Vì sao mắt tôi lại đau

Trang chủCác tình trạng mắtTình trạng mắt từ A-Z

Đau mắt là một cụm từ tổng quan để mô tả cảm giác khó chịu ở trên, trong, sau hoặc xung quanh mắt.

Đau mắt có thể ở một bên hoặc hai bên — nói cách khác, bạn có thể bị đau mắt phải, đau mắt trái, hoặc khó chịu có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt. Không có bằng chứng nào chứng minh đau mắt bên phải xảy ra thường xuyên hơn đau mắt bên trái, hoặc ngược lại.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn tổn thương mắt, nguyên nhân gây đau mắt là rõ ràng. Nhưng thường khó biết lý do tại sao mắt bạn lại đau.

Đối với những vấn đề phức tạp, độ nặng của đau mắt không cho biết nguyên nhân gây ra sự khó chịu này nghiêm trọng ra sao. Nói cách khác, một vấn đề tương đối nhỏ, chẳng hạn như trầy xước bề mặt giác mạc, có thể gây đau rất nhiều.

Nhưng một số tình trạng mắt rất nghiêm trọng — gồm cả đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, loại bệnh tăng nhãn áp thường gặp nhất, bong võng mạc, và bệnh mắt tiểu đường — lại không gây đau mắt chút nào.

Mắt đau có thể tạo ra các cảm giác khác nhau và các triệu chứng đi kèm, những yếu tố này có thể giúp chuyên gia chăm sóc mắt xác định nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu và đưa ra phương pháp điều trị đau mắt chính xác. Những cảm giác và triệu chứng này bao gồm:

  • Cảm giác rất nhói, dữ dội

  • Mắt bỏng rát

  • Đau âm ỉ

  • Cảm giác có gì đó "trong" mắt [cảm giác dị vật]

Đau mắt cũng thường kèm mắt mờ, đỏ mắt [mắt đỏ ngầu] và nhạy cảm với ánh sáng.

Nguyên nhân gây đau mắt

Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp gây đau mắt, dựa trên vị trí khó chịu.

Đau trên hoặc trong mắt

Thông thường, đau mắt mà cho cảm giác như có gì đó trong mắt thực tế là do kích ứng hoặc viêm bề mặt trước của mắt, đặc biệt là viêm giác mạc gây ra.

Các nguyên nhân gây đau thường gặp bắt nguồn từ bề mặt trước của mắt hoặc bên trong mắt bao gồm:

Dị vật trên giác mạc

Không có gì ngạc nhiên, thứ thường gây ra cảm giác dị vật trong mắt chính là bản thân dị vật. Những dị vật phổ biến có thể bám và dính vào bề mặt giác mạc bao gồm mạt kim loại, hạt vô cơ [cát, hạt đá li ti], mùn cưa và các vật chất hữu cơ khác.

Khó chịu do dị vật trên giác mạc gây ra có thể từ nhẹ đến nặng, và thường khó chịu nhất khi bạn chớp mắt [vì mí mắt thường chà qua dị vật khi chớp]. Mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng cũng thường gặp.

Khi có dị vật trên giác mạc, bạn cần thăm khám gấp với chuyên gia chăm sóc mắt, bởi vì vật chất dính trên giác mạc có thể nhanh chóng gây nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.

Chuyên gia chăm sóc mắt có thể sử dụng các công cụ phù hợp để loại bỏ hầu hết các dị vật trên giác mạc một cách dễ dàng. Bạn có thể được kê thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn để phòng ngừa nhiễm trùng trong thời gian giác mạc lành lại.

Trầy xước giác mạc

Đây là giác mạc bị trầy xước. Mặc dù hầu hết trầy xước giác mạc đều không nghiêm trọng nhưng chúng có thể rất khó chịu và gây nhạy cảm với ánh sáng cũng như chứng chảy nước mắt.

Nhiều vết trầy xước trên bề mặt giác mạc tự lành trong vòng 24 giờ. Nhưng những vết trầy xước sâu hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nghiêm trọng và thậm chí loét giác mạc nếu không được điều trị.

Bởi vì thường không thể biết đau mắt là do vết xước nhỏ, vết trầy xước sâu hay dị vật trên giác mạc, do đó, bạn nên thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt cho bất kỳ tình trạng khó chịu dữ dội nào với mắt mà không hết nhanh chóng, để xác định nguyên nhân gây ra.

Khô mắt

Một nguyên nhân rất thường gặp khác gây khó chịu cho mắt là khô mắt. Thông thường, khó chịu do khô mắt bắt đầu chậm chậm và từ từ hơn so với đau mắt do trầy xước hoặc do dị vật trên giác mạc. Đôi khi, mắt khô có thể dẫn đến trầy xước giác mạc, bởi không có đủ nước mắt trên bề mặt mắt để giữ cho giác mạc ẩm và trơn.

Nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn giúp dễ chịu đáng kể thì nguyên nhân gây đau mắt có thể là khô mắt. Trong hầu hết các trường hợp, khô mắt không cần chăm sóc khẩn cấp; nhưng chuyên gia chăm sóc mắt của bạn có thể làm các kiểm tra để xác định độ nặng của tình trạng khô mắt và khuyến nghị liệu pháp hiệu quả nhất.

Các nguyên nhân khác [ít phổ biến hơn] gây đau mắt trước, hoặc đau "trong" mắt, bao gồm:

  • Viêm kết mạc [bệnh đau mắt đỏ]

  • Nhiễm trùng mắt [gồm cả nhiễm trùng mắt do nấm và viêm giác mạc do acanthamoeba]

  • Viêm mống mắt [viêm màng bồ đào trước], là tình trạng viêm mống mắt

  • Khó chịu do kính áp tròng

Một nguyên nhân rất nghiêm trọng gây đau trong mắt là tình trạng viêm nội nhãn, tức là tình trạng viêm phần trong của mắt mà thường do nhiễm khuẩn gây ra. Nó cũng có thể xảy ra như là biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Viêm nội nhãn, ngoài gây đau mắt còn gây đỏ mắt, sưng mí mắt và giảm thị lực. Nếu bạn có những triệu chứng này sau phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc phẫu thuật mắt khác, hãy thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt ngay lập tức.

Đau rất nhói trong mắt

Các nguyên nhân phổ biến gây đau sau mắt là chứng đau nửa đầu và nhiễm trùng xoang.

Trong trường hợp đau nửa đầu, cơn đau hầu như luôn ở sau duy nhất một bên mắt và thường kèm đau ở đâu đó cùng bên đầu.

Đau sau mắt do nhiễm trùng xoang thường ít nặng hơn so với đau do chứng đau nửa đầu, và cả hai mắt đều có thể bị ảnh hưởng.

Mặc dù đau sau mắt do những nguyên nhân này thường không phải trường hợp cấp cứu, nhưng nếu bạn bị đau mạn tính hoặc lặp đi lặp lại kiểu này, hãy thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt hoặc GP để điều trị và biết phải làm gì nhằm phòng ngừa những cơn đau trong tương lai.

Đau trong hốc mắt

Có lẽ tình trạng đau thường gặp nhất quanh mắt là viêm trong phạm vi mí mắt, đây là lẹo mắt thường gặp [hay chặp mắt]. Triệu chứng ban đầu của lẹo mắt là một vùng tại chỗ, rất nhạy đau trên một bên mí mắt.

Lẹo mắt không yêu cầu chuyên gia chăm sóc mắt phải chăm sóc khẩn cấp và bạn thường có thể điều trị thành công tại nhà bằng cách chườm ấm lên mí mắt vài lần một ngày trong thời gian vài ngày. XEM PHẦN LIÊN QUAN: 2 cách dễ dàng để điều trị lẹo mắt

Viêm bờ mi là một vấn đề thường gặp khác [thường không khẩn cấp] có thể gây sưng mí mắt và khó chịu quanh mắt.

Một nguyên nhân thường gặp khác gây đau quanh mắt và đau cơ mắt là dùng mắt quá nhiều khi làm việc bên máy vi tính. Đây không phải là vấn đề khẩn cấp, và có những bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện để giảm mỏi mắt khi làm việc với máy vi tính.

Một nguyên nhân gây đau quanh mắt ít phổ biến hơn nhiều nhưng lại nghiêm trọng hơn nhiều là tình trạng có tên bệnh thần kinh thị giác, bệnh này có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Các triệu chứng đi kèm thường là giảm thị lực và giảm khả năng nhìn màu, và tình trạng đau thường nặng hơn khi mắt chuyển động.

Đau mắt mà có thể do bệnh thần kinh thị giác gây ra phải được bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ thần kinh chăm sóc ngay lập tức. Trong số những người dưới 40 tuổi, đa xơ cứng và các tình trạng thần kinh khác là những nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm thần kinh thị giác.

Điều trị đau mắt

Bạn nên coi bất kỳ tình trạng đau mắt nào cũng là trường hợp cấp cứu. Gần như lúc nào cũng vậy, điều trị đau mắt đúng cách là phải ngay lập tức lên lịch khám mắt với chuyên gia chăm sóc mắt gần nơi bạn ở. Chỉ chuyên gia chăm sóc mắt mới có thể xác định chính xác nguyên nhân gây đau mắt và kê phương pháp điều trị chính xác để phòng ngừa tổn thương mắt và có thể là mất thị lực vĩnh viễn.

Đặc biệt, hãy thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt ngay lập tức nếu bạn có mắt bị đau và:

  • Tình trạng đau xảy ra ngay sau khi nghiền kim loại, cưa gỗ hoặc các hoạt động khác có thể gây ra tổn thương do dị vật [đặc biệt nếu bạn đang không đeo kính an toàn hoặc mắt kính bảo hộ].

  • Tình trạng đau do tổn thương mắt.

  • Tình trạng đau nặng và kèm mắt mờ và/hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

  • Gần đây bạn phẫu thuật mắt, gồm cả LASIK [phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng tia laser] và phẫu thuật đục thủy tinh thể.

  • Bạn bị đỏ mắt và tiết dịch mắt.

  • Tình trạng đau nặng, xảy ra đột ngột, và bạn có tiền sử bệnh tăng nhãn áp. Đây có thể là dấu hiệu của một cơn cấp tính của một dạng bệnh tăng nhãn áp ít phổ biến hơn, đó là bệnh tăng nhãn áp góc đóng, bệnh này có thể gây mất thị lực nhanh chóng và là một trường hợp cấp cứu y tế.

Khi bị đau mắt, đừng mạo hiểm — hãy thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt càng sớm càng tốt để xác định đúng nguyên nhân gây đau và được điều trị đau mắt đúng cách.

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐI KIỂM TRA MẮT? Tìm chuyên gia chăm sóc mắt gần chỗ bạn ở.

Trang được xuất bản trong Tháng 8 2021

Trang được cập nhật trong Tháng 8 2021

Khi bạn làm việc với máy tính trong một thời gian dài hoặc mắc một số bệnh lý về mắt, đôi mắt của bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, căng tức, thậm chí nhìn mờ, chảy nước mắt. Vậy mắt căng tức, khó chịu, phải làm sao? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số gợi ý cho bạn.

1. Những nguyên nhân gây ra tình trạng mắt căng tức, khó chịu

Những thiết bị điện tử chẳng hạn như tivi, điện thoại, máy tính,… ngày càng hiện đại, thông minh và có thể hỗ trợ con người rất nhiều trong công việc cũng như sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, cũng chính vì phải tiếp xúc quá nhiều với những thiết bị này mà sức khỏe của chúng ta cũng gặp phải những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là tình trạng nhức mỏi mắt.

Sử dụng thiết bị điện tử nhiều gây nhức mỏi mắt

Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng đau nhức, mỏi mắt:

Hội chứng thị giác màn hình

Khi chúng ta làm việc quá lâu với máy tính, xem tivi hay lướt điện thoại trong nhiều giờ đồng hồ hoặc tiếp xúc nhiều với đèn LED, đèn huỳnh quang thì những ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử này sẽ khiến các tế bào võng mạc của mắt bị tổn thương. Từ đó, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn điều tiết mắt, làm chết tế bào thị giác và gây ra nguy cơ mù lòa.

Những trường hợp tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày và ít chớp mắt khi sử dụng, nhìn màn hình ở một khoảng cách quá gần, hoặc nhìn vào một thiết bị điện tử có ảnh sáng quá chói,… sẽ càng có nguy cơ cao khiến mắt dễ bị khô và nhức mỏi.

Do làm việc không khoa học

Những thói quen làm việc không khoa học cũng chính là nguyên nhân phổ biến làm ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt của bạn. Cụ thể như sau:

Có thể bạn là một người yêu sách, rất thích đọc sách. Nhưng hãy lưu ý rằng, việc bạn đọc sách liên tục trong nhiều giờ đồng hồ không hề tốt cho đôi mắt. Thói quen này khiến mắt thường xuyên phải làm việc mà không được nghỉ ngơi và dẫn tới nhức mỏi mắt.

Đọc sách trong điều kiện không đủ ánh sáng gây mỏi mắt

Đặc thù công việc là phải tập trung quan sát nhiều, chẳng hạn như những người lái xe đường dài,… cũng sẽ là một yếu tố nguy cơ khiến mắt thường xuyên mỏi, khó chịu.

Khi phải làm việc dưới luồng ánh sáng kém, ánh sáng mờ, bạn cũng rất dễ bị mỏi mắt.

Một trường hợp cũng rất dễ thấy trong cuộc sống hàng ngày đó là tình trạng mỏi mắt do mất ngủ, ngủ không đủ giấc.

Do tác động từ môi trường:

Những người phải thường xuyên làm việc trong môi trường máy điều hòa, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, môi trường nắng nóng, phải tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, thậm chí là môi trường có chứa nhiều chất độc hại,… sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, trong đó bao gồm tình trạng khô mắt, nhức mỏi mắt,…

Tuổi tác:

Khi chúng ta già đi, các cơ quan trong cơ thể sẽ xảy ra tình trạng lão hóa theo tuổi tác và đôi mắt cũng vậy. Tuổi càng cao thì chúng ta càng có nguy cơ gặp phải những vấn đề về mắt, nhất là chứng khô mắt, nhức mỏi mắt.

Thiếu ngủ cũng dẫn đến mỏi mắt

Một số bệnh về mắt

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, rất nhiều người cũng bị đau nhức mỏi mắt do một số bệnh lý. Trong đó, phổ biến nhất là rối loạn điều tiết ở người bị tật khúc xạ, đục thủy tinh thể căng phồng, bệnh tăng nhãn áp hay bệnh khô mắt,…

Những trường hợp đục thủy tinh thể thông thường sẽ không có hiện tượng đau tức mắt, nhưng nếu là đục thủy tinh thể căng phồng bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng đau nhức mắt và còn kèm theo một số biểu hiện khác như nhìn mờ, đau nửa đầu, buồn nôn,…

Tăng nhãn áp: Tình trạng tăng nhãn áp khiến mắt bị căng tức và nhìn không rõ.

Khô mắt: Một số triệu chứng cho thấy bạn đã mắc phải tình trạng khô mắt là mắt cộm xốn kèm theo cảm giác căng tức, khô rát ở mắt.

2. Mắt căng tức, khó chịu, phải làm sao?

Tùy theo mỗi nguyên nhân gây ra tình trạng căng tức và khó chịu ở mắt, chúng ta sẽ có những phương pháp khắc phục khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất:

- Nếu những vấn đề ở mắt là do thói quen sinh hoạt không hợp lý hoặc do đặc thù công việc, thì cách khắc phục như sau:

Nên hạn chế sử dụng liên tục các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại, máy tính, tivi,… trong nhiều giờ đồng hồ. Đặc biệt chỉ nên sử dụng cách 2 tiếng trước khi đi ngủ.

Nên đi khám nếu có dấu hiệu bất thường ở mắt

Trong trường hợp bạn bắt buộc phải tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử do đặc thù công việc, bạn cần điều chỉnh thói quen để bảo vệ đôi mắt. Chẳng hạn như, chớp mắt nhiều hơn để mắt đỡ bị khô, cứ sau khoảng 20 phút làm việc, bạn nên để mắt được nghỉ ngơi trong khoảng 20 giây. Bên cạnh đó bạn cũng nên vệ sinh màn hình máy tính, màn hình điện thoại để tránh việc bụi bẩn có thể gây giảm độ tương phản và khiến cho bạn dễ bị chói mắt.

Cần đảm bảo một lượng ánh sáng đủ cho mắt hoạt động khi đọc sách hoặc xem tivi.

Không dụi mắt để tránh gây xước giác mạc, khiến vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho mắt.

Khi ra ngoài bạn nên đeo kính để khói, bụi bẩn, ô nhiễm và bức xạ mặt trời không làm ảnh hưởng đến mắt.

Nên có chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất và bổ sung những loại vitamin A, C, E và chất kẽm để tăng cường sức khỏe cho đôi mắt của bạn.

Giảm cảm giác khó chịu cho mắt bằng cách mát xa vùng mắt theo chiều kim đồng hồ trong vòng từ 2 đến 3 phút, đắp khăn lạnh hoặc túi trà đã qua sử dụng để thư giãn cho mắt.

Nên đi khám mắt định kỳ hoặc đi khám sớm nếu bạn có biểu hiện bất thường.

Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi: “Mắt căng tức, khó chịu, phải làm sao”. Nếu bạn thắc mắc hoặc cần một địa chỉ thăm khám, điều trị uy tín, bạn có thể gọi đến Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.

Đây là một địa chỉ tin cậy mà bạn có thể lựa chọn để thăm khám, điều trị mắt cho cả trẻ em, người lớn và người cao tuổi với một số phương pháp chẩn đoán bệnh như khám mắt tổng quát, kiểm tra tật khúc xạ, siêu âm, phẫu thuật mắt,… Với những thiết bị máy móc khám chữa bệnh hiện đại nhất, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và chất lượng phục vụ chuyên nghiệp, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hài lòng khi trải nghiệm dịch vụ y tế tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Video liên quan

Chủ Đề