Quản lý thị trường bắt hàng giả

Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thuốc bảo vệ thực vật giả mạo thương hiệu. Ảnh: QLTT

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và trong nước nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến hết sức tinh vi và phức tạp.

Điển hình vào ngày 27/6, tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường [QLTT] số 20, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra một đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Tại đây, tổ công tác đã phát hiện và thu giữ hơn 4.000 sản phẩm giả mạo các thương hiệu thời trang nổi tiếng như: Lacoste, Louis Vuitton, Adidas. Tổng trị giá lô hàng vi phạm lên tới hơn 170 triệu đồng. Chủ cơ sở cho biết số hàng hóa được mua trôi nổi trên thị trường.

Trong tháng 6/2022, Đội QLTT số 14 [Cục QLTT Hà Nội] kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại xã Thanh Thùy [Thanh Oai] đã phát hiện gần 7.000 chiếc khóa và phụ kiện giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH Kin Long Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/6/2022, Đội QLTT số 1 khi kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại ngõ 785 đường Nguyễn Khoái [Hoàng Mai] đã phát hiện 17.900 lít thuốc trừ cỏ do Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt như LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480… của Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn và Công ty CP giải pháp công nghiệp Tiên Tiến.

Trưởng phòng nghiệp vụ khu vực phía Bắc, chi nhánh Hà Nội, Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn Nguyễn Đăng Dương khẳng định, sản phẩm thuốc trừ cỏ mang tên LYPHOXIM bị thu giữ tại kho hàng là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu thuốc Bảo vệ thực vật Sài Gòn."Đáng chú ý, có những sản phẩm chứa thành phần glyphosate đã bị Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách cấm lưu hành kể từ ngày 30/6/2021", ông Dương thông tin.

Trên đây chỉ là những vụ việc gần đây có tính điển hình được lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, hằng ngày, hàng giờ, các đối tượng vẫn tìm cách để tuồn hàng giả vào thị trường để qua mắt lực lượng chức năng, phục vụ người tiêu dùng "chưa thông thái".

Theo cơ quan chức năng, điểm chung của những sản phẩm hàng giả, hàng nhái này đều được các đối tượng chủ mưu và chia nhau chào bán trên mạng xã hội cho những người có nhu cầu. Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp theo kiểu truyền thống, hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế số, hàng giả, hàng lậu được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến.

Nếu trước đây đa số là doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử [website] để bán hàng, thì hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức lại sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… để bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó, việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến việc quản lý lĩnh vực này của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Từng bước đẩy lùi tình trạng hàng giả

Cục Trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, đơn vị này đang chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…

Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, ban quản lý chợ, siêu thị… trên địa bàn TP. Hà Nội xây dựng quy chế, tổ chức ký cam kết không để loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường.

"Mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao", ông Chu Xuân Kiên khẳng định.

Dưới góc độ pháp lý, đại diện Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn ngập trên mạng trong thời gian qua thực sự đang báo động. Để từng bước đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng giả trên mạng cần có giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước và từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên hiện nay, chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhẹ, trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần. Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, cơ quan quản lý cần có các chế tài xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn…

Có thể thấy rằng, hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính. Chính vì vậy, đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần sự chung tay của toàn xã hội.

Diệu Anh

Lực lượng Quản lý thị trường tổng kiểm tra 8 điểm kinh doanh, kho chứa hàng giả trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên vào cuối tháng 6/2021. Trong ảnh: La liệt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trangkhông rõ nguồn gốc được kinh doanh chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử.

Hàng vi phạm gắn mác thương hiệu nổi tiếng

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được các đối tượng lén lút vận chuyển, tập kết vào các kho chứa trữ phục vụ cho việc kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử. Các đối tượng thường tiến hành giao dịch mua bán trên trang thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Viber, Facebook, Youtube… đăng ký thông tin không chính xác khiến tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng thêm phức tạp.

Qua công tác đấu tranh, lực lượng Quản lý thị trường nhận thấy, hàng hóa vi phạm phổ biến là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như mắt kính, túi xách, quần áo, giầy [Boss, Lascote, Gucci, Porsche Design, Nike, Adidas…], đồng hồ [Rolex, Omega, Longines…], phụ tùng xe máy, thực phẩm [bột ngọt Aji-no-moto, Saji…], mỹ phẩm [Mascara Maybellin, sáp vuốt tóc hiệu L’OREAL..], thậm chí có cả thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam [nhãn hiệu 555, Craven], phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả...

Để qua mặt lực lượng chức năng, đánh lừa người tiêu dùng, tại các điểm bán hàng, chủ hộ kinh doanh thường trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau. Cũng với thủ đoạn lợi dụng việc người dân còn hạn chế trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả, ưa chuộng hàng giá rẻ nên các đối tượng đã sản xuất, phân phối, buôn bán hàng giả hoạt động với hình thức mua đứt, bán đoạn và không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, tại các địa bàn lân cận khu đô thị, các đối tượng thuê kho lớn, chứa hàng trăm ngàn sản phẩm đơn vị sản phẩm, thực hiện vận chuyển qua dịch vụ giao hàng để phân tán hàng hoá.

Có thể nói, hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu vẫn diễn biễn phức tạp, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Cụ thể, nửa đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như Hà Nội đã xử lý 1.190 vụ, TP Hồ Chí Minh xử lý 387 vụ, Thái Nguyên xử lý 89 vụ, Bắc Ninh xử lý 80 vụ...

Điển hình gần đây nhất là vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường đồng loạt ra quân kiểm tra 8 kho chứa hàng, cùng nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên. Quá trình khám xét, lực lượng Quản lý thị trường đã tạm giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, hàng gia dụng và rượu.

Kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm

Tổng cục Quản lý thị trường cũng dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước tiếp tục nắm diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Lực lượng Quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng Quản lý thị trường; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích. Cùng với đó, tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 41.702 vụ; phát hiện xử lý 25.619 vụ vi phạm, giảm 3,5%; thu nộp ngân sách gần 192 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Qua đấu tranh, lực lượng Quản lý thị trường tịch thu hàng hóa [chưa bán phát mại] trị giá trên 141 tỷ đồng; buộc thu lại số lợi nhuận bất hợp pháp do vi phạm hành chính trên 1,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 102 tỷ đồng.

Video liên quan

Chủ Đề