Nội thất xhome có tốt không

CEO Nguyễn Tuấn Dũng không phải là cái tên xa lạ trong ngành nội thất và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Ông sinh năm 1983, là Founder & CEO XHOME Việt Nam - công ty thiết kế, thi công nội thất có tên tuổi trên thị trường Việt. Ra đời vào năm 2014 với một showroom nhỏ, đến nay XHOME có mặt tại 10 thành phố lớn, 1 văn phòng đại diện tại Singapore và sở hữu 6 thương hiệu cùng ngành.

Đây cũng là công ty thiết kế nội thất và kiến trúc sở hữu lượng nhân sự lớn với khoảng 400 nhân sự, trong đó có gần 200 kiến trúc sư.

Nhân dịp đầu năm, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với CEO Nguyễn Tuấn Dũng, xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp của ông và hành trình lội ngược dòng trong “cơn bão” Covid-19 cùng kế hoạch kinh doanh của XHOME sắp tới.

- Điều gì thôi thúc ông khởi nghiệp từ rất sớm?

CEO XHOME Nguyễn Tuấn Dũng: Tôi chính thức làm chủ lần đầu khi 26 tuổi. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cầu đường Đại học Giao thông vận tải vào năm 2006, tôi nhanh chóng tìm được một công việc tại Công ty Phát triển nhà Hà Nội [Handico]. Sau 2 năm làm việc ở Handico, tôi quyết định xin nghỉ công việc nhà nước ổn định để tham gia vào một công ty xây dựng tư nhân với vai trò là giám đốc xí nghiệp, quản lý khoảng 20 nhân viên.

Trong vai trò mới, tôi đứng ra tổ chức xây dựng một số hạng mục công trình hạ tầng trong khu công nghệ cao Hòa Lạc, thi công các gói thầu trong dự án tái định cư thủy điện Sơn La. Trong tất cả các chủ thầu, tôi là người ít tuổi nhất và có khuôn mặt non trẻ nên nhiều đối tác hồ nghi về năng lực.

Dù vậy, nửa thời gian đầu tôi đã hoàn thành công việc rất tốt. Tuy nhiên, trong một lần triển khai gói thầu xây dựng, dòng tiền từ dự án về chậm và tôi bị công ty đẩy hết rủi ro, trách nhiệm về mình.

Thất bại đầu đời khiến tôi khá “sốc” và ôm một khoản nợ kha khá. Phải mấy năm sau, tôi mới trả hết nợ. Lần thất bại này giúp tôi nhận ra một phần nguyên nhân là do mình còn quá trẻ, va chạm thực tế chưa nhiều, đồng thời tôi cũng quyết định sẽ không bao giờ làm việc cho một công ty Việt Nam nào nữa.

Để cân bằng cuộc sống, tôi xin nghỉ việc và suốt một năm sau đó chỉ ở nhà “giết” thời gian bằng cách đọc sách, nuôi chó và đi dạo.

Đến cuối năm 2009, tôi mới trở lại với công việc và làm cho một công ty xây dựng thuộc tập đoàn Sumitomo Mitsui [Nhật Bản] với mức lương nghìn USD. Công việc ổn định, lương cao khiến tôi “ngủ quên” ở Sumitomo trong 4 năm đầu. Đến năm thứ 5, tôi quyết định khởi nghiệp lại.

- Động lực nào khiến ông thức tỉnh sau một thời gian dài “ngủ quên”?

Sau khi vào Sumitomo tôi đã trả hết nợ cũ và mua một căn hộ theo hình thức trả góp. Tôi dành 30-40% thu nhập hàng tháng để trả nợ ngân hàng, còn lại tháng nào tiêu hết tháng đó.

Đến năm 2013, tôi chợt tỉnh: “Chẳng lẽ cả đời này mình đi làm chỉ để trả nợ mua nhà?”. Tôi quyết định khởi nghiệp lần nữa khi vừa làm ở Sumitomo, vừa mở một cửa hàng thời trang. Tôi không dám nghỉ việc vì sợ mất thu nhập và không thể trả nợ mua nhà.

Ròng rã suốt 1 năm trời, cứ 16 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, tôi làm ở Sumitomo từ sáng đến hết giờ, ngoài thời gian này tôi chỉ ở cửa hàng. Tôi tự chọn hàng, mix đồ, thuê mẫu về chụp ảnh, lập fanpage và đăng bài quảng cáo từ năm 2013.

Sau một thời gian hoạt động, câu chuyện khởi nghiệp của tôi lặp lại giống như lần trước: thuận lợi ban đầu, khó khăn về saut. Tôi đã nhượng lại cửa hàng vào cuối năm 2013.

Với thất bại này, tôi nhận ra nếu không tập trung, chuyên tâm mà cứ “chân nọ đá chân kia” sẽ không bao giờ làm được việc gì. Sau đó, tôi quyết định nghỉ hẳn việc ở Sumitomo và bán luôn nhà đang mua trả góp.

Sau khi trả hết nợ, tôi dư một khoản tiền và khởi nghiệp một lần nữa. Tôi cùng 3 người bạn thành lập XHOME vào năm 2014.

- Nghỉ công việc nghìn USD, bán cả nhà để về mở công ty, quyết định của ông có nhận được sử ủng hộ của gia đình?

Tất nhiên là gia đình tôi không ủng hộ. Tôi sinh ra trong một gia đình mà cả 3 thế hệ đều trong ngành công an, chỉ duy nhất mình tôi đi theo con đường riêng. Chính vì vậy, khi quyết định nghỉ việc và bán nhà để về mở công ty, gia đình tôi đều rất lo lắng vì quan điểm của người lớn cho rằng “phải có an cư thì mới lạc nghiệp”.

Nhưng quan điểm của tôi là khi mình còn cơ hội để thay đổi phải biết nắm bắt.

- Ý tưởng thành lập XHOME - công ty sản xuất nội thất thông minh - đến với ông như thế nào?

Trong một lần tình cờ xem các sản phẩm nội thất thông minh của nước ngoài sản xuất ngay lập tức tôi bị cuốn hút. Nhưng khi tìm hiểu tại thị trường Việt Nam, tôi nhận thấy các sản phẩm nội thất thông minh lại không phổ biến, tuy vẫn có nhưng giá thành cao, tính thẩm mỹ không đẹp.

Trong khi đó các hàng đóng sẵn lại tràn ngập, thế nhưng nhiều gia đình khi mua đồ có sẵn về đặt ở căn hộ lại không vừa. Từ thực tế đó, tôi mới bắt tay vào làm nội thất thông minh dành cho căn hộ nhỏ.

- Là “tay mơ” với thị trường nội thất, khi bắt tay vào làm ông gặp khó khăn ra sao?

Tôi bước chân vào ngành nội thất giống như một tờ giấy trắng nên khó khăn là điều không thể tránh. Tôi vẫn nhớ bản kế hoạch công ty được vạch ra chỉ đúng 1 tờ giấy A4.

Để tìm hiểu về lĩnh vực mới, tôi cùng một vài người bạn lang thang trên những con phố đồ gỗ đóng sẵn Đê La Thành, rồi phóng xe máy vào các làng nghề, xưởng nội thất ở ngoại thành Hà Nội.

Chúng tôi xem ở các công xưởng đang làm những mẫu mã nào và đưa sản phẩm của mình cho họ xem có làm được giá tốt không. Cuối cùng, cũng có một xưởng nhận sản phẩm của chúng tôi.

Sau khi xây dựng sản phẩm, chúng tôi thuê một showroom với diện tích khoảng 150m2, vừa để làm văn phòng công ty, vừa để bày bán sản phẩm. Để quảng bá hình ảnh, tôi lập fanpage “Nội thất thông minh cho căn hộ nhỏ”, bây giờ được đổi tên thành XHOME. Chỉ sau 2-3 ngày đầu khai trương, chúng tôi đều “sốc” vì số lượng hàng đã bán hết sạch, sản xuất không kịp để bán và chúng tôi buộc phải đóng cửa để sắp xếp lại đơn hàng.

Cái tên XHOME dần dần được nhiều người biết đến, các đơn hàng ngày càng bùng nổ. Sự phát triển của XHOME từ đó cũng tăng liền một mạch. Năm 2016, chúng tôi trở thành công ty nội thất có lượng khách hàng đông nhất tại Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, XHOME đang có thị phần lớn nhất Việt Nam về thiết kế và thi công nội thất.

Song song với XHOME, tôi cũng xây dựng và phát triển 6 thương hiệu mới như: XCONS - Kiến trúc và Xây dựng; XLUXURY Design - Nội thất cao cấp; XHOME Eco - Nội thất sạch từ nguyên liệu xanh; XHOME Store - Combo nội thất; LEO Việt Nam - Trang trí nội thất; H.O.A Fiore - Chuỗi cửa hàng hoa lụa cao cấp. May mắn là hầu hết các thương hiệu đều gặt hái những thành công nhất định và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

- Vậy sau thành công với XHOME và những thương hiệu mới, ông có khởi nghiệp trong lĩnh vực nào nữa không?

Tôi khởi nghiệp liên tục, thành công có nhưng cũng không ít lần thất bại.

Lần khởi nghiệp gần đây nhất là vào năm 2018, khi vừa điều hành XHOME, tôi thử sức mình trong lĩnh vực công nghệ. Tôi cùng với chị Trần Thu Thủy [thời điểm đó là COO & Founder Mytour.vn] cho ra mắt “Mạng xã hội việc làm - Xwork”.

Mục tiêu của tôi là mong muốn giảm tình trạng thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề tại Việt Nam thông qua các hoạt động tương tác trực tiếp giữa doanh nghiệp, người lao động và các mô hình đào tạo.

Tuy nhiên, điều không may mắn là Xwork ra đời vào thời điểm khi mà niềm tin của các quỹ đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam rất mong manh, hầu hết các startup công nghệ thời điểm đó thua lỗ và chưa thấy các dấu hiệu có khả năng sinh lời.

Xwork đã gọi vốn vòng đầu thành công, song những vòng tiếp theo tôi không thể huy động được thêm vốn dù đã rất cố gắng. Kết quả, tôi phải đóng cửa lần khởi nghiệp này vào đầu năm 2020 khi Covid-19 “ghé thăm”.

Thất bại này “ngốn” của tôi một khoản tài chính lớn nhưng đổi lại tôi không thấy tiếc và cảm thấy học hỏi được rất nhiều. Tư duy làm startup công nghệ giúp tôi có một tầm nhìn rộng hơn khi nhìn sang tất cả các dạng sản phẩm và mô hình kinh doanh khác.

- Được biết, XHOME hiện nắm thị phần lớn trong ngành nội thất tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lớn, đặc biệt là mở thêm văn phòng đại diện tại Singapore. Vì sao ông lại chọn Singapore mà không phải quốc gia nào khác?

Tầm nhìn ban đầu của tôi là đưa XHOME ra “biển lớn” để trở thành một niềm tự hào Việt Nam. Chính vì thế, tôi luôn luôn muốn thử sức đưa mô hình kinh doanh sang các quốc gia khác, gần nhất là các quốc gia Đông Nam Á.

Tôi chọn Singapore vì đây là một tiêu chuẩn cho tính sạch, chất lượng cao và muốn thử khai phá thị trường để xem mình có cơ hội không.

Tôi có thể chọn Lào, Campuchia, Philippines… nhưng tôi lại thích chọn thị trường “khó tính” trước. Quan điểm của tôi là khi đã làm thì làm cái khó trước, không đi từ dưới lên mà thích đi tắt và chấp nhận trả học phí.

- Trải qua hành trình 6 năm, theo ông, giai đoạn nào mang tính bước ngoặt đối với XHOME?

Tôi nghĩ kể từ khi thành lập đến nay, XHOME có 3 dấu mốc quan trọng.

Đầu tiên là giai đoạn 2014 - 2017, lúc đó chúng tôi đang lập đỉnh cao trong phân khúc nội thất nhà ở bình dân. Thế nhưng trong một cuộc họp cuối năm 2017 tại Hạ Long [Quảng Ninh] với các nhân sự cấp cao toàn hệ thống, tôi đã nói rằng: Những sản phẩm chúng ta đang kinh doanh là sai, những giá trị chúng ta tạo ra không còn đủ tốt cho khách hàng và nếu cứ chạy mãi thế này công ty không thể tồn tại lâu dài.

Ngày đó không lãnh đạo nào trong hệ thống tin vào điều tôi nói, vì công ty đang “ăn nên làm ra” lại bảo chúng tôi đang làm không đúng. Tuy nhiên, tôi vẫn lên kế hoạch xây dựng XHOME Store, XHOME Eco và XLUXURY Design để tạo tiền đề cho sự chuyển đổi toàn diện.

Dấu mốc thứ 2 là năm 2018 - 2019, giai đoạn XHOME tập trung đầu tư cho các sản phẩm chiến lược mới song hành với việc sắp xếp, tái cơ cấu và “thay máu” nhân sự. Áp lực lớn nhất là trong 2 năm này.

2020 cũng là năm bước ngoặt của XHOME khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đúng vào lúc XHOME bắt đầu khai thác những sản phẩm mới vừa xây dựng. Giai đoạn 2018 - 2019, chúng tôi sử dụng vốn vay nhiều để phát triển các sản phẩm, đầu tư mở rộng. Chỉ riêng trong 2020, chúng tôi đã trả gần hết. Chúng tôi đã may mắn thành công với tầm nhìn của mình.

- Vậy “năm Covid-19 thứ nhất” đã tác động đến XHOME ra sao?

Khi mà các doanh nghiệp phải vật lộn, lao đao giữa cơn khủng hoảng đại dịch thì với XHOME, đây là năm chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có và được xem là năm thành công nhất trong lịch sử hoạt động của XHOME.

Vào thời điểm dịch Covid-19 ập đến và phải cách ly toàn xã hội, chúng tôi đã đưa ra một vài quyết định giúp XHOME lội ngược dòng ngoạn mục.

Thứ nhất, chúng tôi tập trung vào đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh. Bởi vì thời điểm cách ly xã hội cũng là lúc mọi người ở nhà và dùng điện thoại nhiều nhất.

Thứ hai, ở mảng thiết kế và thi công nội thất, XHOME bỏ hẳn phân khúc phổ thông vốn đã khai thác trong suốt nhiều năm để tiến vào phân khúc trung, cao cấp.

Thứ ba, tinh gọn nhân sự và bộ máy hoạt động. Sau dịch, XHOME cắt giảm 30% nhân sự trên toàn hệ thống, nhưng cắt giảm về số lượng và tăng về chất lượng. Thay vì 100 triệu chi cho 10 người, tôi sẽ chi cho 2 người, mỗi người 50 triệu.

Sau khi áp dụng chiến lược mới, tháng 4/2020 là thời điểm cách ly toàn xã hội cũng là tháng XHOME “chốt” hợp đồng nhiều nhất, và được xem là tháng lập đỉnh kể từ khi thành lập công ty. Sau đó, tháng 5 lại vượt tháng 4 và cứ như thế tăng liên tiếp đến nay.

- Dịch thì đến bất ngờ, nhưng việc ứng phó với dịch ở XHOME rất “mượt”?

Đến thời điểm hiện tại, tôi không có cảm giác Covid-19 có ảnh hưởng đến XHOME. Nếu có, đó là ảnh hưởng tốt, vì nó giúp tôi thấy được doanh nghiệp mình đang thừa ở đâu dù trước đây tôi không nhận ra.

Để đạt được kết quả này, những quyết định của chúng tôi trong giai đoạn khó khăn chỉ chiếm 30%, 70% còn lại chính là nhờ có sự chuẩn bị chuyển đổi trong giai đoạn 2018 - 2019. Chúng tôi đã hướng đến khách hàng cao cấp và sản phẩm từ trước, nếu trong thời điểm dịch, chúng tôi vẫn còn loay hoay trong phân khúc phổ thông thì chắc cũng khó sống sót.

Đối với tôi, việc XHOME vượt khủng hoảng trong đại dịch được xem là kỳ tích của ngành nội thất. Khi “cơn bão” Covid ập đến, giới trong nghề đều nhìn vào mô hình của XHOME là “dễ chết” nhất bởi quá đông nhân sự và quy mô rộng.

- Từ trước đến nay, XHOME đã gọi vốn lần nào chưa?

Chúng tôi chưa gọi vốn bao giờ.

- Ông có dự định sẽ gọi vốn không?

Chắc chắn là có. Năm 2020, chúng tôi đã làm việc với nhiều quỹ đầu tư lớn nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch vẫn đang tạm dừng.

- Giả sử nếu XHOME gọi vốn không thành công…?

Nếu XHOME không gọi vốn thành công thì chúng tôi vẫn hoạt động bình thường như hiện nay. Bởi vì, ngay cả thời điểm cần vốn nhiều nhất để tái cơ cấu toàn bộ như giai đoạn 2018-2019, chúng tôi vẫn không gọi vốn.

Về cơ bản, việc gọi vốn sẽ phục vụ cho một kế hoạch mở rộng rất lớn nhưng trong kế hoạch của chúng tôi, quá trình mở rộng đó lại chưa đến thời điểm này. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn các quỹ đầu tư đồng hành cùng XHOME trong giai đoạn tới.

- Trong thập niên tới, XHOME có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng [IPO] và lên sàn chứng khoán Việt Nam hay không?

Đây là điều chắc chắn. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ thực hiện IPO vào năm 2024.

- Thực tế hiện nay số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực nội thất mọc lên như nấm. Vậy thì làm thế nào để hệ thống XHOME của ông cạnh tranh với những công ty lớn khác?

Suốt 6 năm hoạt động, trong tư duy của tôi thì XHOME không có đối thủ cạnh tranh, vì tôi chưa bao giờ có ý nghĩ xem các công ty khác là đối thủ. Tôi phát triển doanh nghiệp dựa trên tầm nhìn là phải luôn tạo được ra xu hướng tiêu dùng mới, kết nối, hợp tác với các công ty trong ngành để cùng nhau tạo ra giá trị thực sự tốt cho xã hội, qua đó đưa ngành nội thất tại Việt Nam tiến ra thế giới bằng chính những thương hiệu Việt.

- Ông có lo ngại nếu doanh nghiệp ngoại nhảy vào thị trường nội thất Việt Nam, điển hình như đế chế IKEA đang muốn rót 450 triệu Euro vào thị trường Hà Nội?

Nếu ở góc độ là khách hàng, tôi thấy điều này mới thực sự tốt cho họ. Khi một thương hiệu ngoại vào Việt Nam, nếu sản phẩm của họ tốt cả về mặt thẩm mỹ, công năng và giá thì sản phẩm đó sẽ giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn, qua đó cũng sẽ góp phần thanh lọc thị trường.

Bản chất của thị trường dù là ngành nội thất hay bất kỳ ngành nghề gì đều có quy luật đào thải. Nếu mình làm không tốt, tự thị trường sẽ đào thải. Còn nếu mình làm tốt và xây dựng thương hiệu riêng dựa trên khởi nghiệp sáng tạo thì sẽ luôn có con đường đi riêng.

Dù IKEA hay bất kỳ một “ông lớn” nào vào Việt Nam, tôi đều thấy “happy” cho điều đó.

- Theo ông, bức tranh thị trường nội thất Việt Nam trong năm 2021 sẽ thế nào?

Theo logic, thị trường sắp tới sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch. Năm 2020, thị trường chưa “ngấm đòn” bởi nhiều người đã có dự định mua nhà từ trước nên họ vẫn mua sắm nội thất bình thường. Bước sang 2021 thị trường bắt đầu ngấm, nhu cầu mua hay xây nhà mới sẽ ít đi, trong khi các công ty vẫn “nở ra” thì doanh nghiệp trong ngành sẽ khó khăn.

Nhưng, tôi lại nghĩ khác. Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nóng khi rất nhiều dòng vốn FDI đang được rót vào, đặc biệt là sau khi Chính phủ khống chế thành công dịch Covid-19, tạo thêm lòng tin ở nhà đầu tư.

Sang năm 2021, thị trường dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng, tất nhiên là sẽ chậm hơn so với những dự báo trước khi có dịch Covid-19. Tăng trưởng này gắn với quá trình phát triển tất yếu của nền kinh tế Việt Nam khi các dự án mọc lên ở nhiều tỉnh thành.

- Là nhà sáng lập thành công, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang mơ ước khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực nội thất?

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần xác định rõ 2 vấn đề.

Thứ nhất là phải hiểu rõ khởi nghiệp là như thế nào và đã khởi nghiệp phải thêm 2 chữ “sáng tạo”.

Thứ hai, phải nghĩ xem mục đích sống của mình là gì, phải xác định rõ trước khi kinh doanh. Ngoài câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo, phải xác định trước rủi ro, sẵn sàng đánh đổi và hãy tin rằng mình đã trang bị đủ kiến thức, đủ hiểu biết thì mới bắt đầu.

Tôi đã thấy rất nhiều bạn trẻ trong ngành này khởi nghiệp thất bại. Có những người khởi nghiệp chỉ để thể hiện với bạn bè, gia đình, khởi nghiệp theo trào lưu hay khởi nghiệp theo kiểu “làm trong làm ngoài”… phần lớn khởi nghiệp theo những kiểu này đều sớm nhận thất bại.

- Triết lý kinh doanh của ông là gì?

Khách hàng là trung tâm và luôn phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để tư duy sản phẩm. Tôi luôn luôn hướng đến tạo ra những giá trị tốt cho xã hội.

- Khát vọng của ông trong thập kỷ mới?

Việc XHOME mở rộng các trung tâm thiết kế ở nhiều tỉnh thành không phải là mục đích chúng tôi hướng đến để kiếm tiền. Tôi mong muốn phổ cập cái đẹp, đưa cái đẹp về với mọi nhà.

Tôi muốn khách hàng dù ở bất cứ tỉnh thành nào, điều kiện kinh tế ra sao thì đều được biết đến cách lựa chọn, sắp xếp cho mình một không gian sống đẹp về thẩm mỹ và phù hợp với túi tiền. Các sản phẩm được cung cấp sẽ không chỉ đến từ XHOME mà có thể đến từ nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã từng bước được định vị, đứng trong top 5 nước chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới. Rất nhiều thương hiệu trên thế giới đặt gia công tại Việt Nam, sau đó họ nhân 4, nhân 5 giá và bán tại chính thị trường Việt.

Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam có những người thợ rất khéo tay, nền tảng sản xuất tốt nhưng bao nhiêu năm qua chỉ đứng đằng sau gia công cho thương hiệu nước ngoài. Hơn nữa, đội ngũ các nhà thiết kế nội thất ở Việt Nam cũng rất đông đảo và giỏi về chuyên môn nhưng tại sao đến bây giờ chúng ta không có được những thương hiệu sáng tạo riêng được thế giới biết đến.

Khi người nước ngoài nhìn vào Việt Nam, nếu là café họ biết Trung Nguyên, ô tô họ biết Vinfast…. Vậy nói đến nội thất, họ nghĩ đến cái tên nào?

Chính vì vậy, khát vọng của tôi là làm thế nào đó để Việt Nam có được những thương hiệu nội thất được cả thế giới biết đến. Đó có thể là XHOME hoặc bất kỳ một thương hiệu Việt nào khác. Xuất phát điểm phải là khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng thế mạnh sản xuất và nguồn lực lao động sẵn có trong nước để xây dựng thương hiệu riêng, xuất khẩu ra thế giới bằng chính thương hiệu và mô hình kinh doanh của mình chứ không núp phía sau chỉ nhận gia công cho những thương hiệu ngoại.

Chủ Đề