Vì sao hạn hán kéo dài

[TN&MT] - Nắng nóng gay gắt kéo dài suốt hơn 1 tháng qua khiến cho tình trạng hạn hán ở Thanh Hóa đang trở nên nghiêm trọng. Nguồn nước tưới khan hiếm, cạn kiệt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hàng nghìn hecta lúa của người dân xứ Thanh đang phải “sống leo lắt” trong cơn nắng hạn.

Những hình ảnh khô hạn, mặt đất nứt nẻ đang là tình trạng chung trên các cánh đồng lúa tỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tổng số 116.000 ha lúa dự kiến được gieo trồng vào vụ mùa năm nay thì có tới 9.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi đợt hạn, hơn 5.000 ha chưa thể gieo cấy do thiếu nước. Đây là tình trạng khô hạn chung, thiếu nước nghiêm trọng đang xảy ra tại khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Nông Cống, Như Thanh, Quảng Xương, Như Xuân, Thạch Thành, Yên Định, TP. Sầm Sơn, TX. Nghi Sơn…

Người dân lo lắng về tình trạng hạn hán kéo dài

Thực tế cho thấy, hàng nghìn nông dân xứ Thanh đang phải đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Không giấu nổi sự lo lắng, ông Mai Văn Khải [thôn 4, xã Trung Chính, huyện Nông Cống] chia sẻ: “Gắn bó với cây lúa nước hàng chục năm qua, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài như vậy. Gọi là “lúa nước” thế nhưng các chú nhìn xem, ruộng đất khô cằn không có lấy một giọt nước. Nếu 5-7 ngày nữa không có mưa thì cây lúa chắc chắn sẽ không sống được, chỉ mong sao sớm có mưa để chấm dứt tình trạng khô hạn này”.

Mặt đất nứt toác do thiếu nước

Anh Nguyễn Hữu Tuân [thôn Thanh Sơn, xã Trung Chính, huyện Nông Cống] có hơn 3,5ha trồng lúa đang bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán lần này. Nhìn về phía cánh đồng lúa khô cằn mới gieo khoảng 1 tháng, anh Tuân ngao ngán than phiền: Kinh tế gia đình trông chờ cả vào từng ấy mẫu ruộng, thế nhưng năm nay nắng nóng kéo dài khiến cho các kênh tưới không có nước, ruộng lúa hầu hết đều trong tình trạng khô cằn, mặt đất nứt toác. Để đối phó với đợt hạn này tôi đã phải thuê máy bơm dã chiến, bơm nước từ kênh tưới với chi phí lên tới 500.000-700.000đ /ngày. Tuy nhiên biện pháp này sẽ “không ăn thua” nếu như thời tiết vẫn cứ tiếp diễn như vậy, nguy cơ trắng tay, mất mùa là rất cao.

Hiện nay, trong tổng số hơn 10.000ha lúa của huyện Nông Cống hiện mới gieo cấy được 9.000ha. Còn lại hơn 1.000ha vẫn chưa thể gieo cấy do hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn. Riêng đối với xã Trung Chính gieo cấy hơn 400ha lúa vụ mùa, nhưng do hơn 1 tháng nay không có mưa, nắng nóng gay gắt kéo dài nên đến nay hơn 50% diện tích lúa gieo cấy trong tình trạng khô nẻ, thiếu nước.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng thôn Thanh Sơn, xã Trung Chính cho biết: Toàn thôn Thanh Sơn có khoảng 65 ha đất trồng lúa, nhưng có tới 35 ha là bị ảnh hưởng lớn bởi đợt hạn hán kéo dài lần này. Tuy nhiên khoảng 2 ngày nay, chính quyền địa phương cùng người dân đã huy động bơm dã chiến, túc trực liên tục, trước mắt đã hỗ trợ giảm đi phần nào tình trạng thiếu nước khu vực ruộng lúa.

 Sử dụng bơm dã chiến bơm nước tới các ruộng chỉ là biện pháp tạm thời

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Xã Trung Chính là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán trên địa bàn huyện trong suốt 10 năm qua. UBND huyện Nông Cống đã yêu cầu UBND xã Trung Chính thực hiện các biện pháp cung ứng nước cho bà con chủ yếu bằng bơm dã chiến lấy nước từ các ao, hồ, kênh với phương châm “Hạn hán tới đâu, bơm tới đó”. Đến nay, tình hình hạn hán và thiếu nước phục vụ nông nghiệp đang dần được khắc phục”.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 214/610 hồ đập nhỏ mực nước xuống dưới mực nước chết. Có 131 hồ chứa nước ở các huyện miền núi, như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh... đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, 15 hồ chứa không được tích nước, 116 hồ chỉ tích một phần nước. Riêng 3 hồ chứa nước lớn là hồ chứa nước Cửa Đạt [Thường Xuân], hồ Sông Mực [Như Thanh] và hồ Yên Mỹ [Nông Cống] có mực nước thấp hơn so với mực nước thiết kế lần lượt là: 34,62m, 5,46m và 5,04m. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa yêu cầu các địa phương trong tỉnh phối hợp với các nhà máy thủy điện theo dõi chặt chẽ mực nước sông Mã, chủ động bơm tưới, dự trữ nước tối đa phục vụ chống hạn. Đồng thời, thống kê, khoanh vùng các diện tích không thể gieo cấy do nắng hạn để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Hạn hán xảy ra chủ yếu do 2 nguyên nhân sau:

1. Nguyên nhân khách quan:

- Mưa rất ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn.

- Lượng mưa trong khoảng thời gian dài đáng kể thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trên hầu khắp các vùng, kể cả vùng mưa nhiều.

- Mưa không ít lắm, nhưng trong một thời gian nhất định trước đó không mưa hoặc mưa chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của sản xuất và môi trường xung quanh. Đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khí hậu gió mùa, có sự khác biệt rõ rệt về mưa giữa mùa mưa và mùa khô.

2. Nguyên nhân chủ quan:

- Do tình trạng phá rừng bừa bãi làm suy giảm nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước.

- Do việc quy hoạch phát triển nông nghiệp và thủy sản không phù hợp, dẫn đến sử dụng nước quá nhiều làm cạn kiệt nguồn nước.

- Do không đủ nguồn nước và thiếu những biện pháp cần thiết để phát triển và bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng của sự phát triển kinh tế-xã hội. 

Ảnh minh họa – Khoa Điềm

Hạn hán là gì ?

Hạn là một hiện tượng tự nhiên được coi là thiên tai, tạo thành bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa trong thời gian kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo dịch bệnh... nếu xắp xếp theo thứ tự gây thiệt hại về tài sản và sinh mạng trên toàn cầu thì hạn hán đứng thứ 4 sau lũ lụt, động đất và bão. Riêng đối với khu vực Tây Nguyên, hạn hán là thiên tai gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới đời sống, sản xuất.

Nguyên nhân gây ra hạn hán

Do khí hậu thời tiết bất thường gây nên lượng mưa thiếu hụt thường xuyên kéo dài hoặc nhất thời thiếu hụt

Mưa rất ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn. Lượng mưa trong khoảng thời gian dài đáng kể thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trên hầu khắp các vùng, kể cả vùng mưa nhiều.

Mưa không ít lắm, nhưng trong một thời gian nhất định trước đó không mưa hoặc mưa chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của sản xuất và môi trường xung quanh. Đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khí hậu gió mùa, có sự khác biệt rõ rệt về mưa giữa mùa mưa và mùa khô.

Cháy rừng-Ảnh V.Nhiên.

Do con người gây ra:

Trước hết là do tình trạng phá rừng bừa bãi làm giảm khả năng điều tiết nước mặt, hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước [như lúa] làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước; thêm vào đó công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng... Vùng cần nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ, còn vùng thiếu nước [nguồn nước tự nhiên] lại bố trí xây dựng công trình lớn. Cạnh đó, chất lượng thiết kế, thi công công trình chưa được hiện đại hóa và không phù hợp. Thêm nữa, hạn hán thiếu nước trong mùa khô cạn là do không đủ nguồn nước và thiếu những biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng do sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, các vùng chưa có quy hoạch hợp lý hoặc quy hoạch phát triển không phù hợp với mức độ phát triển nguồn nước, không hài hòa với tự nhiên, môi trường vốn vẫn tồn tại lâu nay. Mức độ nghiêm trọng của hạn hán thiếu nước càng tăng cao do nguồn nước dễ bị tổn thương, suy thoái lại chịu tác động mạnh của con người.

Tác hại của hạn hán

Hạn hán có tác động to lớn đến môi trường, kinh tế, chính trị xã hội và sức khỏe con người. Hạn hán là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bệnh tật thậm chí là chiến tranh do xung đột nguồn nước.

Hạn hán tác động đến môi trường như hủy hoại các loài thực vật, các loài động vật, quần cư hoang dã, làm giảm chất lượng không khí, nước, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, xói lở đất. Các tác động này có thể kéo dài và không khôi phục được.

Hạn hán tác động đến kinh tế xã hội như giảm năng suất cây trồng, giảm diện tích gieo trồng, giảm sản lượng cây trồng, chủ yếu là sản lượng cây lương thực. Tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, giảm thu nhập của lao động nông nghiệp. Tăng giá thành và giá cả các lương thực. Giảm tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi. Các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành.

Hạn hán có đặc điểm là hình thành chậm, thời gian ảnh hưởng kéo dài, có tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực bao gồm đời sống sinh hoạt, sản xuất, môi trường,vv. Ở Tây Nguyên hầu như năm nào cũng bị hạn hán đe dọa. Năm bình thường hoặc có mưa khá thì Tây Nguyên cũng phải chịu vài, ba tháng khô hạn [thường là từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 4] với trên 2/3 số vùng ảnh hưởng nắng hạn và thiếu nước. Đây là thời kỳ mà độ ẩm không khí, lượng mưa và lượng dòng chảy đạt thấp nhất trong năm và cũng là thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Với đặc thù là lượng mưa năm có sự biến động khá lớn quanh trị trung bình [năm mưa nhiều có thể có lượng lớn gấp đôi năm mưa ít], và lượng dòng chảy trong sông suối lại phụ thuộc chủ yếu vào mưa nên những năm mưa ít thì tình trạng hạn và thiếu nước trong mùa khô liền kề diễn ra rất gay gắt. Tần suất xuất hiện những năm hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên vượt 20% tức khoảng 5 năm lại có một năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Đập cạn nước-Ảnh VP

Dự báo hạn

Khác với các thiên tai khác, hạn phát triển chậm và thường chỉ được phát hiện khi con người đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hạn. Cho đến nay các nhà khoa học đã phác họa được một số căn cứ khoa học quan trọng giúp ích cho dự báo hạn như:

Tương tác đại dương khí quyển và hiện tượng Elnino. Các Elnino và Lanina xảy ra ở vùng xích đạo nhiệt đới Thái Bình Dương có quan hệ chặt chẽ với sự tăng hay giảm mạnh mẽ lượng mưa ở các khu vực xung quanh Thái Bình Dương, đặc biệt đối với những khu vực thuộc nhiệt đới. Ở nước ta hiệu ứng Elnino có xu hướng tăng cường khả năng hạn hán trên một số khu vực, trong đó khu vực Tây nguyên có mức độ ảnh hưởng rõ nét nhất.

Áp cao phó nhiệt đới Thái Bình Dương: Sự khống chế của hệ thống áp cao gắn liền với thời kỳ ít mưa. Đối với những khu vực nhất định, hạn hán hình thành và kéo dài khi áp cao Thái Bình Dương phát triển trên phần lớn đại dương nhiệt đới. Người ta bắt đầu xây dựng và đưa vào thử nghiệm một số mô hình dự báo thời tiết hạn dài, cảnh báo hạn hán dựa trên quá trình vận động của các trung tâm khí áp, trong đó có áp cao phó nhiệt đới Thái Bình Dương.

Phòng chống hạn

Mặc dù hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả. Chúng ta cần phải sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông. Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng.

Nguyễn Văn Huy

Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum

Video liên quan

Chủ Đề