Sự an toàn và hiệu quả trong kinh doanh của một ngân hàng thương mại có thể hiểu là

Tìm hiểu về an toàn hoạt động ngân hàng

  • 1. Cơ sở pháp lý
  • 2. An toàn hoạt động ngân hàng là gì
  • 3. Vì sao phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng?
  • 4. Các hạn chế để đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng
  • 4.1. Cơ sở dữ liệu phòng
  • 4.2 Các trường hợp không được cấp tín dụng
  • 4.3. Hạn chế cấp tín dụng
  • 4.4. Giới hạn cấp tín dụng
  • 4.5. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần
  • 5. Các tỷ lệ đảm bảo an toàn
  • 6. Xây dựng quỹ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước
  • 7. Thực hiện xếp hạng hằng năm các tổ chức tín dụng

Thưa luật sư, tôi đọc các tài liệu về ngân hàng luôn bắt gặp cụm từ "an toàn hoạt động ngân hàng". Vậy xin luật sư cho biết an toàn hoạt động ngân hàng là gì? Và vì sao phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng? Rất mong được giải đáp. Xin cảm ơn! [Long Phụng - Nghệ An]

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

An toàn hoạt động ngân hàng là gì? Vì sao phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng?

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010

- Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017

- Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Thông tư 23/2020/ TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

2. An toàn hoạt động ngân hàng là gì

An toàn được hiểu là một trạng thái được bảo vệ khỏi sự tổn hại hoặc các kết quả không mong muốn khác. Sự an toàn cũng có thể đề cập đến việc kiểm soát các mối nguy được công nhận để đạt được mức độ rủi ro chấp nhận được.

Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

a] Nhận tiền gửi;

b] Cấp tín dụng;

c] Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Như vậy, an toàn hoạt động ngân hàng có thể hiểu là việc kiểm soát các mối nguy được công nhận trong hoạt động của các tổ chức tín dụng [nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản] để ngăn chặn rủi ro hoặc đạt được mức độ rủi ro chấp nhận được.

3. Vì sao phải đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng?

Trong nền kinh tế thị trường, luôn có hai bên không ngừng giao dịch tạo ra sự cân bằng giữa bên mua và bán hàng, giữa bên trả tiền và nhận tiền, giữa bên đi vay và cho vay.

Ngân hàng không chỉ đóng vai trò của một trong hai bên mà còn thường xuyên là bên thứ ba. Là một trung gian tài chính, một định chế đặc biệt, ngân hàng vay vốn của bên này để cho bên kia vay, đồng thời cung ứng dịch vụ thanh toán và bảo lãnh để mang lại sự an toàn, tiện lợi cho giao dịch của các bên.

Ngân hàng là trung tâm thanh toán và trung tâm tín dụng, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế. Nhưng ngân hàng kinh doanh chủ yếu bằng tiền của người khác, trong đó có số đông công chúng. Vì vậy, pháp luật đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, nhiều đòi hởi phức tạp, nhiều quy định chặt chẽ để bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả cho hoạt động của khách hàng, của chính ngân hàng, đồng thòi cũng là cho cả nền kinh tế.

Dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đối với ngành ngân hàng, mà trong đó dễ nhận thấy nhất là nợ xấu sẽ tăng. Ước tính cuối năm nay nợ xấu nội bảng sẽ tăng lên đến 3% và trong năm 2021 sẽ tăng lên 4%, xóa đi thành quả kéo giảm nợ xấu về dưới 3% từ năm 2015. Hiện nay, các ngân hàng vẫn còn có tiềm lực để xử lý nợ xấu nhưng năm tới thì sao?

Bởi tính nhạy cảm của lĩnh vực kinh doanh và sự tác động của điều kiện xã hội, an toàn hoạt động là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với các tổ chức tín dụng nói riêng, ngân hàng nói chung. Pháp luật đặt ra khá nhiều yêu cầu về an toàn trong hoạt động ngân hàng, trong đó có việc bảo đảm: cơ sở dữ liệu dự phòng để hoạt động an toàn và liên tục; những trường hợp không được cấp tín dụng và hạn chế cấp tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ bảo đảm an toàn; dự phòng rủi ro

4. Các hạn chế để đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng

Trong quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể yêu cầu tổ chức tín dụng triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thưòng trong trường hợp xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng cổ phần.

Trong hoạt động ngân hàng điện tử, tổ chức tín dụng cũng phải bảo đảm an toàn và bảo mật theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về các hạn chế đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Chương VI, cụ thể từ Điều 126 đến Điều 135.

4.1. Cơ sở dữ liệu phòng

Bên cạnh đó, tại Điều 15 Luật này cũng quy định về việc các tổ chức tín dụng phải xây dựng cơ sở dữ liệu phòng để đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn và liên tục.

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục.

2. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dự phòng của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng không nhận tiền gửi thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

4.2 Các trường hợp không được cấp tín dụng

Tại Điều 126 quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:

a] Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc [Giám đốc], Phó Tổng giám đốc [Phó giám đốc] và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;

b] Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc [Giám đốc], Phó Tổng giám đốc [Phó giám đốc] và các chức danh tương đương.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

5. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

7. Việc cấp tín dụng quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.”

4.3. Hạn chế cấp tín dụng

Các trường hợp hạn chế cấp tín dụng quy định tại Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:

a] Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

b] Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

c] Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập;

d] Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

đ] Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng;

e] Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Việc cấp tín dụng đối với những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua và công khai trong tổ chức tín dụng.

4. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 20% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

5. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này phát hành.

4.4. Giới hạn cấp tín dụng

Nhằm đảm bảo hạn chế tối đã rủi ro, pháp luật quy định cụ thể về các trường hợp giới hạn cấp tín dụng như sau:

1.Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

3. Mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác.

4. Mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.

5. Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định.

6. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này8. Tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

8. Tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4.5. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần

Tại Điều 129 quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần như sau:

1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

3. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

4. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 110 của Luật này vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

5. Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.

6. Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý

5. Các tỷ lệ đảm bảo an toàn

Tổ chức tín dụng phải duy trì các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:

+ Tỷ lệ khả năng chi trả, thanh khoản;

+ Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;

+ Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn;

+ Trạng thái ngoại tệ, vàng tôì đa so với vốn tự có;

+ Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

+ Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

+ Hạn chế, giới hạn cấp tín dụng;

+ Giới hạn góp vốn, mua cổ phần.

Ngân hàng thương mại tham gia hệ thông thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác, công ty con của tổ chức tín dụng dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và các khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán phải trừ khỏi vốn tự có khi tính các tỷ lệ an toàn.

Việc tăng giảm hệ số rủi ro có tác động trực tiếp đến hoạt động cho vay trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn hệ số rủi ro trong lĩnh vực cho vay kinh doanh bất động sản được thay đổi lớn nhiều lần: năm 2005 là 100% , năm 2010 tăng lên 250% , năm 2014 giảm xuống 150%, năm 2017 tăng lên 200%. Như vậy, chính sách được điều chỉnh theo hướng khuyến khích hay hạn chế cấp vốn cho hoạt động kinh doanh bất động sản, phù hợp với yêu cầu quản lý rủi ro của ngân hàng cũng như diễn biến của thị trường bất động sản.

6. Xây dựng quỹ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước

Đặc biệt, tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước số tiền dự trữ bắt buộc để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Hằng năm, tổ chức tín dụng phải trích từ lợi nhuận sau thuế để lập và duy trì các quỹ dự trữ sau đây và không được dùng các quỹ này để trả cổ tức cho cổ đông hoặc phân chia lợi nhuận cho chủ sở hữu, thành viên góp vốn:

Thứ nhất, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp được trích hằng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Thứ hai, quỹ dự phòng tài chính;

Thứ ba, các quỹ dự trữ khác theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện xếp hạng hằng năm các tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng được xếp hạng hằng năm để phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro và tuân thủ đúng quy định của pháp luật như sau:

Thứ nhất, việc xếp hạng dựa vào 6 tiêu chí: vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường;

Thứ hai, tổ chức tín dụng được xếp vào một trong 5 hạng sau: Tốt [A], Khá [B], Trung bình [C], Yếu [D] hoặc Yếu kém [E].

Tổ chức tín dụng được xếp hạng [D] nếu lâm vào một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 130a về “Áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”; xếp hạng E nếu lâm vào một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 145 về “Trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt”.

Thứ ba, tổ chức tín dụng không được cung cấp kết quả xếp hạng cho bên thứ ba [bao gồm cả ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài] dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng mà Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã quy định cụ thể về thanh tra giám sát ngân hàng. Thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Video liên quan

Chủ Đề