Bài thơ hạt gạo làng ta tặng nhà thơ nào năm 2024

Những câu thơ của “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính chắp cánh để bài thơ, bài hát ấy suốt hơn nửa thế kỷ qua, đồng hành cùng với người yêu thơ, yêu nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính sinh ngày 7/12/1934, quê ở thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1954 tại Nam Định, đến năm 1981 chuyển vào Đồng Nai công tác, nguyên là cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Đồng Nai.

Ông sáng tác nhiều ca khúc, nhạc múa, nhạc nền cho kịch và ca cảnh, từng được trao tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam...

Về ca khúc “Hạt gạo làng ta”, nhạc sĩ Trần Viết Bính kể: "Bài hát này ra đời năm 1971 lúc đất nước ta đang có chiến tranh. Để làm ra được hạt gạo, lúc đó khó lắm, vất vả lắm, nguy hiểm lắm, vì ở ngoài đồng ruộng miền Bắc thời gian đó ngày nào cũng phải hứng chịu bom đạn của máy báy Mỹ.

Vất vả ngoài ruộng đồng và bom đạn Mỹ có thể dội xuống ruộng đồng bất cứ lúc nào, nhưng những bà mẹ, những cô, những chị thanh niên vẫn kiên gan bám trụ đồng ruộng để sản xuất, để làm hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Trần Đăng Khoa dù rất nhỏ tuổi nhưng đã có cái nhìn rất đúng về sự vất vả để làm ra hạt gạo khi đó".

Bởi vậy, lúc đọc được bài thơ của Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã bị cuốn hút ngay về cái nhìn tinh tế của nhà thơ tuổi thiếu nhi này.

Ngay sau khi đọc xong bài thơ, ông đạp xe về một xã công tác và trên quãng đường mấy chục cây số ấy âm nhạc của bài thơ đã ra đời. Sự ra đời của nó thật dễ dàng, thật giản dị, có lẽ sự suy nghĩ thường ngày về hạt gạo đã làm cho ông sáng tác dễ dàng thế.

Điều tuyệt vời là, không thêm bớt một từ nào, bài hát vẫn giữ nguyên vẹn được nội dung của bài thơ, chỉ là đem phần nhạc làm cho những câu thơ ấy lấp lánh hơn, thăng hoa hơn. Hơn thế nữa, cả thơ và bài hát đều rất dễ nhớ, dễ thuộc nên thơ và nhạc đã hòa quyện vào nhau.

Chính bởi vậy, ngay sau khi ra đời, bài hát đã được phổ biến trên các làn sóng phát thanh, được nhiều thế hệ khán giả nghe và nhớ ngay.

Khi nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc bài thơ, thần đồng Trần Đăng Khoa mới hơn 10 tuổi. Sau khi bài hát ra đời, ông có ý tìm “chú bé Khoa” làm thơ hay, nhưng lúc đó Khoa còn ở một làng xa xôi nào đó ở tỉnh Hải Dương.

Thời kì đó từ Nam Định đi Hải Dương xa gần trăm cây số, máy bay, bom đạn quần nát trên các cung đường, các cầu phà, phương tiện đi lại của ông lúc đó chỉ có một xe đạp gọi là xe đạp thiếu nhi con vịt (loại xe đạp nhỏ của Liên Xô).

Yêu mến và muốn gặp Trần Đăng Khoa lắm song chẳng làm thế nào đi tìm được. Sau này khi cậu bé ấy đã là một người lớn đi bộ đội, thì ông lại đi Văn công, cũng chẳng có dịp nào tìm gặp được nhau. Mãi đến năm 1989, 1990, lúc này ông đã chuyển vào Nam công tác, có dịp được đi tập huấn nghiệp vụ ở Liên Xô.

Lúc ở Matxcơva, Trần Viết Bính nghe anh em kể Trần Đăng Khoa đang học ở trường viết văn Goocky. Mừng quá, trong một buổi chiều đầy băng tuyết của nước Nga, ông hỏi thăm mãi mới tìm được đến trường Khoa đang học, nhưng cậu Khoa lại… đi vắng.

"Đấy, hai chúng tôi cứ luẩn quẩn đi tìm nhau” - nhạc sĩ Trần Viết Bính hóm hỉnh. Rồi ông kể: “Đúng 30 năm sau khi bài hát ra đời (1971 - 2000) tôi và Trần Đăng Khoa mới gặp nhau lần đầu ở Hà Nội. Lúc này Trần Đăng Khoa đã có vợ. Hai vợ chồng đón tôi về nhà ăn cơm rất vui”.

Tháng 7/2010, nhạc sĩ Trần Viết Bính được mời ra Hà Nội để cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa lên sân khấu nhận phần thưởng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao cho bài hát “Hạt gạo làng ta” - một trong những tác phẩm hay nhất viết về nông thôn, nông dân kể từ năm 1946 đến nay.

Đôi mắt người nhạc sĩ già lấp lánh niềm vui khi kể về một "đoạn kết có hậu" về cuộc tìm kiếm, tri ngộ của mình và nhà thơ Trần Đăng Khoa và không quên bày tỏ nỗi sung sướng khi bài hát vẫn được nhiều thế hệ thiếu nhi cũng như người lớn thuộc lòng và yêu thích, được công nhận là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ XX.

VOV.VN -"Bây giờ tâm hồn nó trẻ con rất trong, nó nghĩ sao thì cứ để nó nói thế, đừng uốn nắn làm hỏng nó..."

** Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi là một fan hâm mộ của ông qua những bài viết trên “Tuổi trẻ đời sống” và bây giờ là “Người giữ lửa”. Tôi cũng thuộc tuýp người “cổ” như ông rồi, thích nghiền ngẫm, thích về quê, nghe đọc thơ và nhớ lại thuở ấu thơ thời bom đạn.

Trước đây, tôi cũng từng đi quân ngũ, vào Nam ra Bắc. Tôi rất ngưỡng mộ bài thơ "Hạt gạo làng ta" do ông sáng tác năm 1969, được thi sĩ Xuân Diệu ca ngợi và nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc (1971). Tôi nói các mốc thời gian như vậy có đúng không? Tuy nhiên, tôi tò mò muốn biết: Có phải lúc lên 8 tuổi, ông đã có bài thơ được đăng báo? Bài thơ đầu tiên của ông là gì, được sáng tác trong hoàn cảnh nào, nhà thơ có thể bật mí được không? Xin cám ơn.

(Trần Viết Thành, 67 tuổi, Hội cựu chiến binh phường Quan Hoa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội)

Trần Đăng Khoa: Cám ơn bác vẫn còn nhớ đến cậu Khoa. Tôi thì quên cậu ấy lâu rồi. Thế mà bác vẫn nhớ, lại nhớ rõ từng chi tiết chính xác. Bài thơ đầu tiên của cậu Khoa là Con bướm vàng. Cậu Khoa viết bài này thì tôi biết.

Lúc ấy cu cậu còn bé lắm. Người xấu xí, đen trũi và gầy quắt như một con nhái bén. Buổi trưa, cậu đang ngồi nấu cơm thì có con bướm vàng chao qua cửa bếp. Con bướm đẹp quá. Giá không phải nấu cơm thì cu cậu đã đuổi theo rồi. Thoạt đầu, cậu viết: “Con bướm vàng. Con bướm vàng. Bay nhẹ nhàng. Trên bờ rào” ... Chữ cuối của cả bốn câu này đều dấu huyền, vần bằng cả. Thế thì con bướm đang sà xuống rồi. Không phải bướm bay. Phải cho nó vỗ cánh bay lên thôi. Thế là cu cậu chỉnh lại: “Con bướm vàng. Con bướm vàng. Bay nhẹ nhàng. Trên bờ cỏ. Em thích quá. Em đuổi theo. Nó vỗ cánh. Vút lên cao”...

Bài thơ đơn giản, thấy gì kể đấy. Nó đúng là con bướm thật, nhưng cũng không phải chỉ có thế. Nó là cái gì đó, cũng giống như tuổi thơ của chúng ta, đến rồi đi, có cố gắng đuối theo cũng chẳng được. Vậy mà rồi mải đuổi con bướm thơ, cậu Khoa để nồi cơm trương phình. Thế là cu cậu bị mẹ mắng cho một trận: "Mày làm cái gì mà cái mặt cứ nghệt ra thế kia? Trông cứ nghênh nghênh như trâu ỉa. Rõ đẹp chửa!" .

Bài thơ chỉ thế thôi. Cũng chẳng có gì đặc biệt. Tôi đến thăm nhà cô bạn học cũ. Bà mẹ giới thiệu rất hãnh diện với cậu con trai: "Đây là bác Khoa - nhà thơ nổi tiếng- bạn học ngày xưa của mẹ đấy”. Không ngờ, cậu bé (đúng bằng tuổi tôi khi làm bài thơ này) “bộp” luôn một câu: “Ai chứ bác Khoa thì con biết rồi. Bác ấy chuyên làm thơ con cóc”.

Bà mẹ hoảng quá, vì không chuẩn bị cho cái tình huống bất ngờ như thế này, hơn nữa, bạn của mẹ, lại là khách quý, vừa chân ướt chân ráo đến nhà mà con thì bổ luôn vào mặt bác một nhát búa của ông... Thần Sét. Cô bạn tôi rất bối rối, còn tôi thì vô cùng sung sướng. Tôi bảo “Không phải mẹ cháu là bạn bác mà chính cháu mới đúng là bạn bác đấy. Cháu hãy nói cho bác nghe xem bác đã làm thơ con cóc như thế nào ?”. Cậu bé hỏi: "Thế bác có biết bài thơ Con cóc không?". "Bác biết, “Con cóc trong hang. Con cóc nhảy ra. Con cóc ngồi đấy. Con cóc nhảy đi".

Thơ con cóc là thơ nói điều hiển nhiên, ai cũng thấy, chẳng có gì phát hiện. "Bác có bài thơ y hệt bài Con cóc: “Con bướm vàng. Con bướm vàng. Bay nhẹ nhàng. Trên bờ cỏ. Em thích quá. Em đuổi theo. Con bướm vàng. Nó vỗ cánh. Vút lên cao. Em nhìn theo. Con bướm vàng. Con bướm vàng”... Bài thơ của bác cũng lần lượt từ việc con bướm đến, con bướm đi... y như... con cóc vậy thôi”.

Tôi chợt nghĩ hình như là thế thật và có cái gì đó, cậu bé đã nói đúng. Tôi rất phục cậu. Tôi nói với cô bạn Nguyễn Thị Hoà, là mẹ cậu rằng: “Chúng ta đừng bắt trẻ con nói dối quá sớm. Bây giờ tâm hồn nó rất trong, nó nghĩ sao thì cứ để nó nói thế, đừng uốn nắn làm hỏng nó”. Tôi tặng cậu bé tất cả số sách mà Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn tặng tôi hằng năm.Tôi không chỉ yêu mến mà còn kính trọng cậu.

Ở tuổi cậu, ngày xưa, tôi đâu đã dám có ý kiến khác người. Tôi mới chỉ làm được những câu thơ thật thà, vụng dại. Còn cậu bé đã có những phát hiện, những cách nghĩ riêng khá táo bạo. Tất nhiên, cậu bé không biết, khi con cóc đã có đôi cánh của con bướm thì con cóc cũng không còn là con cóc nữa rồi.../.