Phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang truyền đạt chuyên đề về "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".

Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày chuyên đề: "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam". [Ảnh: Phương Hoa/TTXVN]

Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc

Theo đồng chí Phan Văn Giang, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ về quốc phòng với các vấn đề ngày càng công khai và trực diện hơn nên cần đánh giá đúng, có chủ trương, biện pháp, chủ động phòng ngừa, không để đất nước bị động, bất ngờ, không được chủ quan mất cảnh giác. Vì vậy, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở một số lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị cần phải nghiên cứu triển khai chặt chẽ hiệu quả hơn.

Về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, đồng chí Phan Văn Giang cho biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị,... để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển".

Theo đồng chí Phan Văn Giang, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước. Kiên định nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược trong xử trí các tình huống liên quan đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên"

Về nhiệm vụ quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quân đội nhân dân là nòng cốt".

Khẳng định củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên", nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Củng cố quốc phòng là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ, nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm: xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.

Theo đó, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng xác định phương hướng, mục tiêu xây dựng quân đội: "Xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại. Phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ". 

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, thế trận quốc phòng toàn dân là tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gồm: Xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Vừa giúp "tinh, gọn, mạnh" vừa góp phần bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa"

Tham gia Army Games những năm gần đây là cơ hội tốt để các đơn vị của quân đội ta thử sức mình và học tập kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội xác định: “Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại...”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng được ưu tiên lên hiện đại sẽ hoàn thành hiện đại; từ năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tham gia Army Games qua 4 mùa "thử lửa" ngày càng góp phần giúp cho Quân đội ta tinh hơn, mạnh hơn và hơn thế giúp chúng ta định vị rõ hơn sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu ở đâu so với khu vực và thế giới, có đáp ứng được đòi hỏi của cuộc chiến tranh công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa hay không.

Hội thao quân sự Quốc tế được coi là Olympic quân sự lớn nhất hành tinh. Nhưng sòng phẳng mà nói, nó không dừng ở ý nghĩa thể thao, văn hóa thuần túy như các giải thể thao thế giới và châu lục khác. Ở hội thao này, diễn ra cuộc cọ xát, thử lửa giữa lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội các quốc gia, cũng là nơi thể hiện rất rõ trình độ khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia. Bởi hoạt động quân sự luôn là nơi kết tinh, thể hiện trình độ phát triển của mỗi quốc gia khi mà mỗi bước tiến về khoa học nghệ thuật quân sự đều mang tính lưỡng dụng, có thể đo đếm, ứng dụng ngay vào lao động sản xuất.

Dấu ấn đậm nét nhất của Army Games năm nay là đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam xếp thứ 7/42 nước tham gia và đặc biệt là tham gia 15 nội dung thi đấu thì đoạt tới 7 huy chương gồm1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng, chiếm tới gần 50% nội dung thi đấu đều có huy chương. Trong bối cảnh mấy năm gần đây, các giải thể thao quốc tế Việt Nam tham gia hầu như rất ít đoạt huy chương cho dù đầu tư để đi thi thố "mang chuông đi đấm nước người" không phải là nhỏ thì thành công của Đoàn QĐND Việt Nam tại Army Games chính là một điểm sáng, một chiến công ghi danh, định vị vị thế, bản lĩnh Việt Nam thời hội nhập.

Ý nghĩa lớn lao hơn còn ở chỗ sự tham gia này mang lại lợi ích kép. Không chỉ là uy tín, danh dự, thành tích mà chính từ đây, đường lối, quan điểm đối ngoại, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ và lan tỏa mạnh mẽ. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ,Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chủ trương "4 không" là thế nhưng qua Army Games, dù không liên minh quân sự, chúng ta vẫn có cơ hội thực hiện những cuộc "diễn tập" toàn diện khi thi thố, cọ xát giữa hầu hết các quân binh chủng với các nền quốc phòng ở hàng chục quốc gia khác nhau. Tuy không liên minh, liên kết, không dùng vũ lực hay phô trương vũ lực nhưng qua hội thao quốc tế, chúng ta vừa tăng cường giao lưu, đoàn kết quốc tế lại vừa chứng minh được sức mạnh quân sự. Có lẽ vì thế mà trong một cuộc làm việc với lãnh đạo Quân đội gần đây, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã khen ngợi, đánh giá cao việc QĐND Việt Nam tham gia Army Games. Đây chính là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng và góp phần tích cực để đối ngoại quốc phòngphát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tiến hành tích cực, chủ động, sáng tạo, có chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao bằng khen tặng các tập thể xuất sắc tại Army Games 2021.

Khi Chiến lược Quốc phòng Việt Nam được hiện thực hóa trong mỗi môn thi

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn đánh giặc, phải có quân đội”[1]. Câu nói ngắn gọn của Người vừa hàm ý nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của quân đội trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong thời đại vũ khí, trang bị của quân đội các nước đều đang được nâng cấp theo hướng tinh vi hơn, hiện đại hơn cùng các chiến thuật, chiến lược hiện đại và phức tạp hơn nhiều thì nhiệm vụ xây dựng quân đội theo hướng hiện đại, tinh, gọn, mạnh là đòi hỏi cấp thiết để quân đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong phương pháp cách mạng nói chung và xây dựng quân đội nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí minh đặt lên hàng đầu là phải xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, không máy móc, rập khuôn. Như vậy, suy rộng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn đánh thắng giặc phải có quân đội mạnh, một quân đội đủ sức để xử lý các tình huống về an ninh, quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Ngay sau khi thống nhất đất nước, quân và dân ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tuy vậy, trong Thông tri số 96-TT/TW, ngày 17-9-1979, về việc tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Động viên cả nước vừa ra sức đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa khẩn trương tăng cường nền quốc phòng toàn dân, nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, cách mạng, chính quy, hiện đại, tăng cường đoàn kết với dân, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết đánh thắng… xâm lược trong mọi tình huống, nếu chúng lại liều lĩnh xâm lược nước ta” [2].

Các tuyển thủ Việt Nam tham gia thi đấu nội dung "Xạ thủ bắn tỉa" tại Hội thao Army Games.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta xác định rõ chủ trương: “Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với chất lượng ngày càng cao. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu” [3].

Đây là sự kế thừa, nhất quán với các quan điểm trước đó của Đảng, phù hợp với đặc điểm tình hình của đất nước trong giai đoạn mới. Cũng trong thời gian này, Cương lĩnh dây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 cũng xác định: “Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với quân số thường trực thích hợp theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, có sức chiến đấu cao”.

Chủ trương của Đảng về xây dựng quân đội luôn nhất quán và được điều chỉnh sát với thực tế và dự báo. Báo cáo của Bộ Chính trị ngày 25-12-2008 về kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2006-2008 [trình Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X] xác định: “Đẩy mạnh việc nghiên cứu và triển khai thực hiện phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng các yêu cầu tác chiến trong chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, sẵn sàng chiến đấu cao, đối phó kịp thời, thắng lợi các tình huống xảy ra” [5].

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã xác định rõ chủ trương: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng” [6].

Kíp xe tăng Việt Nam vượt vật cản cầu vệt bằng tại Army Games 2021.

Chủ trương xây dựng quân đội mạnh, hiện đại của Việt Nam luôn công khai với thế giới. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định với cộng đồng quốc tế về tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam và chủ trương duy trì chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ của Đảng, Nhà nước Việt Nam, với mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tích cực, chủ động tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Xây dựng quân đội với khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhưng Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam xác định: “Lấy đối ngoại quốc phòng làm công cụ quan trọng trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc; tạo lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực...”.

Có thể thấy, quan điểm, chủ trương về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã được Đảng ta hình thành từ rất sớm và liên tục có sự phát triển, hoàn thiện. Tham gia Army Games, một hội thao quân sự tầm vóc quốc tế là cơ hội quý để Quân đội nhân dân Việt Nam vừa tự học tập, rèn luyện mình theo đúng chủ trương “cách mạng”, “chính quy”, “tinh nhuệ” và “hiện đại”, vừa chứng tỏ cho bạn bè thế giới về một Quân đội nhân dân Việt Nam vì hòa bình.

Army Games – nơi lửa thử vàng

Không riêng quân đội ta, lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia khác đã được “thử lửa” trong công cuộc giành độc lập dân tộc hay những cuộc xung đột vũ trang. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, trong thế giới hiện đại, chỉ một số rất ít quân đội các nước được kiểm nghiệm khả năng chiến đấu trên chiến trường thực sự. Nói cách khác, trong vài chục năm trở lại đây, hiếm có quân đội của một quốc gia nào trải qua một cuộc chiến thực sự. Do đó, để đánh giá đúng khả năng sẵn sàng chiến đấu của một quân đội nào là rất khó.

Gần như không có cơ hội để quân đội của một nước so sánh năng lực của mình với quân đội của một quốc gia khác trong những năm gần đây. Do vậy, Army Games là cơ hội quý để quân nhân của quân đội các nước trực tiếp cọ xát, tranh tài với nhau một cách sòng phẳng để có đánh giá đúng về năng lực của mình.

Rực sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên đấu trường quốc tế.

Lập luận ngược lại. Liên bang Nga là một cường quốc và dĩ nhiên là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh theo cách hiểu của thế giới bên ngoài. Vậy nhưng, chính Đại tướng Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang [LB] Nga đã đưa ra ý tưởng tổ chức các cuộc thi trong nội bộ Các lực lượng vũ trang LB Nga năm 2013 sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy khả năng sẵn sàng chiến đấu của nhiều đơn vị chưa đạt yêu cầu. Army Games bắt đầu từ đó và tới năm 2015 được nâng lên tầm quốc tế.

Cũng từ đó tới nay, Army Games ngày càng trở nên nổi tiếng, thu hút sự tham gia của nhiều nước hơn, số môn thi đấu cũng được mở rộng và số quốc gia cùng LB Nga đăng cai tổ chức cũng ngày càng tăng. Tầm quan trọng của Army Games được khẳng định hơn khi trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành thì Army Games 2021 thu hút 277 đội tuyển của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thi đấu 34 môn thi ở hàng chục thao trường tại 11 quốc gia.

Đó là với nước Nga. Số lượng các nước và số đội tuyển tham gia mới cho thấy tầm quan trọng của một hội thao quốc tế mới được hình thành trong vòng vài năm. Các nước cử lực lượng quân đội tham gia Army Games không chỉ vì thể hiện sự coi trọng quan hệ với LB Nga mà vấn đề chính là để kiểm nghiệm năng lực của chính mình. Army Games 2021 với 34 môn đấu gồm hàng trăm bài thi được thiết kế sát với thực tế chiến đấu. Dù mới tham gia Army Games năm thứ tư, nhưng năm 2021 QĐND Việt Nam không chỉ cử số lượng đội tuyển tham gia thi đấu nhiều nhất mà còn chủ động đứng ra đăng cai hai môn thi Vùng tai nạn và Xạ thủ bắn tỉa ở Việt Nam.

Ở Army Games, các đội tuyển của QĐND Việt Nam phải thi đấu với các đội tuyển của các nước có thể lực tốt, được trang bị tốt và luyện tập với nhiều vũ khí, trang thiết bị tiên tiến nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước. Cứ mỗi lần tham gia hội thao là một lần chúng ta trưởng thành hơn. Năm nay, ở môn thi Cúp biển, Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam đã giành huy chương bạc ngay lần đầu tham gia, chỉ đứng sau đội tuyển của nước chủ nhà LB Nga, trong đó có một số nội dung thi đấu có thành tích nhất hoặc ngang bằng với LB Nga. Trên bộ, ở môn thi Kinh tuyến, đội tuyển của QĐND Việt Nam đã giành huy chương đồng trong lần đầu tham gia. Các đội tuyển còn lại đều thi đấu với thành tích tốt hơn hoặc giữ được thứ hạng so với các kỳ Army Games trước.

Biên đội tàu 015 và 016 cùng các kíp thi đấu nội dung thi bắn pháo thuộc môn thi “Cúp biển” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế [Army Games] 2021

Thành tích của các đội tuyển nói riêng và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung ở Army Games ngày càng được nâng lên ở nhiều nội dung thi đấu, đó là một kết quả rất đáng khích lệ trên con đường tiến lên “tinh, gọn, mạnh”.

Tại Lễ tuyên dương Hội thao Quân sự quốc tế [Army Games] 2021 ngày 14-10, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị chọn lọc nội dung phù hợp, bổ sung vào chương trình, nội dung huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức cơ động, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như trong tổ chức hội thi, hội thao của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã đề ra.

Đây là một yêu cầu không mới nhưng lại rất khó với từng đơn vị bởi một số quân, binh chủng đã lựa chọn, áp dụng một số nội dung, yêu cầu đúng như trong Army Games hoặc theo hướng tổ chức của Army Games. Một số đơn vị đã kết hợp Army Games vào huấn luyện khi có các nội dung được tổ chức theo tính liên hoàn, cạnh tranh theo từng đội, đòi hỏi cao về bản lĩnh, thể lực, kỹ năng, kỹ thuật của cá nhân cũng như công tác phối hợp hiệp đồng trong từng kíp chiến đấu. Tinh hoa của Army Games đã từng bước được tích hợp trong các bước huấn luyện của quân đội ta.

Hình ảnh huấn luyện của Đội tuyển Kinh tuyến tại thao trường ở Moscow [Liên bang Nga].

Một đất nước hiện đại sẽ luôn có một quân đội hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Những thành tích mà quân đội ta đạt được tại các kỳ Army Games không chỉ là những tấm huy chương hay những lời khen ngợi. Nổi bật lên ở đó là hình ảnh của một Quân đội nhân dân Việt Nam mạnh và hòa bình đang ngày càng tinh, gọn, mạnh không chỉ trong mắt của bạn bè quốc tế mà là thực chất, là niềm tin của Đảng và nhân dân ta về một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và cũng là một đội quân văn hóa, đội quân luôn ngày đêm rèn binh, chỉnh cán, mang vinh quang về cho Tổ quốc và tự nâng mình lên sánh bước cùng các đội quân tinh nhuệ khác của các cường quốc năm châu với tinh thần tự ngàn xưa cha ông ta từng nhắc nhở: "Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu!".

NGỌC HƯNG – VĂN MINH

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 5.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 40, Sđd, tr. 428.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Sđd, tr. 111-112.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Sđd, tr. 143.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 68, Sđd, tr. 94.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 78-79.

Video liên quan

Chủ Đề