Phần kiến nghị trong nghiên cứu khoa học là gì

Skip to content

Bản kiến nghị này bắt đầu bằng những con số, do website fabula.org, một website chuyên đưa thông tin về các hoạt động văn học. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2007, kể cả thời gian nghỉ hè, ở Pháp có khoảng trên 370 cuộc hội thảo về văn học, riêng Paris có khoảng 220 hội thảo. Ngoài ra, tính từ tháng 1-2007 đến ngày 27 tháng 9 năm 2007, số sách nghiên cứu về văn học được xuất bản ở Pháp là 111 cuốn, theo giới thiệu của fabula. Tác giả chủ yếu là các giáo sư, giảng viên ở các trường đại học, các cán bộ ở viện nghiên cứu.

Những con số này cho thấy, bên cạnh công việc giảng dạy, nghiên cứu đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của các trường đại học. Những con số này còn cho thấy tính liên tục và đều đặn của các hội thảo: trong năm học, số lượng cuộc hội thảo gấp đôi hoặc hơn gấp đôi trong hè, giao động từ 55-70 hội thảo một tháng. Vậy bản chất của môi trường đại học là môi trường nghiên cứu. Điều này đúng ở tất cả các nước có nền giáo dục đại học phát triển. Có thể có những người nghiên cứu vốn khởi đầu không phải từ một trường đại học, nhưng sau khi họ có công trình khoa học, họ sẽ được mời về làm việc ở các trường đại học, các viện nghiên cứu. Michel Onfray, nhà triết học còn trẻ của Pháp là một ví dụ: Onfray vốn là một giáo viên dạy triết của một trường trung học dạy nghề, sau khi xuất bản một số cuốn sách đã được mời về dạy ở đại học. Như vậy, đại học vừa là môi trường kích thích vừa có nhiệm vụ phát triển nghiên cứu.

Các cuộc hội thảo riêng trong lĩnh vực văn học ở Pháp diễn ra trong thời gian 9 tháng đầu năm 2007, chủ yếu là tại các trường đại học:
– Từ 16/1/2007 đến 3/2/2007: có 55 cuộc hội thảo, trong đó có 37 hội thảo ở Paris.
– Từ 13/2/2007 đến 26/3/2007: có 58 cuộc hội thảo, trong đó có 31 hội thảo tại Paris.
– Từ 16/3/2007 đến 18/4/2007: có 67 cuộc hội thảo, trong đó 30 hội thảo diễn ra ở Paris.
– Từ 24/4/2007 đến 21/5/20072: có 62 cuộc hội thảo, trong đó 32 hội thảo diễn ra ở Paris.
– Từ 22/5/2007 đến 15/6/2007: có 76 cuộc hội thảo, trong đó 35 hội thảo ở Paris.
Trong thời kỳ nghỉ hè:
– Từ 20/6/2007 đến 20/7/2007: có 30 cuộc hội thảo.
– Từ 1/8/2007 đến 30/9/2007: có 27 cuộc hội thảo.

Hoạt động nghiên cứu khoa học chính là một điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành khoa học xã hội. Làm thế nào để góp phần hạn chế điểm yếu này? Để tránh việc lặp lại những kiến nghị mang tính chất chung chung, tôi xin nêu ra đây một vài biện pháp cụ thể:

1. Xác định lại quan niệm và yêu cầu về giảng viên đại học: Giảng viên đại học đồng thời là  nhà nghiên cứu.
Giáo viên đại học không chỉ dừng lại ở việc soạn các bài giảng. Họ là những người tổ chức, tham gia vào các hội thảo nghiên cứu khoa học, là tác giả của các bài báo, các công trình nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy, nếu đại học Việt Nam bị coi là phổ thông cấp 4 thì nguyên nhân là ở chỗ nó chưa thực sự trở thành môi trường nghiên cứu. Số người làm nghiên cứu có, nhưng không nhiều. Vậy, để nâng cấp đại học, trước hết phải nâng cấp vai trò của giảng viên đại học. Các giảng viên tương lai để được tuyển chọn cần có phẩm chất của nhà nghiên cứu, và thực tế công việc phải đòi hỏi họ trở thành nhà nghiên cứu. Các thế hệ sinh viên Việt Nam không thiếu những người có phẩm chất này. Vấn đề là cần có chính sách tuyển chọn và sử dụng người hợp lý.

2. Để giảng viên đại học có thể dễ dàng đảm nhiệm vai trò nghiên cứu của mình, về mặt phương pháp và quy định cơ cấu chương trình giảng dạy cũng cần có sự thay đổi.
2.1. Ngoài việc thực hiện chương trình khung do Bộ Giáo Dục nghiên cứu và áp dụng ở các trường đại học, giảng viên cần có một sự độc lập nhất định trong việc chọn nội dung chương trình để giảng, một sự độc lập giúp họ có thể công bố các nghiên cứu mới của họ cho sinh viên.
2..2 Đặc biệt đối với đạo tạo sau đại học, từ thạc sĩ trở lên, hàng năm giảng viên cần đưa ra một chuyên đề mới. Nếu không thực hiện được hàng năm thì cũng phải thay đổi sau một thời hạn nhất  định, tối đa là ba năm. Vì việc dạy đi dạy lại một chuyên đề trong nhiều năm liền sẽ không kích thích khả năng sáng tạo và thay đổi trong nghiên cứu của giảng viên.
Ở Pháp, ngay ở cấp Licence, tức là cấp thấp nhất của đào tạo đại học, chủ đề và nội dung của các bài giảng cũng được giáo viên thay đổi. Tại Paris 7, cơ sở đào tạo hiện nay của tôi, có những giảng viên không bao giờ lặp lại bài giảng của họ, năm nào họ cũng đưa ra một vấn đề mới để giảng cho sinh viên. Vì mục đích của giáo dục đại học không phải là trang bị kiến thức.
Ở Phương Tây, ta có thể dễ dàng mua những cuốn sách với nhan đề như: “Bài giảng của năm…” Một ví dụ đã trở nên điển hình: “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương” của Ferdinand de Saussure thực chất chính là nội dung của các bài giảng của Saussure do học trò ông ghi lại. Cuốn “Herméneutique du sujet” của Michel Foucault cũng là những bài giảng của ông ấy vào năm 1982 được học trò xuất bản từ vở ghi. Hiện nay một số giảng viên ở Pháp có thói quen là sau một năm học, họ hoàn thiện và cho xuất bản luôn bài giảng mà họ đã giảng cho sinh viên, và năm sau lại bắt đầu một bài giảng mới. Như vậy, bài giảng thực chất là một công trình nghiên cứu. Và đấy chính là điều kiện để cho đại học trở thành môi trường nghiên cứu.
2.3.  Trước mắt nếu tính tự nguyện ở các giảng viên trong việc nghiên cứu chưa cao, cần có những quy định mang tính bắt buộc của ngành, ví dụ quy định mỗi năm phải công bố bao nhiêu kết quả nghiên cứu, ở những mức độ nào. Nhiều khi sự bắt buộc cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển. Giai đoạn bắt buộc sẽ kết thúc khi mà giáo dục đại học đạt tới một chất lượng nhất định, lúc mà các giảng viên đã tự bắt buộc chính họ dưới hình thức gọi là tự nguyện, lúc mà họ thấy việc nghiên cứu là nhu cầu của chính họ, nhu cầu phát triển của chuyên ngành mà họ đảm nhận, cũng như nhu cầu thể hiện và khẳng định năng lực, khẳng định giá trị của họ.
Tuy nhiên, chính sách bắt buộc chỉ có thể thực thi trong trường hợp giảng viên đại học được trả lương xứng đáng với lao động của họ, hoặc ít nhất họ có thể đủ sống bằng công việc chính của họ mà không phải mất thời gian mưu sinh bằng những việc khác không liên quan đến chuyên môn.
3] Công khai hoá việc sử dụng ngân sách của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học cấp cho  ngành giáo dục :
Một số điều cụ thể :
  3.1. Công bố ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học của ngành giáo dục trên website của Bộ Giáo Dục để tất cả cán bộ đều được biết và có thể nộp hồ sơ tham gia.
 3.2. Công bố các điều kiện và yêu cầu, cũng như các ngành khoa học cụ thể được nhà nước đầu tư trong nghiên cứu khoa học.
 3.3 Công bố danh sách thành viên của các hội đồng xét duyệt và thẩm định các công trình nghiên cứu.
 3.4 Chi tiết hoá kinh phí và cập nhật tại mỗi thời điểm có sự thay đổi, và công bố công khai trên mạng: đã chi bao nhiêu; cho những công trình gì, do ai phụ trách, do hội đồng nào xét duyệt; còn lại bao nhiêu…
 3.5.  Công bố danh sách các công trình nhận được tài trợ của chính phủ.
 3.6. Phổ biến các công trình đã nghiệm thu trên website của Bộ, để chất lượng của chúng có thể được đánh giá một cách công khai.

4. Tạo cơ hội cho cán bộ trẻ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu
 -Cán bộ trẻ, đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp được giữ lại trường thường không được giao nhiều công việc, vì họ chưa có nhiều kinh nghiệm. Cần cho phép họ tổ chức cho sinh viên các buổi thảo luận về các vấn đề mà họ đã được học. Hoặc hướng dẫn sinh viên cách đọc một văn bản, cách viết thu hoạch, cách tóm tắt các sách khảo cứu. Việc chữa các lỗi tiếng Việt và ngữ pháp, hướng dẫn cách viết, cách đọc cho sinh viên, các giáo sư không có thời gian để làm, có thể giao việc đó cho các nghiên cứu sinh hoặc các cán bộ trẻ. Ở Pháp có một chế độ gọi là monitorat, dành cho các nghiên cứu sinh, công việc của moniteur tại các khoa khoa học xã hội là tổ chức các hoạt động đọc và viết cho sinh viên, chữa bài cho họ. Sinh viên Pháp viết sai tiếng Pháp không phải là chuyện hiếm, gặp khó khăn khi viết một báo cáo cũng không phải là hiếm.  Chế độ monirtorat được thiết lập  để giúp sinh  viên khắc phục nhược điểm này. Đấy đồng thời cũng là một hình thức giúp cán bộ trẻ quen dần với việc nghiên cứu.
 -Cán bộ trẻ cũng có thể tổ chức các cuộc hội thảo, hoặc các nhóm nghiên cứu tuỳ theo lĩnh vực và sự quan tâm của họ.
 -Các cán bộ trẻ cũng cần nhận được sự đầu tư của nhà nước nếu họ có những dự án có chất lượng và nếu họ chứng minh được khả năng thực hiện dự án đó.
 
5. Đưa Lịch sử triết học thế giới thành một bộ môn của các ngành khoa học xã hội
Tại sao có đề xuất này ? Hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội đòi hỏi kiểu tư duy trừu tượng. Và tư duy trừu tượng vốn không phải là điểm mạnh của người Việt Nam. Tuy nhiên các công trình của triết gia Trần Đức Thảo cho thấy rằng người Việt Nam không phải không có khả năng tư duy trừu tượng. Nhưng chúng ta chưa tạo môi trường cho kiểu tư duy này phát triển. Việc giảng dạy môn triết học, giảng dạy các khái niệm và vấn đề triết học cho các ngành khoa học xã hội chính là một cách tạo điều kiện cho việc góp phần xây dựng tư duy trừu tượng. Không thể có hoạt động nghiên cứu nếu không có những con người có phẩm chất nghiên cứu. Và sẽ không có những người có phẩm chất nghiên cứu nếu không đào tạo họ.
5.1. Triết học là một môn thi tốt nghiệp phổ thông bắt buộc ở Pháp. Ở các nước phát triển khác, lịch sử triết học và phương pháp luận khoa học [epistemologie] được giảng dạy ở đại học cả trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đó không những là nền tảng kiến thức quan trọng của nhân loại mà còn là bộ môn giúp xây dựng khả năng phát triển tư duy trừu tượng. Vượt qua mọi tính chất cụ thể của các bộ môn khoa học cụ thể, nó là khoa học của mọi khoa học, là thành tựu đặc thù của tư duy nhân loại. Triết học thể hiện đầy đủ năng lực tư duy trừu tượng của con người.  Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, con người Việt Nam không thể không biết những gì mà nhân loại đã trải qua trên con đường tư duy về cuộc sống, về nhân sinh, về vũ trụ, về quan hệ giữa con người với bản thân mình, quan hệ giữa con người với đồng loại, quan hệ giữa con người với thế giới…
Trong khoa học xã hội nói riêng, như đã nói, thiếu tư duy trừu tượng sẽ dẫn đến sự thiếu vắng các nghiên cứu và các lý luận mang tính hệ thống. Do vậy, điều mà bộ môn lịch sử triết học có thể mang lại không chỉ là các kiến thức tổng hợp, mà còn là sự giới thiệu và gợi mở về các hình thái tư duy phức tạp. Nó sẽ góp phần, về lâu dài, xoá bỏ tình trạng thiếu vắng các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu và các nhà tư tưởng. Nó cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng băng hoại các giá trị tinh thần. Vì triết học sẽ nuôi dưỡng sự quan tâm đặc biệt đối với các giá trị tinh thần,  giúp con người hiểu rõ chính mình trong những chiều kích khác nhau, từ những vấn đề cụ thể trong đời sống hàng ngày của chính họ: sự sống, cái chết, cái tôi, tha nhân, tâm hồn, cơ thể, hạnh phúc, đạo đức, chính trị… cũng như những tầm cao mà họ có thể đạt tới trong tư duy.
5.2.  Việc giảng dạy cụ thể bộ môn này ở từng ngành khoa học xã hội khác nhau, có thể cần có những trọng tâm khác nhau. Trọng tâm chương trình áp dụng cho sinh viên khoa văn sẽ có sự khác biệt so với khoa sử, khoa ngôn ngữ, văn hoá… Điểm khác biệt chủ yếu sẽ nằm ở sự lựa chọn các tác giả, tác phẩm và trích đoạn tác phẩm được đưa vào phân tích cho sinh viên, và ở cách khai thác các tác phẩm, trích đoạn ấy.
5.3.  Làm thế nào để có các tác phẩm triết học thế giới để dạy cho sinh viên? Thực tế đó là một vấn đề nan giải. Vì rõ ràng chỉ có thể dạy cho sinh viên dựa trên những bản dịch tiếng Việt. Chúng ta có quá ít các bản dịch. Trong khi những triết gia đương đại như Derrida đã trở thành phổ biến ở Trung Quốc thì có những tác giả cổ điển vẫn chưa hề được dịch ở Việt Nam. Như vậy chúng ta đã lạc hậu quá nhiều so với Trung Quốc.
Hiện nay ở Việt Nam có những dịch giả tâm huyết và đủ năng lực để chuyển dịch những tác phẩm thuộc lĩnh vực rất khó dịch này. Một chính sách thoả đáng của chính phủ để sử dụng năng lực của họ cho một chiến lược tuyển chọn dịch và giới thiệu  một cách có hệ thống các tác giả kinh điển của triết học thế giới sẽ thúc đẩy quá trình đi nhanh hơn. Đồng thời tận dụng được tối đa tài nguyên chất xám mà chúng ta đang có.
***
Tất cả những điều nói trên cho thấy chỉ khi chính phủ thực hiện một chính sách mang tầm chiến lược thì mới có thể thực sự phát triển nghiên cứu ở đại học, đặc biệt là những nghiên cứu về khoa học xã hội, vốn đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về thời gian.
Tầm quan trọng của việc phát triển khoa học xã hội là ở chỗ : nó đóng vai trò cốt yếu trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển các giá trị nhân văn, các giá trị tinh thần, các giá trị đạo đức. Khoa học xã hội cung cấp hiểu biết về xã hội [Việt Nam và thế giới] để dựa trên đó, nhà cầm quyền có thể xây dựng và chọn lựa chính sách. Nếu không có khoa học xã hội thực sự, thì các “nhà khoa học xã hội” chỉ đóng vai trò “minh họa” hay biện minh cho một chính sách không căn cứ vào thực tế xã hội, đến khi chính sách này bị cuộc sống đào thải, thì lại « minh hoạ » cho một chính sách khác. Trước những ảnh hưởng nhanh chóng và ồ ạt của các yếu tố đến từ nước ngoài trong điều kiện hội nhập hiện nay, nếu khoa học xã hội của ta không đủ mạnh, và không áp dụng được các kết quả nghiên cứu vào đời sống, thì việc không bảo vệ được bản sắc dân tộc là điều có thể nhìn thấy. Bản sắc dân tộc không chỉ dừng lại ở những bộ trang phục truyền thống được mặc trong các dịp lễ hội hay các làn điệu dân ca. Nó còn là văn hoá ứng xử, cung cách sinh hoạt hàng ngày. Nó để lại dấu ấn trên các sản phẩm được sản xuất hàng ngày, từ sản phẩm tiêu dùng đến sản phẩm văn hoá, sản phẩm trí tuệ, cách thức tư duy. Cùng với sự suy vi của bản sắc dân tộc sẽ là sự băng hoại các giá trị đạo đức, các giá trị tinh thần, các giá trị nhân bản. Một quốc gia giàu mạnh không chỉ là một quốc gia phát triển về kinh tế mà còn là một quốc gia phát triển về văn hoá, có một nền tảng đạo đức xã hội vững chắc ; một quốc gia ở đó các công dân có quyền bình đẳng về mọi cơ hội, có điều kiện phát triển đầy đủ các phẩm chất trí tuệ, có điều kiện thể hiện khả năng lao động trong mọi lĩnh vực, được đảm bảo về sức khoẻ, và có điều kiện có một cuộc sống tinh thần phong phú. Giữa phát triển kinh tế và văn hoá có mối quan hệ biện chứng, hai chiều. Trong trường hợp Việt Nam, qua 20 năm đổi mới và tăng trưởng kinh tế, nếu văn hoá không đổi mới và phát triển lành mạnh, sẽ đến lúc nó níu kéo hay triệt tiêu tăng trưởng.

———-
* Nghiên cứu sinh ngành: Văn học
Đại học: Paris 7- Denis Diderot

Tìm địa điểm Trường Gọi trực tiếp Chat Facebook Chat Zalo

Video liên quan

Chủ Đề