Cần ủng hộ chiến tranh chính nghĩa và chống lại chiến tranh phi nghĩa vì sao

ND - Ngày 22-8-2007, Tổng thống Mỹ G.Bush đưa ra ý kiến cho rằng, hơn 30 năm trước đây Mỹ rút quân khỏi Việt Nam đã dẫn tới nỗi "thống khổ" cho nhân dân các nước Ðông Dương [!] Ngay sau đó, ý kiến của Tổng thống G.Bush đã bị dư luận phê phán, bởi ý kiến đó hoàn toàn sai lệch với bản chất đích thực của cuộc chiến tranh xâm lược mà chính quyền Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam trước đây.

Ngày 21-3-2003, trả lời phỏng vấn trên tờ Thời báo chủ nhật [The Sunday Time Magazine] do nhà báo Jon Swain thực hiện, cũng như trong hồi ký Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, ông R.Mc Namara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã đánh giá hành động của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc đời ông và của nước Mỹ trong thế kỷ 20. Hai năm sau, năm 2005, theo kết quả thăm dò ý kiến của các nhà sử học Mỹ do Trung tâm Mitch McConell thuộc Trường đại học Colombia tiến hành thì vai trò của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được xác định là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà các tổng thống Mỹ đã phạm phải.

Gần đây, ngày 23-4-2007, đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại Việt Nam, ông Allen Hassan - cựu lính thủy đánh bộ, bác sĩ người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và là tác giả cuốn hồi ký Không thể chuộc lỗi [bản tiếng Việt do NXB Trẻ và First News xuất bản tháng 4-2007], cũng nói: "...Nỗi đau chiến tranh Việt Nam quá lớn, hơn cả mức tưởng tượng. Tôi sẽ tiếp tục truyền đạt thông điệp này đến nhân dân Mỹ để hiểu rõ hơn nữa về sự phi lý của cuộc chiến"...

Trên đây chỉ là ba trong số vô vàn những đánh giá rất gần gũi nhau do các chính khách, nhà nghiên cứu, quân nhân, dân chúng Mỹ... đưa ra trước và sau khi đội quân viễn chinh Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Và phải nói rằng những ý kiến đó hoàn toàn trái ngược với những gì mà Tổng thống G.Bush phát biểu hôm 22-8-2007 tại Ðại hội của Hội Cựu binh từng tham chiến ở nước ngoài [VFW] tổ chức ở thành phố Kansas thuộc tiểu bang Missouri. Thực tế lịch sử, hậu quả, các bài học từ chiến tranh đã bác bỏ ý kiến của Tổng thống G.Bush rằng sự ra đi của người Mỹ trước đây đã đẩy tới nỗi "thống khổ" cho người Việt Nam.

Ba mươi hai năm trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản đã kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn xây dựng hòa bình. Song sự nghiệp tái thiết đất nước sau chiến tranh là cực kỳ gian nan, vì chúng ta bắt đầu với một nền kinh tế bị kiệt quệ; phải khắc phục di hại tàn khốc của chiến tranh không chỉ ở hàng triệu hố bom mà còn ở những vết thương hằn đã sâu trong từng con người, trong từng gia đình; phải đối mặt với chính sách cấm vận do chính quyền Mỹ tiến hành...

Trong bối cảnh đó, chỉ người Việt Nam nào có bản lĩnh, dám vượt qua khó khăn mới có thể trụ lại để cùng nhau chấn hưng đất nước và vì thế hàng chục năm trước, đã có nhiều người Việt Nam bỏ Tổ quốc ra đi vì các lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là lý do kinh tế.

Tất nhiên cũng có người ra đi vì lý do chính trị, vì họ không thể thích ứng với một chế độ chính trị - xã hội mà họ không có khả năng thích ứng, thậm chí là đối đầu. Nhưng dẫu thế nào thì việc chính quyền Mỹ rút quân đội khỏi Việt Nam cách đây hơn 30 năm vẫn không phải là lý do chủ yếu.

Huyền thoại về một cuộc "tắm máu" sau khi kết thúc chiến tranh mà người ta tuyên truyền cuối cùng vẫn chỉ là kết quả của các chiến dịch tâm lý chiến nhằm gây hoảng loạn trong dân chúng và bôi nhọ hình ảnh của người chiến thắng. Và sự thật thì những người Việt Nam gắn bó với Tổ quốc đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để cùng nhau tiến hành sự nghiệp đổi mới, đạt được nhiều thành tựu được thế giới khâm phục và ca ngợi. Hẳn là khi sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006, Tổng thống Bush đã biết điều này.

Với nước Mỹ, vấn đề lại diễn ra theo một chiều hướng khác. Quân đội Mỹ đã phải rút khỏi Việt Nam như là kết quả tất yếu của sự thất bại của chính sách xâm lược, từ gián tiếp đến trực tiếp, kéo dài suốt mấy chục năm. Ðó là thực tế có thể kiểm chứng từ sự thật lịch sử đã diễn ra trên đất nước này, ít nhất cũng từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Sau mấy năm, từ hỗ trợ tới 80% chi phí chiến tranh cho người Pháp ở Ðông Dương tới phác họa một kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Ðiện Biên Phủ,... chính quyền Mỹ đã lựa chọn giải pháp cuối cùng là trực tiếp nhúng tay vào Việt Nam.

Về vấn đề này, để bảo đảm tính khách quan, xin dẫn theo mục từ "chiến tranh Việt Nam" của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia một đoạn như sau: "Không công nhận kết quả Hiệp định Geneva và thấy trước kết quả sẽ thiên về phe Cộng sản nếu tổng tuyển cử được tiến hành, Mỹ bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam, chuẩn bị cho sự can thiệp sâu rộng hơn.

Năm 1954, đội bán quân sự của Mỹ do Edward Lansdale, người của CIA làm cố vấn cho Pháp tại Việt Nam từ 1953, chỉ huy đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến để khuyến khích dân chúng miền bắc di cư vào nam; chọn và gửi người Việt tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương để huấn luyện; huấn luyện các lực lượng vũ trang của Quốc gia Việt Nam [sau là Việt Nam Cộng hòa]; xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại Philippines; bí mật đưa một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự vào Việt Nam; phát triển các kế hoạch "bình định Việt cộng và các vùng chống đối".

Trong khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do, miền bắc vẫn chuẩn bị cho tổng tuyển cử và cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình. Hà Nội tìm kiếm hỗ trợ quốc tế, kêu gọi các đồng chủ tịch Hội nghị Geneva, nhắc nhở Pháp về trách nhiệm đối với hiệp định. Tháng 7 năm 1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Ðình Diệm trả lời, Hà Nội yêu cầu các đồng chủ tịch Hội nghị Geneva tổ chức một cuộc hội nghị mới, yêu cầu này lại được lặp lại vào tháng 8.

Các yêu cầu đàm phán với chính phủ Ngô Ðình Diệm tiếp tục được gửi vào tháng 6 và tháng 7 năm 1957, tháng 3 và tháng 12 năm 1958, tháng 7 năm 1959, và tháng 7 năm 1960, nhưng đều bị từ chối.

Trong khi tiến trình yêu cầu và từ chối đàm phán vẫn tiếp diễn, miền bắc còn cố tái lập quan hệ thương mại với miền nam, để giúp "nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân". Nhưng cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn từ chối cả việc thảo luận". Cứ như thế, từng bước, chính quyền Mỹ hỗ trợ cho chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên để biến miền nam Việt Nam thành một "quốc gia", dìm phong trào đấu tranh của nhân dân vào trong biển máu... Ðể rồi như cách mà chúng ta thường nói, người Việt Nam yêu nước chân chính đã "không còn con đường nào khác" ngoài việc phải tiếp tục cầm súng chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước.

Những cơ hội để có hòa bình và thống nhất cho Việt Nam bị bỏ lỡ hoàn toàn không phải từ tác nhân nào khác mà do chính quyền Mỹ và bộ máy công cụ của họ ở miền nam Việt Nam trước đây cố tình khước từ. Tương tự như sau khi nhân dân Việt Nam giành lại nền độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần gửi thư tới Tổng thống Truman và Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị ủng hộ Việt Nam và thiết lập mối giao thương giữa hai nước, nhưng đã không được trả lời[!]. Học thuyết Ðô-mi-nô cùng với các lợi ích kinh tế - chính trị đã chi phối mục đích của quá trình xâm lược và chính quyền Mỹ đã chà đạp lên khát vọng độc lập và lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam.

Ðầu những năm 60 của thế kỷ 20, trước tình huống thế và lực của chính quyền Sài Gòn suy yếu đến mức không có cơ cứu vãn, Mỹ đã chính thức nhảy vào cuộc. Không vừa lòng với vai trò "giật dây sau cánh gà" cùng các khoản viện trợ, họ công khai lộ diện, trực tiếp có mặt tại nam Việt Nam từ các đoàn cố vấn đến một đội quân viễn chinh.

Tuy nhiên, chính nghĩa không bao giờ thuộc về phía những kẻ đã gây ra chiến tranh phi nghĩa. Sự tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược do chính quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam chỉ làm khơi dậy, củng cố sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam; buộc nhân loại tiến bộ lên tiếng ủng hộ và giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; làm cho nước Mỹ bị chia rẽ và phong trào phản chiến ngày càng lan rộng.

Càng leo thang chiến tranh càng sa lầy, vì thế, như là hành động "đâm lao phải theo lao", chính quyền Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn, tiến hành mọi sách lược, huy động mọi khả năng tài chính và quân sự... lúc bấy giờ nhằm đạt được mục đích. Chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, các cuộc tiến công sang Lào và Campuchia; rồi huy động phần lớn lực lượng không quân để ném bom hủy diệt miền bắc, bao vây và phong tỏa các cửa biển... 200 tỷ USD [tương đương 600 tỷ USD của thời giá năm 2004] được dùng cho viện trợ và chi phí chiến tranh.

Hơn 2 triệu binh lính Mỹ thay nhau có mặt tại Việt Nam, lúc cao nhất đạt tới hơn nửa triệu người, hơn 8 triệu tấn bom đạn đã sử dụng, gần 80 triệu lít chất độc hóa học đã trút lên đầu những người dân vô tội... Nhưng tất cả đã không cứu chính quyền Mỹ tránh khỏi một thất bại và Hiệp định Paris ký kết năm 1973 là bằng chứng chứng minh nước Mỹ đã thất bại, và cuộc xâm lăng ấy đã trở thành "một chương bi thảm" trong lịch sử nước Mỹ.

Trong cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ, hai tác giả J.C.Rowe và R.Berg viết: "Trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến "căn bản là sai lầm và phi đạo đức", chứ không chỉ là "một lỗi lầm"..." và "Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Ðông Dương". Hơn 58 nghìn binh sĩ Mỹ tử trận, hơn 300 nghìn binh sĩ Mỹ bị thương [một trong nhiều con số khác nhau được công bố].

Theo dân biểu Filner - Chủ tịch Ủy ban cựu chiến binh thuộc Hạ viện Mỹ, thì khoảng một nửa số người vô gia cư tại Mỹ là cựu chiến binh Việt Nam với hơn 200 nghìn người và đã có 58 nghìn cựu chiến binh Việt Nam tự tử - một thống kê được ông Filner coi là "hết sức kinh hoàng" [Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ, 30-8-2007]...

Thế đấy, "hội chứng Việt Nam" vẫn đang ám ảnh nước Mỹ, hội chứng đó là bài học như Allen Hassan từng kể trong cuốn sách Không thể chuộc lỗi rằng: "Trong một cuộc viếng thăm quân nhân Mỹ, tôi nghe một lính thủy quân lục chiến trẻ buột miệng: "Mẹ kiếp! Chúng ta đang thua trận. Mọi thứ đều là đồ chết tiệt. Chúng ta đi hành quân và cố tìm diệt kẻ địch, nhưng không biết kẻ thù của mình ở đâu. Nếu chúng ta chạm trán ngay bây giờ, trận chiến sẽ kết thúc nhanh vì họ đang ở thế thượng phong và chủ động, họ sẽ tiến công chúng ta tả tơi". Một người lính trẻ khác nói với tôi: "Này bác sĩ! Hãy nói với công chúng là chiến tranh đang hồi bế tắc và không còn lý do biện minh nữa. Các sĩ quan chỉ huy không còn dẫn dắt chúng tôi ra trận, họ cũng không đi theo chúng tôi nữa. Họ sợ bị bắn hoặc hứng chịu mảnh bom đạn, nhưng họ cứ ra lệnh buộc chúng tôi phải ra mặt trận. Chúng tôi nhận lệnh phải đi tuần tra và sẽ chết như ruồi muỗi ấy"...".

Dù có thể có ý kiến khác nhau đánh giá về mỗi cuộc chiến tranh, nhưng người ta vẫn không lẩn tránh được vấn đề then chốt là phải xem xét mục đích và tính chất chính nghĩa hay phi nghĩa của nó. Tảng lờ mục đích của chiến tranh, dùng chiến tranh để biện hộ cho chiến tranh... là sự ngụy biện không thể chấp nhận được trong tư duy ở thời hiện đại. Khi các mối liên hệ quốc tế đã đạt tới tầm mức mà sự ràng buộc lẫn nhau đã đặt mỗi quốc gia trước yêu cầu phải tỉnh táo trước khi đưa ra một quyết định bạo lực, thì các cuộc chiến tranh trong quá khứ vẫn để lại những bài học cần thiết.

Yêu hòa bình và từng chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh xâm lược, chúng ta hiểu rõ hơn ai hết cái giá phải trả bằng máu và nước mắt để có độc lập, tự do. Trong những năm tháng này, dù không quên quá khứ hào hùng và đau thương, song để phát triển, chúng ta chủ trương "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Bởi chúng ta hiểu rằng, sự phát triển của mỗi dân tộc chỉ có ý nghĩa đích thực khi dân tộc đó có quyền tự quyết, và quá trình phát triển phải được đặt trong môi trường hòa bình ở mỗi quốc gia, trong nền hòa bình của toàn nhân loại.

Vì ý kiến vừa qua của Tổng thống Bush trái ngược với sự thật về chiến tranh Việt Nam, cho nên mới bị dư luận rộng rãi phê phán như vậy.

TRẦN QUANG HÀ

Video liên quan

Chủ Đề