Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ a b c d e là gì

Việc phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ đối với gian phòng được pháp luật quy định như thế nào? Tôi cần tìm hiểu các quy định này nhằm mục đích công việc mong được anh/chị hướng dẫn.

  • Căn cứ Mục C.1 Phục lục C Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD có quy định về phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ đối với gian phòng như sau:

    Theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ, các gian phòng được phân thành các hạng A, B, C1 đến C4, D và E, còn nhà được phân thành các hạng A, B, C, D và E.

    C.1.1 Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng được phân như Bảng C.1.

    Bảng C.1 - Phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ đối với gian phòng

    Hạng nguy hiểm cháy của gian phòng

    Đặc tính của các chất và vật liệu có (hình thành) trong gian phòng

    A

    Nguy hiểm cháy nổ

    - Các chất khí cháy, chất lỏng dễ bắt cháy có nhiệt độ bùng cháy không lớn hơn 28 ºC, với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp khí - hơi nguy hiểm nổ, khi bốc cháy tạo ra áp suất nổ dư tính toán trong gian phòng vượt quá 5 kPa.

    - Các chất và vật liệu có khả năng nổ và cháy khi tác dụng với nước, với ôxy trong không khí hoặc tác dụng với nhau, với khối lượng để áp suất nổ dư tính toán trong gian phòng vượt quá 5 kPa.

    B

    Nguy hiểm cháy nổ

    - Các chất bụi hoặc sợi cháy, chất lỏng dễ bắt cháy, có nhiệt độ bùng cháy lớn hơn 28 ºC, các chất lỏng cháy, và khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp khí - bụi hoặc khí - hơi nguy hiểm nổ, khi bốc cháy tạo ra áp suất nổ dư tính toán trong gian phòng vượt quá 5 kPa.

    C1 đến C4

    Nguy hiểm cháy

    - Các chất lỏng cháy hoặc khó cháy, các chất và vật liệu cháy và khó cháy ở thể rắn (kể cả bụi và sợi), các chất và vật liệu khi tác dụng với nước, với ôxy trong không khí hoặc tác dụng với nhau có khả năng cháy, ở điều kiện gian phòng có các chất và vật liệu này không thuộc các hạng A hoặc B.

    - Việc chia gian phòng thành các hạng C1 đến C4 theo trị số tải trọng cháy riêng của các chất chứa trong nó như sau:

    C1 - Có tải trọng cháy riêng lớn hơn 2 200 MJ/m2;

    C2 - Có tải trọng cháy riêng từ 1 401 MJ/m2 đến 2 200 MJ/m2;

    C3 - Có tải trọng cháy riêng từ 181 MJ/m2 đến 1 400 MJ/m2;

    C4 - Có tải trọng cháy riêng từ 1 MJ/m2 đến 180 MJ/m2.

    D

    Nguy hiểm cháy vừa phải

    Các chất và vật liệu không cháy ở trạng thái nóng, nóng đỏ hoặc nóng chảy, mà quá trình gia công có kèm theo sự phát sinh bức xạ nhiệt, tia lửa và ngọn lửa; các chất rắn, lỏng, khí cháy được sử dụng để làm nhiên liệu.

    E

    Nguy hiểm cháy thấp

    Các chất và vật liệu không cháy ở trạng thái nguội.

    C.1.2 Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà

    a) Nhà được xếp vào hạng A nếu trong nhà đó tổng diện tích của các gian phòng hạng A vượt quá 5 % diện tích của tất cả các gian phòng của nhà, hoặc vượt quá 200 m2.

    Cho phép không xếp nhà vào hạng A nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A trong nhà đó không vượt quá 25 % tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà (nhưng không vượt quá 1 000 m2) và các gian phòng hạng A đó đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

    b) Nhà được xếp vào hạng B nếu đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện sau:

    - Nhà không thuộc hạng A.

    - Tổng diện tích của các gian phòng hạng A và B vượt quá 5 % tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà hoặc vượt quá 200 m2.

    Cho phép không xếp nhà vào hạng B nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A và B trong nhà đó không vượt quá 25 % tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà (nhưng không vượt quá 1 000 m2) và các gian phòng hạng A và B đó đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

    c) Nhà được xếp vào hạng C nếu đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện sau:

    - Nhà không thuộc hạng A hoặc B.

    - Tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B và C vượt quá 5 % (10 %, nếu trong nhà không có hạng A và B) tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà.

    Cho phép không xếp nhà vào hạng C nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B và C trong nhà đó không vượt quá 25 % tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà (nhưng không vượt quá 3 500 m2) và các gian phòng đó đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

    d) Nhà được xếp vào hạng D nếu đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện sau:

    - Nhà không thuộc hạng A, B và C.

    - Tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B, C và D vượt quá 5 % tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà.

    Cho phép không xếp nhà vào hạng D nếu tổng diện tích của các gian phòng hạng A, B, C và D trong nhà đó không vượt quá 25 % tổng diện tích của tất cả các gian phòng của nhà (nhưng không vượt quá 5 000 m2) và các gian phòng hạng A, B, C đều được trang bị các thiết bị chữa cháy tự động.

    e) Nhà được xếp vào hạng E nếu nó không thuộc các hạng A, B, C hoặc D.

    Trân trọng!

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: mailto: