có hàng trăm lính Mỹ, đầu đội mũ sắt, mình mặc áo giáp, tay cầm tiểu liên R15 dàn đội hình chiến đấu. Theo sau là mấy chục phóng viên báo chí cũng đội mũ sắt, cầm máy ảnh, máy quay phim chạy đi chạy lại. Một số tù binh vừa bắt được đã chạy ùa lên cả tầng ba. Anh Vân chỉ cho chúng vào một phòng rồi khóa lại. Tình thế càng trở nên rất khẩn trương, anh Vân vẫn chỉ huy mũi chính tấn công truy kích địch. Hai đồng chí Vinh và Mang đem theo hai súng B40. Còn anh cầm AK đi đầu lùng sục khắp các phòng nhà trên tầng ba tìm bắt đại sứ Mỹ, nhưng hắn đã nhanh chân chạy ra đường hầm tẩu thoát. Tới một phòng cửa đóng chặt, anh Vân bắn tiểu liên vào ổ khoá mà cửa vẫn không mở. Thấy vậy, đồng chí Vinh buộc phải dùng B40 để phá cửa. Tiếng nổ vang dội, cả một mảnh tường sập đổ. Đồng chí Vinh anh dũng hy sinh. Anh em khiêng đồng chí đặt nằm ngay ngắn bên cạnh khẩu B40 không còn đạn. Anh Vân cởi chiếc áo sơ mi đang mặc đắp lên người đồng đội thân thiết. Xong việc anh và đồng chí Mang tiếp tục đi truy tìm tên Đại sứ. Lúc này trời bắt đầu sáng rõ, đồng hồ chỉ 7 giờ 15 phút sáng ngày 31/01/1968, Phân đội đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, đánh chiếm giữ nhiều giờ toà Đại sứ. Để tái chiếm lại tòa đại sứ, địch đã phản kích lại điên cuồng, kể cả việc thả chất độc hoá học gây ngạt thở. Hai tốp lính xông tới định bắt sống các anh nhưng đ/c Mang đã kịp thời bắn quả B40 tiêu diệt chúng. Song đáng tiếc, chỉ mấy phút sau, đ/c Mang cũng hy sinh.

Nhìn đồng hồ, lúc này là 9 giờ sáng, anh nhẩm tính đã cùng đồng đội chiếm giữ toà Đại sứ Mỹ được gần 6 tiếng đồng hồ. Thấy xung quanh không còn tiếng súng của quân ta, thoáng một ý nghĩ rất táo bạo; anh ôm gói bộc phá bò áp sát chân tường cầu thang, chờ đám lính Mỹ từ tầng trên kéo xuống, rồi lao ra giật nụ xoè. Một chớp lửa xanh loé lên, tiếng nổ vang dội. Những tên lính Mỹ tung lên rơi xuống, anh Vân cũng văng ra xa và ngất lịm.

Hai ngày sau anh mới tỉnh dậy, toàn thân băng bó, nằm trong nhà thương Chợ Quán. Tiếp sau là những ngày anh phải trải qua tra tấn, đánh đập dã man. Bọn địch đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ chiêu hồi cũng không làm anh nao núng. Từ tháng 7 năm 1969 chúng giam anh ở Biên Hoà rồi đầy anh ra giam giữ ở nhà tù đảo Phú Quốc. Tháng 10 năm 1973 được phía Mỹ trao trả tù binh, anh về nhận công tác ở Bộ Tư lệnh Đặc công cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Ngọc Minh

Video liên quan

Chủ Đề