Chức năng của cp quan kiểm toán nhà nước năm 2024
Căn cứ Nghị định số 70/CP ngày 11 tháng 7 1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước; Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; QUYẾT ĐỊNH: Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Điều 2.- Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Điều lệ này. Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Tổng Kiểm toán Nhà nước, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC (Ban hành kèm theo Quyết định số 61/ TTg, ngày 24 tháng 1 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ) CHƯƠNG I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1.- Kiểm toán Nhà nước giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị kinh tế Nhà nước và các đoàn thể, các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp. Điều 2.- Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi trình ra Hội đồng Nhân dân và tổng quyết toán ngân sách Nhà nước của Chính phủ trước khi trình Quốc hội; báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí Nhà nước; báo cáo quyết toán của các chương trình, dự án, các công trình đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước... theo kế hoạch kiểm toán hàng năm được thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nhiệm vụ đột xuất do Thủ tướng giao hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Điều 3.- Khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm toán Nhà nước chỉ tuân theo pháp luật của Nhà nước quy định về chế độ kiểm toán (bao gồm cả quy định về phương pháp chuyên môn nghiệp vụ ), Nghị định 70/CP ngày 11 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Điều lệ này, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực. CHƯƠNG II NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC Điều 4.- Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ: 1/ Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch phải nói rõ đối tượng, mục tiêu và nội dung kiểm toán. 2/ Tổ chức thực hiện chương trình , kế hoạch kiểm toán đã được Thủ tướng phê duyệt và những nhiệm vụ kiểm toán đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; báo cáo kết quả kiểm toán cho Thủ tướng Chính phủ và cung cấp kết quả kiểm toán cho các cơ quan Nhà nước khác theo quy định của Chính phủ. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm toán. 3/ Nhận xét, đánh giá và xác nhận việc chấp hành các chính sách, chế độ tài chính, kế toán, về sự chính xác, trung thực, hợp pháp của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán đã được kiểm toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã nhận xét, đánh giá và xác nhận. 4/ Thông qua việc kiểm toán, góp ý kiến với các đơn vị được kiểm toán sửa chữa những sai sót, vi phạm để chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý những vi phạm chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước; đề xuất với Chính phủ việc sửa đổi, cải tiến cơ chế quản lý tài chính, kế toán cần thiết. 5/ Tham gia ý kiến với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành các chế độ, chuẩn mực, phương pháp kiểm toán. 6/ Quản lý các hồ sơ, tài liệu đã được kiểm toán theo quy định của Nhà nước; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và sự hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của Nhà nước. 7/ Quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất của hệ thống tổ chức Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Chính phủ. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức kiểm toán. Điều 5.- Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm toán Nhà nước có quyền và trách nhiệm sau đây: 1/ Chỉ tuân theo pháp luật và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ đã được Nhà nước quy định. 2/ Được yêu cầu các đơn vị được kiểm toán gửi báo cáo quyết toán và cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. 3/ Được yêu cầu các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và công dân giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ. 4/ Được đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giám định về mặt chuyên môn hoặc làm tư vấn khi cần thiết. 5/ Được đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở công tác kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và cung cấp sai sự thật thông tin, tài liệu cho Kiểm toán Nhà nước. 6/ Được kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân có những vi phạm chế độ tài chính - kế toán của Nhà nước. 7/ Cung cấp hồ sơ tài liệu kiểm toán theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Các cơ quan có thẩm quyền nói ở điểm 5, 6 trên đây có nhiệm vụ thông báo cho Kiểm toán Nhà nước biết kết quả giải quyết của mình trong thời hạn sớm nhất kể từ ngày nhận được yêu cầu và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. 8/ Khi cần thiết được thuê kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán, nhưng Kiểm toán Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu và kết luận do kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán độc lập đã thực hiện. 9/ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và về những hậu quả xấu do khuyết điểm của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên gây ra cho các đối tượng kiểm toán. CHƯƠNG III CƠ CẤU TỔ CHỨC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC Điều 6.- Cơ cấu tổ chức bộ máy giúp Tổng kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao gồm: 1/ Kiểm toán Ngân sách Nhà nước. 2/ Kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án vay nợ, viện trợ Chính phủ. 3/ Kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước. 4/ Kiểm toán chương trình đặc biệt (an ninh, quốc phòng, dự trữ quốc gia)... 5/ Văn phòng Kiểm toán Nhà nước. Các tổ chức kiểm toán chuyên ngành từ 1 đến 4 Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có vị trí tương đương cấp Vụ. Trong quá trình hoạt động tại một số khu vực và địa bàn trọng điểm nếu xét thấy cần thiết, thì Tổng Kiểm toán Nhà nước thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Kiểm toán Nhà nước khu vực trực thuộc Kiểm toán Nhà nước. Điều 7.- Đứng đầu Kiểm toán Nhà nước là Tổng Kiểm toán Nhà nước. Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách từng lĩnh vực công tác của Kiểm toán Nhà nước có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tổng Kiểm toán, các Phó Tổng Kiểm toán do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ công tác của Kiểm toán Nhà nước. Các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về nhiệm vụ được phân công. Điều 8.- Các tổ chức Kiểm toán chuyên ngành thuộc Kiểm toán Nhà nước, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng kiểm toán các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các đối tượng thuộc các chuyên ngành nói trên. Đứng đầu mỗi tổ chức kiểm toán chuyên ngành là Kiểm toán trưởng (cấp Vụ trưởng). Giúp việc Kiểm toán trưởng có các Phó Kiểm toán trưởng (cấp Phó Vụ trưởng). Kiểm toán trưởng và Phó Kiểm trưởng do Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm. Điều 9.- Văn phòng Kiểm toán Nhà nước giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng chương trình kế hoạch công tác, theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện công tác kiểm toán, và công tác về: Tổ chức cán bộ và đào tạo, pháp chế, hành chính, tài chính kế toán, quản trị và hợp tác quốc tế của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Giúp việc Chánh Văn phòng có một số Phó Văn phòng. Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm. Điều 10.- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy cụ thể của các tổ chức Kiểm toán chuyên ngành và Văn phòng Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định. Điều 11.- Kinh phí hoạt động của hệ thống Kiểm toán Nhà nước do ngân sách Nhà nước cấp. Biên chế của hệ thống Kiểm toán Nhà nước thuộc biên chế quản lý Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế và kinh phí hoạt động của hệ thống kiểm toán. CHƯƠNG IV HỘI ĐỒNG KIỂM TOÁN Điều 12.- Khi cần thiết, Kiểm toán Nhà nước được thành lập Hội đồng Kiểm toán để tư vấn cho Tổng Kiểm toán Nhà nước thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng, phức tạp, hoặc tái thẩm định các báo cáo kiểm toán bị khiếu nại. Hội đồng Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định thành lập, quyết định thành viên Hội đồng và quy chế làm việc của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể mời các chuyên gia bên ngoài tổ chức Kiểm toán Nhà nước tham gia Hội đồng. Khi kết thúc vụ, việc thẩm định, Tổng Kiểm toán Nhà nước giải thể Hội đồng kiểm toán. Điều 13.- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số, ý kiến thiểu số được ghi nhận và báo cáo cho Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tất cả các ý kiến của các thành viên Hội đồng Kiểm toán Nhà nước đều phải ghi vào biên bản của Hội đồng và các tài liệu liên quan đến việc thẩm định của Hội đồng đều được quản lý theo quy định của Nhà nước. Điều 14.- Đối với những đối tượng kiểm toán đặc biệt liên quan đến bí mật và an ninh quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải tự mình điều hành công tác kiểm toán và chỉ định các thành viên Hội đồng Kiểm toán. CHƯƠNG V KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC VÀ CỘNG TÁC VIÊN Điều 15.- Kiểm toán viên Nhà nước là công chức Nhà nước được giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật. Trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, kiểm toán viên Nhà nước chỉ tuân theo pháp luật và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ đã được Nhà nước quy định và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những nhận xét, kết luận và kiến nghị của mình. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, kiểm toán viên phải mang biển hiệu và xuất trình thẻ kiểm toán viên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Điều 16.- Kiểm toán viên có quyền sau: 1/ Khi thực hiện nhiệm vụ được thực hiện các quyền quy định tại các điểm 1, 2, 3, 4, 6 Điều 5 của bản Điều lệ này. 2/ Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động hoặc việc làm nếu xét thấy đang hoặc sẽ gây tổn thất tài sản quốc gia và trở ngại cho công tác kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. 3/ Được hưởng các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với nhiệm vụ được giao theo quy định của Chính phủ. Điều 17.- Trong trường hợp cần thiết, Kiểm toán Nhà nước có thể sử dụng cộng tác viên, kiểm toán viên, tổ chức kiểm toán độc lập, các chuyên gia trong và ngoài nước dưới hình thức hợp đồng hoặc thuê. CHƯƠNG VI TRÌNH TỰ KIỂM TOÁN Điều 18.- Việc ra quyết định kiểm toán phải dựa vào những căn cứ sau đây: Chương trình, kế hoạch kiểm toán hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những nhiệm vụ kiểm toán đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao, hoặc do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu trong đối tượng thuộc trách nhiệm kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Điều 19.- Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định kiểm toán. Quyết định kiểm toán phải ghi rõ nội dung, phạm vi, đối tượng, thời hạn kiểm toán và đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên thực hiện. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, nếu xét thấy cần phải bổ sung nội dung, gia hạn thời gian kiểm toán, thay đổi trưởng đoàn, thành viên Đoàn kiểm toán, hoặc đình chỉ việc kiểm toán thì Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ra quyết định bằng văn bản. Các quyết định trên đồng thời phải gửi cho đối tượng kiểm toán. Điều 20.- Mỗi cuộc kiểm toán đều được tiến hành theo các bước: Chuẩn bị, Thực hiện kiểm toán, Kết thúc và lập báo cáo kiểm toán. Đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc kiểm toán phải tuân thủ trình tự, bước đi, các nguyên tắc, chuẩn mực và phương pháp nghiệp vụ kiểm toán theo đúng quy định hiện hành Nhà nước. Điều 21.- Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán phải thường xuyên chỉ đạo, giải quyết kịp thời các đề nghị của Đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên, theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên. Điều 22.- Khi tiến hành kiểm toán, Đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong đoàn thực hiện các nhiệm vụ được giao đã ghi trong quyết định kiểm toán. Không được gây trở ngại hoặc can thiệp vào công việc điều hành, bảo đảm hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán. Khi làm nhiệm vụ, được thực hiện quyền hạn theo Điều 16 của bản Điều lệ này. Khi kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên phải lập báo cáo kết quả kiểm toán, nhận xét, kết luận, kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán và chịu trách nhiệm về các kết luận, các nhận xét, kiến nghị của mình. Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên phải ký tên vào báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán trước khi công bố cho đơn vị được kiểm toán phải được Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán uỷ quyền ký tên, đóng dấu xác nhận. Điều 23.- Kiểm toán viên trong Đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm cùng Trưởng đoàn kiểm toán về thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp có ý kiến của kiểm toán viên trong đoàn khác với kết luận của Trưởng đoàn kiểm toán thì ý kiến của Kiểm toán viên đó được bảo lưu và báo cáo với Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định. Điều 24.- Khi nhận được kết luận, kiến nghị của Trưởng doàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì Tổng Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. CHƯƠNG VII KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT Điều 25.- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, cộng tác viên kiểm toán có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng tổ chức Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên và các cộng tác viên có thành tích trong công tác kiểm toán. Điều 26.- Kiểm toán viên vi phạm pháp luật, quy chế kiểm toán, lợi dụng chức vụ, quyền hạn Kiểm toán Nhà nước vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định, nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức cá nhân nào cản trở kiểm toán viên thi hành công vụ hoặc thông đồng với kiểm toán viên vi phạm các quy định của pháp luật và quy chế kiểm toán thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. CHƯƠNG VIII ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG Điều 27.- Điều lệ này có hiệu lực từ ngày ban hành. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện bản Điều lệ này./. |