Theo Bác Hồ - người Việt Nam đẹp nhất, NXB giáo dục Hà Nội 1986

Ðại biểu học sinh Trường TH Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch [Tháng 5 năm 1956].

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Xây dựng một nền giáo dục độc lập và tiến bộ

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước [năm 1911], thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh [Phan Thiết]. Những năm hoạt động cách mạng tại Pháp, Bác Hồ cực lực lên án "chính sách ngu dân" của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Trong tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" [1921 -1925], Bác viết: "Nhân dân Ðông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng... "Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất"[1].

Trong cuốn "Ðường kách mệnh" [năm 1925] và "Chánh cương vắn tắt của Ðảng" [2-1930], Bác cũng xác định rõ: Phải lập trường học cho công nhân, nông dân, cho con em họ và "Phổ thông giáo dục theo công nông hóa"[2]. Ðặc biệt, ở "Chương trình Việt Minh" [1941], Bác chủ trương: "Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài... Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh"[3]. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Bác đã công bố "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong đó, vấn đề thứ hai - là phải chống nạn dốt; vì "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ"[4]. Và, Bác nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"[5]. Chỉ sau một tuần lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", ngày 8-9-1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân.

Dân tộc, tiên tiến và hiện đại

Trong "Thư gửi cho học sinh", ngày 5-9-1945, Bác viết: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"[6]. Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"[7]. 

Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, ngày 15-10-1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền GD và ÐT nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật"[8].

Hết sức coi trọng vai trò của người thầy

Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"[9].

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"[10].   

Ðảng lãnh đạo và trực tiếp chăm lo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về điều hệ trọng này. Ðặc biệt, trong bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành GD và ÐT, ngày 15-10-1968, một lần nữa, Bác nêu rõ: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới"[11]. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"[12].

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD và ÐT nói lên lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, trí tuệ trác tuyệt và tầm nhìn xa trông rộng. Ðó cũng là một trong những biểu hiện cốt lõi của tầm vóc "Anh hùng giải phóng dân tộc", "Danh nhân văn hóa thế giới" của Người! Tư tưởng ấy của Bác Hồ đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta đối với công tác GD và ÐT trong những năm qua. Từ Ðại hội lần thứ VI [1986] đến Ðại hội lần thứ XI [1-2011] của Ðảng, cũng như  trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, GD và ÐT luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước"! Sự quan tâm, chăm lo của Bác cho việc xây dựng và phát triển GD và ÐT đã động viên các thế hệ nhà giáo công tác tốt, đào tạo được những thế hệ công dân hữu ích cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc gần bảy mươi năm qua [1945 - 2013]; trong đó nhiều người đã trở thành những anh hùng, các nhà khoa học nổi tiếng và những người có tài năng.

Hiện nay, GD và ÐT đang phát triển mạnh mẽ về số lượng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng, chưa theo kịp yêu cầu mới của cách mạng. Công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có cuộc cách mạng thật sự khoa học và triệt để về GD và ÐT, thực hiện "tái cấu trúc" một cách khoa học, nhằm đổi mới "căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà, nâng cao chất lượng và tầm vóc đích thực của GD và ÐT trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước, nhất là coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - như văn kiện Ðại hội Ðảng XI đã nêu, đưa nước nhà "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu". Ðó là ước nguyện của Bác Hồ vĩ đại, đồng thời là khát vọng cao đẹp của nhân dân ta, đất nước ta.

* Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp giáo dục được hình thành rất sớm và quán xuyến suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghiên cứu các bài viết, bài nói về vấn đề GD và ÐT trong ngót sáu thập niên hoạt động cách mạng của Bác, ta càng thấy tư tưởng ấy thể hiện tập trung khát vọng hướng tới của một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.

--------------

1-  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H,1995, tr.98-99.

2,3- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H,1995, tr.1; tr.584.

4,5,6,7- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,1995, tr.8; tr.8; tr.32; tr.32.

8,11,12- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H,1996, tr.403; tr.404; tr.498.

9- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H,1996, tr.331.

10- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H,2000, tr.492.

ÐÀO NGỌC ÐỆ

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho một số đại biểu dự Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào "Ba đ

Nhằm làm cho công tác tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng phát huy tác dụng sâu rộng trong nhân dân, tháng 6 năm 1968, Bác Hồ đã chỉ đạo việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt để mỗi người đều có thể học tập và làm theo.

Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" của nhân dân ta. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước lợi nhà.

Khi trao đổi ý kiến về việc thưởng huy hiệu của mình, Bác nói: "Ðối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Ðảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng huy hiệu"[2].

Trong nhiều năm Bác đã theo dõi những việc làm tốt hằng ngày của những người bình thường, người thật việc thật trong bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức, phụ lão, phụ nữ, thiếu nhi; trong các ngành, các giới, các địa phương, ở miền ngược, miền xuôi và bà con kiều bào mới về nước. Những người đã làm công việc không do mình phụ trách, không vì quyền lợi của bản thân hay của người quen biết.

Gương các em bé dũng cảm cứu bạn, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, các cụ phụ lão tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực trồng cây, những phụ nữ sản xuất giỏi, những chiến sĩ dũng cảm trong chiến đấu, những bác sĩ, kỹ sư luôn tận tụy với công việc, các cụ già Việt kiều sau bao năm xa quê hương, nay trở về Tổ quốc để cùng chia sẻ những khó khăn, cùng gánh vác công việc đánh Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, v.v. Tất cả những việc làm đó đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng và thuần phong mỹ tục của nhân dân ta.

Bác cho rằng, cần phải biết tìm ra ưu điểm của mỗi người để khích lệ, động viên họ, như vậy tác dụng giáo dục sẽ cao hơn nhiều. Bác nói: "Khi nào mà phê bình một người có khuyết điểm thì nên tìm cho ra trong người đó họ đã làm những việc gì tốt, có ích cho xã hội. Ðó là tốt, mặc dù việc đó nhỏ"[3], vì trong mỗi người đều có thiện và ác, do đó cần làm cho phần tốt được nhân lên, phần xấu mất dần đi.

Càng có nhiều người làm việc tốt, thì những hành động cá nhân chủ nghĩa, như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu, bè phái, thiếu dân chủ, làm việc tản mạn không có kế hoạch... sẽ ngày càng ít đi. Ðây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

Ðầu tháng 6 năm 1968, Bác đã làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng về việc làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt. Trong những năm 1968-1969, Bác đề nghị Ban Bí thư Trung ương Ðảng chỉ thị cho toàn Ðảng noi gương người tốt để làm việc tốt. Các đồng chí Hà Huy Giáp, Lê Xuân Ðồng và một số đồng chí khác trong Ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng phụ trách vấn đề này.

Bác rất quan tâm đến việc học tập và làm theo những tấm gương người tốt, việc tốt, nên đã dặn đồng chí Hà Huy Giáp là vào ngày đầu tháng, giờ đầu ngày đến Phủ Chủ tịch báo cáo với Bác, và "Nếu cuối tháng chú đi địa phương mà đầu tháng chưa về được thì ước chừng bao giờ về thì cho Văn phòng Bác hay để Bác bố trí lịch gặp... Khi trở về thì lên gặp Bác ngay, còn nếu mệt thì cũng cho Bác hay để hoãn lại"[4].

Gần 5.000 huy hiệu của Bác tặng thưởng cho gương người tốt làm những việc tốt là cơ sở để làm thành các tập sách Người tốt, việc tốt. Theo Bác các tập sách này chỉ để ghi lại những con người và sự việc đã làm, từ đó phổ biến sâu rộng trong nhân dân, do đó cách viết cần giản dị và đúng sự thật.

Trong ngôi Nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch, trên bàn làm việc, trong phòng họp và phòng ngủ của Người đều có các cuốn sách Người tốt, việc tốt. Những tờ báo còn mang bút tích của Bác đánh dấu, ghi rõ khen thưởng huy hiệu cho những người tốt làm việc tốt. Thực hiện ý kiến của Người, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang trong giai đoạn quyết liệt thì những tập sách Người tốt, việc tốt "Vì nước vì dân", "Thế hệ anh hùng", "Dũng cảm đảm đang", "Việc nhỏ nghĩa lớn", "Hậu phương thi đua với tiền phương"... ra đời đã góp phần vào việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Trong kháng chiến, phong trào người tốt, việc tốt đã góp phần quan trọng động viên toàn dân ta đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và chuẩn bị con người cho việc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Ngày nay các phong trào: Ðền ơn đáp nghĩa; Xây dựng nhà tình nghĩa; Phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Ánh hùng; ủng hộ các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; Xây dựng Quỹ ủng hộ người nghèo; Thanh niên tình nguyện; Xây dựng gia đình văn hóa và Bảo vệ an ninh Tổ quốc... đang được nhân dân cả nước đồng tình và tích cực tham gia. Những phong trào này ngày càng phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc ta.

Bạn đọc cả nước rất hoan nghênh Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân và Báo Lao động đã phối hợp tổ chức cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý". Ðây là những bài viết về gương những người có việc làm tốt của nhân dân ta ở khắp mọi miền của Tổ quốc, những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước [từ năm 1986 đến nay]. Cuộc thi viết này chính là sự tiếp nối việc tuyên truyền giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta của Bác.

Trong giai đoạn hiện nay, việc ủng hộ và tham gia tích cực các hoạt động trên đây chính là chúng ta đang thực hiện lời Bác dạy: Noi gương người tốt để làm việc tốt, góp phần  nhỏ bé của mình vào phong trào thi đua yêu nước của đồng bào cả nước.

-------------------------

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.551.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.548.

3. Hồi ký Hà Huy Giáp, tr.137. Lưu Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu H25C5/11.

4. Hồi ký Hà Huy Giáp, Sđd, tr.145.

Lê Thị Liên [Bảo tàng Hồ Chí Minh]

Video liên quan

Chủ Đề