Con cuông ở đâu

Giới thiệu khái quát huyện Con Cuông

.   Vị trí địa lý

Con Cuông là huyện miền núi tây nam tỉnh Nghệ An, giới hạn trong tọa độ địa lý: 18°46’ đến 19°24’ vĩ độ bắc, 104°32’ đến 105°03’ kinh độ đông. Diện tích tự nhiên của huyện là 1.738,53km2, địa giới hành chính như sau:

Địa lý tự nhiên [04/01/2016 09:25 AM]

Con Cuông là huyện miền núi tây nam tỉnh Nghệ An, giới hạn trong tọa độ địa lý: 18°46’ đến 19°24’ vĩ độ bắc, 104°32’ đến 105°03’kinh độ đông. Diện tích tự nhiên của huyện là 1.738,53km2, địa giới hành chính như sau:

– Phía tây bắc giáp huyện Tương Dương

– Phía tây nam giáp CHDCND Lào

– Phía đông và đông nam giáp huyện Anh Sơn

– Phía bắc và đông bắc giáp huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp

Với vị trí này, Con Cuông nhận được lượng bức xạ dồi dào, nền nhiệt ẩm quy định tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm, có mùa đông lạnh của lãnh thổ. Nằm ở khu vực miền núi phía tây tỉnh Nghệ An nên các điều kiện tự nhiên và cảnh quan có sự phân hóa đai cao khá rõ rệt theo sự phân bố của các dạng địa hình.

Nằm trên quốc lộ 7, nối từ Thành phố Vinh, qua thị trấn Diễn Châu, qua cửa khẩu Thanh Thủy thông thương với Lào, tạo ra động lực trong giao lưu, phát triển kinh tế cho huyện miền núi Con Cuông

1.  Địa chất

Địa chất là nhân tố quan trọng trong sự hình thành nền rắn lãnh thổ, quy định đặc điểm của các nhân tố: địa hình, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật. Sự biến biến động, diễn biến phức tạp của các quá trình địa chất tạo tiền đề cho sự phân hóa phức tạp của địa hình, nham thạch, đá mẹ và quá trình hình thành thổ nhưỡng. Cấu trúc địa chất được phản ánh rõ trong địa hình và mạng lưới thủy văn của lãnh thổ. Thành phần thạch học cung cấp vật chất cho quá trình thành tạo đất. Các loại đá mẹ không những ảnh hưởng tới đặc điểm mà còn ảnh hưởng đến quá trình thoái hóa đất.

– Thành tạo địa chất huyện Con Cuông gồm các hệ tầng sau:

+ Đệ tứ không phân chia [aQ]: Cấu tạo chủ yếu Cuội, sỏi, sạn phân bố ở các xã Bồng Sơn, Môn Sơn và Thị trấn Con Cuông. Diện tích 2.025 ha.

+ Hệ tầng Bắc Sơn [bs]: Đá vôi phân lớp dày đến dạng khối, dày 550-650m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Cam Lâm, Thạch Ngàn, Lạng Khê, Yên Khê, thị trấn Con Cuông. Diện tích: 10.010 ha.

+ Hệ tầng Đồng trầu [dt1] Phân hệ tầng dưới: cuội kết, cát kết, bột kết, đá phun trào axit, dày 1000-1100m. Phân bố ở các xa Bình Chuẩn, Cam Lâm, Đôn Phục, Châu Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn. Diện tích: 51.540 ha.

+ Hệ tầng Huổi Nhị [hn]: Gồm đỏ phiến sét, sét sericit, cát kết, bột kết, dày 700 – 900m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Mậu Đức, Đôn Phục, Châu Khê, Chi Khê, Lạng Khê, Môn Sơn. Diện tích: 26.780 ha.

+ Hệ tầng Khe Bố [kb] gồm cuội kết, sạn kết, phiến sét, sét than, dày 270 – 400m. Phân bố ở các xã Mậu Đức, Thạch Ngàn. Diện tích: 918,5 ha.

– Hệ tầng La Khê [lk] gồm cuội kết, sạn kết, cát kết, đá silic, đá vôi, dày 250 – 400m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Cam Lâm, Thạch Ngàn, Thị trấn Con Cuông, Chi Khê, Lạng Khê, Yên Khê. Diện tích: 7.274 ha.

– Hệ tầng Nậm Tần [nt] gồm đỏ phiến, sét, bột kết. Phân bố ở xã Thạch Ngàn. Diện tích: 120,9 ha.

– Hệ tầng sông Cả phân hệ tầng giữa [sc2]: đỏ phiến sericit, phiến thạch anh, cát kết, thấu kính phun trào axit. Tầng dày từ 1.200 – 1.300m. Phân bố ở các xã Môn Sơn, Châu Khê, Cam Lâm với diện tích: 26.470 ha.

– Hệ tầng sông Cả phân hệ tầng trên [sc3]: cát kết, sạn kết, bột kết, đỏ phiến sét. Tầng dày từ 900 – 1.000m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Mậu Đức, Đôn Phục, Châu Khê, Bồng Khê, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Cam Lâm. Diện tích: 45.660 ha.

– Phức hệ sông Mã [sm1] Pha 1: Granit horblend-biotit, granit granophyr. Phân bố ở các xã Thạch Ngàn, Yên Khê, Lục Dạ. Diện tích: 3.769ha.

– Xâm nhập không rõ tuổi [vm]: Khối xâm nhập nhỏ không rõ tuổi diện tích không đáng kể.

– Đặc điểm đá mẹ – nhân tố tạo nên sự đa dạng của thổ nhưỡng

Trong lãnh thổ nghiên cứu có những loại đá sau:

+ Nhóm đá magma: Các đá xâm nhập phân bố thành các khối núi có kích thước khác nhau: khối granit thuộc các phức hệ Sông Mã, hệ tầng Nậm Tần, phân bố ở Môn Sơn, Mậu Đức, Thạch Ngàn, có độ cao, độ dốc lớn. Các đá magma phun trào chủ yếu có tuổi Mesozoi và Kainozoi. Trong Mesozoi, phun trào gặp ở các hệ tầng Đồng Trầu tuổi Trias, diện phân bố không lớn, thành phần gồm ryolit, ryodacit. Các loại đất hình thành trên nhóm đá mẹ này thường có tầng dày mỏng đến trung bình, thành phần cơ giới nhẹ, quá trình rửa trôi mạnh. Điển hình là đất vàng đỏ trên đá mác ma axit [Fa].

+ Nhóm đá trầm tích chủ yếu gồm 3 loại đá sau:

* Đá cát kết, cuội kết, sạn kết, phiến sét thuộc hệ tầng Sông Cả, Đồng Trầu tuổi từ Ordovic đến Trias, phân bố thành vùng rộng lớn thuộc các xã Châu Khê, Môn Sơn. Sản phẩm phong hóa từ các loại đá mẹ này tạo thành các loại đất: đất vàng nhạt trên đá cát [Fq] với tầng đất từ mỏng đến trung bình, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, quá trình rửa trôi mạnh.

* Đá vôi hệ tầng Bắc Sơn và một phần trong các hệ tầng La Khê tuổi từ Devon đến Trias chiếm diện tích khá lớn, phân bố ở Thị Trấn Con Cuông, Yên Khê, Bình Chuẩn, Thạch Ngà dạng khối. Sản phẩm phong hóa từ đá vôi hình thành đất nâu đỏ trên đá vôi [Fv], tích tụ ở chân sườn, thung lũng tạo nên đất dốc tụ [Dv].

* Trầm tích bở rời chủ yếu là các trầm tích hỗn hợp tuổi Đệ Tứ, phân bố dọc theo các thung lũng sông suối ở Con Cuông, trong đó tập trung nhất ở ven thung lũng sông Giăng thuộc xã Yên Khê, Bồng Khê. Đất phù sa được bồi và phù sa không được bồi là sản phẩm được hình thành trên loại trầm tích này.

+ Đá biến chất thuộc hệ tầng Sông Cả có thành phần chủ yếu là phiến sericit, đá phiến thạch anh, phân bố chủ yếu phía tây và tam lãnh thổ, thuộc các xã Cam Lâm, Châu Khê, Môn Sơn. Quá trình phong hóa trên loại đá này tạo nên các loại đất đỏ vàng trên đá biến chất [chẳng hạn đất Fs].

3. Địa hình

Địa hình miền núi là một trong những thành phần của tự nhiên mà con người luôn tác động trong quá trình phát triển. Địa hình thường được xem là “thành phần vật chất chết và thụ động”, vì vậy những hoạt động: xẻ sườn núi, bạt đỉnh núi,…diễn ra không tính đến hậu quả. Cần phải “cư xử với địa hình miền núi một cách thận trọng hơn” vì “chúng có nguồn gốc, có quy luật phát triển và do đó, có những phản ứng của nó. Không phải ngẫu nhiên một sườn núi lồi hay lõm, cao hay thấp, đỉnh núi nhọn hay bằng, thung lũng rộng hay hẹp. Tất cả những hiện tượng đó đều có những nguyên nhân của chúng và cần được cắt nghĩa để sử dụng cho hợp lí”[GS. Lê Bá Thảo]. Phần viết về địa hình huyện Con Cuông dưới đây lí giải cho người đọc nguồn gốc của những gì họ quan sát được [hình thái địa hình] và những đặc điểm của chúng không dễ nhận biết bằng trực quan. Nhận thức về địa hình thực sự cần thiết bởi “không một công trình xây dựng nào, một hoạt động kinh tế nào của con người lại không được tiến hành trên một mảnh đất cụ thể, tức là trên một dạng địa hình cụ thể” [GS. Lê Bá Thảo].

3.1. Đặc điểm chung

Địa hình Con Cuông chủ yếu là đồi núi, được thành tạo từ nguồn gốc nội sinh lẫn ngoại sinh. Quá trình nội sinh thống trị là quá trình nâng địa hình ở Tân kiến tạo hình thành nên các dãy, khối núi ở đông bắc và phía nam lãnh thổ. Quá trình ngoại sinh thống trị là quá trình bóc mòn, xâm thực. Các dãy núi kéo dài phương chung là tây bắc – đông nam hoặc á kinh tuyến với các đỉnh núi cao từ 250m đến trên 1000m. Trên bề mặt địa hình phân bố các đá có thành phần và tuổi khác nhau, trong đó các đá carbonat, đá magma xâm nhập và phun trào phân bố ở địa hình cao và hiểm trở nhất, các đá lục nguyên và trầm tích bở rời trên địa hình thấp tạo nên các bậc địa hình được phân biệt khá rõ. Trên bề mặt địa hình hiện tại, các quá trình sườn đã và đang xảy ra mạnh mẽ dưới tác động của các nhân tố nội, ngoại sinh. Đó là các hoạt động tân kiến tạo, quá trình phong hoá, xâm thực bóc mòn, vận chuyển và tích tụ vật liệu… Các quá trình bóc mòn, trượt lở, rửa trôi với xu thế hạ thấp địa hình, đồng thời tạo ra sản phẩm cho quá trình tích tụ tại các thung lũng sông suối.

Địa hình huyện Con Cuông có sự phân hóa khá phức tạp, trong đó nổi bật là:

– Địa hình cao ở hai phía đông bắc và tây nam, thấp dần về trung tâm lãnh thổ, tạo nên sự phân bậc địa hình khá rõ nét. Đặc điểm cấu tạo địa hình tương tự như một số huyện miền núi thấp Nghệ An [Quỳ Châu], nhưng không giống các huyện miền núi cao hơn [Quế Phong hay Kỳ Sơn]. Sở dĩ có sự phân hóa này là do hệ thống đứt gãy tạo ra các thung lung sông chạy qua trung tâm lãnh thổ.

– Toàn bộ lãnh thổ Con Cuông phân cách bởi Sông Cả tạo thành 2 vùng hữu ngạn và tả ngạn rõ rệt:

+ Vùng hữu ngạn Sông Lam [các xã Môn Sơn, Lục Dạ. Yên Khê, Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê, Bồng Khê và thị trấn Con Cuông]. Địa hình gồm các dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam, cấu tạo bởi các đá biến chất hệ tầng Sông Cả. Độ cao trung bình > 150m.

+ Vùng tả ngạn Sông Lam: Gồm các xã Cam Lâm, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn và Bình Chuẩn. Vùng này địa hình thấp, ít hiểm trở hơn, có nhiều thung lũng và khe suối lớn.

3.2. Các kiểu địa hình

Mặc dù trong dân gian thường gọi địa hình núi ở huyện là núi cao do cảm nhận trực quan và mức độ hiểm trở của địa hình. Tuy nhiên, để phân chia ra các kiểu địa hình núi cao, trung bình hay thấp cần căn cứ vào hình thái và trắc lượng hình thái địa hình [độ cao tương đối, độ cao tuyệt đối]. Về độ cao tương đối [độ chênh cao] địa hình, các nhà địa lý đều thống nhất: > 100m là địa hình núi, < 100m là địa hình đồi. Về chỉ tiêu độ cao tuyệt đối của các kiểu địa hình, giữa các vùng địa lý có sự khác nhau về chế độ nhiệt ẩm và các quá trình địa lý tự nhiên khác, vì vậy chỉ tiêu có độ cao địa hình không giống nhau. Trong “cảnh quan miền Bắc Việt Nam” GS.Vũ Tự Lập chia miền núi Nghệ An thành 12 cấp, trong đó, núi trung bình: >1.500m, núi thấp: 500 – 1.500m, đồi < 500m. Với điều kiện cụ thể của các điều kiện địa lý tự nhiên, phục vụ mục đích sử dụng hợp lý lãnh thổ, chúng tôi chia địa hình Con Cuông thành 3 kiểu địa hình chính: núi, đồi và thung lũng, từ đó chia thành 5 phụ kiểu: núi trung bình, núi thấp, đồi cao, đồi thấp, thung lũng.

+ Địa hình núi trung bình

Địa hình núi ở Con Cuông chủ yếu là núi trung bình và núi thấp. Địa hình có độ cao > 900m phân bố khu vực tây nam Con Cuông, phần giáp với huyện Tương Dương, thuộc các xã Môn Sơn, Châu Khê. Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực [1.841m] và được đặt tên cho Vườn quốc gia thuộc địa phận Con Cuông.

+ Địa hình núi thấp

Kiểu địa hình núi thấp có diện tích khá lớn, phân bố nhiều nhất ở các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê và Bình Chuẩn. Các dãy núi này được cấu tạo bởi các trầm tích, biến chất nên địa hình có phần mềm mại và ít dốc hơn địa hình núi trung bình. Độ cao từ 500 đến 900m.

Địa hình núi đá vôi: Núi đá vôi phân bố thành từng khối, phân tán trên lãnh thổ. Diện tích lớn nhất ở thị trấn Con Cuông và xã Yên Khê. Một số khối xuất hiện ở xã Thạch Ngàn, Yên Khê, Cam Lâm với diện tích nhỏ. Đây là kiểu địa hình đặc biệt, mức độ chia cắt sâu mạnh tuy độ cao tuyệt đối không lớn [200 – 300m]. Đá vôi thuộc hệ tầng Bắc Sơn, La Khê, phân phiến dày, màu xám đồng nhất và tinh khiết. Trên địa hình này xảy ra các quá trình karst trẻ [rửa lũa, ăn mòn] tạo nên các dạng địa hình hang hốc trên bề mặt và hang động ngầm.

+ Địa hình đồi cao

Địa hình đồi cao phân bố ở các xã Châu Khê, Bình Chuẩn, Môn Sơn, Lục Dạ, Lạng Khê, Đôn Phục; rải rác ở các xã Chi Khê, Thạch Ngàn. Độ cao trung bình 250 – 500m.

Các đá cấu tạo chủ yếu là đá phiến sét, cát kết ít khoáng, bột kết, phiến thạch anh. Đặc điểm địa hình bề mặt này có sườn bằng phẳng, trắc diện sườn lồi, bề mặt sườn tương đối thoải [8 – 150], mức độ phân cắt trung bình, đường chia nước không rõ ràng gồm nhiều các đỉnh dạng vòm thoải hoặc bát úp. Trên kiểu địa hình này, các dạng sườn rửa trôi được hình thành. Mặc dù hoạt động rửa trôi chiếm ưu thế nhưng một số nơi xảy ra quá trình trượt lở xảy ra trên diện nhỏ. Trên đá phiến sét, địa hình này có độ dốc trung bình, lớp vỏ phong hóa khá dày, thực vật phát triển tốt. Hệ thống sông suối, khe rãnh thường có dạng lông chim, cành cây, trắc diện ngang dạng chữ V mở rộng hoặc chữ U, kéo dài theo hướng vuông góc với đường chia nước. Quá trình sườn tiềm ẩn là trượt lở đất.

+ Địa hình đồi thấp

Địa hình có độ cao trung bình dưới 250m, phân bố ở thị trấn Con Cuông và các xã Mậu Đức, Bồng Khê, Yên Khê và ở các xã khác vùng trung tâm.

Kiểu địa hình này gồm các dải đồi sót hình thành chủ yếu trên đá cát, bột kết, đá phiến thạch anh – sericit,… Quá trình bóc mòn, xâm thực, rửa trôi chiếm ưu thế. Bề mặt sườn xuất hiện các hệ thống mương xói, rãnh xói mòn. Địa hình biến đổi mạnh mẽ do các hoạt động nội sinh.

Đặc điểm chung của bề mặt địa hình này là bề mặt sườn không bằng phẳng, trắc diện sườn lồi lõm với độ dốc trên 80. Quá trình biến đổi sườn trên bề mặt địa hình này là các trượt lở nhỏ, xói mòn bề mặt.

+ Địa hình thung lũng

Tại Con Cuông chủ yếu là các thung lung nguồn gốc kiến tạo, xâm thực, hình thành do đứt gãy kiến tạo và xâm thực của dòng chảy. Tuy chiếm một diện tích nhỏ địa hình này có giá trị lớn cho sản xuất nông nghiệp. Các thung lũng sông suối khe Thời, khe Choang, khe Khặng [sông Giăng] và bờ phải sông Cả hiện tại đang được sử dụng sản xuất lúa, hoa màu.

4. Khí hậu

Khí hậu là nhân tố quyết định đến các quá trình phong hóa hình thành thổ nhưỡng, đến sự phân bố và chế độ thủy văn, đến sự phân bố và phát triển của sinh vật tạo nên sự đa dạng cảnh quan lãnh thổ. Những đặc trưng định lượng khí hậu cực đoan quyết định thành phần loài của các kiểu thảm thực vật.

Con Cuông nằm trong tiểu vùng khí hậu Bắc Trung Bộ với đặc điểm chung là nhiệt đới ẩm gió mùa; có hai mùa: mùa nóng [mưa nhiều] từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa lạnh [mưa ít] từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; xen giữa là hai mùa chuyển tiếp. Mùa hạ chịu tác động mạnh mẽ của gió mùa tây nam bị biến tính rất khô và nóng, mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh, có mưa phùn. Con Cuông đồng thời cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết miền núi tây nam Nghệ An nên có những đặc trưng riêng về các yếu tố thời tiết. Rét đến sớm và mùa khô hanh thường kéo dài.

a. Chế độ nhiệt

–  Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 23°C – 25°C. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 42°C. Thông thường tháng Giêng có nhiệt độ thấp nhất [trung bình 19°C]. Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối -0.5°C.

–  Tổng nhiệt hoạt động [giá trị tổng cộng của thời gian có nhiệt độ > 10°C trong một năm] của Con Cuông khoảng 3.500- 4.000°C/năm.

–  Số giờ nắng trung bình của khoảng 1.500 – 1.700 giờ/năm.

Bảng 1. Tổng số giờ nắng trung bình nhiều năm huyện Con Cuông

Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Số giờ nắng 86.6 64.1 88.9 137.3 204.0 173.5 206.7 160.7 152.5 147.6 108.9 112.2

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

– Chế độ nhiệt chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

+ Mùa nóng [mùa hạ] có nhiệt độ trung bình 23 – 240C , nhiệt độ tăng dần từ tháng 4 đến tháng 7 và giảm dần từ tháng 9, tháng nóng nhất là tháng 7. Con Cuông cũng như các huyện miền núi Tây Nghệ An chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Fơn tạo ra gió Tây Nam khô nóng hay gió Lào. Số liệu thống kê sô ngày khô nóng mạnh trung bình nhiều năm [TBNN] và số ngày khô nóng nhẹ TBNN trên địa bàn huyện Con Cuông từ tháng 3 đến tháng 9 ở bảng sau cho thấy ảnh hưởng của gió Fơn [gió Lào] trên địa bàn huyện.

Bảng 2. Số ngày khô nóng trung bình nhiều năm [TBNN]

ở huyện Con Cuông

TBNN T3 T4 T5 T6 T7 T8 T9 Tổng
Số ngày khô nóng mạnh 0.50 1.09 1.35 1.72 1.95 0.59 0.00 7.20
Số ngày khô nóng nhẹ 1.90 3.22 6.22 7.44 9.63 4.55 0.76 33.45

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

+ Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ bình quân 19,90 .

b. Chế độ mưa

Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1200 – 1.600mm/năm. Với lượng mưa này, Con Cuông thuộc loại mưa hơi ít. So với các huyện miền núi Tây Nam Nghệ An [Tương Dương, Kỳ Sơn] Con Cuông có lượng ẩm khá dồi dào, nhưng so với các huyện miền núi Tây Bắc Nghệ An [Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong] thì tổng lượng mưa năm ở Con Cuông thấp, khí hậu khô hơn.

Bảng 3. Lượng mưa trung bình nhiều năm tại Con Cuông.

Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Lượng mưa [mm] 34,0 35,8 45,6 86,2 187,3 156,6 160,8 251,5 357,6 292,5 87,7 33,4
Độ ẩm [%] 89 90 89 86 82 81 79 84 87 88 88 88

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

–  Lượng mưa không phân hóa nhiều trong không gian [dao động từ 1.200 – 1.600mm giữa các vùng trên lãnh thổ]. Tuy nhiên lượng mưa phân hóa theo mùa rất mạnh mẽ, tập trung trên 85% vào mùa mưa. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, 9 và tháng 10 [tháng 8: 251.5mm, tháng 9: 357,6mm, tháng 10: 292,5mm]. Tháng khô hạn nhất là tháng 12 và tháng 1 [33 – 34mm].

–  Độ ẩm không khí trung bình dao động từ 80 – 90%.

Bảng 4. Độ ẩm không khí trung bình huyện Con Cuông

Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Độ ẩm tháng 89 90 89 86 82 81 79 84 87 88 88 88

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

c. Chế độ gió

Gió mùa đông bắc xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau thường kèm mưa phùn, giá lạnh và xuất hiện sương muối một vài lần/năm. Gió mùa Tây Nam [gió Lào] xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 gây khô nóng và hạn hán.

Vì xa biển nên Con Cuông ít có bão nhưng địa bàn huyện thường có lốc xảy ra bất ngờ. Mùa khô thường bị hán gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Chế độ nhiệt ẩm tạo nên tính mùa [nhịp điệu mùa] của tất cả các hợp phần địa lý trong mối quan hệ tương tác với nhau [cảnh quan]. Tính nhịp điệu mùa phản ánh sự thay đổi trạng thái của cảnh quan mà không thay đổi cấu trúc, trong đó chế độ nhiệt ẩm đóng vai trò chủ đạo, là cơ sở động lực của các quá trình tự nhiên theo mùa [xói mòn, trượt lở đất, lũ ống, lũ quét,…]. Nhịp điệu mùa được phản ánh qua chế độ nhiệt ẩm, cụ thể chỉ số tương quan nhiệt ẩm. Cách tính chỉ số này được nhiều nhà địa lý đưa ra: chỉ số khô hạn [Buđưcô và Grigooriev], chỉ số ẩm ướt [Vưxôtsky, Ivanôv và Docussaev], hệ số thủy nhiệt hay hệ số nhiệt ẩm [Xêlianhinôv,…]. Theo Xêlianhinôv, chỉ số nhiệt ẩm được xác định theo công thức: K = R/ [0,1.et] và phân thành 5 cấp: khô, hơi khô, hơi ẩm, ẩm và ẩm ướt. Trong đó, 2 cấp: hơi khô, hơi ẩm được xếp vào mùa chuyển tiếp [1

Chủ Đề