Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra vào thời gian nào

Sau đòn tiến công chiến lược mở đầu ở Tây Nguyên, với trận Buôn Ma Thuột "điểm đúng huyệt" độc đáo, ta đã làm cho địch choáng váng, rối loạn, đi từ sai lầm về mặt chiến thuật đến sai lầm về mặt chiến lược. Chúng buộc phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên trong cảnh hoảng loạn và rệu rã; tạo bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ mới để ta tiến lên thực hiện thắng lợi Quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chuyển phương án từ thực hiện kế hoạch cơ bản sang kế hoạch thời cơ, hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền nam trong năm 1975, xác định phương hướng chiến lược tiến công chủ yếu là Sài Gòn.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược nêu trên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đòn tiến công chiến lược gối đầu kế tiếp Huế - Đà Nẵng nhằm giải phóng các tỉnh thuộc quyền kiểm soát của Quân khu 1 ngụy. Đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng được hợp thành bởi ba chiến dịch: Chiến dịch Trị Thiên, Chiến dịch Nam - Ngãi, hai chiến dịch đồng thời diễn ra từ ngày 5 đến 26-3-1975 và Chiến dịch Đà Nẵng, diễn ra từ ngày 26 đến 29-3-1975.

Trên Mặt trận Trị Thiên, từ ngày 5 đến 26-3-1975, Quân đoàn 2 cùng với quân và dân Quân khu Trị Thiên đã đẩy mạnh tiến công địch trên khắp mặt trận, lần lượt giải phóng Quảng Trị [ngày 19-3-1975] và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên [ngày 26-3]. Thắng lợi giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế đã làm sụp đổ một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở phía bắc Hải Vân, mở toang cánh cửa án ngữ phía bắc Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta tiến về phía nam giải phóng Đà Nẵng và các thành phố, căn cứ khác của địch.

Trên Mặt trận Nam - Ngãi, ngày 10-3-1975, cùng thời điểm tiến công Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 2 - Quân khu 5 tiến công giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp mạnh mẽ Tam Kỳ [Quảng Nam]; đồng thời, các đơn vị lực lượng vũ trang [LLVT] địa phương tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh tiến công địch ở các khu vực Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, uy hiếp thị xã Quảng Ngãi, buộc địch phải căng kéo lực lượng để chống đỡ. Ngày 18-3-1975, Bộ Tổng Tư lệnh nhận định địch "đang thực hiện co cụm chiến lược lớn, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh" và chỉ thị cho Khu 5 nhận rõ thời cơ mới đang xuất hiện, đẩy mạnh tiến công với tinh thần khẩn trương và táo bạo, nhanh chóng cắt đứt đường số 1, chia cắt Đà Nẵng và Tam Kỳ, tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 2 ngụy, không cho chúng co cụm về Đà Nẵng, chuẩn bị tích cực, khẩn trương cho giải phóng Đà Nẵng.

Quán triệt chủ trương nêu trên, ngày 21-3-1975, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 chủ trì cuộc họp Thường vụ giao nhiệm vụ cho Đặc khu ủy Quảng Đà. Trên cơ sở phân tích diễn biến tình hình chung toàn chiến trường và nhận định khả năng giải phóng Đà Nẵng, Thường vụ Khu ủy xác định các phương án giải phóng Đà Nẵng, đồng thời chỉ thị cho Đặc khu Quảng Đà tích cực chuẩn bị mọi mặt cho giải phóng Đà Nẵng với quyết tâm: dù phương án nào cũng phải làm cho địch tan rã tại chỗ; không để địch co cụm về Sài Gòn; không để địch ép dân đi vào phía nam; bảo vệ thành phố nguyên vẹn, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Chủ trương nêu trên thể hiện tính chủ động, nhạy bén của Khu ủy, Quân khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5, là cơ sở quan trọng để chiến dịch giải phóng Đà Nẵng giành thắng lợi cao nhất trong thời gian ngắn nhất.

Lúc này, ở phía nam Đà Nẵng, LLVT Quân khu 5 làm nòng cốt cùng lực lượng nổi dậy của quần chúng giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ - Quảng Nam và Quảng Ngãi [ngày 24-3]; nối liền vùng giải phóng với Tây Nguyên, cánh cửa tiến vào Đà Nẵng từ hướng nam đã được mở toang. Thắng lợi này cùng với thắng lợi giải phóng Trị Thiên - Huế ở phía bắc đã cô lập hoàn toàn TP Đà Nẵng về đường bộ; Đà Nẵng lúc này như một ốc đảo trơ trọi nằm giữa vùng giải phóng của ta, chỉ còn có thể liên hệ với Sài Gòn bằng đường không và đường thủy.

Ngày 25-3, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, trên cơ sở nhận định: Sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, địch dù có muốn giữ Đà Nẵng cũng không thể được, quyết định mở đòn tiến công Đà Nẵng với tư tưởng chỉ đạo kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng và chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Khu 5: hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực lớn quân địch ở Đà Nẵng, giành thắng lợi quyết định, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược tiếp theo. Để có sự thống nhất về tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trận đánh quan trọng này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà [mật danh Mặt trận 475], gồm các đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Tại thời điểm này, lực lượng địch ở khu vực Đà Nẵng tập trung gần 100 nghìn tên gồm các lực lượng tại chỗ và tàn binh các nơi dồn về. Mặc dù bị quân ta vây chặt, tinh thần của sĩ quan và binh lính địch hoang mang tột độ, nhưng các tướng tá của quân đội Mỹ và Sài Gòn vẫn cho rằng: muốn tiến công vào Đà Nẵng, đối phương phải có thời gian ít nhất là một tháng để chuẩn bị. Do vậy, chủ trương của địch là "tử thủ Đà Nẵng và di tản dần nhằm bảo toàn lực lượng, co về giữ vững đồng bằng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ".

Trên cơ sở thế trận chiến lược đã mở ra, Bộ Tư lệnh Mặt trận 475 đã xác định quyết tâm: đánh tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng, nhanh chóng tiến công, không cho địch có thời cơ co cụm cố thủ; trường hợp địch cố thủ, phải đột phá nhanh, không cho chúng rút về Sài Gòn; phương châm tác chiến đã xác định là: "Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng".

Thực hiện quyết tâm chiến dịch, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng Quân đoàn 2 tiến công từ hướng bắc và tây bắc; Sư đoàn 304 [thiếu Trung đoàn 9] tiến công từ hướng tây nam; LLVT Quân khu 5, chủ yếu là Sư đoàn 2 tăng cường các đơn vị bộ binh, binh chủng của Quân khu cùng bộ đội địa phương Quảng Đà tiến công từ hướng nam, đông nam và lực lượng tại chỗ của TP Đà Nẵng.

Trên hướng đảm nhiệm, Quân khu 5 sử dụng Sư đoàn 2, có Trung đoàn 1 và Trung đoàn 36 đánh trên hướng chủ yếu, tiến theo trục đường quốc lộ chiếm sân bay Đà Nẵng, khu vực Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 địch rồi phát triển vào TP Đà Nẵng; Trung đoàn 38 đánh trên hướng phối hợp, diệt căn cứ núi Quế, Đá Đen, mở đường cho các đơn vị thọc sâu, sau đó tiến về phía đông phối hợp với Trung đoàn 96 Quảng Đà đánh chiếm quận Ba và bán đảo Sơn Trà. Toàn bộ lực lượng còn lại của Quảng Đà hình thành mũi thọc sâu áp sát thành phố, sẵn sàng phối hợp cùng chủ lực khi thời cơ đến; các đại đội bộ đội địa phương tại chỗ và biệt động thành Đà Nẵng có nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, đồng thời tham gia đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô.

Mọi công tác chuẩn bị tổ chức chiến đấu tiến công địch trong hành tiến, thời gian gấp, từ thống nhất chủ trương, hợp đồng quân binh chủng, động viên quyết tâm đến công tác bảo đảm đều chỉ đạo qua điện đài. Theo đúng kế hoạch, 5 giờ 30 phút ngày 28-3, pháo binh ta bắn phá, chế áp các mục tiêu trong thành phố, hỗ trợ cho các lực lượng trên các hướng tiến công vào Đà Nẵng. Đúng 7 giờ ngày 29-3, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, kết hợp với thọc sâu và nổi dậy, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Quân ta đã cắm cờ trên nóc tòa nhà Thị chính [11 giờ 30 phút], Trung tâm Chỉ huy Quân đoàn 1 - Quân khu 1 ngụy [12 giờ], đến 15 giờ cùng ngày, ta hoàn toàn làm chủ TP Đà Nẵng.

Đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng giành thắng lợi rực rỡ; ta tiêu diệt, làm tan rã gần 10 nghìn tên địch, xóa sổ Quân đoàn 1 - Quân khu 1 với ba sư đoàn bộ binh và lính thủy đánh bộ thiện chiến, một sư đoàn không quân chiến lược và các lực lượng khác; phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch; trực tiếp đập tan ý định co cụm chiến lược của địch, đẩy quân địch vào thế liên tiếp thất bại, mất dần các địa bàn chiến lược, thế phòng thủ chiến lược bị đảo lộn; trên chiến trường, tương quan so sánh lực lượng chiến lược giữa hai bên và cục diện chiến tranh đã có sự thay đổi đột biến với lợi thế nghiêng hẳn về ta; giáng một đòn chí tử, làm lung lay tận gốc chính quyền và quân đội Sài Gòn, đẩy chúng đến bên bờ vực sụp đổ không thể cứu vãn.

Trên đà chiến thắng, quân và dân Khu 5 tiếp tục tiến công giải phóng phần đất còn lại các tỉnh Khu 5, Khu 6, Quần đảo Trường Sa, vùng giải phóng Khu 5 được mở rộng, nối liền với hậu phương lớn miền bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thuận tiện cho việc cơ động bằng đường bộ, đường biển, đường không, đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường lực lượng, bổ sung vật chất cho cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất.

Giải phóng Đà Nẵng, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra cho đòn tiến công chiến lược thứ hai; làm cho Mỹ - ngụy kinh hoàng, hoảng loạn. Thắng lợi đã thể hiện sự nắm bắt và chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ cấp chiến lược, chiến dịch đến cấp chiến thuật, sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân, sự phát triển chiến tranh nhân dân đến đỉnh cao; là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định quyết tâm chỉ đạo đòn chiến lược thứ ba, tiến công giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền nam trước mùa mưa.

Thắng lợi đòn tiến công giải phóng Đà Nẵng đã mở ra thời cơ mới, thế và lực của ta vững chắc hơn, mạnh hơn bao giờ hết để lực lượng vũ trang Quân khu 5 và đại quân "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" tiến về Sài Gòn hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG

Chính ủy Quân khu 5

QPTD -Thứ Hai, 21/02/2022, 08:06 [GMT+7]

Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng năm 1975

Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng đã phá sản âm mưu co cụm chiến lược của quân ngụy tại khu vực Duyên hải miền Trung và làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định, sự nhạy bén, tài tình của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch, nổi bật là nghệ thuật tạo và nắm thời cơ.

Sau Hiệp định Paris [1973], mặc dù rút hết quân khỏi Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tay cho ngụy quyền tay sai, hòng phá Hiệp định Paris bằng chiến lược “lấn chiếm và bình định” - “tràn ngập lãnh thổ”. Tuy vẫn được Mỹ “hà hơi”, tiếp sức về nhiều mặt, nhưng quân ngụy không tránh khỏi sự suy yếu cả về quân sự, chính trị lẫn tâm lý, tinh thần. Chính vì vậy, từ giữa năm 1974 trở đi, chúng không thể tổ chức được một cuộc hành quân lấn chiếm nào, thay vào đó là các hoạt động mang tính phòng ngự tại những khu vực bị ta uy hiếp. Nhận định năm 1975, Quân Giải phóng có thể mở cuộc tiến công quy mô lớn đánh chiếm Quảng Trị, cô lập Huế, Đà Nẵng, lấy Kon Tum để gây áp lực với Pleiku, lấy Tây Ninh làm thủ đô, tháng 8/1974, chính quyền ngụy thông qua Kế hoạch Lý Thường Kiệt nhằm đối phó với Quân Giải phóng và tiếp tục xóa các “lõm”, điểm “da báo”, giữ vững những vùng đã chiếm. Chúng cũng cho rằng, phương án tốt nhất là tập trung giữ Đà Nẵng, nếu giữ được cả Huế thì càng tốt, không được thì lùi về Quảng Nam, lấy Chu Lai làm căn cứ tiền tiêu, không thì lui quân về phòng thủ ở Tuy Hòa. Theo đó, chúng điều chỉnh thế bố trí lực lượng, phương tiện theo chiến lược “cố thủ” mới.

Về phía ta, trước sự phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực của chiến trường miền Nam trong năm 1974, Bộ Chính trị đã họp và hạ quyết tâm lịch sử: “giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”1. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với một loạt các chiến dịch và hoạt động tác chiến, nổi dậy rộng khắp của nhân dân; trong đó, Chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh là những chiến dịch lớn, có ý nghĩa chiến lược - yếu tố quyết định thắng lợi, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Riêng Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng2 được hình thành bởi hai chiến dịch quy mô vừa của Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 và của Quân khu 5. Chiến dịch làm tan rã tập đoàn phòng ngự mạnh của quân ngụy ở khu vực miền Trung, phá sản âm mưu co cụm chiến lược, thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta. Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định tầm nhìn, sự nhạy bén của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch, nổi bật là:

1. Nghệ thuật tạo thời cơ

Trị - Thiên và Khu 5 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng - nơi ta và địch đối đầu trực tiếp với nhau. Nếu làm chủ được Trị - Thiên và Khu 5 sẽ phá vỡ hệ thống phòng ngự, giam chân lực lượng cơ động chiến lược của quân ngụy, tạo chuyển biến về tương quan lực lượng trên chiến trường. Chính vì vậy, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn khu vực này là hướng phối hợp quan trọng trong quyết tâm chiến lược năm 1975, với nhiệm vụ: “Đánh bại về cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị - Thiên - Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị giành thắng lợi năm 1976, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế”3. Theo đó, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Mặt trận Trị - Thiên4 mở chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân - Hè và mùa Thu năm 1975. Với lực lượng 07 trung đoàn trên hướng Trị - Thiên và 04 trung đoàn trên hướng Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Mặt trận vạch ra mục tiêu trước mắt là đánh chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, bao vây cô lập Huế và nếu có điều kiện phát triển thì đánh chiếm toàn bộ Trị - Thiên - Huế. Ngay sau khi chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, quân và dân Trị - Thiên cũng như đồng bằng Khu 5 đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân sự ở cả vùng giáp ranh và đồng bằng. Việc cùng lúc tiến công trên hai mặt trận Tây Nguyên và Trị - Thiên - Huế khiến quân ngụy lúng túng và bộc lộ nhiều sơ hở. Bởi, khi Tây Nguyên thất thủ, chúng rút 01 sư đoàn dù ở miền Trung về Sài Gòn; đồng thời, co lực lượng tiền phương về giữ Huế, Đà Nẵng, khi Huế có nguy cơ thất thủ chúng lại rút quân về phòng thủ ở Đà Nẵng. Hành động đó của địch đã tạo thời cơ để ta giải phóng Huế và Đà Nẵng mà không cần phải đánh lớn nên về cơ bản đã bảo toàn được lực lượng. Có thể thấy, quyết định tiến công Trị - Thiên - Huế cùng lúc với hướng chủ yếu Tây Nguyên thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, khả năng nắm bắt thời cơ của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch.

Thực tiễn, một ngày sau khi Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, Chiến dịch Xuân - Hè cũng được tiến hành [06/3/1975]. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn 2đã bí mật chuyển lực lượng từ phía Tây và Bắc Quảng Trị vào phía Tây và Tây Nam Huế. Cùng với đó, các cuộc liên lạc, diễn tập của Quân khu Trị - Thiên vẫn được tiến hành ở Cửa Việt, Thanh Hội, Ái Tử, đã gây lúng túng và nhầm lẫn cho quân ngụy trong phán đoán hướng tiến công chủ yếu củata. Ngày 08/3/1975, Sư đoàn 324 bắt đầu tiến công căn cứ Mỏ Tàu, các điểm cao ở Tây Nam Huế; từ ngày 13 đến 15/3/1975, Quân khu Trị - Thiên mở một loạt trận đánh vào các cứ điểm, điểm cao ở phía Tây Huế. Khi chiến sự đang diễn ra ác liệt, chính quyền ngụy lại rút 01 sư đoàn dù về bảo vệ Biệt khu Thủ đô; đồng thời co lực lượng về phòng thủ vùng Duyên hải miền Trung với trung tâm là Huế và Đà Nẵng. Hành động đó khiến quân ngụy ở Trị - Thiên - Huế lúng túng, hỗn loạn. Thấy địch co về phòng thủ Huế và Đà Nẵng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo Mặt trận Trị - Thiên, Quân đoàn 2 nhanh chóng cắt Đường 1 ở Bắc và Nam Huế; vô hiệu hóa sân bay Phú Bài; cô lập Huế với Đà Nẵng; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc. Sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng [19/3/1975], thời cơ giải phóng Huế đã xuất hiện và khi Huế được giải phóng, quân địch rút về Đà Nẵng nhưng bị chặn lại đã tạo thời cơ giải phóng Đà Nẵng.

2. Nghệ thuật nắm thời cơ

Nhận thấy tình hình chiến trường miền Trung đang có chuyển biến tích cực và dự đoán quân ngụy có khả năng bỏ Huế, rút về Đà Nẵng phòng thủ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Mặt trận Trị - Thiên nắm thời cơ tiến công giải phóng Huế và toàn bộ Trị - Thiên; đồng thời, tổ chức chặn cắt không cho địch lui quân về Đà Nẵng. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn 2 cùng với Quân khu Trị - Thiên tổ chức tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của nhân dân, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn phòng ngự Thừa - Thiên - Huế, giải phóng thành phố Huế. Thắng lợi đó là minh chứng khẳng định sự nhạy bén, linh hoạt và quyết đoán của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh trong nắm thời cơ chiến dịch. Đặc biệt, sự nhạy bén còn được thể hiện rõ nét trong Chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Mặc dù thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch - Mặt trận 475 để chỉ huy Chiến dịch Đà Nẵng, Tư lệnh và Chính ủy Mặt trận thường xuyên trao đổi ý kiến qua thông tin liên lạc [do chưa kịp gặp nhau], nhưng tình hình chiến trường chuyển biến quá mau lẹ, không để lỡ thời cơ, nên Bộ Tổng Tư lệnh đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy Chiến dịch có tầm quan trọng trong cuộc tiến công chiến lược này.

Thực tiễn, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, nhận thấy thời cơ đã đến, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 20/3/1975, Quân đoàn 2 cùng quân và dân Trị - Thiên đồng loạt vượt qua các tuyến phòng thủ của địch, hình thành nhiều mũi hướng, bao vây thành phố Huế. Các cánh quân của ta từ các hướng gấp rút thắt chặt vòng vây, bịt chặt đường lui quân của địch ra cửa biển Thuận An, Tư Hiền, chia cắt Huế với Đà Nẵng. Xác định tình hình ở Huế đã chuyển từ mức “xấu” sang mức “tồi tệ”, đêm 22/3/1975, quân ngụy đã tổ chức rút phần lớn lực lượng, phương tiện về Đà Nẵng. Nắm chắc tình hình địch, Quân đoàn 2 cùng các đơn vị chủ lực của Quân khu Trị - Thiên phối hợp với quần chúng nhân dân đẩy mạnh hoạt động tiến công quân sự, nhanh chóng giải phóng Huế. Việc giải phóng thành phố Huế trong thời gian ngắn [21 - 25/3/1975] khiến quân ngụy ở Đà Nẵng rối loạn, kinh hoàng và suy sụp cả về tinh thần lẫn tổ chức.

Cùng với chỉ đạo chiến trường Trị - Thiên, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh còn chỉ đạo Quân khu 5 làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy đánh chiếm căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình địch, ta trên chiến trường, không bỏ lỡ thời cơ, ngày 24/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch tiến công Đà Nẵng với phương châm: “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng”5. Theo đó, Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với Quân khu 5 triển khai đội hình, chuẩn bị tiến công Đà Nẵng. Giữa lúc quân và dân ta đang triển khai đội hình chiến đấu, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5 “cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu ở dọc đường, tiến thẳng vào Đà Nẵng”6. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn 2 cùng quân và dân Khu 5 vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, địa hình, thời tiết, tiến công mạnh mẽ, nhanh chóng tiến thẳng vào Đà Nẵng. Nhờ nắm chắc thời cơ, bằng cuộc tiến công thần tốc, chỉ trong thời gian ngắn [26 - 29/3/1975], quân và dân ta đã làm chủ Đà Nẵng mà không phải đánh lớn, kết thúc thắng lợi vẻ vang Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, phá sản ý định co cụm chiến lược của quân ngụy tại khu vực Duyên hải miền Trung.

Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định sự nhạy bén, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch, nổi bật là nghệ thuật tạo và nắm thời cơ. Ngoài ra, còn để lại nhiều bài học quý cần nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG, Trường Sĩ quan Lục quân 1
________________

1 - Bộ Chính trị họp từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975 để quyết định việc giải phóng miền Nam.

2 - Được tiến hành từ ngày 20/3/1975 đến ngày 29/3/1975.

3 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Đà Nẵng Xuân 1975, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 34.

4 - Gồm các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2.

5 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 493.

6 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập VIII, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 372.

Video liên quan

Chủ Đề