Tin biển đông ngày 22 tháng 8 năm 2023

[Tuần từ 18/7 – 30/8/2022]

Thực hiện: Đinh Tùng Lâm, Lưu Việt Hà, Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Ngô Trung Hiếu, Nguyễn Huy Hoàng

Biên tập:      Nguyễn Nhật Minh

Tư liệu:        South China Sea News

Tuyến tàu vận tải đầu tiên nối Thiềm Tây [Trung Quốc] với Việt Nam, cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hiện diện tại thị trường ASEAN. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần 4 có những nội dung sau:

I- CHUYỂN ĐỘNG VIỆT NAM VÀ ASEAN

II- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

III- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

—————

PHẦN 4: CHUYỂN ĐỘNG ASEAN [18/7 – 30/8/2022]

I- CHUYỂN ĐỘNG VIỆT NAM VÀ ASEAN

Đại sứ Nga tại Indonesia: Các cuộc đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do EAEU – Indonesia có thể bắt đầu vào cuối năm nay

Theo Tờ Sputnik, Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobieva cho biết cuộc đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á – Âu [EAEU] và Indonesia đang trên đà khởi động. Bà Đại sứ lưu ý thêm rằng thương mại giữa Nga và Indonesia đang tăng trưởng ổn định và Indonesia “rất quan tâm” đến việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nga, nên việc Jakarta tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Moscow chắc chắn không xảy ra.

Xem thêm:

UrduPoint ngày 19/7/2022: EAEU-Indonesia Talks On Free Trade Zone May Kick Off By End Of Year – Russian Ambassador 

Trung Quốc thúc đẩy dự án nhà máy thủy điện lớn nhất Indonesia

Cơ sở 17 tỷ đô la cuối cùng đang được xây dựng như một phần của Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Dự án trị giá 17 tỷ USD là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, được thực hiện bởi một chi nhánh địa phương của Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc [PowerChina] ở phần đảo Borneo của Indonesia, với kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp xanh trong khu vực. Dự án Kayan Cascade cuối cùng sẽ bao gồm 5 đập với tổng công suất phát điện là 9 gigawatt, trở thành nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á và dự kiến hoàn thành và hoạt động vào năm 2035.

​​Xem thêm: 

Nikkei Asia ngày 31/8/2022: China pushes ahead with Indonesia’s largest hydro-plant project. Một bản PDF được lưu ở đây.

Quốc hội Indonesia phê chuẩn việc Indonesia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

Quốc hội Indonesia hôm thứ Ba ngày 31/8/2022 đã thông qua luật chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực [RCEP] do Trung Quốc hậu thuẫn, là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết thỏa thuận này sẽ giúp Jakarta “gây bão trên thị trường quốc tế”. RCEP, mà Hoa Kỳ không tham gia, chiếm khoảng một phần ba thương mại thế giới và loại bỏ 90% thuế quan giữa các thành viên. Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này sẽ làm tăng khả năng của Trung Quốc trong việc tác động đến các quy tắc và chính sách liên quan đến thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Reuters ngày 31/8/2022: Indonesia parliament approves membership of China-backed regional trade deal 

Antara News ngày 16/8/2022: Advancing Indonesia’s five big agendas 

Indonesia hợp tác với Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia

Một đoàn xe lửa đầu tiên do Trung Quốc sản xuất cho tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Indonesia đã cập cảng Jakarta vào thứ Sáu. Tuyến đường sắt dài 142,3 km [88,4 dặm] trị giá 5,5 tỷ USD đang được xây dựng bởi PT Kereta Cepat Indonesia-Trung Quốc, một liên doanh giữa một tập đoàn gồm bốn công ty nhà nước của Indonesia và Công ty TNHH Đường sắt Quốc tế Trung Quốc. Tuyến đường sắt nối Jakarta và Bandung, một thành phố ở tỉnh Tây Java, dự kiến sẽ cắt giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố từ ba giờ hiện tại xuống còn khoảng 40 phút. với đoàn tàu hoả được liên doanh tuyên bố rằng chạy nhanh nhất Đông Nam Á. Dự án này là một phần của sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Xem thêm: 

AP News ngày 02/9/2022: First Chinese-made high-speed train cars arrive in Indonesia 

The Conversation ngày 26/8/2022: Jakarta-Bandung High-Speed Railway: Looking at the roles of Luhut, Rini Soemarno and Ridwan Kamil in securing China-Indonesia relationship 

Hoa Kỳ và Indonesia đồng ý tăng cường triển khai năng lượng tái tạo

Hoa Kỳ và Indonesia đã đạt được thỏa thuận về một khuôn khổ để đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong thập kỷ này sau cuộc họp giữa Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry và Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan vào hôm thứ Năm ngày 01/9/2022. Kerry và Luhut đã thảo luận về tính cấp thiết của việc khử cacbon trong các hệ thống năng lượng bằng cách đẩy nhanh sự chuyển dịch từ than đá sang sản xuất điện tái tạo đồng thời tăng cường nỗ lực tiếp cận năng lượng phổ cập, giá cả phải chăng và đáng tin cậy. Thoả thuận được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản và các nước đồng minh khác đã huy động nguồn tài chính đáng kể từ khu vực công và tư để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Indonesia. 

Xem thêm: 

The Jakarta Post ngày 05/9/2022: US, Indonesia agree to enhance renewable energy deployment – Americas.  Một bản PDF được lưu ở đây.

Lực lượng phòng vệ Indonesia muốn tăng cường trao đổi thông tin hàng hải với EU

Lực lượng Phòng vệ Indonesia [TNI] đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Liên minh châu Âu [EU] thông qua trao đổi thông tin hàng hải trên nền tảng Chia sẻ Thông tin Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương [IORIS]. Tổng Tư lệnh TNI Andika Perkasa cho biết Cố vấn quân sự EU, Đại tá Sylvain Louvet đã chuẩn bị các tài liệu để thảo luận về CRIMARIO và ông sẽ mời tất cả những ai có liên quan. CRIMARIO là một dự án do EU tài trợ sử dụng nền tảng IORIS để chia sẻ thông tin hàng hải, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trao đổi thông tin hàng hải được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho an ninh và quốc phòng của Indonesia.

Xem thêm:

Antara ngày 18/8/2022: TNI seeks to strengthen maritime information exchange with EU 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Chính quyền Marcos tăng cường tuần tra ở Biển Đông

Theo Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Jose Faustino, nước này chuẩn bị triển khai thêm tàu ​​tuần duyên để bảo vệ ngư dân khỏi bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông, và Philippines phải bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” quốc gia trước sự xâm phạm của Trung Quốc.

Ông Faustino cho biết thêm, chính quyền Marcos muốn giải quyết hòa bình xung đột trên biển, nhưng cũng ủng hộ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” tại khu vực Biển Đông có tranh chấp.

Xem thêm:

RFA ngày 21/7/2022: Philippines Defense chief: Marcos administration to boost patrols in South China Sea

Bộ Giao thông Vận tải Philippines: ODA Trung Quốc vẫn là lựa chọn tốt nhất cho 3 dự án đường sắt

Bộ Giao thông Vận tải [DoTr] Philippines coi viện trợ phát triển chính thức [ODA] của Trung Quốc là “lựa chọn tốt nhất” cho ba dự án đường sắt lớn của Philippines, dù họ không đóng cửa với các nhà tài trợ khác, Thứ trưởng của Bộ Cesar B. Chavez cho biết trong một lần xuất hiện trên chương trình One News PH’s Agenda hôm thứ Ba ngày 17/8/2022. Ông cho biết một số hợp đồng đã được trao cho các nhà thầu Trung Quốc và “họ thường không làm việc với các nhà thầu từ các nhà tài trợ khác.”

Chavez lưu ý rằng Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á hiện đang cam kết thực hiện các dự án đường sắt của riêng họ ở Philippines.

Xem thêm:

Business World ngày 17/8/2022: China ODA best option for 3 railway projects, DoTr says

Business World ngày 15/8/2022: Philippines, China agree to resume negotiations on 3 major railway projects 

The Philippine Daily Inquirer ngày 16/7/2022: PH scraps China loan deals for Duterte rail projects 

South China Morning Post ngày 16/8/2022: Philippines considers pivot to Japan to help finance railway projects, after funding shortfall stalls China deals. Một bản PDF được lưu ở đây.

Asia Times ngày 22/8/2022: Philippines sees China as ‘best option’ for 3 rail projects 

Tổng thống Philippines muốn mở rộng quan hệ kinh tế, tìm hiểu khả năng tập trận chung với Hoa Kỳ trên Biển Đông

Điều trần trước Quốc hội, Đại sứ Jose Manuel Romualdez tại Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Marcos muốn tăng cường quan hệ kinh tế giữa Philippines với Hoa Kỳ để giúp đất nước phục hồi sau suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Marcos coi Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong các mối quan hệ kinh tế của Philippines,  mở rộng quan hệ kinh tế giữa Philippines và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Philippines và Hoa Kỳ đang thăm dò khả năng tổ chức các cuộc tập trận chung thường xuyên giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước ở Biển Tây Philippines để giúp bảo đảm biên giới của đất nước, Romualdez nói.

Xem thêm:

The Philippine Star ngày 01/9/2022: President Marcos eyes increased Philippines-US economic activity 

The Straits Times ngày 26/8/2022: After Duterte dissonance, Marcos set to pivot back to Washington 

Reuters ngày 22/8/2022: Philippines’ Marcos seeks record $94 billion budget for 2023 

Philippines có thể cho phép quân đội Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự của mình trong cuộc khủng hoảng Đài Loan

Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez cho biết Philippines sẽ cho phép các lực lượng của nước này sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình trong trường hợp xảy ra xung đột Đài Loan “nếu điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, đối với an ninh của chính chúng tôi.” Ông Romualdez là một người thân của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các chính sách an ninh và đối ngoại của nhà lãnh đạo mới.

Ông Romualdez cho biết Manila đang đàm phán với Washington để tăng số lượng các căn cứ quân sự của Philippines mà lực lượng Hoa Kỳ có thể sử dụng. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường song phương được ký kết vào năm 2014 cho phép Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự luân phiên tại 5 căn cứ của Philippines.

“Quân đội của chúng tôi và quân đội Hoa Kỳ đang xem xét những địa điểm khả thi,” Romualdez nói. Các căn cứ bổ sung có thể bao gồm một căn cứ hải quân, ông cho biết thêm.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 05/9/2022: Philippines may allow U.S. military access during Taiwan crisis. Một bản toàn văn được lưu ở đây.

Indonesia và Singapore là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của tân Tổng thống Philippines

Tổng thống mới của Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr đã gặp Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo tại Bogor, ngoại ô Jakarta vào thứ Hai ngày 05/9/2022 để thảo luận về an ninh khu vực và hợp tác kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Hai bên đã ký các Biên bản ghi nhớ và cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh “của các vùng biển ở khu vực biên giới.” Widodo cũng đề xuất khôi phục tuyến tàu Ro-Ro giữa Bitung và Davao và mở đường bay Manado-Davao để thúc đẩy thương mại ở các khu vực biên giới.

Điểm dừng chân tiếp theo của ông Marcos sẽ là Singapore nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 05/9/2022: Philippines’ Marcos meets Indonesia’s Jokowi in 1st state visit. Một bản toàn văn được lưu ở đây

INQUIRER.net ngày 02/9/2022: 1997 PH-Indonesia defense agreement to be renewed during Marcos’ state visit — DFA 

Thủ tướng tương lai của Singapore cảnh báo Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể “mộng du đi vào xung đột”

Trong một cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập Bloomberg John Micklethwait, Thủ tướng sắp tới của Singapore Lawrence Wong cho biết mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên một quỹ đạo “rất đáng lo ngại” sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự tiếp theo của Trung Quốc xung quanh Đảo.

“Chúng tôi bắt đầu thấy một loạt các quyết định được thực hiện bởi cả hai quốc gia sẽ đưa chúng tôi vào khu vực ngày càng nguy hiểm hơn. Như họ nói, không ai cố tình muốn gây ra một trận chiến, nhưng chúng ta vẫn có thể gây ra xung đột trong trạng thái mộng du,” Wong nói. “Và đó là vấn đề và mối nguy hiểm lớn nhất.”

Xem thêm:

Bloomberg ngày 16/8/2022: Singapore’s Next PM Lawrence Wong Warns US, China May ‘Sleepwalk Into Conflict’. Một bản PDF được lưu ở đây.

Think China ngày 15/8/2022: When a lack of US-China dialogue on Taiwan might lead to war 

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư để giúp Việt Nam sớm trở thành trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trong một cuộc họp với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào ngày 30/7/2022 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Việt Nam tham gia chuỗi giá trị. Điều này sẽ góp phần “đưa Việt Nam sớm trở thành trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu,” ông nói. Ông Chính cũng cho biết ưu tiên hàng đầu của Việt Nam tại thời điểm này là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chống suy thoái và phục hồi nền kinh tế.

Xem thêm:

VnExpress ngày 30/7/2022: Vietnam wants to soon become center of global value chain: PM

Nhiều nhà đầu tư Anh hướng tới Việt Nam để kiếm tiền từ các hiệp định thương mại tự do

Nhiều nhà đầu tư Anh đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam với hy vọng thu lợi từ các hiệp định thương mại tự do [FTA] mà Việt Nam đã ký kết với Anh và các nền kinh tế khác trên toàn thế giới.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 20/10/2021, Anh có 439 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD tại Việt Nam. Nhiều công ty lớn trong nhiều ngành như Dragon Capital, Standard Chartered, Diageo, Prudential, AstraZeneca, HSBC, Unilever và Jardines đã thành lập hoạt động tại Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một số lĩnh vực của nền kinh tế như tài chính, y tế, giáo dục, thời trang. và mỹ phẩm.

Hiện nay, bên cạnh các công ty lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh đang hưởng lợi đáng kể từ UKVFTA và 14 FTA khác mà Việt Nam đã ký kết với hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Xem thêm:

Vietnamnet ngày 19/8/2022: More British investors look at Vietnam to cash in on free trade agreements 

VOV ngày 16/8/2022: Vietnam, UK step up cooperation in digital and green transformation 

PetroVietnam đề xuất xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và dự trữ dầu quốc gia trị giá 19 tỷ USD

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ về việc đầu tư khu liên hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô và các sản phẩm dầu khí tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn.

Theo PetroVietnam, nhu cầu tiêu thụ xăng của thị trường trong nước sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025, sau đó lên 33 triệu tấn vào năm 2030 và tiếp tục tăng sau đó. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước hiện tại đáp ứng khoảng 70% nhu cầu các sản phẩm xăng dầu tại thời điểm hiện tại và sẽ giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.

Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các sản phẩm xăng dầu, ước tính khoảng 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên đến 49 triệu tấn vào năm 2045.

Xem thêm:

Vietnamnet ngày 18/8/2022: PetroVietnam proposes US$19 billion oil refinery complex and national oil reserve 

Thêm một tuyến tàu chở hàng mới từ Trung Quốc tới Việt Nam

Một chuyến tàu hàng từ cảng quốc tế Tây An đã rời đi Hà Nội hôm thứ Ba ngày 24/8/2022, thiết lập tuyến tàu hàng hóa Trung Quốc-Việt Nam đầu tiên nối Thiểm Tây và Việt Nam, theo Tân Hoa Xã.

Tuyến tàu hoả vận chuyển này giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ 20 xuống còn 8 ngày, cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại thị trường ASEAN.

Trước đó vào tháng 6, Trung Quốc đã khai trương các tuyến tàu vận chuyển hàng từ các thành phố Thành Đô và Trùng Khánh tới Hà Nội, được coi là những chuyến đầu tiên từ các khu vực phía Tây của Trung Quốc. Tuyến tàu Trùng Khánh-Hà Nội là một phần của Hành lang Thương mại Đường biển-Quốc tế Mới, một tuyến thương mại và logistics được phát triển bởi các tỉnh miền tây Trung Quốc và Singapore.  

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 24/8/2022: New freight train route links NW China’s Shaanxi with Vietnam

We Today ngày 03/6/2022: Trung Quốc ra mắt dịch vụ tàu chở hàng mới đến Việt Nam 

Đại sứ Malaysia tại Trung Quốc: Malaysia không thể tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc, dự kiến hội nhập chặt chẽ hơn

Theo tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc Global Times, đó là quan điểm mà ông Raja Dato ‘Nushirwan Zainal Abidin đưa ra tại ngày khai mạc Lễ hội Malaysia Truly Asia. “Rất khó để tưởng tượng một tình huống mà nền kinh tế của Malaysia và Trung Quốc bị tách rời. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự hội nhập chặt chẽ hơn của hai nền kinh tế. Vì vậy, đó là lý do tại sao ở cấp độ chính trị, điều rất quan trọng đối với chúng ta là làm việc cùng nhau, để đảm bảo rằng lợi ích chung của chúng ta luôn được bảo vệ,” ông nói.

Xem thêm:

Global Times ngày 17/8/2022: Malaysia cannot decouple from China’s economy; closer integration expected: Malaysian ​ambassador 

Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi Campuchia minh bạch dự án Căn cứ Hải quân Ream

Trong một email gửi đến Khmer Times, người phát ngôn Đại sứ quán Hoa Kỳ Stephanie Arzate cho biết chính phủ Campuchia đã thừa nhận rằng Trung Quốc “đang tham gia vào một dự án xây dựng quan trọng, đang diễn ra tại Căn cứ Hải quân Ream”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã nói với các phóng viên khi ông trở về từ Trung Quốc vào tuần trước rằng việc hiện đại hóa căn cứ hải quân với sự hỗ trợ từ Bắc Kinh sẽ “tiến lên”, lưu ý rằng đối với chính phủ, “không cần thiết phải lắng nghe những mối quan tâm khác về chủ quyền của Vương quốc.

Arzate cho biết trong cuộc họp ngày 04/8/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã yêu cầu Thủ tướng Hun Sen hoàn toàn minh bạch về các hoạt động của Trung Quốc tại căn cứ hải quân, nhấn mạnh rằng “sự hiện diện độc quyền sẽ có nguy cơ gây tổn hại đến chủ quyền của Campuchia, an ninh khu vực và sự thống nhất của ASEAN.”

Xem thêm:

Khmer Times ngày 19/8/2022: The modernisation of Ream Naval Base with support from Beijing will ‘move forward’ and it is ‘not necessary to listen to others’ 

Khmer Times ngày 22/8/2022: US urges transparency at Ream Naval Base project 

Phái đoàn quan chức cao cấp Uỷ ban TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu phái đoàn tới thăm Campuchia

Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Lưu Kiến Siêu đã dẫn đầu một phái đoàn đại biểu đến Campuchia gặp gỡ các nhân vật cao cấp trong chính trường Campuchia. Lưu cũng không quên bày tỏ lòng kính trọng với cố Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk. Kế đó, Lưu đã gặp Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Suos Yara, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia và Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia Khuon Sodary. 

Vào ngày 24/8/2022, Lưu gặp Thủ tướng Campuchia và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia và Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, và Công chúa Norodom Ratana Devi, hiện đang là Phó Chủ tịch Mặt trận Thống nhất Quốc gia cho một Campuchia Độc Lập, Trung lập, Hoà bình và Hợp tác [FUNCINPEC]. Trong buổi gặp, các quan chức cấp cao của Đảng Funcinpec đã đề nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hỗ trợ đào tạo thế hệ thanh niên tiếp theo của đảng trong các vấn đề chính trị và lãnh đạo, và phía Trung Quốc đã hứa sẽ giúp củng cố Funcinpec.

Lưu cũng đã gặp con trai của Hun Sen, ứng cử viên Thủ tướng kế nhiệm của Đảng Nhân dân Campuchia.

Xem thêm:

Khmer Times ngày 26/8/2022: Funcinpec asks China’s CPC to train its youth wing

Khmer Times ngày 17/8/2022: Chinese and Cambodian relation towards the future — a Survey Report on the Cognition of Cambodia’s Generation Z Youth Group to China 

Timor-Leste cảnh báo sẽ tìm hỗ trợ từ Trung Quốc nếu Úc không đầu tư đường dẫn khí đốt tới Timor-Leste

Tổng thống José Ramos-Horta đã cảnh báo quốc gia của ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc nếu Úc và Woodside Energy không chịu đầu tư một đường ống dẫn khí đốt giữa Biển Timor giàu tài nguyên và bờ biển phía nam của đất nước ông, thay vì Darwin. 

Ramos-Horta đã cảnh báo Timor-Leste – láng giềng và đồng minh của Úc – sẽ “hoàn toàn” hướng về đầu tư của Trung Quốc để đảm bảo điều mà ông nói là “mục tiêu chiến lược quốc gia” về đường ống dẫn khí đốt từ mỏ Greater Sunrise đến bờ biển của quốc gia mình nếu các đối tác phát triển khác từ chối đầu tư.

“Timor-Leste sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu Greater Sunrise không hoạt động trong vòng 10 năm tới. Vì vậy, rất sớm, ban lãnh đạo [Timor-Leste] phải đưa ra quyết định… liệu có cần đến Trung Quốc không,” ông nói.

Xem thêm:

The Guardian ngày 18/8/2022: Timor-Leste warns it will work with China if Australia insists on pumping Timor Sea gas to Darwin 

Quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc: Đầu tư hai chiều Trung Quốc-ASEAN vượt 340 tỷ USD vào tháng 7 trong bối cảnh hợp tác tích cực

Đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đã vượt 340 tỷ USD vào cuối tháng 7, Li Fei, một quan chức từ Bộ Thương mại Trung Quốc [MOFCOM], cho biết trong một cuộc họp báo vào thứ Hai ngày 29/8/2022. Một số dự án đầu tư đã được thực hiện giữa Trung Quốc và ASEAN, chẳng hạn như Hành lang Thương mại Đường biển Quốc tế Mới, một tuyến thương mại và hậu cần do Singapore và các khu vực cấp tỉnh cùng xây dựng tại miền tây Trung Quốc.

“Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã tích cực mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế số, thương mại điện tử và phát triển xanh, với các chuỗi cung ứng và công nghiệp có sự kết nối chặt chẽ hơn,” Li nói tại cuộc họp báo.

Theo Cổ Tiểu Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN của Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam, ASEAN là một khu vực quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường, thúc đẩy việc xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư ở Đông Nam Á như Đường sắt Trung Quốc-Lào. 

Xem thêm:

Global Times ngày 29/8/2022: China-ASEAN two-way investment exceeds $340b by July amid active cooperation 

The Straits Times ngày 22/8/2022: Controversial China-built train network becomes hottest ticket in Laos. Một bản PDF được lưu ở đây

Khmer Times ngày 18/8/2022: New international corridor boosts Asean-China trade 

Robert Greene: Các nước Đông Nam Á ngày càng quan tâm tới các kênh tài chính phi USD – vai trò tiềm năng của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc

Vào cuối tháng 6/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc [PBOC] thông báo khởi động một thỏa thuận thanh khoản khẩn cấp mới có thể được tài trợ bằng cách sử dụng đồng nhân dân tệ và được các ngân hàng trung ương tham gia khai thác trong thời gian thị trường căng thẳng. Ba trong số năm ngân hàng trung ương tham gia là Singapore, Malaysia và Indonesia. Trước đó, các nhà hoạch định chính sách ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đều công bố nỗ lực giảm sử dụng đồng USD. Người đứng đầu ngân hàng trung ương Indonesia tuyên bố rằng người tiêu dùng trong 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ sớm có khả năng thanh toán xuyên biên giới nội khối thông qua các liên kết tránh sử dụng đồng đô la làm trung gian vốn phổ biến hiện nay. Trong bối cảnh đó, một số tổ chức ở Bắc Kinh đang định vị mở rộng các kênh tài chính bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới — bao gồm Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới [CIPS] đang phát triển nhanh chóng — như một cách để các doanh nghiệp trên khắp Đông Nam Á tránh sử dụng đồng đô la.

Xem thêm:

Carnegie Endowment for International Peace ngày 22/8/2022: Southeast Asia’s Growing Interest in Non-dollar Financial Channels—and the Renminbi’s Potential Role

Malaysia và Thái Lan tăng cường hợp tác quốc phòng

Malaysia và Thái Lan đã đồng ý thiết lập một Biên bản ghi nhớ đóng vai trò nền tảng chiến lược nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết Biên bản ghi nhớ, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, là một phần trong số những nỗ lực củng cố hợp tác quân sự-quân sự và khám phá các lĩnh vực hợp tác mới trong công nghiệp quốc phòng và khoa học quốc phòng và Công nghệ.

Xem thêm:

Bernama ngày 29/8/2022: Malaysia, Thailand to deepen defence cooperation — Hishamuddin 

———-

II- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Susannah Patton: Lập trường “trung lập” của các nước Đông Nam Á có nguy cơ trở nên thân Trung Quốc và chống Hoa Kỳ

Tác giả, hiện là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy, khẳng định rằng mặc dù dường như có lập trường trung lập, nhưng trước những sự kiện Nga xâm lược Ukraine và gia tăng căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc đối với Đài Loan, phản ứng của nhiều nước Đông Nam Á trên thực tế ngầm chỉ trích Hoa Kỳ và các nước G7 khác. Hậu quả của điều này là định hình một môi trường khu vực cho phép gây hấn và ép buộc quá dễ dàng – lại cũng chính là kịch bản mà các nước trong khu vực hy vọng sẽ tránh được.

Trung lập đồng nghĩa với ủng hộ kẻ áp bức. Trong cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong khi Singapore nhanh chóng lên án sự xâm lược của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt, càng ngày, các nhà lãnh đạo và bộ trưởng ASEAN thể hiện một xu hướng đáng lo ngại chứng tỏ câu cách ngôn đó là đúng khi đánh đồng các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu với thiệt hại do cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga gây ra. 

Hay như trong sự kiện Trung Quốc tuyên bố một chuỗi các cuộc tập trận bao vây Đài Loan, các thông điệp, tuyên bố mơ hồ của các ngoại trưởng ASEAN, kêu gọi đàm phán nhưng lại không vạch ra những nguy cơ tạo bởi các hành động của Trung Quốc, sẽ cho Trung Quốc thấy rằng các hành động của họ sẽ không bị thách thức trong khu vực, và họ có không gian để leo thang. 

Cuối cùng, các nước Đông Nam Á đã đúng khi quan niệm rằng xung đột được ngăn chặn hay không phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra bởi Bắc Kinh và Washington. Nhưng thay vì  đóng góp vào những nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn Trung Quốc, các chính sách của các nước Đông Nam Á năm 2022 đã có nguy cơ khuyến khích Trung Quốc, tạo nên một môi trường khu vực quá dễ dãi với gây hấn và ép buộc.

Xem thêm:

Think China ngày 17/8/2022: SEA’s great power ‘neutrality’ risks being pro-China and anti-US 

Think China ngày 18/8/2022: Indonesia’s elites respond to Pelosi’s Taiwan visit 

Carlyle A. Thayer: Nga và Trung Quốc trong Chính sách Đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá  của Việt Nam

Bài viết là cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carlyle A. Thayer, Đại học New South Wales, về phản ứng của Việt Nam đối với xung đột Ukraine và ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước này với Nga, khả năng xảy ra đối đầu quân sự Trung – Việt và việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với một số quốc gia.

Trước hết, về cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, Việt Nam đã cân bằng một cách thận trọng trong phản ứng của mình. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, các khoản mua sắm quốc phòng của Việt Nam từ Nga đã giảm đều đặn. Nhìn chung, Việt Nam khó có thể bị cô lập và buộc phải đứng về phía nào nếu tiếp tục duy trì kiềm chế trước các hoạt động mua vũ khí quân sự lớn của Nga.

Về quan hệ với Nga, việc Nga bán vũ khí giúp Việt Nam duy trì năng lực tự vệ. Ngoài ra, Việt Nam không có lợi khi thấy Nga suy yếu hoặc trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam sẽ phải đánh giá lại quan hệ với Nga trong trường hợp xảy ra ba trường hợp: [1] Nga bị cô lập trên trường quốc tế, [2] Nga trở nên suy yếu về kinh tế đến mức không còn có thể cung cấp cho Việt Nam sự hỗ trợ và giúp đỡ như trước đây trước cuộc xâm lược Ukraine, và [3] Nga trở nên phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc.

Về chính sách quốc phòng, nếu vì lý do nào đó Nga không còn một nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy cho Việt Nam, Việt Nam sẽ phải suy nghĩ lại về kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ khí để ngăn chặn các cuộc xâm lược. Dù vậy, Việt Nam có nhiều khả năng duy trì chính sách quốc phòng bốn không, đồng thời tìm cách tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia như Ấn Độ, Israel, Pháp hay Hoa Kỳ. Việt Nam cũng sẽ cố gắng đạt được các thỏa thuận liên quan đến chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất và hỗ trợ nâng cao năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng.

Xem thêm:

World Geostrategic Insights ngày 22/7/2022: ​​Russia and China in Vietnam’s Diversified and Multilateral Foreign Policy: an interview with Carlyle A. Thayer 

William Choong: Mối quan hệ Úc và ASEAN: Một khẩu hiệu khó khăn ở phía trước

Úc trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của khối vào năm 1974. Mối quan hệ của Úc với ASEAN đã được nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm ngoái. ASEAN đánh giá cao Úc ở các phương diện y tế trong COVID-19, du lịch hay giáo dục. Úc nhiều lần tuyên bố ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. 

Trong quan hệ với Trung Quốc, ASEAN ít đối đầu hơn với Trung Quốc còn Úc là thành viên của AUKUS và QUAD với quan điểm cứng rắn hơn, gây ra sự khác biệt lớn. Mặc dù theo lập luận rằng, Úc và ASEAN không nên điều hướng mối quan hệ của họ qua “lăng kính của Trung Quốc” nhưng Canberra sẽ khó gắn kết ASEAN vào thời điểm sức mạnh Trung Quốc đang trỗi dậy và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của Úc trong việc can dự vào Đông Nam Á có thể bị lép vế trước những cường quốc lớn hơn. Trong Khảo sát ISEAS về Đông Nam Á năm 2022, những người được hỏi được hỏi họ sẽ chọn bên thứ ba nào làm đối tác chiến lược “ưu tiên và đáng tin cậy” do sự cạnh tranh Trung Quốc – Hoa Kỳ thăng trầm thì Úc chỉ đạt vị trí thứ ba hay trong Chỉ số Quyền lực Châu Á của Viện Lowy, Úc được xếp hạng thứ bảy về ảnh hưởng ngoại giao.

Nhìn chung, mối quan hệ của Úc với ASEAN đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn tồn tại những thách thức.

Xem thêm: 

The Straits Times ngày 11/7/2022: Australia and Asean ties: A hard slog ahead. Một bản PDF được lưu ở đây.

Huỳnh Tâm Sáng & Phạm Đỗ An: Cơ hội nâng cao quan hệ giữa Úc và Việt Nam

Chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese sẽ có những thay đổi trong chính sách đối ngoại như thúc đẩy can dự của Canberra với Đông Nam Á và củng cố lợi ích quốc gia của nước này trong việc đối phó với Trung Quốc. Và Hà Nội là một trong những ưu tiên hàng đầu của Canberra ở Đông Nam Á. 

Cả Úc và Việt Nam đều đã có những động thái thực dụng để tăng cường quan hệ như hai nước đã ký Bản ghi nhớ [MOU] về hỗ trợ lao động Việt Nam tham gia Chương trình Thị thực Nông nghiệp Úc hay khai trương Trung tâm Việt – Úc mới để “tăng cường kỹ năng đào tạo và nghiên cứu lãnh đạo của Việt Nam” bằng cách dựa trên chuyên môn của Úc trong một số lĩnh vực khác nhau.

Hiện đang có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy quan hệ Úc – Việt Nam, như thương mại và đầu tư. Điều này giúp hai nước giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam và Úc đã mở rộng hợp tác kinh tế và tăng cường gắn kết khu vực thông qua một số khuôn khổ đa phương chính như CPTPP, RCEP,…

Chủ nghĩa đa phương là hạt nhân thúc đẩy mối quan hệ Úc – Việt Nam. Việt Nam được Úc “ủng hộ mạnh mẽ” khi tham gia vào các thể chế đa phương khu vực. Còn trong bối cảnh bế tắc ngoại giao Trung – Úc, Việt Nam có thể phù hợp với chiến lược của Úc nhằm củng cố vị thế trong khu vực và tăng cường quan hệ với Đông Nam Á. 

Với sự trưởng thành của mối quan hệ, Úc và Việt Nam có vị trí thuận lợi để nâng mối quan hệ của họ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ là một bước quan trọng để đưa mối quan hệ Úc – Việt Nam lên một tầm cao mới.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 20/7/2022: Ample Opportunities to Level Up Australia-Vietnam Relations

Richard Heydarian: Úc phải nắm bắt cơ hội để thiết lập lại quan hệ với các nước ASEAN

Trong một bài viết vận động Úc tăng cường mối quan hệ thực chất với Philippines, tác giả nhận định sự nghi ngờ lẫn nhau và hợp hĩnh chiến lược trên mặt trận an ninh đã thường xuyên cản trở mối quan hệ giữa Úc và các nước thành viên ASEAN trong suốt nửa sau thế kỷ 20. Được trang bị một nội các có năng lực và tầm cỡ quốc tế, chính phủ mới của Úc cần đẩy mạnh hoạt động ngoại giao cá nhân, mở rộng các sáng kiến nâng cao năng lực và tối đa hoá các mối quan hệ chiến lược đang được củng cố với các quốc gia quan trọng trong khu vực. Ví dụ như đẩy mạnh việc tham gia vào các sáng kiến đa phương như Mạng lưới Blue Dot do Hoa Kỳ và Nhật Bản khởi xướng, Build Back Better World của Nhóm G7. Những sáng kiến này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng dấu chân chiến lược của Úc và cung cấp các giải pháp thay thế khả thi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Úc nên tận dụng thế mạnh tài chính và viện trợ để huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng chất lượng cao ở Đông Nam Á. Hiện nay vẫn còn có những khu vực trong khối ASEAN có tình trạng cơ sở hạ tầng cơ bản còn nghèo nàn, cũng như nhu cầu về siêu đô thị và vùng ven biển có khả năng chống chịu với khí hậu mà các nước Đông Nam Á sẽ phải đối mặt. 

Cuối cùng, theo Heydarian, nhiều nước Đông Nam Á hy vọng Úc sẽ thoát khỏi tiếng là phó của Hoa Kỳ và trở thành một đối tác độc lập và quan trọng của khu vực.

Xem thêm: 

Nikkei Asia ngày 01/9/2022: Australia must seize chance to reset relations with ASEAN states. Một bản PDF được lưu ở đây. 

Shafiah F Muhibat: Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương [AOIP]

AOIP được giới thiệu tại hội nghị cấp cao của ASEAN vào 6/2019, nhằm đáp ứng sự cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời nhắc lại giá trị của các cơ chế thể chế ASEAN. Dù vậy, cho đến nay hầu như không có biện pháp cụ thể nào để thực hiện hoá các nội dung của AOIP.

Việc vận hành AOIP gặp nhiều khó khăn đối với ASEAN. Thứ nhất, ASEAN, do mức độ gắn bó khác nhau với các cường quốc và mức độ cam kết khác nhau trong các vấn đề đối ngoại, các nước ASEAN  thiếu một triển vọng chung về cách ứng phó với sự cạnh tranh của các cường quốc. Thứ hai, mối quan hệ của ASEAN với các Đối tác Đối thoại, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và EU vẫn rất phức tạp trong khi các khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt thường phụ thuộc vào các Đối tác Đối thoại này. Cơ chế đồng thuận và thực hiện những điều theo “cách của ASEAN” cũng cản trở quan hệ của tổ chức với các Đối tác Đối thoại.

Để đi vào hoạt động, AOIP cần có sự thay đổi về mức độ phù hợp chiến lược của ASEAN ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – một sự thay đổi có thể thực hiện được thông qua việc đầu tư đủ nguồn lực vào các cơ chế thể chế của ASEAN và mua lại từ các Đối tác Đối thoại. Vẫn còn những triển vọng để ASEAN khẳng định vai trò ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Hội nghị Cấp cao Đông Á [EAS]. Đề xuất kêu gọi thể chế hóa EAS bằng cách tạo ra một hệ thống “Sherpa”, nhằm giúp hội nghị toàn thể của EAS tập trung hơn, tạo điều kiện tương tác không chính thức hơn và giới hạn tư cách thành viên của tổ chức.

Tóm lại, các cơ chế do ASEAN lãnh đạo là không đủ để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương do các điểm yếu cơ bản xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của ASEAN. Vì vậy, ASEAN nên tập trung vào việc theo đuổi một chương trình nghị sự EAS định hướng hành động hơn và cần thiết lập một thể chế khu vực, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải xem xét lại một số phần của Hiến chương ASEAN. 

Xem thêm:

East Asia Forum ngày 20/7/2022: Looking beyond the ASEAN Outlook on the Indo-Pacific

The Statesman / ANN: Đông Nam Á có phải là phòng thí nghiệm chính của PLA không?

Một chuyên khảo của các nhà nghiên cứu Zachary Abuza và Cynthia Watson được xuất bản ngày 27/8/2022 tại National Bureau of Asian Research đã lập luận rằng chính Đông Nam Á là phòng thí nghiệm chính cho sự phát triển của Lực lượng liên quân và học thuyết của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc [PLA] với mục đích “Khiến các quốc gia trong khu vực phải chấp nhận các lợi ích, giá trị và cách giải thích luật pháp quốc tế của Trung Quốc.” Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản bác quan điểm này, cho rằng các tác giả, được thúc đẩy bởi mong muốn của Washington, đã gieo rắc sợ hãi, nghi ngờ giữa các nước Đông Nam Á để tách họ khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Bằng chứng mà họ đưa ra là quy mô lực lượng Chiến khu Nam của PLA không khác so với các chiến khu khác.

Trên thực tế, như trong bài viết này chỉ ra, Hạm đội Phương Nam của Hải quân PLA nhận được số tàu chiến và tàu ngầm tiên tiến hơn bất kỳ bộ tư lệnh chiến khu nào khác, bao gồm cả Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông chịu trách nhiệm giải phóng Đài Loan và các hoạt động ở quần đảo Senkaku. Bởi vậy, các nước Đông Nam Á, chưa kể đến các quốc gia như Ấn Độ và Úc, ít nhất nên dành thời gian suy nghĩ. 

Xem thêm:

MY Sinchew ngày 03/9/2022: Is Southeast Asia the primary laboratory for PLA? 

NBR ngày 27/8/2022: Learned Helplessness: China’s Military Instrument and Southeast Asian Security 

———-

III- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

Nguyễn Khắc Giang [2022] The Vietnamese Maritime Militia: Myths and Realities

Để hợp pháp chiến thuật vùng xám của mình, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân vũ trang trên biển, tạo ra bất ổn chính trên Biển Đông. Nghiên cứu nhằm xem xét các cáo buộc gần đây của Bắc Kinh, sau đó nghiên cứu ý định và khả năng của lực lượng dân quân biển của Việt Nam.

Sự “hiếu chiến” của lực lượng dân quân biển Việt Nam chỉ được truyền bá bởi Trung Quốc. Cụ thể, một báo cáo cáo buộc hơn 300 tàu thuyền Việt Nam xâm nhập vào vùng biển ngoài khơi Trung Quốc vào 2/2020, thật vô lý khi tàu đánh cá Việt Nam lại có thể vượt qua các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Hay Campuchia phủ nhận cáo buộc từ phía Trung Quốc rằng Việt Nam xâm nhập vào vùng biển của Campuchia. Việc bôi xấu hình ảnh lực lượng dân quân biển của Việt Nam là một nỗ lực nữa của Trung Quốc để đánh lạc hướng sự quan tâm đối với các hành động gây hấn của nước này ở Biển Đông. 

Lực lượng dân quân biển Việt Nam có chức năng bản chất là phòng thủ. Thứ nhất, không có ghi chép nào về cuộc đối đầu của lực lượng này với các quốc gia có yêu sách khác. Thực tế, lực lượng này chủ yếu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam [EEZ]. Thứ hai, vai trò của lực lượng dân quân biển là đối phó với IUU trong quan hệ với các nước láng giềng. Thứ ba, lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thiên tai như bão nhiệt đới. 

Ngay cả khi lực lượng dân quân biển Việt Nam có những mục đích như Bắc Kinh tuyên bố, thì lực lượng này thật sự hạn chế về năng lực, và không thể so sánh với Trung Quốc. Về quy mô của lực lượng, theo ước tính, chỉ có khoảng 6.700 ngư dân có thể được coi là thành viên của lực lượng dân quân hàng hải. Những ngư dân này chỉ được đào tạo cơ bản, không được cung cấp vũ khí, và chỉ hoạt động khi được huy động trong trường hợp xung đột hoặc các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Về quy mô tàu các tàu, chỉ có 2% tổng số tàu cá của Việt Nam, dài hơn 24 mét và đa phần các tàu đều được trang bị kém, vỏ làm bằng gỗ thay đối lập với các tàu dân quân Trung Quốc dài ít nhất 35 mét và có vỏ thép. Ngoài ra, nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường khả năng của các tàu đánh cá dân sự kể từ năm 2014 đã thất bại. Các “hải đội thường trực” được Hà Nội thành lập cũng ít hơn nhiều so với Trung Quốc.

Tóm lại, nhìn vào cả ý định và khả năng, lực lượng dân quân biển Việt Nam chủ yếu nên được coi là phản ứng tự vệ trước các chiến thuật gia tăng vùng xám của Trung Quốc. Để giải quyết các tranh chấp trên biển, Việt Nam đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: //dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Chủ Đề