Vì sao nổi miền Bắc có vai trò quyết định nhất

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng, năm 1960, chủ trương tiến hành cách mạng XHCN ở miền bắc; cách mạng XHCN ở miền bắc gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Suốt những năm xây dựng, chiến đấu gian lao miền bắc, tiền tuyến đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là hậu phương lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

- Trong 21 năm chiến tranh, nhất là từ sau Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 15 của Ðảng [1959], miền bắc tổ chức chi viện sức người, sức của cho miền nam, cho cách mạng Lào và sau đó, cho cách mạng Cam-pu-chia. Sự chi viện đó là to lớn, toàn diện, liên tục, với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường. Năm 1959, miền bắc đưa vào miền nam hơn 500 người. Năm 1964, con số đó tăng lên hơn 17 nghìn. Trong thời gian diễn ra những cuộc tiến công chiến lược [1968, 1972, 1975], nhân lực động viên ở miền bắc phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp bốn, năm lần so với trước. Chưa tính số quân bảo vệ miền bắc, làm lực lượng dự bị chiến lược, chiến đấu và công tác trên tuyến vận tải 559, chỉ tính riêng số quân đưa vào miền nam trong các năm kể trên như sau: năm 1968 là 141 nghìn, năm 1972 xấp xỉ 153 nghìn, năm 1975 là 117 nghìn. Ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu, các lực lượng vận tải, bảo đảm giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác gồm hàng trăm nghìn người cũng được động viên từ miền bắc.

- Về vật chất, miền bắc đã tổ chức tiếp nhận hàng triệu tấn vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật do nước ngoài viện trợ; tổ chức nghiên cứu, thiết kế, cải biên, cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài; tổ chức vận chuyển vượt hàng nghìn km dưới bom đạn đánh phá của địch tới các chiến trường, các vùng giải phóng. Trong những năm từ 1965 đến 1968, miền bắc đưa vào miền nam khối lượng vật chất gấp 10 lần so với những năm từ 1961 đến 1964. Con số đó trong những năm chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh còn tăng gấp nhiều lần.

- Bên cạnh việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường, miền bắc còn tiếp nhận hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, con em miền nam tập kết; đón tiếp gần 310.000 thương binh, bệnh binh và hơn 350.000 lượt người từ tiền tuyến ra hậu phương chữa bệnh, học tập...

- Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, trong hai năm 1973 và 1974, 250 nghìn thanh niên miền bắc gia nhập lực lượng vũ trang, 150 nghìn quân từ biệt hậu phương vào nam chiến đấu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong miền bắc tới các vùng giải phóng ổn định tình hình. Trong hai năm này, 397 nghìn tấn vật chất từ miền bắc được chuyển tới mặt trận, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho các chiến trường trong suốt 16 năm trước đó.

=> Ðược hậu phương miền bắc chi viện mạnh mẽ, toàn diện, thế và lực cách mạng miền nam biến chuyển nhanh chóng, áp đảo quân địch. Trước tình hình đó, tháng 1-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của cả nước mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền nam.Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cả miền bắc hướng ra tiền tuyến, dốc sức chi viện cho miền nam. Trên mọi nẻo đường dẫn ra mặt trận, những đoàn xe vận tải nối đuôi nhau đi suốt ngày đêm, chuyển nhanh vào nam các binh đoàn chủ lực, các đoàn cán bộ dân, chính, Ðảng và hàng chục nghìn tấn vật chất, tạo ra thế và lực áp đảo trước khi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh bắt đầu. Nhờ đó, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta...

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết [tháng 7/1954], Trung ương Đảng ta đã sớm xác định nhiệm vụ xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III [tháng 9/1960] của Đảng khẳng định: “...Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Do đất nước tạm bị chia hai miền, mỗi miền thực hiện một chiến lược cách mạng trong những điều kiện không giống nhau, nên khi phân tích vị trí và mối quan hệ giữa hai miền, Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng [khóa III] đã xác định: “Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”.

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Miền Bắc là gốc” của sự nghiệp cách mạng cả nước. Như vậy về mặt quan điểm và nguyên tắc, vai trò của miền Bắc đã được xác định rõ từ đầu và rất sớm. Tuy nhiên, với quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, Đảng ta chủ trương vừa ra sức ổn định củng cố và xây dựng miền Bắc theo hướng xã hội chủ nghĩa, vừa không ngừng đẩy mạnh cách mạng miền Nam phù hợp với điều kiện trong nước ta và quốc tế hồi đó, để đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Để tạo ra và phát huy sức mạnh của miền Bắc, miền Bắc phải đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội. Đó chẳng những là yêu cầu phát triển khách quan của xã hội miền Bắc sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân mà còn là yêu cầu rất cấp bách của cách mạng cả nước, của cách mạng miền Nam lúc đó. Vì miền Bắc thực sự vững mạnh về mọi mặt là cơ sở vững chắc cho nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh chống chính sách xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng thời thiết thực chuẩn bị điều kiện và tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển mới của cách mạng cả nước sau khi đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Miền Bắc đã phát huy vai trò căn cứ địa cách mạng cả nước và hậu  phương lớn của cách mạng miền Nam từ rất sớm, ngay từ khi cả nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình sau  khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực. Miền Bắc tiếp nhận hàng chục vạn cán bộ và bộ đội ra tập kết tại các địa phương. Trên thực tế, nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho cách mạng miền Nam bắt đầu được thực hiện từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng [tháng 1/1959] và được đẩy mạnh khi cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng. Cũng từ đó, nhiệm vụ của hậu phương miền Bắc đối với cách mạng miền Nam được xác định rõ hơn từ sau Nghị quyết tháng 1/1961 của Bộ Chính trị và đi vào tổ chức thực hiện ngày càng chặt chẽ. Các ngành, quân, dân, chính, đảng đã từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh ở miền Nam. Quân đội đã thành lập trung tâm huấn luyện và tổ chức các lực lượng đi “B”, tích cực nâng quy mô hoạt động của tuyến vận chuyển chiến lược Bắc Nam trên bộ và trên biển [được xây dựng từ giữa năm 1959].

Cho đến cuối năm 1964, một số đơn vị đại đội, tiểu đoàn với trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 3.000 tấn vũ khí đã được tăng cường đến các chiến trường miền Nam. Từ năm 1965 đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam [30/4/1975], miền Bắc phải đương đầu và đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, là những năm vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa dốc sức vào chiến trường chính là miền Nam, cùng chiến trường Lào và từ tháng 4/1970 là cả chiến trường Campuchia. Quân đội nhân dân Việt Nam có 17 vạn 5 ngàn quân năm 1957, đến khi Mỹ triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ đã phát triển lên 70 vạn quân [năm 1967] và 1 triệu 80 ngàn quân khi kết thúc chiến tranh.

Mọi hoạt động của miền Bắc đã chuyển hướng theo tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Miền Bắc nước ta không những là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam mà còn là hậu phương chung  của cách mạng  ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Để hoàn thành nhiệm vụ của hậu phương lớn, miền Bắc đã hai lần chuyển  hướng kinh tế, tiến hành động viên quy mô lớn và liên tục sức người, sức của để cung cấp cho tiền tuyến, đồng thời phải chiến đấu kiên cường để chống hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hồi đó, Mỹ muốn dùng bom đạn  đưa miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”, buộc miền Bắc phải “quỳ gối”.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, không ngừng tăng cường sức mạnh cho miền Nam, quân và dân miền Bắc đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân hiếm có trong lịch sử các cuộc chiến tranh, với một nền nghệ thuật quân sự rất sáng tạo và có hiệu lực lớn, bắn rơi 4.181 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 296 tàu chiến và tàu biệt kích, bắt sống một số lượng lớn phi công Mỹ. Thắng lợi cực kỳ oanh liệt này đã làm thất bại một phần quan trọng trong chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, dồn chúng vào một tình thế bị động chống đỡ trên cả hai miền Nam - Bắc.--PageBreak--

Dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khói lửa chiến tranh; duy trì, phát triển tiềm lực về mọi mặt, tiếp tục tăng cường lực lượng ngày càng lớn cho tiền tuyến lớn, đồng thời về cơ bản vẫn giữ vững đời sống nhân dân hậu phương ổn định, đảm bảo càng đánh càng mạnh. Từ năm 1965 đến năm 1975, miền Bắc đã động viên 2 triệu thanh niên tham gia lực lượng vũ trang. Nhu cầu về nhân lực của nhiều ngành trực tiếp phục vụ chiến tranh cũng tăng lên rất lớn. Riêng ngành Giao thông vận tải, vào năm địch đánh phá ác liệt nhất [năm 1968] đã có trong biên chế chính thức 120.000 người, chưa kể hàng chục vạn thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước được huy động trên các tuyến đường. Chúng ta còn động viên tới 267 triệu ngày công theo chế độ dân công thời chiến để đảm bảo giao thông hoặc phục vụ các yêu cầu khác của quân đội [làm trận địa, sửa chữa sân bay, vận chuyển hàng bằng phương tiện thô sơ...]. Tính đến năm 1972, tổng số lao động do Nhà nước động viên đã lên tới 2,5 triệu người, chiếm 11% dân số miền Bắc. Trong các năm 1968, 1972, 1975 là những năm diễn ra tiến công chiến lược lớn làm chuyển biến cục diện kháng chiến hoặc kết thúc chiến tranh, số nhân lực động viên thường vượt quá số lao động xã hội tăng lên trong năm.

Ngày cũng như đêm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, trên mọi nẻo đường từ hậu phương đến tiền tuyến, hàng chục vạn nhân dân và bộ đội sát cánh đánh địch, mở đường và vận chuyển với tinh thần anh dũng, bền bỉ, thông minh và sáng tạo vô song; đảm bảo cho chiến trường đủ súng, đủ đạn, đủ quân, ăn no đánh thắng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dư luận thế giới lúc này ca tụng "Đường Hồ Chí Minh là câu chuyện thần kỳ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX".

Nhân lực động viên đến cuối năm 1972 cần tới trên 2 triệu người, chiếm khoảng 30% lao động xã hội miền Bắc, trong đó 70% là nam giới. Riêng số động viên cho quân đội là 1,5 triệu người. Tỉ lệ tuyển quân ở xã cao nhất là trên 10% dân số; 70% số hộ gia đình ở miền Bắc có người thân chiến đấu trên các chiến trường. Trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm 63% trong số lao động sản xuất trực tiếp. Hai năm 1973-1974, miền Bắc tiếp tục động viên 25 vạn thanh niên vào lực lượng vũ trang, bổ sung cho chiến trường 15 vạn quân; chuyển hàng vạn thương binh, bệnh binh từ các chiến trường về điều trị và giải quyết nhanh chính sách. Đến cuối năm 1974, trên 33 vạn tấn vật chất các loại đã được giao cho các chiến trường. Chỉ trong 4 tháng [từ tháng 1 đến tháng 4-1975], miền Bắc đã bổ sung vào chiến trường trên 110.000 cán bộ, chiến sĩ; 230.000 tấn vật chất các loại. Đảng và Chính phủ cử hàng vạn cán bộ dân chính đảng đến các vùng mới giải phóng để tăng cường cho Đảng bộ và chính quyền cách mạng.

Vào giai đoạn cuối chiến tranh chống Mỹ, về nhân lực và vật chất sử dụng trên chiến trường: trên 80% quân số của lực lượng vũ trang [nhiều đơn vị bộ đội địa phương ở một số tỉnh Nam Bộ có nhiều chiến sĩ là từ miền Bắc vào, 81% vũ khí và đạn dược, 60% xăng dầu, 65% thuốc nam, 85% xe vận tải là do nguồn bổ sung từ hậu phương lớn miền Bắc, còn 77% lương thực, gần 90% thực phẩm là do khai thác tại chỗ].

Trong 16 năm [từ 1959 đến 1975], tuyến giao thông vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển 1.349.060 tấn, giao cho các chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia  583.450 tấn [43,2%], bảo đảm hành quân cơ động, tiêu thụ trên tuyến, tổn thất 765.610 tấn [56,8%].

Từ thực tiễn trên, Đại hội lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt 16 năm qua luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược... Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và hoàn thành một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Miền Bắc có tác dụng quyết định nhất gắn liền với miền Nam, giúp cách mạng miền Nam vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, vùng lên đúng lúc, trụ vững trong những lúc ác liệt nhất, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược. Hai miền chung sức đánh giặc, cả nước kháng chiến nên đã tạo ra sức mạnh to lớn đánh thắng Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Đại tá Hoàng Dũng

Video liên quan

Chủ Đề