Vì sao vũ hoàng chương bị bắt

Nhà văn Triệu Xuân: Vốn là người luôn tôn vinh những tài năng văn chương tha thiết với dân tộc, với đất nước quê hương, tôi post những bài viết về nhà thơ lớn Vũ Hoàng Chương, dù tác giả bất đồng chính kiến.

Từ đây nhỉ, suối hào quang

Nối mãi dòng thơ họ Vũ Hoàng!

Vũ Hoàng Chương [5 tháng 5 1916 – 6 tháng 9 1976] là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Thơ ông sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán tại gia đình, học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 vào học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm. Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập Ban kịch Hà Nội cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà Hát Lớn và gặp gỡ Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng, thành hôn năm 1944.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, về Nam Định, diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, đi tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến, ruồng bắt cả nhà, hồi cư về Hà Nội, dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục dạy học và sáng tác. Năm 1959 được giải thưởng toàn quốc của chính quyền Việt Nam cộng hòa về tập thơ Hoa đăng. Trong năm này tham dự Hội nghị thi ca quốc tế tại Bỉ. Năm 1964 tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok. Năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, lại tham dự Hội nghị Văn bút quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire.

1969-1973 là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam thuộc Việt Nam Cộng hòa. Năm 1972 đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc của Việt Nam Cộng hòa. Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam[1].

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị chính quyền mới bắt tạm giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

Tác phẩm tiêu biểu

Các tập thơ:

Thơ say [1940]

Mây [1943]

Thơ lửa [cùng Đoàn Văn Cừ, 1948]

Rừng phong [1954]

Hoa đăng [1959]

Tâm sự kẻ sang Tần [1961]

Lửa từ bi [1963]

Ta đợi em từ 30 năm [1970]

Đời vắng em rồi say với ai [1971]

Chúng ta mất hết chỉ còn nhau [1973]...

Kịch thơ:

Trương Chi [1944]

Vân muội [1944]

Hồng diệp [1944]

"...Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào-xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập-cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng... [Hoài Thanh - Hoài Chân, "Thi nhân Việt Nam"]

THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG SUỐT ĐỜI SAY CHƯA TỈNH!

Từ Quyên ĐẶNG VĂN NHÂM

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương qua đời thấm thoát thế mà đã hơn 33 năm rồi. Thời gian ngót một nửa thế kỷ vụt qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ.

Trong thời gian ly hương dài dằng dặc này, trải qua hơn một thế hệ, tôi nhận thấy công tác văn học, báo chí hải ngoại của các nhà văn, nhà báo tị nạn chỉ nở rộ về mặt LƯỢNG, nhờ kỹ thuật ấn loát tối tân và truyền thống tự do thông tin và xuất bản của Âu Mỹ. Nhưng về mặt PHẨM, tức nội dung và tư tưởng, đã tỏ ra sa sút đến mức thảm hại. Ấy là chưa kể một đám đông “BÚT GIAN “vô liêm sỉ ở hải ngoại, no cơm rửng mỡ, sanh chứng háo danh, đã kéo nhau túa vào tràn ngập tổ chức VBVNHN, tranh giành chức vụ khiến cho tổ chức văn hoá thanh cao này bị mang nhục trên bình diện quốc tế.

Ngày nay, ở hải ngoại, tôi nhận thấy, vẫn có một số người thừa tiền của đem in ra những thi, văn phẩm của chính mình để trình làng, hầu được mang nhãn hiệu: nhà thơ, nhà văn v.v...Tôi không có thì giờ đọc các tập thi, văn ấy, nên không dám mạo muội phê bình. Nhưng hơn thế nữa, tôi lại được thấy có người chịu khó làm công việc sưu tập một số tác phẩm và các tác giả mới này [chắc là phải quen biết thân lắm!], nhắm mục đích rõ rệt là mặc áo thụng, nửa ngô nửa ngọng tâng bốc lẫn nhau, để cuối cùng tự coi đó là một giòng văn học hải ngoại!

Để giúp bạn đọc phân biệt được vàng thau lẫn lộn trong số các tác phẩm xuất bản bừa bãi ở hải ngoại, hôm nay, nhân dịp ngày giỗ muộn lần thứ 33 của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tôi viết bài này.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời cầm bút, tôi đã làm một việc phá lệ, viết về một thi nhân nổi tiếng cùng thời, nhưng không thân thiết lắm, mặc dù tôi với Hoàng huynh vốn quen biết nhau trên cả 2 lãnh vực dạy học và hoạt động văn hoá từ 1954. Thuở còn ở quê nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Hoàng huynh nơi trường ốc hay những ngày hội họp VĂN BÚT VN [PEN]. Nhưng ở trường ốc, nơi hành nghề “gõ đầu trẻ “, tôi đã thân với các anh Bùi Xuân Uyên, Bàng Bá Lân, Tam Ích, Nguyên Sa, Hư Chu [dạy Sử Địa], và Lê Thương [dạy Pháp Văn]...nhiều hơn. Ấy cái nghề dạy học tư nó như thế đó. Lắm khi anh em đồng nghiệp dạy chung một trường mà cả niên học không bao giờ gặp mặt nhau, hoặc thỉnh thoảng chỉ kịp trao đổi với nhau vài câu thăm hỏi vội vàng lúc “ chạy giờ “, hay những giây phút xả hơi khi đổi giờ! Về mặt viết lách, tuy cùng là hội viên VĂN BÚT, nhưng tôi với Hoàng huynh cũng không gần gũi lắm. Tôi tham gia hội từ khi mới thành lập, năm 1957. Mỗi lần hội họp đông đảo tôi thường ngồi bên cụ Nguyễn Thiệu Lâu hay cụ Vương Hồng Sển. Vì cụ NT Lâu vừa là thầy cũ dạy Sử Địa ở Văn Khoa [chương trình Pháp], vừa là đồng nghiệp, dạy chung trường trung học Tân Thịnh, các niên khóa giữa thập niên 50. Tôi với cụ lại dạy chung giờ, và hai phòng sát nhau, nên cụ thường ngoắc tôi theo cụ xuống tiệm tàu đầu đường đong vội một cóng “bạch thủy “. Còn ông Vương Hồng Sển vốn làm việc trong “nhà xưa “ở Sở Thú, nơi đây có thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ, [tôi là hội viên Hội Khảo Cổ Đông Dương từ năm 1953 đến 1975], thường cùng nhà văn Sơn Nam vào đây đọc sách và nghiên cứu...

Đã không thân với Hoàng huynh thì tôi không thể nào phác họa linh động và trung thực được chân dung của thi nhân. Nếu tôi mạo muội, làm công việc khiên cưỡng ấy, tất sẽ không tránh khỏi sơ thất đáng trách. Nhưng ngược lại, tôi vốn là người yêu thơ của Hoàng huynh, thuộc nhiều thơ của Hoàng huynh cũng như tôi đã từng thuộc truyện Kiều của Tiên Điền tiên sinh, mỗi lần đi dạy học, tôi không cần cầm sách theo vẫn có thể đọc và giảng bài cho học trò được. Như vậy, tại sao tôi không viết về thơ và những cái say, yên sĩ phi lý thuần, đã giúp thi nhân phun châu nhả ngọc, và đã để lại cho đời rất nhiều thi phẩm tuyệt tác, giá trị bất hủ, vượt thời gian cả không gian!

Vượt thời gian thì ai là người VN cũng đã thấy rồi. Còn vượt không gian ? Tôi có quá yêu thi nhân mà hóa ra nồng nàn hoa ngữ hay không ? Thưa không! Tôi xin tạm dẫn chứng. Từ thập niên 60, nhiều thi phẩm của Vũ Hoàng Chương đã được chuyển dịch sang ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức...như: thi tập “Cảm Thông “[nhan đề Anh ngữ là: Communion, do Nguyễn Khang phiên dịch], thi tập “Tâm tình Người Đẹp “[nhan đề Pháp ngữ: Les 28 Étoiles], gồm 42 bài thơ Nhị Thập Bát Tú, bản dịch của nữ thi sĩ Bỉ Quốc Simone Kuhnen de La Coeuillerie, tập “Thi Tuyển “[nhan đề Pháp ngữ là: Poèmes Choisis], bản dịch của nữ sĩ Simone Kuhnene de La Coeuillerie, thi tập “Ánh Trăng đạo “, do Nha Tuyên Úy Phật Giáo xuất bản tập “Die Achtund- Zwanzig Sterne “, thơ dịch Đức Ngữ, do nhà Hoffmann Und Campe, tỉnh Hamburg. Dịch giả là thi sĩ Áo quốc Kosmas Liegler...

Huống chi, ở Sài Gòn, hiện nay nữ sĩ Thục Oanh, hiền nội của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương vẫn còn giữ được một ít tư liệu về cố thi sĩ. Được biết nữ sĩ Thục Oanh vốn là bào tỷ của thi sĩ Đinh Hùng, tên thật là Đinh Hoài Điệp bút hiệu Thứ Lang. Đinh Thục Oanh cũng chính là khuê danh của nữ sĩ.

Nữ sĩ Thục Oanh cho biết, sau ngày 30. 4 năm 1975, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã bị quân CSBV bắt giam về tội làm... thơ! Những ai đã từng quen biết Vũ thi sĩ đều biết sức khoẻ của ông vốn rất mong manh, dáng người gầy yếu, đi đứng chơi vơi tưởng chừng như gió có thể thổi bay. Bởi thế chỉ trong vòng 6 tháng giam cầm, đày đọa, Vũ thi sĩ đã lâm bịnh nặng. Trước sự thể ấy, CS liền phóng thích Vũ thi sĩ, để một là nhà nước khỏi tốn tiền thuốc men, khỏi tốn công mai táng, mà lại còn tránh được tiếng ác là: giam cầm đến chết một thi nhân yếu đuối!

Nhưng Hoàng huynh chỉ về nhà đoàn tụ với vợ con [một dưỡng tử] được vỏn vẹn 6 ngày thì mất, đúng ngày 0 6. 09. 1976, tức ngày 14, tháng Tám Â. L. Tính ra đến tháng Chín 1998 này đã tròn 22 năm!

THƠ SAY, CÁI SAY CỦA NHÀ THƠ.

Nhìn vào tiểu sử của họ Vũ, ta thấy tác phẩm đầu tay của thi sĩ là tập “THƠ SAY “[xuất bản năm 1940]. Đành rằng sau đó không lâu, thi nhân còn cho ra đời nhiều “đứa con có vần “khác nữa, như: MÂY, VÂN MUỘI, TRƯƠNG CHI, HỒNG ĐIỆP, LÊN ĐƯỜNG, THƠ LỬA, CÔ GÁI MA, RỪNG PHONG, HOA ĐĂNG, TRỜI MỘT PHƯƠNG v.v... nhưng dường như chỉ có THƠ SAY, hay nói một cách khác chỉ có chữ “SAY “ độc nhất đã hiển lộ rõ nét con người và tài năng thiên phú của tác giả.

Nếu ngày xưa đã có Đỗ Phủ càng say làm thơ càng tuyệt tác, và đã qua đời sau một cơn say, khiến cho thi thần Cao Bá Quát, trong bài “Tài tử đa cùng phú “đã phải thốt nên những câu:

“Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại,

Chén tiếu đàm mời mọc trích tiên.

Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào,

Cơn xướng họa hẹn hò Lão Đỗ “.

[Ghi chú thêm của ĐVN: Đời nhà Đường, có hai thi nhân cùng họ Đỗ. để phân biệt, người đương thời gọi Đỗ Phủ là Lão Đỗ và Đỗ Mục là tiểu Đỗ. Vì Đỗ Phủ lớn tuổi hơn].

Nhưng ngày nay, nếu có ai đã biết thi sĩ họ Vũ- anh em thân thuộc thường gọi là Hoàng -, thì thấy cái “SAY “của hai họ Đỗ và Vũ khác nhau xa. Xa lắm chẳng khác nào như đất Tương Dương, bên tàu và Nam Định, miền Bắc VN!

Ngày xưa, vào khoảng năm những năm 758 trở đi, thi hào Đỗ Phủ chỉ say men rượu mà làm thơ. Nhưhg, kể từ những năm 1940 trở đi, ở VN, thi sĩ họ Vũ chẵng những SAY rượu Mai Quế Lộ, hay rượu Con Hươu [bạch thủy] mà gieo vần xướng họa.

“Tay tiên rót chén rượu đào,

Đổ đi thì tiếc uống vào thời say...”

Thi sĩ còn nhả tơ cả trong những giây phút SAY sưa, đi mây về khói, bên Phù Dung Tiên Tử, với bạn hiền.

“Nhựa say tâm sự đêm huyền hoặc nâu.

Ngắm hoa đèn, hiểu ý nhau:

Quên ngày quên tháng, quên sầu nhân sinh...”

Tôi thấy Hoàng huynh đã tỏ ra là con người rất dễ say. Ông SAY cả khi vừa thoáng nghe và chợt thấy:

“Sống lụa thâm phần phật đổ bên thềm,

Trên vách phấn, quan họ gái đã vẽ thêm dăm sáu bóng...”

Cho đến lúc các quan viên vừa an tọa và đào nương gieo tiếng phách, “Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy...” , thì thi sĩ họ Vũ đã ngâm bài trường ca:

“Quải  ấn phong kim hề xa Bắc Ninh:

Đại ga sáu tháng hề bao nhiêu tình!

Khói hề thơm...Rượu hề ngọt...

Xóm Niềm ran tiếng trống hề gái Niềm tươi xinh!...”

Mấy câu trên trong bài trường ca của Hoàng huynh, nhưng dường như ông chỉ còn nhớ lõm bõm có vài câu này, thỉnh thoảng ngâm lên nhè nhẹ, để nhớ đến xóm Niềm, nơi có những nhà hát Ả Đào nổi tiếng tỉnh Bắc Ninh, mà ông đã gửi lại đó nhiều kỷ niệm khó quên với các bằng hữu văn thi sĩ trong số có cả tác giả “Vàng và Máu “họ Nguyễn. Khi cuộc vui thanh nhã, gồm đủ cả các khoản trợ hứng: giai nhân thanh lịch “Má hồng không thuốc mà say “, tiếng đàn hát véo von, thuốc ngon, rượu nồng, thi sĩ họ Vũ không bao giờ chẳng lưu lại một vài bài thơ tuyệt tác. Lần này để ghi kỷ niệm xóm Niềm tác giả đã xuất khẩu thành thi bài Hán Tự như sau:

“Ngẫu ư: Kinh Bắc phiếm du; Niềm thôn dạ bạc.

Bồ đào mỹ tửu, thắng hữu như vân,

Điểm cổ văn ca, thuần yên diễm sắc.

Hoa gian ty trúc, nguyệt hạ y thường.

Vũ hóa đăng tiên; Xích Bích Tầm Dương chi túy mộng; tình căn vị liễu, thanh sam hồng phấn chi lưu duyên “.

Dịch nôm:

Chợt nay: Kinh Bắc chơi rông, xóm Niềm đêm ghé.

Bồ đào rượu ngọt, bạn tốt như mây.

Điểm trống nghe ca, khói thơm người đẹp.

Trong hoa xênh phách, dưới nguyệt xiêm hài.

Chắp cánh lên tiên. Xích Bích, Tầm Dương say mộng cũ; nợ tình chưa dứt, áo xanh má phấn còn duyên ghi “ Ngoài ra, Hoàng huynh còn SAY cả những khi gặp bạn tri kỷ trong giới văn chương, như tác giả “Vàng và Máu “, tác giả “Lỡ Bước Sang Ngang “, như Tô hoài, Chu Ngọc...Khi tác giả “lỡ bước sang ngang “, Nguyễn Bính phải rời cố đô vào Sài Gòn làm việc, bộ ba Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng và Nguyễn Bính đã thức thâu đêm, để cùng nhau thả hồn theo mây khói trước giờ “Kinh Kha vào Tần “[chữ của VH Chương]. Dịp này thi sĩ họ Vũ đã sáng tác bài “Tận Túy “độc đáo để tặng Nguyễn Bính trước khi chia tay. Bài này đã đăng trong thi tập “Rừng Phong “ [Sài Gòn, 54].

Trong thời gian vào Nam, thi sĩ Nguyễn Bính đã làm việc dưới Rạch Giá [Kiên Giang]. Đến khoảng năm 1952, nếu tôi nhớ không lầm, ông đã lên Sài Gòn, thỉnh thoảng có tạt đến nhà trọ của Lý Văn Sâm chơi, ở xóm trước nhà thương Thuốc Chó. Nơi đây còn có Ngọc Giao, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Nguyễn Văn Lộc [lúc này anh Lộc còn đang đi học, về sau đã có thời làm thủ tướng thời Thiệu –Kỳ] trước khi ông về Bắc với Ngọc Giao và Lý Văn Sâm. Những dịp ấy tôi đều có mặt.

Dưới đây là nguyên văn “Bài CaTận Túy “của Vũ Hoàng Chương gửi Nguyễn Bính. Bài này Nguyễn Bính thích lắm, đặc biệt nhất là câu: “Con chim

Bằng vỗ cánh hề dời sang Nam Minh “.

- “Mặt khói chơi vơi hề ngọn đèn chênh vênh

Kìa núi tà dương đảo dậy

Lam mờ bể nguyệt lung linh.

Đã mở cánh huyền vi hề sau rèm hiển hiện

Còn nguyên khối hỗn mang hề vũ trụ sơ sinh.

Hồn mê loạn áo trần ai vụt biến

Lộ Đài thiêng trong một phút hoa Quỳnh...

*

Chiếc bướm phân thân hề ba nghìn thế giới

Đầu cuối thời gian hề chợp mắt Trang Sinh.

Bắc Hải muôn trùng thăm thẳm

Sóng cao dâng vạn trượng hề quẫy đuôi Kình

Đám mây, đám mây hề chín dặm

Con chim bằng vỗ cánh hề dời sang Nam Minh.

Ta thấy trước đời ta rồi đêm nào tận túy

Thanh sắc chiêm bao về một hội phù sinh.

Bào ảnh vọng lên từng dị điệu

Khuê Ngưu tỏa xuống khúc ân tình.

Hán Nguyễn hưng suy hề màu trôi hoạt họa.

Gió ngủ trăng bay hề nét đứng u minh!...

*

Thúy kiều ơi! đêm giác ngộ tương lai vào mộng huyễn

Nẻo hồi dương vang ngợp tiếng thần linh!

*

Đèn hôm nay ngọc đỏ

Khói nơi này tơ xanh.

Ta ơi hề ta ơi!

Kìa thoáng chân thân vừa hiện đó

Nụ cười SAY hoan lạc đến vô tình!

Như vậy, ta thấy mỗi lần trong cơn SAY, thi sĩ họ Vũ lại xuất khẩu thành thi. Hoàng huynh làm thơ, đọc lên lời thơ lưu loát, niêm luật gắn bó nhịp nhàng tưởng chừng như đã xếp sẵn, ý thơ dồi dào, tình thơ lai láng, tưởng chừng nếu không như Đỗ Phủ cũng phải tày Tử Kiến, thất bộ thành thi! [Tử Kiến tên thật là Tào Thực, đời Ngụy Văn Đế, con thứ hai của Tào Tháo, có biệt tài bước bảy bước làm được một bài thơ. Nhờ tài đó mà thoát chết].

Mặt khác, tôi có thể so sánh các chất liệu đã khiến thi sĩ họ Vũ say như: bạch thủy Con Hươu[hay Mai Quế Lộ là những loại rượu thi sĩ ưa chuộng, mỗi khi “dĩ văn hội hữu “ ], chất nhựa Phù Dung, những áng đào kiểm, hay những âm thanh sênh, phách rộn ràng chẳng khác chi chất lá dâu ngon đã giúp kiếp tằm nhả ra những sợi tơ óng mượt cho đời. Cũng trong cái SAY của Hoàng huynh, tôi còn có thể hình dung như một thứ PHƯƠNG TIỆN để đạt đến CỨU CÁNH, như một ngón tay chỏ mặt trăng, như một con thuyền đưa người trần tục đến bờ “đáo bỉ ngạn “ [Paramita]!

“Say gắng say lên hề lên tận độ

Gắng say hề cho tỉnh nhé ta ơi

Điên đảo thời gian hề linh đài vụt sáng

Lẫn lộn không gian hề trần tâm sẽ vơi...”

Dĩ nhiên, Hoàng huynh còn tập thơ MÂY, và nhiều thi phẩm khác cũng rất nổi tiếng tuyệt tác.

THƠ MÂY, ĐÁNH DẤU MỘT MỐI TÌNH!

Nếu tập thơ “SAY “đã bộc lộ phần nào tâm tư của tác giả trong những giây phút say sưa sảng khoái của cuộc đời, thì ngược lại, tập thơ “MÂY “đã đánh dấu một mối tình đầu tiên đẹp như trăng, như thơ giữa thi nhân, công tử Hà Thành với nàng Mây, một thôn nữ, ngây thơ trong trắng, có giọng hát tuyệt vời của Làng Dương Ổ.

- “Phách ngọt đàn say nệm khói êm,

Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm,

Canh khuya đưa khách lời gieo ngọc,

Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm,

Ai lạ nghìn thu xa tám cõi,

Sen vàng như động phiá châu liêm,

Nao nao khói biếc hài thương nữ,

Trở gối hoa lê rụng trắng thềm “

[Nghe hát]

Chuyện tình của Hoàng huynh đã diễn ra từ những năm đầu thập niên 40, còn gọi là thời kỳ Tiền Chiến, tức chưa xảy ra cuộc tổng khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lăng vào Muà Thu năm 1945. Lần đầu tiên, vào một buổi chiều tháng 4, năm 1942, Vũ thi sĩ đã theo chân nhà thơ Lê Quân, tức Lê Trọng Qũy, tác giả thi tập “Thực và Mộng “đến làng Dương Ổ nghe hát Ả Đào. Nơi đây, Lê quân đã lập “phòng nhì “với người đẹp Dương Quí Phi [do chính Lê Quân tự phong], một trang thanh sắc vẹn toàn. Nhân dịp này, Vũ thi sĩ cũng đã bất ngờ được chiêm ngưỡng cảnh “kim ốc tàng kiều “. Nàng Kiều ấy tên là MÂY.

Lần thứ hai, vào tiết tháng Bảy, lúc chập tối, khi vừa hết say rượu, Vũ thi sĩ chợt nhìn thấy nhan sắc của nàng và nghe tiếng hát trong như tiếng hạc bay qua của nàng, thi nhân lại bị sa ngay vào cuộc say vì tình “Má hồng không thuốc mà say “ !. Lúc ấy, Vũ thi sĩ đã ứng khẩu ngâm ngay một bài thơ Tứ Tuyệt, ngụ ý riêng tặng giai nhân, nguyên văn như sau:

“Ánh rượu đào trên má đỏ hây,

Tiếng ca tròn với khuôn trăng đầy,

Ngọn cau, trăng cũng tròn theo tiếng,

Tròn não nùng như tuổi của Mây “.

Vâng, tên nàng chính là MÂY!

Đến cuối năm 1942, anh em trong văn giới, nhiều người đã tỏ ra nóng lòng đợi tập thơ MÂY ra đời. Trong số, có cả Xuân Diệu và Cù Huy Cận. Đợi mãi đến mùa Thu năm sau, 1943, tập thơ Mây mới được nhà xuất bản Đời Nay cho ra đời, sau khi đã được hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bià và Đinh Hùng vẽ phụ bản. Chẳng hiểu Vân với Mây đã có duyên nợ với nhau như thế nào kể từ khi có mối giao duyên văn tự Hán –Việt, nên cái bià tập thơ Mây từ ngày đầu tiên đã tạo nên nhiều dư luận bình phẩm. Nhìn bià thi tập MÂY, ta thấy nhà danh hoạ Tô Ngọc Vân đã góp hết Mây lại trong một cái bầu rượu nhỏ, như cái bình của Lý Thiết Quài, một trong bát tiên. Cái bình rượu của Lý Thiết Quài lại mập tròn, nằm chếch về một bên, tưởng đâu chính nó cũng đang say, sắp té ngửa, té lăn ra ngòai cái bià! Trong khi đó con Phượng, biểu hiệu của nhà xuất bản Đời Nay lại nhỏ bé và còm cõi xác xơ khác thường, khác với những con Phượng khác của nhà Đời Nay. Tóm lại, nhìn cái bià tập thơ MÂY chẳng ai biết nhà xuất bản nào đã in ra nó. Ngược lại, mọi người đều bị cái bình rượu mập thù lù của Lý Thiết Quài đập ngay vào mắt. Nên có người đã đùa dai cho rằng tập thơ MÂY do nhà xuất bản “HỒ LÔ “ấn hành!

Dường như mấy người ấy ngụ ý giễu cợt Vũ thi sĩ cùng phường với nhóm “Xuân Thu Nhã Tập “, gồm một số trí thức lãng mạn đang chủ trương lối thơ “hũ nút “thời bấy giờ.

Như trên tôi đã nói tập thơ MÂY đã đánh dấu một mối tình đầu tiên, bất thành, giữa thi nhân và nàng thôn nữ thanh sắc vẹn toàn làng Dương Ổ. Lúc đó Hoàng huynh còn trẻ lắm, chưa có gia đình, khi về làng Dương Ổ, nghe hát Quan Họ, Ả Đào với các bạn văn nghệ sĩ, gồm Lê Quân, Nguyễn Bính, Tô Hoài, Đỗ Đức Thu, v.v...đã gặp nàng Mây, cũng còn trẻ lắm. Hai người đã quyến luyến nhau, rồi yêu nhau say đắm. Vũ thi sĩ đã có ý định cưới nàng Mây về làm vợ.

Nhưng tục lệ ở đây kỳ lắm. Nàng Mây tuy còn quá trẻ, nhưng trên danh nghĩa nàng đã “có chồng “, theo tục tảo hôn, do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Dĩ nhiên chồng nàng cũng chỉ là một cậu bé “thò lò mũi xanh “, con một gia đình nhà nông trong làng. Hai người này trên danh nghĩa đã là vợ chồng, nhưng trên thực tế, họ chưa hề chung đụng gối chăn.

Vũ thi sĩ thực tâm muốn cưới nàng Mây về làm vợ, rồi đem nàng về Nam Định ở với cha mẹ. Nhưng vì phong tục khắt khe của làng Dương Ổ, nàng Mây đã không dám thoát ly gia đình, và cả không dám bước chân ra khỏi luỹ tre làng, nên đành phải nghe lời cha mẹ về với nhà chồng, để lại cho Vũ thi sĩ một vết thương lòng khá sâu đậm!

Trong tập thơ MÂY, còn gọi là thơ SAY, ta đã nghe tiếng lòng của thi nhân thổn thức lúc phân ly, qua bài “CHÉN RƯỢU ĐÔI ĐƯỜNG “ :

-...” Nhưng đêm nay dịu quá,

Không trăng có hề chi,

Say sưa tràn miệng cốc,

Cùng nâng hãy uống đi,

Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ,

Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau.

Tối nay còn họp mặt,

Ngày mai đã cách xa,

Vàng xanh thay sắc cỏ,

Tươi úa đổi màu hoa,

Đường trần muôn vạn ngã ba,

Nhớ nhung muốn gặp biết là có nên ?!

Giờ đây chia đôi ngả,

Sông nước càng tiêu sơ,

Hồn men cay như quế,

Hồn men đắng như mơ,

Đắng cay này chén tiễn đưa,

Uống đi uống để say sưa ngập lòng.

Cạn đi và lại cạn,

Say rồi gắng thêm say,

Bao nhiêu mơ mà đắng,

Bao nhiêu quế mà cay,

Đắng cay trút xuống bàn tay,

Nắm tay lần chót thuyền quay mũi rồi “ !...

TRONG CƠN SAY CHỢT TỈNH!

Sau ngày 30. 4. 1975, khi quân CS Bắc Việt đã chiếm trọn miền Nam, hàng mấy chục triệu con người thuộc cả hai miền Nam/ Bắc, tuy không bao giờ say như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cũng phải chợt tỉnh, và cuống cuồng bống bế nhau tìm đường vượt biên tìm tự do nơi các xứ Tây phương xa lắc xa lơ. Thậm chí có nhiều người chưa từng một lần trong đời họ nghe nói đến các xứ đó bao giờ. Họ tỉnh như thế là tỉnh giấc mộng đỏ!

Riêng trường hợp thi sĩ họ Vũ, đã không còn gì làm hương liệu để mà say, nhưng ông đã chợt tỉnh giấc cô miên trong hoàn cảnh “cá chậu chim lồng “dưới chế độ CS. Dưới chế độ độc tài ấy, đến con chim cũng không được ca giọng hót của thiên nhiên. Sau một tháng bị tước đoạt hết mọi thứ tự do, trong ngục tù CSVN, ông đã làm một bài gọi là “Thơ Cổ Phong “, để diễn tả tâm trạng mình như sau:

- “Thấm thoát vào đây đã tháng tròn,

Lông hồng gieo xuống nặng bằng non.

Một manh chiếu lẻ hồn ngây ngất.

Ba chén cơm rau xác mỏi mòn.

Ngày đến bữa ăn càng nhớ vợ,

Đêm về giấc ngủ lại thương con,

Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa,

Chẳng dễ gì phai được tấm son.

Tình thương nỗi nhớ chon von,

Trưa nay thức giấc vẫn còn đổi trao.

Thật rồi đâu phải chiêm bao,

Tin ra Vĩnh Hội [*], thư vào Hòa Hưng “

VHC [1976] [tư liệu của Từ Ngọc Phong].

• [* Vĩnh Hội, quận 4, là nhà thi sĩ Đinh Hùng].

Trong hoàn cảnh ai oán ấy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương mới chạnh nghĩ đến thân phận Nguyễn Du, mà sáng tác ra bài “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA “sau đây. Xin chép lại cống hiến bạn đọc hải ngoại:

- “Văn tự hà tàng vi ngã dụng

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên “.

[Nguyễn Du]

Chẳng dùng chi được văn tài,

Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ.

Phút giây chết điếng hồn thơ,

Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.

Chắc gì ba trăm năm sau,

Đã ai vào nổi cơn sầu nằm đây.

Nếu không cơm áo đọa đầy,

Như thân nào thịt xương này bỗng dưng.

Chết theo vào đến lưng chừng.

Say từng mảng rớt, mê từng khúc rơi.

Nửa chiều say ngất mê tơi.

Khúc đâu lơ láo mảnh đời thi vương “.

VHC [tư liệu của TNP]

Vũ Hoàng Chương - 'Người cũ' trong Thơ Mới

Hoài Nam

Thơ của Vũ Hoàng Chương gợi lên nơi người đọc cảm giác xưa cũ, cái cảm giác được hít thở, được ngâm tẩm trong một bầu khí “đặc “Đông phương.

“Vừa bước chân vào cửa, tôi đã trông thấy một gã nho sinh đang ngất ngưởng ngồi trên chiếc ghế bành đen bóng. Tôi ngỡ ngàng trước lối phục sức kỳ dị của Hắn: mình mặc áo gấm trần, đầu không khăn, chân mang guốc. Trông mặt Hắn có vẻ vừa kiêu hãnh, cao kỳ, vừa có vẻ thơ ngây, chất phác “. Trên tạp chí Văn số 150, Dương Thiệu Mục đã phác họa chân dung Vũ Hoàng Chương bằng những nét như vậy từ ký ức của lần gặp mặt đầu tiên giữa hai người.

Hãy thử tưởng tượng: ở thời buổi mưa Âu gió Mỹ đầy trời, khi trang phục của người thanh niên có học sống nơi thành thị phổ biến là veston, mũ phớt, giày giôn, thì cái hình ảnh “mình mặc áo gấm trần, chân mang guốc “của Vũ Hoàng Chương há chẳng khiến người ta thấy ngỡ ngàng hay sao? Nó giống như dư ảnh của một thời xưa cũ còn lưu lại giữa đương thời vậy. Thật khó tin nếu chúng ta chú ý tới sự kiện là Vũ Hoàng Chương từng tốt nghiệp trường Albert Sarraut, từng theo học đại học luật Hà Nội, rồi đại học toán, nghĩa là ông là người Tây học đến chân răng kẽ tóc! Sự hiện diện của Vũ Hoàng Chương trong Thơ Mới cũng vậy. Không trình diện làng thơ bằng các thi phẩm mang hình thức toàn luật thi và tuyệt thi như Quách Tấn trong tập Mùa cổ điển, nhưng thơ của Vũ Hoàng Chương vẫn gợi lên nơi người đọc cái cảm giác xưa cũ, cái cảm giác được hít thở, được ngâm tẩm trong một bầu khí “đặc “Đông phương. Cảm giác ấy nảy sinh từ nguồn thi liệu được ông sử dụng. Chúng tuyệt không vướng một chút dấu vết phương Tây. Nhưng chúng cũng khác xa với Nguyễn Bính: thi liệu trong thơ Nguyễn Bính chủ yếu lấy từ dân gian, mang màu sắc dân gian, có tính chất bình dị; còn thi liệu trong thơ Vũ Hoàng Chương lấy từ lịch sử và văn chương bác học Trung Hoa cổ điển, chúng được nhuộm bởi một gam màu cổ kính, sang trọng.

Trong bài Phương xa, Vũ Hoàng Chương đã viết, như một tuyên ngôn về tình thế tồn tại và căn bệnh tinh thần của thế hệ mình: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh / Bể vô tận sá gì phương hướng nữa / Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh / Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ / Một đôi người u uất nỗi chơ vơ / Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị / Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ “. Nếu điều đó không đúng với tất cả hoặc không đúng với số đông, chí ít, nó đúng với riêng ông. Vũ Hoàng Chương là người luôn sống với hiện tại trong cảm thức chơ vơ, lạc loài, cô đơn, bị ruồng bỏ, chia cắt. Ông tồn tại ở đây, lúc này, nhưng luôn tin rằng bản thể chân thực của mình là ở trong một không gian khác, trong một thời gian khác. Và ông không ngừng băng qua giới hạn giữa “ở đây, lúc này “với “ở kia, lúc khác “để tìm kiếm cái bản thể ấy và hợp nhất với nó bằng tất cả các phương tiện có thể được: bằng Thơ, bằng Mơ, bằng Dục Tình, bằng Say. Không khó nhận thấy trong thơ Vũ Hoàng Chương hai loại “vương quốc “đối lập với “chốn lưu đày “. Loại vương quốc thứ nhất là Cõi tiên, là Thiên giới, ở đó bản thể chân thực của ông là Người tiên, việc ông có mặt tại chốn lưu đày được hình dung như chuyện tiên nhân bị biếm trích hoặc trót dại, sẩy chân. Bài Tối tân hôn trong tập Thơ say nói rõ điều này: “Do dự mãi, đêm nay rời xứ Mộng / Ta chiều em, bỏ cánh lại cung Trăng / Lén bước xuống thuyền mây chờ cửa động / Vội vàng đi, quên giã biệt cô Hằng... Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải / Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn / Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới / Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn “. Bài Động phòng hoa chúc cũng vậy: “Lìa cõi Mộng, giong thuyền qua bến Tục / Đoái hoài chi, băng tuyết sẽ vùi chôn / Em khao khát dìu anh tìm hạnh phúc / Ở men nồng chăn ấm tối tân hôn... Thôi hết nhé, thỏa đi niềm rạo rực / Từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian / Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực / Sẽ mai đây giày xéo giấc mơ tàn”...

Trong thơ ca phương Đông, việc thi nhân tự coi mình là đấng trích tiên chí ít cũng đã thấy ở Lý Bạch [Trung Quốc] và Tản Đà [Việt Nam], nên Vũ Hoàng Chương không phải là một biệt lệ. Nhưng điều ấy liệu đã đủ để làm nên ở ông hình hài của một người cũ trong Thơ Mới? Có lẽ phải tìm nó chủ yếu ở loại vương quốc thứ hai: đất nước Trung Hoa trong thời gian quá khứ miên viễn, trong bảng lảng khói sương của những điển tích văn chương đã làm nên niềm tự hào cho nền văn học đóng vai trò hạt nhân của vùng văn học chữ Hán. Trong thơ Vũ Hoàng Chương, không ít bài diễn tả cái trạng thái tác giả xuất hồn xuyên thời gian trở về với “thuở trước “, với “nghìn thu “, với “vạn cổ “. Và khi ấy, lịch sử và văn chương cổ điển Trung Hoa đã trở thành nguồn thi liệu vô tận để ông múc lấy, lấp đầy cái thiếu hụt chống chếnh trong tâm cảm hiện tại của mình. Đây là khoảnh khắc khi ông viếng mộ một tình nương: “Ta chẳng biết, nhưng mà ai biết được / Chân dừng lại hồn trôi vào thuở trước / Tưởng chừng nghe thánh thót lệ người xưa / Hán Minh Phi muôn dặm đất Thuyền Vu / Tiếc cung điện Trường An còn nức nở / Ai vụng tính để cung đàn lỡ dở / Ai quên lời sai hẹn lúc chia tay / Mắt mòn trông, ải Nhạn khói mây đầy “[Bạc tình]. Và đây, khi chập chờn mộng ảo trong hương nha phiến, ông đã mở lỏng khóa linh hồn để nghe thấy một Hơi tàn Đông Á: “Đáy cốc bao la vạn vực sầu / Ngai vàng Mông Cổ ngự đêm nâu / Hãy nghe bão táp trong cô tịch / Vó ngựa dân Hồi giẫm đất Âu / Thuyền chiến nằm mơ cuộc viễn chinh / Buồm neo rời rạc bến u minh / Đâu đây quằn quại trong làn khói / Lớp lớp uy nghi Vạn Lý thành “.

Là một thi nhân mang nặng căn cốt phương Đông, Vũ Hoàng Chương không thể không biết đến Lý Bạch, nhà thơ lớn của thi ca Trung Hoa thời Thịnh Đường. Ông hâm mộ Lý Bạch, đã đành, ông còn từ huyền thoại họ Lý say rượu lao xuống sông vớt trăng: “Từ thuở chàng say ôm vũ trụ / Thu trong bầu rượu một đêm trăng / Nhảy xuống muôn trùng sông quạnh quẽ / Đem theo chân hứng gửi cô Hằng “mà phác lên huyền thoại của chính mình: “Ngựa ơi, hãy nghỉ chân cuồng khấu / Cho thỏa lòng ta nỗi khát khao / Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch / Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao / Tình hoa thuở trước xô về đọng / Ở phiến gương vàng một tối nay/ Ta lặng buông thân trời lảo đảo / Mơ hồ sông nước choáng men say “[Chân hứng]. Tương tự, Vũ Hoàng Chương bị ám ảnh không thôi bởi các danh tác của văn chương cổ điển Trung Hoa. Chúng như một quá vãng thân thuộc đối với ông, lại như một thế giới tồn tại song song với thế giới ông đang sống và cho phép ông xuất nhập tùy ý. Ta có thể “đọc “thấy dấu vết của hàng loạt danh tác văn chương Trung Hoa cổ điển trong thơ Vũ Hoàng Chương: Tây sương ký trong bài Đậm nhạt và bài Giang Nam người cũ, Đào hoa nguyên mộng ký trong bài Đào nguyên lạc lối, Liêu trai chí dị trong bài Nửa truyện hồ ly và bài Tình Liêu trai... Nhưng đậm hơn cả, phải là Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, khúc ca lãng mạn về cuộc gặp nơi Tầm Dương giang đầu giữa một ông quan bị biếm trích và một kỹ nữ ở buổi xế chiều của nghề hát xướng. Vũ Hoàng Chương có ít nhất ba thi phẩm tạo được mạch liên thông với Tỳ bà hành - đó là Đà giang, Nghe hát và Dựng. Nếu ở hai bài thơ sau, “ý Tầm Dương “chỉ nảy sinh với tác giả khi đào nương cất tiếng hát Tỳ bà hành, thì điều đó là không cần thiết ở bài Đà giang “ Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ / Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ / Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi / Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ “. Không mượn tới bất cứ một sự “môi giới “nào hết, sầu Tầm Dương là mối sầu khởi phát tự trong lòng thi nhân, là sự chiêm nghiệm đến đáy của một kẻ “đồng hội đồng thuyền “với những người “bên lề “thuở trước. Hay nói đúng hơn, sầu Tầm Dương chính là miền tâm cảm để thi nhân nhận ra mình qua bao lớp sóng thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Vì thế mà Vũ Hoàng Chương mới có thể viết: “Cánh rượu thu gần vạn dặm khơi / Nẻo say hư thực bóng muôn đời / Ai đem xáo trộn sầu kim cổ / Trăng nước Đà giang mộng Liêu trai “[Đà giang].

Vũ Hoàng Chương, một người cũ trong Thơ Mới, và chính vì cái cũ này mà ông đã tự khẳng định mình như một giọng thơ rất riêng trong dàn đồng ca Thơ Mới. Tuy tài năng không hề thua sút những vì sao Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... trên bầu trời Thơ Mới, nhưng Vũ Hoàng Chương lại ít được nhắc đến một cách đáng ngạc nhiên. Có lẽ vì người ta đọc thơ ông không chỉ bằng “con mắt thơ “, mà còn bằng, và chủ yếu bằng con mắt của đạo đức, con mắt của lề thói, con mắt của đủ thứ cấm kỵ xã hội?

Nguồn: Người Đại Biểu Nhân Dân

Vũ Hoàng Chương Và Những Vần Thơ Lẻ

Linh Thảo

Vũ Hoàng Chương có một lượng thơ khá lớn với nhiều tập thơ ra đời từ thời tiền chiến [phong trào thơ mới 1932-40] và thời hậu chiến [sau 1954]. Tập thơ đầu của ông là THƠ SAY [1940], sau là Mây [do ĐỜI NAY xuất bản].

Khoảng năm 1943, nhà xuất bản Đời Nay xuất bản một Giai Phẩm Xuân có đăng vở kịch thơ VÂN MUỘI của ông.

Năm 1954, ông từ Bắc di cư vào Nam và xuất bản các tập thơ RỪNG PHONG, HOA ĐĂNG, CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU... Một số thơ mà ông liệt vào loại NHỊ THẬP BÁT TÚ, được đăng trên các tạp chí ở miền Nam. Nhị thập bát tú là những bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt [4 câu 7 chữ] có tất cả 28 chữ, nên gọi là Nhị thập bát tú [28 vì sao].

Một tập thơ được các môn sinh tập trung các bài thơ tình của ông hồi trẻ và xuất bản ở hải ngoại sau năm 1975 là: TA ĐỢI EM TỪ BA MƯƠI NĂM.

Cũng sau năm 1975, ở Hoa Kỳ, nhà xuất bản Xuân Thu đã in lại VÂN MUỘI, cùng các tập thơ: CẢM THÔNG, ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI, TÂM SỰ KẺ SANG TẦN, LOẠN TRUNG BÚT.

Vũ Hoàng Chương là một trong số ít nhà thơ sành Hán văn, thích thư họa, nên ông đã từng làm thơ, dịch thơ, làm câu đối bằng chữ Hán.

Trước năm 1945, ông vào Nam dậy học, và sinh hoạt văn nghệ. Sau năm 1975, ông bị đưa đi học cải tạo và mất sau đó không bao lâu khii được tha.

Ở đây, người viết không đề cập đến Vũ Hoàng Chương qua số lượng thơ lớn với nhiều tập thơ đã xuất bản của ông. Chỉ nhắc đến một ít bài hay vần thơ lẻ của ông, Việt văn lẫn Hán văn, mà ít người biết đến, không nhớ hay do thơ đăng rải rác đây đó trên các báo mà không được tập trung vào một tác phẩm nhất định.

Thơ Vũ Hoàng Chương rất đa dạng: thơ tình, thơ hoài cổ, thơ triết lý... mặt nào cũng có phong vị riêng, rất Vũ Hoàng Chương.

Điều đáng nói là cái phong độ kẻ sĩ của ông đã biểu lộ rất mực, sau năm 1975, trong một buổi họp văn nghệ do Thanh Nghị, một nhà văn từ bưng về thành, tổ chức để ca tụng Tố Hữu, về hai câu thơ trong bài "ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG": "Thương cha thương mẹ thương chồng, Thương mình thương một thương ông thương mười". Được mời phát biểu ý kiến, Vũ Hoàng Chương đã chê hai câu thơ đó là không chân thật khi đặt lời ấy vào miệng một bà mẹ Việt Nam, cũng như vào miệng con trẻ khi tập nói: "Tiếng đầu lòng con gọi Stalin." Ông cho đó là loại "thơ thợ", thơ tuyên truyền, không có gì đáng gọi là thơ hay, trong lúc các văn nghệ sĩ khác như Thanh Nghị, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và những người khác đều hết lời khen Tố Hữu đã có những câu thơ tuyệt tác, "xuất thần khẩu chiếm" đó.

Cũng nên biết rằng Vũ Hoàng Chương là một thi sĩ đồng thời với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cùng là những tài danh trong làng thơ mới, nhưng lại được Nhất Linh, chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, gọi là "Thi Vương" [vua thơ].

Có lẽ vì lời phát biểu "ương ngạnh", không xu phụ nhà lãnh đạo văn nghệ miền Bắc, nên sau đó Vũ Hoàng Chương đã bị đưa đi cải tạo tư tưởng.

Trong tù, ông đã làm bài thơ khí khái:

Thấm thoát vào đây tháng đã tròn

Lông hồng gieo xuống nặng bằng non

Một manh chiếu lỉa hồn ngây ngất

Ba chén cơm rau xác mỏi mòn

Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ

Đêm về giấc ngủ lại thương con

Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa

Chẳng dễ gì phai một tấm son.

Vào dịp Tết Bính Thìn - 1976, khi chưa đi cải tạo, sống dưới chế độ mới, "trong khoảng thời gian tranh tối tranh sáng của thời sự... Lúc ấy, buổi hỗn quân hỗn quan, lúc thú vật đội lốt người, tác yêu tác quái", như Nguyễn Mạnh Trinh đã viết, Vũ Hoàng Chương có bài thơ VỊNH BỨC TRANH GÀ LỢN, với ngụ ý châm biếm sâu sắc:

Sáng chưa sáng hẳn tối không đành

Gà lợn om xòm rối bức tranh

Rằng vách có tai thơ có họa

Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh

Mắt gà huynh đệ bao lần quáng

Lòng lợn âm dương một tấc thành

Cục tác nữa chi ngừng ủn ỉn

Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh

Qua hai bài thơ trên, Vũ Hoàng Chương có thái độ "khinh thế ngạo vật" trước thời cuộc biến thiên của nước nhà. Ông không là một kẻ khiếp nhược, chẳng tỏ vẻ gì lo sợ trước nghịch cảnh, như nhận định sau đây của Nguyễn Huệ Chi, một nhà văn miền Bắc, dù ông này vẫn phục tài và có cảm tình với Vũ Hoàng Chương: "Đã từng sống trong không khí cải cách ruộng đất đợt V, hồi 1955 ở khi IV, tôi thấu hiểu nỗi sợ đến khủng khiếp về một cái gì không ra ngô ra khoai, về sự chờ đợi trong nặng nề khắc khoải, phải đếm từng giây phút một cho bớt cô đơn lạnh lẽo mà Vũ Hoàng Chương đã từng sống..."

Một số bài thơ của Vũ Hoàng Chương có tính chất thời sự, có lẽ ông chỉ cảm khái nhất thời. Chủ yếu thơ ông là thơ tình. Song thơ tình Vũ Hoàng Chương thời hậu chiến khác thơ tình thời tiền chiến, có ngôn ngữ chau chuốt, điêu luyện với giọng thơ phóng khoáng, tài hoa, có phong thái "thơ cẩm tú đàn anh họ Lý" của thi ca Đường, Tống:

Trở gót quê say ngược Suối Điều

Nét hoa mờ tỏ sóng phiêu diêu

Lên tiên về tục thương Từ Thức

Lấy giả làm chân học Thúy Kiều

Một số thơ khác của Vũ Hoàng Chương mang nét đấu tranh, do biến chuyển xã hội, thời Đệ Nhất Cộng Hòa:

Giờ điểm lâu rồi hỡi Tuổi Xanh

Có nghe nét chữ réo tung hoành

Có nghe giòng mực sôi trên giấy

Nhịp bốn nghìn thu Sử Đấu Tranh

Đáp tiếng nghìn xưa thề chiến đấu

Quên thân giằng cướp lấy sơn hà

Đứng lên đòi lại bằng xương máu

Sông núi vàng son của chúng ta

và trong vụ Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, bảo vệ Phật Pháp:

Thương chúng sanh trầm luân bể khổ

Người sẽ phăng đêm tối đất đầy

Bước ra ngồi nhập định hướng về tây

Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ...

Về sau, thơ Vũ Hoàng Chương chuyển sang địa hạt triết lý với NHỊ THẬP BÁT TÚ:

Ta ngắm trông vào cái chính ta

Hồn xanh trong nếp áo thu già

Tay kia từng níu trời cao mãi

Nay chống ô chờ đất nở hoa

Ngày song thất 1963 [7-7-63], Nhất Linh tự hủy mình, như Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để phản đối nhà Ngô kết án ông là phản loạn, Việt Nam đã khóc nhà văn cách mạng qua hai câu đối chữ Hán:

- Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ

- Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiên Phong hóa hậu Văn hóa, ư trung lập ngôn

Tạm dịch:

Mấy chục năm bút mực lừng danh, một dễ đứt hai dễ mất, mà ba còn mãi

Đêm bảy bảy trời mưa rớt phượng, trước Phong hóa sau Văn hóa ngôn luận để đời

Ghi chú hai câu đối nhiều ý nghĩa này:

1/ một, hai = bút mực, ba = danh

2/ Nhất = Nhất Linh, Nhị = Nhị Linh [bút hiệu Khái Hưng], Tam = Tam Linh [bút hiệu khác của Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam [tên Nhất Linh].

3/ đoạn, tuyệt = cũng là tên ĐOẠN TUYỆT, một tác phẩm của Nhất Linh

4/ phượng = chỉ Nhất Linh, mà cũng là tên nhà xuất bản Phượng Giang, kế tiếp nhà xuất bản đời Nay, do Nhất Linh chủ trương.

5/ Phong hóa = tờ báo có trước Ngày Nay [thập niên 1930] của Nhất Linh.

6/ Văn hóa = tức tạp chí VĂN HÓA NGÀY NAY do Nhất Linh chủ trương, cùng với nhà xuất bản Phượng Giang, vào thập niên 1950.

Vốn sành chữ Hán, Vũ Hoàng Chương từng dịch bài LIÊU TRAI ĐỀ TỪ của Vương Ngư Dương ở sách LIÊU TRAI CHÍ DỊ của Bồ Tùng Linh:

Cô vọng ngôn chi vọng thính chi

Đậu bằng qua giá vũ như ty

Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ

Ái thính thu phần quỷ xướng thi

THƠ ĐỀ SÁCH LIÊU TRAI:

Nói bứa bừa đây nghe bứa bừa

Dây dưa giàn đậu phới tơ mưa

Chuyện đời chừng đã đầy ngao ngán

Thích lắng mồ thu quỷ đọc thơ

Cách dịch thơ của Vũ Hoàng Chương rất phóng túng, ít chịu gò bó theo nguyên tác, kể cả từng chữ, câu và luôn cả ý. Ngôn ngữ dịch của ông khá đặc biệt, kênh kiệu mà tân kỳ [bứa bừa, phới tơ mưa].

Với bài TAM THƯỚNG HẢI VÂN dưới đây, của Trần Bích San, ông đã đảo thứ tự trên dưới hầu hết số câu và dịch rất thoát, dùng chữ khéo, tuy có phần không sát lời thơ nguyên tác, và vẫn diễn rất đạt và mở rộng cái ý tưởng hàm súc của tác giả [nhất là những câu 3-4, 5-6].

Tam niên tam thướng Hải Vân đài

Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi

Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt

Kiền không trích nhãn tiểu trần ai

Văn vô sơn thủy vô kỳ khí

Nhân bất phong sương vị lão tài

Hưu đạo tần Quan chinh lộ hiểm

Mã đầu hoa tận đới yên khai

BA LẦN VƯỢT HẢI VÂN

Ba năm vượt ải đã ba lần

Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân

Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé

Lên cao nhật nguyệt tưởng đâu gần

Gió sương như búa tài thêm chuốt

Hồ bể làm nghiên bút mới thần

Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở

Cười ai kêu hiểm lối sang Tần

Vũ Hoàng Chương dịch:

Xưa hạc vàng bay ngút bóng người

Đây lầu Hoàng hạc chút thơm rơi

Vàng tung cánh hạc đi đi mất

Trắng một màu mây vạn vạn đời

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu

Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi

Gần xa chiều xuống đâu quê quán

Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi

Bài dịch này cùng vẫn theo lối dịch không đi sát nguyên tắc. Vũ Hoàng Chương không chịu phụ thuộc triệt để lời thơ của tác giả, chỉ tạo ngữ khí và ngữ cảnh riêng của mình để diễn dịch thơ của ngườị Có thể nói đây là một cách chuyển tác bài thơ này sang bài thơ khác với những ý chính được lưu giữ lại.

Thơ chữ hán của Vũ Hoàng Chương cũng rất điêu luyện. Mở đầu thi phẩm RỪNG PHONG ông có hai câu thơ:

Lãnh quế trầm hương thương hải nguyệt

Loạn bồng tâm đới bạch vân thu

và ông tự dịch:

Quế lạnh hương chìm trong bể biếc

Cỏ bồng mây trắng rối lòng thu

Vẫn lối dịch phóng khoáng, đảo lộn trật tự trong câu nguyên tác để diễn ý thợ Có thể hiểu câu thơ trên:

Trăng biển xanh lặng quế chìm hương

Mây thu trắng rối bồng trĩu dạ

Năm Ất Mão [1975] vào đêm trừ tịch, Vũ Hoàng Chương đã sáng tác bài thơ chữ Hán KHAI XUÂN THẠCH KHÚC với nhiều điển tích khó hiểu:

Tường vân mãn tọa tọa bôi minh

Hy chúc xuân khai dạ bán quỳnh

Đông liễu Tây đào song tận mỹ

Tần tang Yên thảo nhất hồi thanh

Tần giao cố quốc hoài kim phấn

Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình

Đồi ngoạ dữ sa trường tuý ngoạ

Cổ lai thuỳ giả chiếm cao danh

Dịch: KHÚC THẦM ĐẦU XUÂN

Mây vờn quanh chỗ chén lung linh

Vui chúc đầu xuân mọi tốt lành

Tây liễu Đông đào đôi vẻ đẹp

Tần dâu Yên cỏ một màu xanh

Phấn hương nước cũ dù mang dạ

Vách đá lời ngông đã vọng tình

Nát rượu cùng say lăn chiến địa

Xưa nay ai đã vượt hơn danh?

[Thiên Nhất Phương dịch]

Bài này bộc lộ ít nhiều tâm sự của tác giả giữa buổi giao thời năm 1975. Hai câu cuối tác giả vẫn tự cho mình là một kẻ "đồi ngoạ" [đồi nhiên tuý ngoạ = say quá nằm liều] tức là một văn nhân bất đắc dĩ.

Nhắc đến Vũ Hoàng Chương, người mà Nhất Linh đã phong "thi vương" và một nhà văn sau này [Nguyễn Mạnh Trinh] gọi là "ngôi sao Bắc đẩu" trên thi đàn Việt Nam.

Thực vậy, Vũ Hoàng Chương là nhà thơ tài hoa, phóng dật cả trong lối sống và trong sáng tác thi cạ Hơn nữa, ông còn là một kẻ sĩ, "uy vũ bất năng khuất", để rồi phải nhận lãnh cái chết sau một thời gian bị giam giữ trong tù.

Hồi trước, vào năm 1963, Vũ Hoàng Chương đã tôn vinh Nhất Linh Nguyễn Tường Tam [với câu đối dẫn trên], thì sau này ông cũng bất hủ với sự nghiệp "lập ngôn" của ông.

Vũ Hoàng Chương - Cung Tiến và Hoàng Hạc Lâu

Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thày dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.

Có lần ông nói đùa rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v....

Trong nỗi bi phẫn về cảnh bạn bè tán lạc, Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi nhờ bạn bè chuyển được ra ngoài, đến tay Cung Tiến khi ấy còn ở Canberra bên Úc... Thôi Hiệu là nhà thơ khét tiếng thời Thịnh Ðường vào đầu thế kỷ thứ tám. Bài thơ của ông khiến một người như Lý Bạch còn nghẹn lời không dám viết về lầu Hoàng Hạc nữa và được Kim Thánh Thán ngợi ca là “bút pháp tuyệt kỳ, tác phẩm đệ nhất cổ kim trong thơ Luật “.

Ðấy cũng là bài được người mình dịch sang Việt ngữ nhiều nhất. Có người đếm ra hơn bốn trăm bản dịch khác nhau, từ Tản Ðà, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Ðức Hiển, v.v... Với Cung Tiến và nhiều bằng hữu thì bài cảm dịch của Vũ Hoàng Chương là một sự tuyệt mỹ vì tâm cảnh mọi người vào lúc đó..

Từ bên ngoài, nhận được bản dịch, Cung Tiến nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ lại cung cảnh xa xưa nên đã xuất thần phổ nhạc rất nhanh và tìm cách gửi về ngay năm sau. Nhưng không kịp nữa. Vũ Hoàng Chương bị cầm tù và bị kiệt sức mới được thả ra và tạ thế sau đó năm ngày nên không bao giờ được nghe ca khúc này. Bây giờ nhớ lại thì xin ghi bài cảm dịch của ông để chúng ta khỏi quên và cùng thưởng thức:

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người

Ðây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi

Vàng tung cánh hạc đi đi mãi

Trắng một màu mây vạn vạn đời

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu

Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi

Gần xa chiều xuống nào quê quán

Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi “

Khi còn sống, ông Nguyễn Ðức Hiển tại Houston Texas cho rằng bản dịch Vũ Hoàng Chương “còn hay hơn nguyên bản, mà nguyên bản vốn đã hay tót vời “. Ông Hiển có thể nói không ngoa vì bản thân đã dịch đi dịch lại mười mấy lần bài thơ của Thôi Hiệu! Ông còn dụng công so sánh hai câu thực của nguyên bản, gồm sáu thanh trắc liên tiếp:

“Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du “

Với câu “thực “do Vũ Hoàng Chương để lại mà ông cho là ảo diệu hơn:

“Vàng tung cánh hạc đi đi mãi

Trắng một màu mây vạn vạn đời...”

Khi đọc lại, làm sao mình không ngậm ngùi với những chữ tuyệt diệu như “vút “bóng người, hay chút “thơm “rơi...? Và câu kết, “Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi “ !, nghe thê thiết hơn vần lục bát của Tản Ðà:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai “ !

Cung Tiến đưa Hoàng Hạc Lâu vào nhạc với phần hòa âm soạn cho dương cầm và viết trên cung Ré giáng Trưởng, nhịp 4/4 chậm rãi tha thiết - andantino - và ý nhị. Piano mở đầu bằng hai ô nhịp, hai mesures, viết lối Arpège chùm hai nốt, thánh thót, êm đềm. Rồi lời ca cất lên bồi hồi day dứt như một truyện kể, mà dùng phép tả cảnh để tả tình:

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người...

Ðây lầu Hoàng Hạc chút [ứ ư] thơm rơi...”

Ðàn piano lại rải, nghe như tiếng chim hót, và cứ thế ca khúc dẫn người nghe vào một bức tranh cổ, với cánh hạc vàng ẩn hiện sau vầng mây bạc có nắng chiếu, có cây bến Hán Dương u buồn và cỏ bờ Anh Vũ vắng vẻ, chẳng còn ai chơi...

Ðoạn nhạc chuyển tiếp nỉ non đan lượn những ngậm ngùi rồi chợt mở ra tâm sự kẻ tư hương, nhớ quê, nhớ bạn...

“Gần xa chiều xuống nào quê quán

Ðừng giục cơn sầu nữa [ư ứ], sóng [à à] ơi...”

Rồi đàn lại buông arpège hai nốt nhẹ nhàng, lãng đãng chìm khuất, mơ hồ như cánh hạc vàng tan trong khói sóng...

Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Ðông phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Debussy trong bài “Clair de Lune “. Cung Tiến rất chuộng Debussy khi nhạc sĩ người Pháp này khám phá nhạc Á Ðông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy “Arpège “rải tay trái và đưa ra một hợp âm lạ tai mà hài hòa êm ái.....

Bài “Hoàng Hạc Lâu “là viên ngọc quý của thơ Ðường. Bản dịch Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc. Ðiều hơi tiếc là ít người biết hoặc trình bày ca khúc trác tuyệt này để đời sau còn nhớ Vũ Hoàng Chương và dòng nhạc quý phái của miền Nam chúng ta khi mình đã mất hết...

Lần cuối mà miền Nam tự do có buổi sinh hoạt để vinh danh Vũ Hoàng Chương là vào Tháng Ba năm 1975, tại phòng trà của Khánh Ly, do Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Ðã 35 năm tròn rồi. Sau đó là cảnh chia ly tan tác “ Vàng tung cánh hạc”... như ánh chớp chợt lóe rồi vụt tắt.

Dư âm còn lại là tiếng nhạc lãng đãng trong chiều tà. Sau đấy là cõi tối đen của thơ và nhạc...

Cung Tiến Không Lời [Quỳnh Giao]

Có những người thuộc phái nam nhi anh hùng đã chau mày phàn nàn: “Lòng cuồng điên vì nhớ...” , nghe sao yếu quá!

Dưới con mắt của các đấng tu mi đó thì đàn ông không có quyền ủy mị như vậy! Huống hồ tác giả lời ca lại là người tuổi cọp.

Chẳng biết rằng khi đó, tác giả bài Hoài Cảm có thấy hắt hơi giật mình không. Nếu có, thì Cung Tiến cũng khó động lòng hơn Ðinh Hùng, tác giả bài Kỳ Nữ bất hủ. Ở bên kia “chiến tuyến, “các cô lại thấy rằng đấy mới là lời ngợi ca xứng đáng và rất anh hùng với tình yêu. Phải chi Cung Tiến phổ nhạc bài thơ này của Ðinh Hùng, chắc là nam ca sĩ trình bày ca khúc sẽ phải gục trên sân khấu thì mới xứng!

Có lẽ, Cung Tiến là người viết nhạc sớm nhất của chúng ta. Ông sáng tác ca khúc đầu tay là Thu Vàng khi mới 15 tuổi, năm 1953. Mùa Thu ấy là Thu Hà Nội và chỉ Hà Nội mới có lá vàng để ông nhặt, chứ trong Nam không đủ lạnh để có lá vàng. Và ông đề tặng Hà Nội những ngày ấu thơ. Ca khúc trở thành Hà Nội tiêu biểu của lớp người di cư nhớ Bắc, rồi mới chinh phục mọi người nghe qua cách trình bày nhí nhảnh vui tươi của giọng ca Tâm Vấn thời đó.

Sau đấy, ông viết Hoài Cảm, và đề tặng Ðỗ Ðình Tuân. Dường như Cung Tiến sáng tác cho mình và cho bạn, vì phần lớn các ca khúc ông viết đều trân trọng ghi tặng từng người. Như Mùa Hoa Nở, Cung Tiến viết năm 1954 đánh dấu làn song di cư của cả triệu người miền Bắc vào Nam. Ðược viết theo dạng một bài hợp ca, nên ca khúc ít được trình bày. Thật đáng tiếc.

Sau đó Cung Tiến viết liên tiếp mỗi năm một bài: Hương Xưa năm 1955 đề tặng Khuất Duy Trác. Cũng chính Duy Trác đã đem Hương Xưa và tên tuổi Cung Tiến đến thính giả của đài phát thanh và trên sân khấu của các trường trung học và đại học Việt Nam. Năm kế tiếp 1956, ông viết Nguyệt Cầm trên ý thơ của Xuân Diệu, và trở thành người sáng tác loại âm hưởng bán cổ điển độc đáo và ngự trị cùng một cõi nhạc cao sang quý phái của Vũ Thành và Dương Thiệu Tước...

Dòng nhạc mở đầu của Nguyệt Cầm phảng phất tấu khúc Romance en Fa của Beethoven, nhưng ca khúc kén người hát và người nghe. Nhạc trưởng Vũ Thành thường trao cho Anh Ngọc vì chỉ danh ca này mới hát câu “trăng sầu riêng chiếc, trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ...” crescendo da diết và dài hơi hơn mọi người! Năm sau đó 1957, ông viết Lệ Ðá Xanh theo ý thơ Thanh Tâm Tuyền và đề tặng Phạm Ðình Chương.

Từ đây là thời gian ông đi du học. Khi trở về, Cung Tiến sáng tác rất nhiều thơ phổ nhạc và họa hoằn mới soạn lời từ, như Mắt Biếc năm 1966 và hoàn chỉnh lại năm 1981. Hoặc bản Bản Tango Cuối, viết năm 1974, hoàn chỉnh năm 1980.

Những bài thơ ông phổ nhạc giai đoạn này là Thuở Làm Thơ Yêu Em của Trần Dạ Từ, Ðêm của Thanh Tâm Tuyền, Ði Núi của Xuân Diệu, hay Ðôi Bờ của Quang Dũng... Chỉ tác giả mới biết vì sao ông thích phổ thơ hơn là viết lời riêng của mình. Phải chăng là càng hiểu biết nhiều thì cách viết càng bó làm ngôn ngữ thành khó hiểu?

Sau biến cố 1975, Cung Tiến và gia đình vượt thoát được sang Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang Minnesota. Từ hải ngoại ông tiếp tục phổ thơ Quang Dũng là bài Kẻ Ở và Ðường Hoa, thơ Phạm Thiên Thư là Vết Chim Bay, và bản cảm dịch của Vũ Hoàng Chương bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu... Hoàng Hạc Lâu là bài trác tuyệt nhất của ông với nét nhạc âm hưởng Á Ðông mang nét Debussy mới là lạ.

Ðặc biệt nhất có liên khúc Vang Vang Trời Vào Xuân là phổ thơ Trần Kha, bút hiệu ẩn của bạn ông, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, khi còn ở trại học tập lén gửi ra ngoài. Liên khúc được tác giả viết cả phần đệm piano. Lời thơ và ý nhạc quyện nhau thành lời kinh cầu trong sáng, một vầng trăng rực rỡ, một ban mai thắm tươi và dịu dàng của tâm hồn thanh thản trên những hành hạ khổ đau của thể xác... Dân ta vốn yêu thơ, trong tù cũng làm thơ và ý thơ vẫn phơi phới cùng nét nhạc Cung Tiến. Nhưng, như các ca khúc sáng tác sau thời du học bên Úc, liên khúc 10 bài ngắn này lại không dễ hát nên người yêu thơ và nhạc ít có dịp thưởng thức.

Năm 1988, Cung Tiến hoàn tất một tác phẩm độc đáo và đồ sộ, đó là một bản hợp tấu khúc viết cho dàn giao hưởng lấy cảm hứng từ Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Ðoàn Thị Ðiểm diễn thơ chữ Hán của Ðặng Trần Côn. Hợp tấu khúc có âm hưởng hoàn toàn Á Ðông với nhạc khí Tây phương. Khi diễn tả áng thơ tuyệt tác này, Cung Tiến quả là nhạc sĩ tài hoa và sâu sắc.

Có những lúc được nghe nói rằng ông còn muốn soạn nhạc để diễn tả thơ Ðường hay cả bài Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi... Nghe nói thôi chứ chưa nghe thấy nhạc. Ông còn cảm hứng hay không, chúng ta chưa biết được.

Cung Tiến là nhạc sĩ của những tác phẩm có âm hưởng bán cổ điển rất trang nhã, cầu kỳ và chuyển dần về nhạc Ðông phương. Nhưng nhớ lại thì hình như chúng ta có thể rút ra một kết luận rất nhuốm vẻ Thiền.

Ban đầu, ông viết nhạc rất hay trên lời từ óng chuốt của mình. Sau đó, ông hết soạn lời mà chỉ chú ý đến nhạc, để phổ lời của các thi sĩ ông quý trọng. Ðến một giai đoạn sau, lời ca cũng tan vào nhạc vì Cung Tiến soạn nhạc không lời.

Dùng nhạc để người nghe cảm ra lời thơ Chinh Phụ Ngâm hay bản hùng văn đại cáo Bình Ngô là đi tới một đỉnh cao của nhạc. Như nhạc khúc viết cho dương cầm tên là Pictures at an Exhibition của Mussorgsky viết tả các bức tranh trong phòng triển lãm.

Nhưng ta cứ yên tâm, không lên tới cõi đó, mình vẫn còn nguyệt cầm để hoài cảm hương xưa thì cũng đủ vui rồi...

[Quỳnh Giao]

Vũ Hoàng Chương, ngôi Bắc Ðẩu của thi ca Việt Nam

Nguyễn Mạnh Trinh

Có một bài thơ, được truyền khẩu như là chứng tích của một thời thế đảo điên. Có một thi sĩ, cả đời chỉ muốn làm thơ ca tụng tình yêu nhưng lại có những bài thơ ghi lại được những thời điểm khốc liệt của lịch sử.

Tôi nghĩ tới bài thơ “Vịnh tranh gà lợn “của nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm trong khoảng thời gian tranh tối tranh sáng của thời sự. Lúc ấy, ngày Tết Bính Thìn, khi Cộng Sản vừa chiếm được cả đất nước và một chính sách trả thù phân biệt được áp đặt lên toàn dân tộc. Lúc ấy, viên chức, sĩ quan của chế độ VNCH bị tù đày đến gần cả triệu người. Lúc ấy, văn nghệ sĩ bị truy bức, bắt bớ, sách vở bị tịch thu đốt bỏ. Lúc ấy, buổi hỗn quân hỗn quan, lúc thú vật đội lốt người, tác yêu tác quái:

“Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành

Gà lợn om sòm rối bức tranh

Ràng vách có tai, thơ có họa

Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh

Mắt gà huynh đệ bao lần quáng

Lòng lợn âm dương một tấc thành

Cục tác nữa chi đừng ủn ỉn

Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh “

Những thành ngữ, tục ngữ của dân gian dưới tay nghệ sĩ đã thành đắc địa. Chữ không còn là một nghĩa nữa mà thành nhiều nghĩa, và, sự thâm trầm sâu lắng trong ngữ nghĩa làm bài thơ lột tả được một tâm sự chung mang của cả một thế cuộc tao loạn đầy bất trắc.

Bài thơ được truyền tụng trong thời buổi ấy và cũng là nguyên nhân để những người cầm quyền Cộng Sản bắt giam tác giả. Thi sĩ bị giam tại khám Chí Hòa, sau vì đau yếu nên được thả về nhà và mấy ngày hôm sau thì từ trần, đúng vào ngày 6 Tháng Chín năm 1976.

Trong tù, ông viết bài thơ cuối cùng của đời mình, gửi cho người thân, như linh cảm thấy một chuyến đi đã kề sẵn. Thơ như tiếng khóc nén thầm của những dòng thơ, từ dòng cổ thi từ thuở Nguyễn Du xưa xa, của nỗi niềm “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như “đến nỗi đau mất nước quặn thắt bây giờ:

“Thấm thoát vào đây tháng đã tròn

Lông hồng gieo xuống nặng bằng non

Một manh chiếu lìa hồn ngây ngất

Ba chén cơm rau xác mỏi mòn

Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ

Ðêm về giấc ngủ lại thương con

Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa

Chẳng dễ gì phai một tấm son."

Con chim trước khi chết, tiếng hót bi thương. Người thi sĩ, trước khi lìa bỏ trần gian, lời kêu ai oán. Bài thơ thất ngôn bát cú gói ghém cả một tâm tình. Quốc phá, gia vong, thân trong ngục tù, nhưng, tất cả rồi sẽ trôi qua như nước chảy dưới cầu và không bao giờ phai nhạt tấm lòng son sắt với đời, với người, với dân tộc, với đất nước.

Nhà văn Võ Văn Ái, đã viết về trường hợp nhà thơ bị Việt cộng bắt giam như sau:

“Và ai ngờ rằng, một nhà thơ sẽ chết vì Thơ. Ðúng ngay Phật Ðản ngày 25 Tháng Năm năm 1976, khi đất nước của Nắng Vàng chuyển sang Máu Ðỏ. Giữa khuôn viên trường đại học Vạn Hạnh, lần đầu tiên có sự đưa tượng Phật xuống giữa sân làm lễ. Lần ấy, lần độc nhất ấy, giữa Sài Gòn im lặng, Vũ Hoàng Chương ốm nhom trong chiếc áo the tàng, cất tiếng ngâm bài thơ Lửa Từ Bi trước đám người chung tình dự lễ. Liền sau đó Vũ Hoàng Chương bị bắt, viện đại học Vạn Hạnh bị chiếm đóng. Bài thơ bừng lửa này, Hoàng sáng tác giữa thời khốn đốn năm 1963 mà chỉ có giọng ngâm vi diệu của Hoàng Oanh mới lột tả hết. Nay từ miệng nhà thơ, bài thơ ngân lên giữa một thời cùng cực khốn đốn mới...”.

Bài thơ Lửa Từ Bi, là lời của lương tâm nhân loại. Ngôn ngữ, không phải là lời kêu gọi sắt máu, đòi hỏi hy sinh. Mà, chính là cái Dũng của kẻ sĩ, của người hiểu được sự cao cả của quên mình hy sinh. Lửa, không phải là ngọn lửa thiêu đốt, của chiến tranh chết chóc. Mà, ngọn lửa ấy, là ánh sáng để soi rọi hồn người vượt thoát đêm tối. Lửa, kêu gọi yêu thương.

“Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen

Tám chín phương nhục thể trần tâm

Hiện thành Thơ, quỳ cả xuống

Hai vầng sáng rưng rưng

Ðông Tây nhòa lệ ngọc.

Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc

Ánh Ðạo Vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên,

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

Người rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây

Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ

Phật Pháp chẳng rời tay

Sáu ngã luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay

Không khí vặn mình theo

Khóc òa lên nổi gió

NGƯỜI siêu thăng

Giông bão lắng từ đây

Bóng NGƯỜI vượt chín từng mây

Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Ðề

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi

Chỗ NGƯỜI ngồi một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét Từ Bi

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro lụa tre dần mục nát

Với thời gian lê vết máu qua đi

Còn mãi chứ! Còn Trái Tim Bồ Tát

Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ...”

Lửa thiêu đốt thịt da. Nhưng vẫn còn lại trái tim Bồ Tát. Thơ, là tiếng nói của lương tâm tỉnh thức con người. Lửa, không phải đỏ máu hung tàn mà là Lửa của tâm linh soi sáng kiếp người. Lửa làm bừng tình cơn mê. Lửa thắp chờ bình minh sắp tới.

Nhà văn Mai Thảo trong bài viết tưởng niệm thi sĩ đã thố lộ:

“Rồi Vũ Hoàng Chương ra thoát được cái ngục mình. Cuộc phục sinh thành, đã trao cho thi sĩ một chìa khóa ngọc mở vào những ngày tháng cuối cùng, những ngày tháng sung sướng. Và Vũ Hoàng Chương đã mang con người sung sướng ấy của mình đi qua đổi đời, đi qua Cộng sản, đi vào vĩnh viễn. Thời gian ấy sống gần ông [mấy tuần chót ở Gác Mây, mười tháng ở Gác Bút trước lúc bị bắt giữ] cho tới buổi trưa ngày 30 Tháng Mười Một năm 1976, từ chỗ ẩn một vùng ngoại ô Chợ Lớn âm thầm trở lại phường Cây Bàng lần cuối để thắp một nén hương vĩnh biệt trước di ảnh bạn, cho tới những buổi trưa đảo nằm một mình trong một đáy rừng Mã Lai Á khuất tịch, tôi thường suy nghĩ, tìm kiếm lý giải về một cuộc vận động từ bi thảm đưa tới thăng hoa sung sướng phóng thoát của một đời người. Vũ Hoàng Chương đã có được thăng hoa ấy. Qua thái độ ông buổi sáng bị bắt. Trong bốn tháng nằm trong hầm tối. Trong năm ngày trở về Gác Bút. Bằng vào những chi tiết chị Vũ kể lại, sẽ được nói tới ở phần sau này. Tâm thức tôi, thiếu hụt tầm vóc, không sao đạt tới được thăng hoa như bạn. Bởi vậy mà giải thích hiện tượng rất buồn thảm. và cũng rất cực nhọc.

Ðó là ngọn lửa và trái tim Thích Quảng Ðức, ngọn lửa và trái tim tươi thắm phóng thoát trần thế từ một ngã tư đường Lê văn Duyệt? Những cuộc đàm đạo trong tao nhã tịch lặng với Thượng Tọa Thích Trí Thủ, một tâm thái phóng thoát khác, ở cái hiên sau xa đời của ngôi Chùa Gia Ðịnh? [thời gian sau này, Già Lam tuần nào cũng cho đón thi sĩ tới chùa giữ ông cả buổi]. Hay đơn giản đó chỉ là sự bắt gặp trên một mức đo tràn đầy của bản thể viên mãn với đời sống, với nghệ thuật, với thi ca, qua những biến thiên cùng ý nghĩa và chân tướng biến thiên được soi tỏ qua cái hình ảnh một người đi mãi, đã vượt khỏi đỉnh núi bấy lâu chắn lấp, thấy được từ cái hết chắn lấp cả biển, cả trời và cả chính mình? Hay là sự mầu nhiệm của tuổi? Sự mầu nhiệm mà Nguyễn Khuyến đã thấy trong bài thơ Khóc Bạn bất hủ: “Tuổi già giọt lệ như sương “

Mấy chục năm trước, thi sĩ đã làm người tiên tri. Ðã thấy được những thương hải biến thiên. Ðã mô tả những cuộc đời của Việt Nam trôi dạt sau cơn hồng thủy Tháng Tư năm 1975. Trong tập thơ in thời tiền chiến, có bài thơ Phương Xa có những câu mà mấy chục năm sau thấy rõ rệt là tình cảnh của những người Việt liều chết vượt Biển Ðông đi tìm tự do:

“Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng

Xô về Ðông hay giạt tới phương Ðoài

Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng

Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

... Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ

Ðời kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ...”

Tâm linh nào đã khiến thi sĩ viết lên những vần thơ như thế. Có phải, cái phút linh cầu ấy chỉ đến với những người mà tâm hồn sống lạc lõng như lạc vào một thế giới khác, của cảnh giới hoang sơ, của những nỗi bí nhiệm khó ai hiểu biết được. Cái thảm trạng mà cả triệu người vùi mình trên biển đã được mô tả một cách khá chính xác cả về tâm tư lẫn hiện trạng, có lẽ cũng khá kỳ lạ! Cả triệu thuyền nhân sống lưu lạc khắp mặt địa cầu chắc cũng chia sẻ chung với nhà thơ nỗi niềm ấy.

Thi ca của Vũ Hoàng Chương có nhiều thời kỳ mà lúc nào ông cũng có vị trí của một vì sao Bắc Ðẩu, một văn tinh sáng rực cõi trời. Từ thời tiền chiến, với Say, với Mây, đã chễm chệ trên chiếu văn chương, đã được Hoài Thanh & Hoài Chân ghi tên trong “Thi nhân Việt Nam “ Ðến hai mươi năm văn học miền Nam, cũng Hoa Ðăng, Rừng Phong, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau,à là những châu ngọc của một thời viết về những tâm sự của muôn đời. Và, đến khi chết, những bài thơ tuyệt mệnh cũng là những áng gương thi ca vằng vặc.

Trong Thi Nhân Việt Nam, có những dòng về Vũ Hoàng Chương, những dòng chữ cảm nhận khá chính xác về vóc dáng thi sĩ lừng lẫy một thời:

“Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Ðông Á: Cái nghiệp say. Người say đủ thứ: Say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn “cổ nhân xưa những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhẩy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ. Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm thơ. Cái dụng ý ấy không khỏi có hại. Nhưng một lần kia, bước chân vào tiệm nhảy, người bỏ quên dụng ý làm thơ ngoài cửa, và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt hay.

Tôi yêu những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng theo điệu kèn khiêu vũ:

“...Âm ba gờn gợn nhỏ

Ánh sáng phai phai dần

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Riết đôi tay, ngả đôi chân

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...”

Quả là những vần thơ say.

Cái dụng ý làm thơ Vũ Hoàng Chương cũng còn bỏ quên ít lần nữa.

Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dù từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng...”

Sau đó mấy chục năm, khi đã sang sống lưu lạc ở Hoa Kỳ, nhà văn Mai Thảo trong Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam đã viết: “à Một đêm tôi ở lại với ông thật khuya, tới sát giờ giới nghiêm cộng sản. Xã hội thê lương nằm phục bốn chung quanh tường Gác Bút. Ông đưa tôi xem một lá thư Trần Dần. Bị trừng phạt nặng nề, bị treo bút vĩnh viễn, nhà thơ Trần Dần, tài thơ trác tuyệt nhất của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, không được vào Nam, đã gửi cho ông một lá thư đầy những lời lẽ kính trọng như ông vẫn nguyên vẹn là thi bá của cả một thế hệ thi sĩ đã hai miền chia cách suốt 30 năm chiến tranh. Lá thư, tôi chỉ còn nhớ được câu này: “Thơ anh, thơ Ðinh Hùng sống muôn đời với thi ca Việt Nam “ Ðêm đó, cầm lá thư với nỗi kính phục của Trần Dần đối với ngôi sao Bắc Ðẩu miền Nam trên tay, tôi nhìn bạn ngồi thư thái êm đềm trước mặt, đã chia sẻ với thi ca một niềm sung sướng thống khoái vô tả. Kính phục của Trần Dần chắc còn lớn lao hơn gấp bội. Nếu nhà thơ miền Bắc còn nhìn thấy được cõi thơ cuối đời và cái hiện tượng thăng hoa của tâm thức phóng thoát, ở thi sĩ...”

Nhà văn Võ Phiến, với lối viết nhận định văn học khá đặc biệt cũng có những diễn tả biểu hiện chân dung thi sĩ:

“Năm 1982 trên một số báo Ðất Mới ở Seatle [tiểu bang Washington] tưởng niệm Vũ Hoàng Chương, bà Quỳ Hương có nhắc lại câu chuyện hồi năm 1960 tại trung tâm Bút Việt ở Sài Gòn, khi giới thiệu diễn giả là Vũ Hoàng Chương nói về thi ca, Nhất Linh đã gọi Vũ thi sĩ là “ông vua thơ “ Thi sĩ tiền chiến đã bao người xuất hiện và thành danh trên báo Ngày Nay hay từ nhà xuất bản Ðời Nay của Nhất Linh: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... Giữa bấy nhiêu tài danh, được Nhất Linh chọn phong vương! Vũ Hoàng Chương tiền chiến có cái thành tích đáng sợ chứ...”

Ở một đoạn khác, Võ Phiến nhận định về những bài thơ hào hùng nhập cuộc, của Hoa Ðăng, Rừng Phong, của những ngày bắt đầu của chế độ quốc gia ở miền Nam, ở những kêu gọi nức lòng của lịch sử:

“Nói một bên dấn thân một bên phiêu du, như vậy không có nghĩa cho rằng Vũ Hoàng Chương thoát ra ngoài thế sự, lòng không bận đến cuộc hưng vong của quốc gia.

Ông không nuôi trong lòng cái oán thù sùng sục của kẻ nghèo đói với người giàu, ông không đứng vào hàng ngũ giai cấp này chống giai cấp nọ. Ông không ca ngợi ánh sáng của chủ nghĩa này, không tố cáo chủ nghĩa kiaà Nhưng ông đâu có bao giờ thờ ơ đối với chuyện đất nước. Sao vàng xòe năm cánh trên năm cửa ô, ông mừng vui ngây ngất. Giặc Tây tràn đến, ông khẳng khái đòi trả ta sông núi. Nhà cầm quyền cộng sản thiết lập chế độ độc tài khát máu, ông phừng phừng kêu gọi Bắc Tiến. Một tôn giáo gặp khó khăn, ông ca ngợi lửa từ bi, đốt “thơ cháy lên theo với kinh “ Cuối cùng khi miền Nam mất vào tay cộng sản thì ông đi tù, chịu chết, không thay đổi thái độ.

Vũ Hoàng Chương cũng như Nhất Linh, những người quan niệm làm thơ cốt cho đẹp, viết truyện trước hết cốt cho được chuyện hay, những người chơi lan ở suối Ða Mê, hút thuốc ở gác Mây... Những người ấy không ngại cái chết vì nước non. Từ một quan niệm nghệ thuật mà suy diễn đến nhân cách, đến thái độ ở đời, thái độ chính trị của người ta, e là chuyện phiêu lưu...”

Ðã có những câu thơ:

“Mặc cho những kẻ mài gươm sắc

Ta chỉ mài riêng ngọn bút này “

Hay:

“Giờ điểm rồi đây, hởi Tuổi Xanh

Có nghe nét chữ réo tung hoành

Có nghe dòng mực sôi trên giấy

Nhịp bốn ngàn thu Sử Ðấu Tranh nhà “

Nhưng, nổi bật nhất vẫn là những bài thơ tình. Tình yêu đã lên ngôi, với đam mê như ma túy cho đời. Những cõi tình thiết tha, của thời gian không tuổi tác, của không gian vời vợi qua những biến thiên của cuộc nhân sinh. Thơ là những ám ảnh đeo đuổi suốt quãng đời, qua những mốc thời gian đánh dấu bằng kỷ niệm.

Tập thơ “Ta đợi em từ ba mươi năm “mà các môn sinh của ông đã in lại ở hải ngoại có lẽ là một tập thơ mà ông cho rằng có nhiều bài đắc ý nhất của mình. Trong bài mở đầu thi tập, tác giả viết:

“à Ðã từ lâu tôi có ước nguyện gom góp lại những bài thơ “tình yêu “viết trong tuổi hoa, để in thành tập riêng, điều đó sẽ giúp tôi sống trọn vẹn cùng muôn ngàn ảo ảnh xa xưa.

Ðành rằng tình yêu không chịu ràng buộc nào, giới hạn nào - vâng, Tình Yêu vốn không tuổi! - nhưng tôi nhiều khi cảm thấy mình đặc biệt ưa thích những bài thơ “tình yêu “viết từ trước tuổi Bốn Mươi; nghĩa là trước buổi Qua Phân đau đớn, trước cái giờ phút tôi giã biệt hồ Gươm, cửa Bắc để gắng gượng làm thân “con chim đại bàng vỗ cánh dời sang Nam minh “ “

Bài thơ “Chờ đợi hoài công “như một lời tụng ca của trái tim cho một tình yêu muôn tuổi. Ba mươi năm, quá dài cho một đời người, nhưng lại thật ngắn, với cuộc thi ca chép bằng ngôn ngữ bất diệt:

“Ta đợi em từ ba mươi năm

Uổng hoa phong nhụy hoài đêm rằm

Heo may chớm đã lên mùa gió

Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chỗ nằm

Cúc tả tơi vàng mộng xác xơ

Hiên sương ngõ lá vẫn trông chờ

Ðêm dài quạnh quẽ đôi song lớn

Nguyệt đọng vòng tay lùa giấc mơ

Ngai trống vàng son lợt sắc rồi

Lòng ta Hoàng Hậu chẳng về ngôi

Hồ ly không hiện người không đến

Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi...”

Viết về Vũ Hoàng Chương, chỉ một bài thôi không đủ. Bởi, trong cái thế giới vừa đơn sơ vừa phức tạp, vừa khinh bạc vừa yêu đời, vừa sống của một đời sống nào chỉ có trong cổ tích nhưng lại dấn thân vào cuộc. Cũng như, thơ có lúc gọt giũa kiêu sa nhưng lại có lúc bình dị của ngữ ngôn thường nhật, khi thì là thơ tự do phóng túng nhưng lúc là những bài Ðường thi vần điệu nghiêm túc ý nghĩa thâm trầm. Dù là thơ “nhị thập bát tú “cô đọng hay thơ “truyền Kiều “châu ngọc, hoặc thơ lục bát, bảy chữ, tám chữ thời “Thơ mới “ngày nào, tất cả đều là những tìm kiếm của một đời thi thánh. Và, ở ngôi Bắc Ðẩu của thi ca Việt Nam, suốt một chặng đường mấy chục năm, để đến lúc mất, thơ vẫn nở hoa trên mộ như bài thơ nào truyền tụng:

“Ta ngắm trông vào cái chính ta

Hồn xanh trong nếp áo thu già

Tay kia từng níu trời cao mãi

Nay chống ô chờ đất nở hoa “

Vâng thơ đã nở hoa trên mộ phần thi sĩ, như người đời đã thấy một sự lạ sau ba tháng chôn cất ở nghĩa trang. Nhưng, ở một liên tưởng nào, thơ nở hoa muôn đời trên thi ca không tuổi của cõi người...

Vũ Hoàng Chương: Con Người Dại Hay Con Người Can Đảm

Sông Lô

Nàng trả con về nơi xóm cũ

Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi

Rồi từ hôm ấy ôm con chủ

Trong cánh tay êm luống ngậm ngùi

Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh

Không chăn, không nệm ấm, không màn

Biết đâu trong những giờ hiu quạnh

Nó gọi tên nàng giọng đã khan

Rồi từ đêm ấy những đêm sau

Hồi hộp nàng ra tựa cửa lầu

Ngó xuống ven trời đầy bóng nặng

Tìm nghe trong gió tiếng con đâu

Gió vẫn vô tình lơ lửng bay

Những tàu cau yếu sẽ lung lay

Xạc xào động cánh... nàng mơ tưởng

Như tiếng lòng con vẳng tới đây

Nàng nhớ con u sầu rũ rượi

Gục đầu thổn thức trên bàn tay

Bạn ơi, nguồn gốc sầu kia bởi

Số mạng hay do xã hội này

Đây là một trong những bài thơ gối đầu giường của tôi, khi còn là học sinh trung học. Ở Miền Nam lúc bấy giờ, những bài thơ hay, được phổ biến của các thi sĩ thời tiền chiến rất được giới học sinh chúng tôi yêu chuộng. Thậm chí có những bài thơ còn được đưa vào chương trình học ở nhà trường, bất kể là thi sĩ sáng tác bài thơ ấy đang phục vụ cho chế độ chính trị nào, dù là Miền Nam hay là Miền Bắc.

Bài thơ Vú Em ở trên của nhà thơ Tố Hữu, đối với tôi lúc nào cũng vẫn là một bài thơ hay. Tác giả đã sáng tác bài thơ này trước khi đến với đảng CSVN, tả lại tình cảnh một người mẹ trẻ nghèo phải đi ở vú cho người khác, lấy sữa của nàng cho con chủ bú và ấp ủ con chủ trong vòng tay ấm áp của mình. Trong lúc ấy, con của nàng nơi xóm nghèo "tổ nhỏ", khóc đến khản tiếng vì đói lạnh và thèm thuồng một vòng tay ấp yêu của mẹ. Càng nhớ càng thương con bao nhiêu, càng đau đớn bấy nhiêu, nhưng biết làm sao hơn, thôi thì chỉ biết tấm tức khóc thầm, xót xa cho thân phận hẩm hiu của mình. Cuối cùng tác giả kết luận, vì đâu mà có cảnh éo le như vậy, phải chăng đó là số phận hay là do cái xã hội bất công này? Đây là một kết luận nhân bản và đấy ắp tình người. Xa hơn, qua bài thơ, tác giả muốn nhắn nhủ với những ai đã từng là nạn nhân của đói nghèo và cam phận, của áp bức và bất công hãy tự thoát ra làm chủ cuộc sống, làm chủ đời mình, đừng vịn vào số phận để rồi cam chịu.

Nhắc lại bài thơ trên như nhắc lại dĩ vãng một thời mà đối với tôi chỉ còn là vang bóng, nó đã gợi cho tôi sống lại cái thuở thanh bình ngắn ngủi, vào những năm 56, 57, 58 ở miền Trung với nhiều luyến tiếc.

Cái thuở thanh bình xa xôi ấy, được sống trong môi trường hiền hòa chân thật, ấm no thịnh trị, được nuôi dưỡng trong tình thương của cha mẹ anh em, của bà con chòm xóm, của lũy tre làng, của giòng sông xanh hiền hòa trong mát.

Với một môi trường như vậy, lẽ dĩ nhiên con người cũng ảnh hưởng theo mà rất dễ chạnh lòng trước bất cứ một hiện tượng bất công nào, cho dù hiện tượng ấy chỉ được diễn đạt trong thi ca.

Thuở ấy tôi hiền và nhát quá

Nép mình bên gác thánh lầu chuông

Để nghe khe khẽ lời em nguyện

Thế nhưng càng về sau, theo tuổi lớn, sống trong chiến tranh loạn lạc của quê nhà, với bom đạn xới cày, với ngút ngàn thù hận, tôi bước vào đời bằng chiếc áo trận của người lính Thủy Quân Lục Chiến, miệt mài nơi tuyến đầu lửa đỏ với quyết tâm bảo vệ quê hương, bảo vệ phần đất tự do còn lại. Nhưng than ơi, sau đó...!!! Nhất là với những năm tháng "được" nằm trong trại "học tập cải tạo" sau năm 1975.

Thấm thía và chiêm nghiệm được sự chân thật và dối trá, tình đời và lòng người, hai mặt của một đồng tiền, xa hơn là cái con người của quần chúng và con người của cá nhân trong đó có cái con người cá nhân đối với con người cá nhân hay con người cá nhân đối với con người của tập thể cũng như con người của tham vọng và con người của quyền lực, mà con người của tham vọng và con người của quyền lực, thì sao mà ghê gớm quá.

Từ cảm nhận trên, tôi thường chủ quan đánh giá hay nhìn bất cứ một đối tượng nào đều thiên về bản chất hơn là hiện tượng. Cũng vậy, cái nhìn đối với nhà thơ Tố Hữu, thần tượng thi ca một thời của tôi, đùng một cái, xụp đổ tơi bời.

Qua cái nhìn thiên về bản chất ấy, bằng những nhân chứng sống, bằng những tài liệu đáng tin cậy được phổ biến, tôi biết đó là một ông quan văn nghệ đầy tham vọng và nham hiểm, nó hoàn toàn trái ngược với một số bài thơ "hiện tượng" đầy ắp tình người mà ông đã sáng tác trước khi ông sáng tác bài thơ "Từ Ấy". Cũng "Từ Ấy" cái ác hầu như chiếm tỷ lệ cao ở trong ông, cũng "Từ Ấy" ông sợ bằng con đường vương đạo sẽ không có chỗ cho ông tiến thân hoặc nếu có thì cũng chỉ có từ rất chậm đến chậm mà thôi, nên chi ông không ngần ngại chọn con đường bá đạo kể cả tạo ra những "hoạn lộ" cho những thi hữu cùng thời với ông để đường tiến thân của ông được suông sẻ mà vươn lên.

Thương dân thương nước thương nhà

Thương con thương cháu thương cha ông mình

Thương chi ông Sit-ta-lin

Để cho Từ Ấy hằn in vết chàm

Bầm Ơi! có thấu chăng Bầm

Mặc ai khổ nhục vinh thân là mình

Chiến trường đổ Máu ba quân

Trung ương Hoa nở tưng bừng Bầm ơi

Chân dung của nhà thơ Tố Hữu mà tôi đã cố gói ghém trong tám câu lục bát này không ngoài tham vọng là để cho bất cứ một người yêu thơ nào khi đọc lên là sẽ bắt được ngay ý của tôi.

Đối với những người VN quan tâm đến thi ca, cho dù là thi ca cận đại hay là thi ca tiền chiến mà không biết đến thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận v.v.. thì cũng chẳng khác nào những người quan tâm đến nhạc tiền chiến mà không biết đến những nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Đặng Thế Phong v.v..

Riêng khi nói đến nhà thơ Tố Hữu, hơn năm mươi bốn năm nay những người yêu thơ ở trong nước cũng như ở hải ngoại, không ai là không nhắc đến hai câu lục bát "nổi tiếng" trong bài thơ "Đời Đời Nhớ Ông" mà nhà thơ đã sáng tác vào năm 1953 khi nghe tin Stalin bị chết.

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương ông thương mười

Tố Hữu là một nhà thơ có tài, sáng tác rất khoẻ, ông mất đi đã để lại cho đời nhiều bài thơ nổi tiếng, có giá trị văn học, thậm chí có nhiều bài thơ của ông trong thời chiến tranh đã và đang được đưa vào dạy ở học đường XHCN, như bài "Bầm Ơi" sau đây là một điển hình:

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm

Bầm ơi, có rét không Bầm

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non

Mạ non Bầm cấy mấy đon

Ruột gan Bầm lại thương con mấy lần

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương Bầm bấy nhiêu

Bầm ơi, sớm sớm, chiều chiều

Thương con Bầm chớ lo nhiều Bầm nghe

Con đi trăm suối nghìn khe

Đâu bằng muôn nỗi tái tê đời Bầm

Con đi chiến đấu mười năm

Đâu bằng khổ nhọc đời Bầm mấy mươi

Và còn biết bao nhiêu bài thơ hay khác mà trong một xuất thần ông đã để trào ra đầu ngọn bút, có sức truyền cảm lạ thường, khiến cho người thưởng thức rung động với niềm cảm thông như tâm sự chính mình.

Đó là những đứa con "tinh thần" cũng mang nặng đẻ đau của một "bà mẹ" đúng nghĩa, đó là những vần thơ được ông vắt ra từ lý lẻ của con tim, bằng những gì chân thật nhất. Lẽ dĩ nhiên nó là những đứa con được ông thừa nhận trong niềm kiêu hãnh. Nhưng, cũng như hai mặt của một đồng tiền, ở mặt này là giá trị của tấm huy chương óng ả nạm vàng và mặt còn lại là vết thẹo của đớn hèn, tủi hổ. Tố Hữu cũng có những đứa con hoang, những đứa con vô thừa nhận mà ông lỡ đã làm giấy khai sinh, những đứa con mà trong một lúc bồng bột ông đã cấu thành.

Ông biết lắm chứ, những đứa con này thì ông muốn khai tử, muốn vứt quách cho rồi. Trong thâm tâm, đối với ông đó là những đứa con mang nhiều bệnh tật, hớm hỉnh và dị đời. Đúng vậy, hai câu lục bát:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương ông thương mười

Là một trong những "hoang tử" đó. Tuy không được đưa vào học đường, tuy ít được chính ông nhắc đến, nhưng nó đã dính liền với ông như bóng với hình, kể từ lúc "khai sinh" ra nó cho đến bây giờ, dù ông đã mất. Nó như vết xăm, xăm lên người, không thể nào tẩy xoá. Nó tréo cẳng ngỗng, nó trớ trêu làm sao ấy... nó chẳng khác nào như một người VN nói mình là người yêu nước, yêu dân tộc, yêu đồng bào, với gần mấy mươi năm lưu lạc xứ người, bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước... nỗi nhớ nước thương nhà luôn canh cánh bên lòng, thế mà khi về lại, vừa nhìn thấy ngọn núi quê hương, vừa nhìn thấy dòng sông đất nước đã vội vàng đặt cho những cái tên của "ông tây bà đầm" tận đẩu tận đâu ấy. Với cách hành xử của một con người như vậy lẽ nào bảo đó là người VN truyền thống, là người VN đúng nghĩa? Theo tôi nếu là một người VN chân chính, đúng nghĩa khi rơi vào trường hợp này sẽ không hành xử như vậy, còn nếu làm như vậy mà bảo đó là hành động của người yêu nước chân chính thì quả là mỉa mai...!!! Trở lại chuyện dài Tố Hữu:

Số là sau 1975 khi Sài Gòn bị đổi tên thành thành phố HCM, Tố Hữu lúc bấy giờ là quan văn nghệ từ trung ương ngoài Bắc vào Nam có ghé đến nhà Thanh Nghị, một quan Văn Hoá vừa từ trong bưng ra, có một ngôi biệt thự xinh xắn do chiếm được ở góc đường Thống Nhất và Hai Bà Trưng. Ông này cũng như tôi thuở "vụng dại", xem Tố Hữu là thần tượng của mình.

Để làm hài lòng thần tượng và là xếp lớn, Thanh Nghị liền tụ tập một số những nhà thơ lão thành tiền chiến tên tuổi, tổ chức một đêm "họp văn nghệ", nói là để đánh giá sơ khởi thi ca cả hai miền như là tiền đề cho sự thống nhất văn học sau này. Nhưng mục đích chính là để "hóa giải", để "thẩm định" lại, cho đúng đắn hai câu thơ của Tố Hữu đã thường xuyên bị "bia miệng" dân gian ví von, xách mé và châm chọc. Theo như tác giả Vân Xưa trong bài "Thơ Tố Hữu" đăng trên Quê Mẹ số 63/64 có kể rằng:

Thanh Nghị trình bày ý kiến của mình trước và cho rằng ví von, châm biếm vì ác ý hơn là vì nghệ thuật đúng đắn. Hai câu lục bát này thật ra không thể chê vào đâu được. Nó vừa khẩu chiếm vừa xuất thần mà khẩu chiếm và xuất thần là những tiêu chuẩn cao nhất, định giá trị thi ca VN. Nó đồng thời thể hiện truyền thống thi ca bình dân nước ta, qua hai vần lục bát thật thoát sáo, vừa giữ vẹn hồn tính một ca dao vừa đưa loại thi ca giọng quê lên ngang giọng bác học.

Với vỏn vẹn có 14 chữ, trong đó từ "thương" bẩy lần láy lại và còn 7 chữ kia "cha, mẹ, chồng, mình, ông, một & mười" đều là những từ không có mấy thi tính. Thế mà Tố Hữu đã ghép lại và khi ta ngâm lên thì thấy rõ ràng thần tính từ 14 chữ [đúng ra là 8 từ] ấy cuồn cuộn thoát ra, thâm nhập hồn người thưởng ngoạn, khiến hồn tính con người rung động như tơ đồng trên phím, khi nhạc sĩ vuốt vào giây, thật là hết ý.

Thanh Nghị vốn khéo ăn khéo nói, lại thao thao bất tuyệt nên cử tọa bị lôi cuốn theo mà "đồng thanh tương ứng" nhận cách ông thẩm định hai câu thơ của Tố Hữu là xác đáng. Thế rồi có ai đó yêu cầu các thi sĩ có mặt ở "hiện trường" xác minh thẩm định trên, dựa theo những câu thơ đắc ý của chính mình. Lấy những vần ít bác học mà so, Xuân Diệu đem hai câu mình đắc ý trong bài Buồn Trăng,

Ngẩng đầu ngóng mãi chưa xong nhớ

Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya

Mà cho rằng, không thể truyền cảm sâu sắc hơn hai câu thơ của Tố Hữu được. Huy Cận thì đọc hai câu thơ trong bài Áo Trắng mà mình cho là tâm đắc,

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non

Để phải nhận rằng, hai câu thơ của Tố Hữu gây xúc động mạnh hơn, dồn dập hơn trong khu vực tình cảm mỗi bên, khi muốn dùng thi ca để tác động tâm hồn yêu thơ. Chế Lan Viên không muốn nhắc đến lũ "Ma Hời" một thời vật vờ than khóc của mình mà đưa hai câu cuối trong bài "Mùa Xuân Chín" của thi tài thiên bẩm Hàn Mặc Tử, được sáng tác lúc còn là học sinh trung học ở Quy Nhơn mà ông cho là tuyệt bút,

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang

Để so với hai câu của Tố Hữu, họ Chế cho rằng hai bên đều là thơ hay ở mức độ cao, cách phổ diễn niềm đau trước cuộc tình bỗng dứt, một bên vì dang dở, một bên vì tử biệt sinh ly. Nhưng phải chịu là hai câu của Tố Hữu gần hồn tính bình dân, hai câu của Hàn Mặc Tử không sao sánh kịp.

Các nhà thơ khác không ai dám "cầm đèn chạy trước ô tô", mà dây vào qua cách dùng thơ của mình để mổ xẻ và so sánh như các bậc thi bá "lẫy lừng" được. Có thể là vì biết thân biết phận, vì tự trọng hoặc sợ họa vào thân không chừng, hay cũng có thể là cả ba. Nhưng nói chung, đa số đều im lặng, mà im lặng có nghĩa là tán đồng những thẩm định đã nêu, theo đánh giá chủ quan trong hoàn cảnh tế nhị lúc bấy giờ.

Hoài Thanh, tác giả "Thi Nhân VN" mà Hà Sĩ Phu sau này có vẽ chân dung của ông như sau:

"Vị nghệ thuật nửa cuộc đời

Nửa đời sau lại vị người ngồi trên"

Nét này vẽ bác Lan Viên

Bác Hữu, bác Cận hay riêng bác Hoài

Chân dung các bác ngời ngời

Chém cha cái nửa phần đời phía sau

Cuộc đời hai nửa vì đâu

Nửa say quỷ kế nửa đau nhân tình

Xuân Sách thì lâu rồi, đã nhất quyết là không bõ qua, chẳng những thế, chân dung của nhà phê bình văn học này còn được ông chiếu cố hết mình. Cũng nên nhớ rằng hai câu: "Vị nghệ thuật nửa cuộc đời, nửa đời sau lại vị người ngồi trên" là thơ truyền khẩu dân gian theo kiểu Bút Tre. Ông Xuân Sách và ông Hà Sĩ Phu đã ứng dụng vào để làm rõ thêm chân dung của tác giả Thi Nhân VN.

"Vị nghệ thuật nửa cuộc đời

Nửa đời sau lại vị người ngồi trên"

Thi nhân còn có chút duyên

Lại vò cho nát, lại lèn cho đau

Bình thơ đến thuở bạc đầu

Vẫn chưa thể tất nổi đau nhân tình

Giật mình, mình lại thương mình

Tàn canh, tỉnh rượu, bóng hình cũng tan!

Vì sao? Tiện đây người viết cũng xin đôi chút dài dòng về nhà phê bình văn học này. Thời tiền chiến, Hoài Thanh là nhà phê bình văn học có tiếng trước khi gặp "cách mạng", vào những năm 1935,1936 Thiếu Sơn cùng với ông và một số anh em văn học đã khởi xướng cuộc tranh luận trên văn đàn VN "Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật hay Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh".

Ông là người đứng đầu phe "nghệ thuật vị nghệ thuật" với chủ trương văn chương là văn chương còn phe bên kia "nghệ thuật vị nhân sinh" với chủ trương là, nền văn học của một thời đại nào cũng chỉ là cái phản ánh của cuộc đấu tranh giai cấp, mỗi chế độ kinh tế tất có một nền văn học tương đương và nền văn học nào thì bên vực cho chế độ kinh tế ấy mà người đứng đầu là Nguyễn Khoa Văn bạn thân của Tố Hữu, bí danh Hải Triều, một cán bộ tuyên huấn xứ ủy Trung Kỳ, ông này cũng là cha đẻ của Nguyễn Khoa Điềm làm bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin dưới thời Phan Văn Khải là thủ tướng. Cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm, cho mãi đến gần tháng 8 năm 1945 thế sự xoay vần, con cờ đã lộ, Hoài Thanh thức thời vội bõ ngay quan điểm cũ của mình mà "nhập vai" hòa đồng với đường lối văn hóa văn nghệ "đúng đắn" của đảng, đó là nền văn hóa văn nghệ "nghệ thuật vị nhân sinh" dựa trên ba điểm chính: Dân Tộc, Khoa Học và Đại Chúng do ông Trường Chinh khởi xướng. Cũng từ đó Hoài Thanh trở thành "người gác cổng văn học" vừa trung thành vừa mẫn cán của nền văn học hiện thực XHCN.

Lẽ dĩ nhiên, không chính thức có làm thơ, nên không có thơ, được quyền khỏi so sánh và mổ xẻ. "Hú hồn", tuy vậy, ai cũng hướng về ông như muốn ông cùng nhập cuộc. Với mái tóc muối nhiều hơn tiêu, có chỗ đậm chỗ nhạt cái chắc là Hoài thanh dại gì mà dây vào, hơn nữa ăn được cái giải gì mà vào "cuộc chơi" chỉ có thua này. Thế là chưa ai kịp lên tiếng mời ông thì ông đã vội mời Vũ Hoàng Chương thẩm định.

Nhà thơ họ Vũ vốn người không mấy cân quắc, lại ăn nói ôn tồn nhỏ nhẹ, nãy giờ chìm lỉm dưới làn kinh truyện tuôn từ các bậc thi bá đắc thời, không ai nhìn thấy ông.

Hoài Thanh gọi đến Vũ Hoàng chương cốt để né tránh thật nên đề nghị là phải có một nhà thơ của miền Nam góp ý. Nhưng chắc hẳn lòng dạ không muốn chờ đợi từ nhà thơ họ Vũ phát ra một "ánh sáng" hay một "tia chớp" bất ngờ nào.

Vũ Hoàng Chương biết thế nên cứ từ tạ, nhưng rồi Thanh Nghị "mớm mồi" ép thêm vào mà trong bụng tin rằng con người Vũ Hoàng Chương hiền hòa, ắt không sợ xảy ra cảnh "Hán Sở tranh hùng" hay "cũng gươm, cũng mác, cũng anh hùng" như ông Hồ đối đáp một mình với đức Trần Hưng Đạo.

Ai đã biết Vũ Hoàng Chương, ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần từ tạ không được, đành nhảy vào nhập trận "hò kéo pháo", nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái "sáng giá" của đêm họp "văn nghệ đặc biệt" này, bởi "tất tần tật" đã thẩm định rồi.

Sau đây là lời của Vũ Hoàng Chương do người có bổn phận điếu đóm đêm hôm ấy thuật lại.

"Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.

Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được "đóng khung" tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên. Đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh Nghị thật xác đáng, tôi chịu.

Nhưng thơ không phải chỉ có thế. xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt. Tức chưa phải là hay. Thơ hay vừa phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ nói cho đến nơi, là ở đây, có nghĩa là thơ phải thực.

Tố Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ VN, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ VN yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca, nhưng trước hết phải biết bà mẹ VN đó có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài "Đời Đời Nhớ Ông", Tố Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

Chắc chắn là không có một bà mẹ VN nào, kể cả bà Tố Hữu mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu ta đang mổ xẻ.

Một tình tự không chân thực, dù được luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay mà chỉ là thơ khéo làm, đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thơ thợ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi cho một tuyên truyền nào đó. Tố Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Những bà mẹ VN trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm".

Rồi ông kết luận, hai câu lục bát của Tố Hữu, theo ý mình, chỉ là những lời thơ khéo, không thể so sánh với những câu thơ của những nhà thơ vừa nêu ở trên, bản chất khác hẳn.

Lời thẩm định trên của Vũ Hoàng Chương đã gây sôi nổi, sôi nổi vì bất bình nhiều hơn là vì tranh luận. Một vài cử tọa muốn đẩy họ Vũ đến chỗ bí, để hóa giải thẩm định ngược dòng của ông. Họ đã yêu cầu ông nói về thơ và sự thực mà ông đã đưa ra để chê Tố Hữu và cùng nghĩ rằng Vũ Hoàng Chương khó lòng mà đưa ra một luận cứ vững vàng được. Nhưng Vũ Hoàng Chương cứ vẫn ôn tồn "giải trình" tiếp:

Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại tình tự hư hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng, nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo, nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy. Tôi xin nhắc: Sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca. Vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời. Sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.

Hình như những ngày sau "cái đêm hôm ấy" Vũ Hoàng Chương đã bị bắt đi học tập và chết vào ngày 06 tháng 9 năm 1976 khi được tha về không bao lâu, có người nói Vũ Hoàng Chương là người dại, nhưng cũng có người nói Vũ Hoàng chương là người can đảm. Theo tôi, ở vị trí kẻ sĩ, ông là một con người tự do, con người tự do của kẻ sĩ không phải quỳ lụy trước bất cứ một áp lực nào, con người tự do của kẻ sĩ tự nó đã có tính tự trọng cao và là con người can đảm. Như Phùng Quán nói:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không bảo yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không bảo ghét thành yêu

Những người nói ông dại, không biết phía sau chữ dại ấy có ẩn chứa gì không? Nhưng sao thấy nó bất ổn quá chừng, nó chỉ biện minh được một điều duy nhất, đó là tính yếu kém của con người, nói rõ hơn, nó như dấu diếm một cái gì vừa bí hiểm vừa hèn hạ. Hơn nữa, nếu ai đó nói cách xử sự của thi sĩ họ Vũ trong hoàn cảnh như vậy là dại, cũng có thể với hàm ý là, giữ sự im lặng trong hoàn cảnh như vậy là hành động của kẻ trí? và nếu vậy thì sẽ không có bài viết này.

Thôi thì cứ huỵch toẹt như Nguyễn Tuân, tuy rằng có cay đắng nhưng mà thành thật: "Sở dĩ tôi còn sống cho đến ngày hôm nay là vì tôi còn biết sợ" lời nói thành thật này không phải là hành động của một người can đảm hay sao.

Cũng nhân bài viết này chúng ta thử giải thích vì sao những dòng thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên thì được giới yêu thơ mến mộ, cho dù chỉ dăm ba câu đi nữa! Còn những dòng thơ sau này của cả ba có ai nhắc đến đâu? Họa hoằn lắm cũng chỉ được một số ít người.

Phải chăng cái thực của muôn đời so với các thực của một thời là vậy? Cái thực một thời của cả ba là cố ép những vần thơ tài hoa của mình lặng hụp trong dòng đấm đá đấu tranh giai cấp mất cả tính người. Nó gượng gạo và trơ trẽn làm sao ấy. Tiếc thật...

Biển khổ mênh mông sóng ngập bờ

Khách trần chèo một mái thuyền chơi

Thuyền ai ngược sóng ai xuôi sóng

Cũng ở trong cùng biển khổ thôi

Nguồn: e-thuvien.com

Video liên quan

Chủ Đề