Tư trang cá nhân là gì

Luật HNGĐ năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, trên cơ sở tiếp thu quy định Luật HNGĐ năm 2000, Luật HNGĐ năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế định tài sản riêng của vợ, chồng, sự thay đổi này có ý nghĩa to lớn trong việc điều chỉnh quan hệ HN&GĐ trong điều kiện mới, hạn chế những bất cập, vướng mắc tồn tại thời gian qua trong quá trình áp dụng, cụ thể:

I. Về căn cứ xác định tài sản riêng

Nhìn từ góc độ so sánh với Luật HNGĐ năm 2000, có thể thấy căn cứ xác định tài sản riêng của vợ, chồng trong Luật HNGĐ năm 2014 có những điểm mới sau:

- Thứ nhất, Luật HNGĐ năm 2014 đã bỏ căn cứ xác định tài sản riêng của vợ, chồng là đồ dùng, tư trang cá nhân. Điều này xuất phát từ nhu cầu giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật đối với căn cứ không phù hợp nêu trên. Bởi vì, theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 thì cứ hãy là dồ dùng tư trang cá nhân là thuộc tài sản riêng của vợ, chồng mà không có quy định nào hạn chế giá trị tài sản, không quy định loại tài sản nào được xem là đồ dùng, tư trang cá nhân thuộc sở hữu riêng; đồng thời pháp luật cũng không xem xét nguồn gốc hình thành đồ dùng tư trang là từ tài sản chung hay riêng. Do đó, có thể hiểu người nào [vợ hoặc chồng] quản lý, sử dụng tài sản đó sẽ được xác định là tài sản riêng của người đó. Với quy định như vậy rõ ràng là không phù hợp, vô tình đã tạo khe hở cho vợ hoặc chồng chuyển dịch trái phép tài sản chung sang tài sản riêng, gây thiệt hại cho bên còn lại.

Ngoài ra, xuất phát từ văn hóa truyền thống của người Việt trong việc tặng, cho con cái các loại tư trang vào ngày cưới, văn hóa cất giữ tiền bạc thông qua các loại tư trang; vì vậy, thiết nghĩ các món trang sức trong trường hợp này được ghi nhận như một sự tích lũy của cải vật chất của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, mang thuộc tính tiền tệ, như một phương thức cất giữ, tiết kiệm tài sản chung của gia đình. Do đó, việc pháp luật HNGĐ bỏ căn cứ nêu trên là hoàn toàn phù hợp, tiến bộ.

- Thứ hai, Luật HNGĐ năm 2014 xác định cụ thể khối tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Luật HNGĐ năm 2000, vừa đưa ra nhưng căn cứ xác định tài sản chung, vừa đưa ra những căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng. Quy định như vậy về cơ bản thật sự rõ ràng cho việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, thực tế giải quyết tranh chấp vẫn xảy ra trường hợp những tài sản mập mờ chưa được xác định là tài sản riêng hay tài sản chung bởi nó không thuộc quy định tài Điều 27 hay Điều 32 Luật HNGĐ năm 2000 và loại tài sản trên được pháp luật HNGĐ năm 2014 xác định cụ thể là loại tài sản riêng là một minh chứng. Do đó, việc Luật HNGĐ năm 2014, xác định tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng là tài sản riêng của vợ chồng là sự tiến bộ, đảm bảo quyền tài sản riêng của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho qua trình áp dụng pháp luật.

- Thứ ba, Luật HNGĐ năm 2014, đưa ra căn cứ xác định tài sản riêng còn là các tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Sở dĩ, pháp luật quy định nhóm tài sản này thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng là dựa vào đặc điểm cũng như công dụng của nó. Đảm bảo được quyền tự do cá nhân với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, như thế nào là thiết yếu thì đây lại là vấn đề cần xem xét. Đối với những người, những gia đình với mức sống khác nhau thì khái niệm đồ dùng thiết yếu sẽ là không giống nhau. Ví dụ đối với một người, gia đình này thì chỉ các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như giày dép, mũ, áolà đồ dùng thiết yếu nhưng đối với những người khác, gia đình khác lại xem máy tính cá nhân, xe máyhay các vật dụng có giá trị khác là tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của bản thân. Việc pháp luật quy định như vậy phải chăng tạo nên sự linh hoạt, linh động và đồng thời trao quyền tài phán cho cơ quan Tòa án trong việc xem xét giải quyết dựa trên hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng gia đình khi phát sinh tranh chấp .

- Thứ tư, tài sản riêng của vợ chồng còn là các loại tài sản mà theo quy định của pháp luật là tài sản riêng của vợ chồng. Quy định này, tưởng chừng chỉ là căn cứ để dự liệu cho các trường hợp pháp luật chưa dự liệu hết nhưng thực tế nó có ý nghĩa rất lớn trong quá trình nhận thức và là cơ sở pháp lý vững chắc trong áp dụng pháp luật - điều mà Luật HNGĐ năm 2000 chưa thể hiện. Cụ thể, với quy định như vậy giúp dẫn chiếu áp dụng các quy định của pháp luật khác xác định cụ thể các loại tài sản đặc biệt thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, Ví dụ như Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004, xác định tài sản mà người có công cách mạng được nhận trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của người đó. Hay dẫn chiếu xác định tài sản riêng của vợ, chồng dựa vào thỏa thuận chế độ tài sản chung sống.

- Thứ năm, Luật HNGĐ năm 2014, quy định tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng của mỗi bên theo thỏa thuận về chế độ tài sản được lập trước khi kết hôn là tài sản riêng của mỗi người.Có thể nói, đây là bước đột phá lớn trong việc quy định chế độ tài sản của vợ chồng, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tự thỏa thuận và định đoạt của pháp luật dân sự; đảm bảo phù hợp với tình hình mới trong quan hệ hôn nhân với nhu cầu ngày càng cao trong việc chủ động đầu tư, sản xuất kinh doanh để phát triển tài sản của bản thân và gia đình; và đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu cho việc phân định và bảo vệ tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng trong điều kiện mà khối tài sản có trước hôn nhân của các cặp vợ chồng ngày càng tăng. Ngoài ra, để đảm bảo giữ vững tính cộng đồng của hôn nhân, để đảm bảo cho lợi ích chung của gia đình, của con cái, Luật HNGĐ năm 2014 đã đưa ra những nguyên tắc, những điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận; đồng thời giao cho Tòa án tối cao tiếp tục hoàn thiện các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận.

II. Về chế độ pháp lý đối với tài sản riêng

Quyền định đoạt tài sản riêng dưới góc độ Luật HNGĐ năm 2014 chỉ bao gồm các vấn đề mang tính chất đặc trưng trong quan hệ hôn nhân như vấn đề nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung, vấn đề hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản riêng. Luật đã quy định hình thức thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo sự thỏa thuận của hai bên vợ, chồng. Đồng thời, quy định thỏa thuận về việc nhập các loại tài sản mà pháp luật bắt buộc về hình thức thì thỏa thuận phải tuân theo hình thức đó điều mà chưa được Luật hóa trong Luật HNGĐ năm 2000. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp, dễ áp dụng, tránh chồng chéo và khắc phục bất cập của Điều 13 Nghị Định 70/2001 hướng dẫn áp dụng Luật HNGĐ năm 2000, khi sử dụng phương pháp liệt kê và đưa thuật ngữ mang tính chất định tính tài sản có giá trị lớn làm căn cứ xác định nghĩa vụ tuân theo hình thức thỏa thuận luật định.

Ngoài ra, Luật HNGĐ năm 2014 cũng bỏ quy định theo khoản 4 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2000:Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứngĐiều này là phù hợp, bởi lẽ quy định như trên là chưa thật sự rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng. Việc sử dụng cụm từ cũng được trong quy phạm pháp luật nêu trên đặt ra câu hỏi, việc đưa tài sản vào sử dụng chung trong gia đình là quyền hay nghĩa vụ của người có tài sản riêng? Nếu là nghĩa vụ thì họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý gì từ việc không tuân thủ quy định của pháp luật? Và một bên vợ hoặc chồng có thể sử dụng biện pháp gì để yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ luật định? Còn nếu đây được xem là quyền của bên có tài sản riêng thì thật sự quy định này không có tính khả thi và ý nghĩa của điều luật là không có. Ngoài ra, một vấn đề khác được đặt ra ở đây là trường hợp cả vợ và chồng đều có tài sản riêng thì tỷ lệ đống góp là bao nhiêu, căn cứ vào yếu tố nào để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phân định?

Hơn nữa, việc quy định trên không tồn tại trong Luật HNGĐ năm 2014 xuất phát từ thực tế tình trạng tài sản riêng của vợ, chồng thường chỉ phát sinh ở các cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế, khối tài sản chung đều có thể đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Còn trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản chung sống là tài sản riêng thì Luật HNGĐ cũng đã quy định nội dung của thỏa thuận phải bao gồm những tài sản sử dụng chung cho gia đình [Điểm b, Khoản 1 Điều 48 Luật HNGĐ năm 2014].

III. Về xác định nghĩa vụ riêng của vợ, chồng về tài sản.

Về nguyên tắc sản nghiệp của một người bao gồm tích sản và tiêu sản. Tích sản phải gánh chịu tiêu sản. Do đó, Luật HNGĐ năm 2000 quy định nghĩa vụ về tài sản riêng của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó. Tuy nhiên, luật lại không xác định cụ thể nghĩa vụ nào được coi là nghĩa vụ riêng của vợ, chồng. Điều này gây ra khó khăn và vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Bởi vì, chỉ khi xác định chính xác vấn đề này mới có thể xác định nghĩa vụ bảo đảm tương ứng. Do đó, khắc phục thiếu sót của Luật HNGĐ năm 2000, Luật HNGĐ năm 2014 đã dành riêng một điều luật [Điều 45] để liệt kê tất cả các loại nghĩa vụ được xem là nghĩa vụ riêng của vợ, chồng về tài sản.

Phan Vạn Quốc - Viện KSND huyện Vân Canh

Video liên quan

Chủ Đề