Nhà Nguyễn ban hành bộ luật mới nào

Trắc nghiệm: Năm 1815, vua Gia Long đã ban hành bộ luật có tên là

A. Hoàng triều luật lệ.

B. Đại Việt luật lệ.

C. Luật Hồng Đức.

D. Luật triều Nguyễn.

Trả lời

Đáo án đúng: A. Hoàng triều luật lệ.

Năm 1815, vua Gia Long đã ban hành bộ luật có tên là Hoàng triều luật lệ.

>>> Xem thêm: Vua Gia Long đã chia đất nước thành?

Giải thích của giáo viên Top lời giải về lí do chọn đáp án A.

- Năm 1802:

+ Nguyễn Ánh lần lượt đánh chiếm vùng đất từ Quảng Trị đến Nam Định và tiến thẳng Thăng Long. Quang Toản bị bắt, chấm dứt thời Tây Sơn.

+ Nguyễn Ánh đặt niên hiệu Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập ra triều Nguyễn.

=> Chế độ quân chủ chuyên chế được lập lại. Vua trực tiếp nắm mọi quyền hành từ trung ương đến địa phương.

=> Năm 1815 vua Gia Long đã ban hành bộ luật có tên là "Hoàng triều luật lệ" hay còn được biết đến với tên gọi Hoàng Việt luật lệ, Quốc triều điều luật,Nguyễn triều hình luật [luật Gia Long].

- Bộ luật gồm gần 400 điều, quy định chặt chẽ việc bảo vệ nhà nước và các tôn ti trật tự phong kiến.

- Có thể đánh giá đây là là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất trong hệ thống luật cổ của nước ta và là bộ luật đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam có sự thống nhất từ Bắc vào Nam.

- Vua Gia Long sau khi lên ngôi để có cơ sở về luật pháp, lệnh cho Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu dựa vào Đại Thanh luật lệ và Luật Hồng Đức làm cơ sở soạn bộ luật cho triều Nguyễn có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ [còn được gọi là Luật Gia Long], gồm 22 quyển và 398 điều sau đó vua Gia Long cho ban hành chính thức vào năm 1815. Bộ luật này gần như lấy nguyên mẫu là luật nhà Thanh. Trong 398 điều thì chỉ có 2 điều là rút từ Quốc triều Hình luật thời Hậu Lê, vài chục điều luật khác biệt chút ít về từ ngữ so với luật của nhà Thanh, các điều luật còn lại đều sao chép lại nguyên xi tên gọi lẫn nội dung kể cả các tiểu chú của các điều luật trong “Đại Thanh luật lệ”

- Giống như “Đại Thanh luật lệ”, Hoàng Việt luật lệ ngoài quyển đầu là mục lục các điều luật, bảng [hay đồ], thể lệ về phục tang, diễn giải thuật ngữ, các quyển còn lại được chia thành 6 thể loại, tương ứng với việc của 6 bộ: Lại, Bộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Ngoài ra, cách trình bày in ấn của “Hoàng Việt luật lệ” cũng giống với bộ luật nhà Thanh. Một số điều luật trong “Hoàng Việt luật lệ” đã lược bỏ, thay đổi một số tiểu tiết của luật nhà Thanh cho phù hợp với cách gọi tại Việt Nam [Một số điều luật thay đổi đơn vị hành chính “tỉnh” của Trung Quốc thành “doanh, trấn” của Việt Nam, chức danh lý trưởng của Trung Quốc bằng xã trưởng của Việt Nam].

- Hoàng Việt luật lệ được sử dụng trong suốt thời nhà Nguyễn rồi dùng tiếp ở Trung Kỳ trong thời Thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam.

– Cấu trúc bộ luật: Bộ Hoàng Việt luật lộ gồm 398 điểu, chia thành 22 quyển. Việc chia quyển đã bước đầu có sự phân ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật. Mở đầu bộ luật in lời Tựa của đương kim Hoàng đế Gia Long khẳng định tư tưởng chính trị pháp lí cơ bản của triều Nguyễn là: ‘Thánh nhân cai trị thiên hạ đều dùng luật pháp để xử tội dùng dạo đức để giáo hoá họ, hai điều ấy không thiên bên nào bỏ bên nào ” “pháp luật là công cụ giúp cho việc cai trị thêm tốt đẹp”. Tiếp sau là Tổng mục về luật, lộ của vua Việt Nam. Phần Danh lộ và Bản điều được sắp xếp như sau:

– Giới thiệu các quyển luật

+ Quyển 1, 2, 3: Ghi mục lục về luật các biểu đổ giá chuộc; năm hình phạt, nguồn gốc, ý nghĩa của hình phạt; đổ hình cụ, tang chế. Giải thích một số điểm trọng yếu của luật, cách xử lí tài sản bất hợp pháp. Danh lệ về thập ác và chủ yếu là những điều luật quy định về nguyên tắc chung [45 điều].

+ Quyển 4, 5: Luật Lại, quy định về chức chế và công vụ [27 điều].

+ Quyển 6, 7, 8: Luật Hộ, quy định về hộ tịch, điền trạch, đăng bạ, của cải, thuế điền thổ, trốn thuế. Điều chỉnh về hôn nhân, thu chi, cho vay, chợ, cửa hàng [66 điều].

+ Quyển 9: Luật Lễ, quy định về lễ nghi triều đình, tế tự, lăng tẩm, nhà cửa, y phục [26 điều].

+ Quyển 10, 11: Luật Binh, chủ yếu nhằm bảo vệ nhà vua, cung cấm điều chỉnh lĩnh vực quân sự, kiểm soát lưu thông, vấn đề biên giới, lưu chuyển công văn, trạm dịch [58 điều].

+ Quyển 12 đến quyển 20: Luật Hình [bao gồm cả hình sự và tố tụng], quy định về các nhóm tội phạm cụ thể và thủ tục khiếu tố kiện tụng, xét xử, giam giữ, thi hành án [166 điều].

+ Quyển 21: Luật Công, chủ yếu quy định về những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng các công trình công cộng, kho chứa, đê điều, cầu đường [10 điều].

+ Quyển 22: Ghi mục lục Tổng loại và Tỉ dẫn điểu luật. Trong quyển này các nhà làm luật dự liệu 30 trường hợp so sánh để áp dụng tương tự.

– Cấu trúc các điều luật: Thông thường, điều luật thường có cấu trúc: Tên tội, điều luật, giải thích, điều lệ, một số điều còn có thêm phần tập chú. Tuy nhiên, không phải điều nào cũng có cấu trúc đó.

------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn tìm hiểu về Hoàng triều luật lệ. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

I. Vài nét về luật pháp Việt Nam thời phong kiến.

Ở Việt Nam, thời kỳ phong kiến, mỗi một triều đại đều soạn riêng cho mình một pháp lệnh chuẩn mực làm khuôn mẫu cho xã hội, bắt buộc mọi người phải tuân theo. Trong lời tựa sách Hoàng Việt Luật Lệ, Vua Gia Long viết: “Các triều đại nước ta từ xưa đến nay đều có những pháp lệnh khuôn mẫu”.

Ngược dòng lịch sử, các nhà nghiên cứu cho thấy, bộ luật đầu tiên của Việt Nam là Hình thư [luật nhà Lý]; thời tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã định ra “Luật lệnh”; thời nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng đã “đặt vạc dầu, nuôi hổ dữ làm hình phạt để lấy uy chế ngự thiên hạ”. Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết về Ngô Quyền: sau khi dẹp xong giặc Nam Hán đã định đô ở Cổ Loa, sắp đặt bách quan, “chế triều nghi”, định sắc phục, quy mô vô cùng, rất là đáng xem. Như vậy, từ việc chế định triều nghi của nhà Ngô cùng với việc đặt ra những quy chế để cai trị đất nước đã được coi trọng. Đến thời nhà Trần, sau cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, Vua Trần Thái Tông đã cho ban hành bộ luật mới, đó là Quốc triều thông chế. Đại Việt sử ký toàn thư viết “Canh Dần, [Kiến Trung] năm thứ 5 [1230], [Tống Thiệu Đinh năm thứ 3]. Mùa xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của  triều trước, soạn thành Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển”.

Đến thời nhà Lê đã có bộ Quốc triều hình luật mà sử quen gọi là luật Hồng Đức hay luật nhà Lê. Bộ luật này được coi là bộ luật hình chính thống và quan trọng bậc nhất của triều Lê. Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì nước sẽ loạn, đó là lẽ bất di, bất dịch trong việc trị thiên hạ của mọi thời đại. Đại việt sử ký toàn thư viết: “Tháng giêng năm 1428, Lê Thái Tổ hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân dân, để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng để răn dạy quân dân biết là có pháp luật. Mọi công dân đều có các cơ quan phụ trách riêng, dâng lên vua xem.

Hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: “Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp.

Mùa hạ, tháng 5, ngày 12, Vua và các đại thần cùng nghị bàn việc nước; quyết định các quan viên, các quan trấn thủ tại các lộ, trấn và những nơi xung yếu, định luật lệnh kiện tụng, quy chế về chức tước”.

Quốc triều hình luật là một trong những bộ sách về pháp luật cổ nhất ở Việt Nam. Hiện nay, nó là một tài liệu tham khảo quan trọng bậc nhất cùng với Hoàng Việt Luật lệ của triều Nguyễn, là một thành tựu có giá trị trong lịch sử pháp luật Việt Nam thời phong kiến.

Gần bốn trăm năm trôi qua kể từ khi Quốc triều hình luật của thời Lê ra đời, xã hội nước ta có nhiều lần soán đổi triều đại. Cuối cùng, năm 1802, Nguyễn Ánh [tức Thánh tổ Cao hoàng đế] đã thống nhất đất nước, lên làm Vua và lấy niên hiệu là Gia Long. Lần đầu tiên lãnh thổ nước Việt Nam liền một dải từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau.

Triều Nguyễn cũng không nằm ngoài quy luật là muốn cai trị thiên hạ cần phải có luật. Vua Gia Long hiểu điều này hơn ai hết , bởi trải qua rất nhiều điều nguy hiểm, gian khổ mới có được ngày thống nhất giang sơn. Ông muốn thể hiện cái uy quyền của một đế vương để làm thiên tử, làm vua thiên hạ, thay trời hành đạo, khôi phục giang sơn ngày càng thịnh trị. Cho nên, ngay sau khi lên nắm quyền, nhà vua đã cho soạn riêng một bộ luật của triều đại mình để làm cái gốc trị thiên hạ. Đó là Hoàng Việt Luật Lệ hay còn gọi là Luật Gia Long.

Mộc bản sách Hoàng Việt Luật lệ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

II. Mộc bản sách Hoàng Việt Luật lệ – bộ luật Gia Long hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt.

Khi lên ngôi [1802], vua Gia Long đã phải gánh vác nhiều công việc trọng đại. Suốt thời gian chiến tranh, mọi việc trong nước bị đình đốn, riêng pháp luật coi như bị lãng quên hoàn toàn. Ngay sau khi nắm triều chính, vua Gia Long đã ra lệnh cho biên soạn một bộ luật làm công cụ cho công cuộc cai trị đất nước lâu dài, đó là Hoàng Việt Luật lệ. Hoàng Việt Luật lệ là một bộ luật lớn, hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của thư tịch luật pháp Việt Nam thời phong kiến. Người có công đầu trong việc soạn thảo bộ luật này là Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua Gia Long, Vũ Trinh và Trần Hựu là người trực tiếp biên soạn.

Hoàng Việt Luật lệ được biên soạn trong một thời gian dài, đến năm 1811 thì hoàn tất, năm 1812 được khắc in lần đầu ở Trung Quốc với bài tựa của đương kim Hoàng đế Gia Long. Theo lời tựa thì vua trực tiếp đọc duyệt, tu chỉnh lại sau cùng, mới cho phép khắc in và ban hành, rồi cho áp dụng trên phạm vi toàn quốc vào năm 1815.

Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ là những tài liệu gốc rất đáng tin cậy đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung  và lịch sử pháp luật Việt Nam nói riêng. Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ là những bản gỗ khắc chữ Hán ngược để in ra sách Hoàng Việt Luật lệ. Bản gốc tài liệu Mộc bản Hoàng Việt Luật lệ hiện được bảo quản tại kho lưu trữ chuyên dụng của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tại số 2 – Yết Kiêu – Phường 5 – TP. Đà Lạt.

Tổng số bản gốc tài liệu Mộc bản của Hoàng Việt Luật lệ hiện có ở đây là 467 tấm Mộc bản; với 878 mặt khắc. Sau khi thực hiện đề án “cấp cứu tài liệu Châu bản, Mộc bản”, toàn bộ các tấm Mộc bản trên đã được in dập ra giấy dó, đã quét và đưa vào đĩa CD-Rom để bảo hiểm tài liệu. Hiện tại, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã xây dựng phần mềm để quản lý và phục vụ khai thác cả bản gốc [chữ Hán ngược] và bản dập [chữ Hán xuôi], có thể phục vụ độc giả nghiên cứu.

Hoàng Việt Luật lệ thuộc chuyên đề pháp chế; ký hiệu H43, tổng cộng bộ sách gồm 22 quyển, [878 tờ bản dập], khổ khuôn in 24,5 x 35,5cm.

Sách gồm các phần: Luật mục; danh lệ; lại luật; hộ luật; lễ luật; binh luật; hình luật; công luật và phần sách dẫn, giải thích luật.

Quyển 1: Luật mục: Mục lục của luật

Quyển 2: Danh lệ [phần thượng]: tên gọi lệ, luật [các tội danh ghi trong luật]

Quyển 3: Danh lệ [phần nạ]: tên gọi lệ, luật [các tội danh ghi trong luật]

Quyển 4: Lại luật chức chế: luật về quan lại chức chế

Quyển 5: Lại luật chức chế: luật về quan lại công chức

Quyển 6: Hộ luật: luật về hộ dịch, điền trạch

Quyển 7: Hộ luật: luật về hôn nhân [cưới gả]

Quyển 8: Hộ luật: luật về thương khố, nộp thuế, cho vay, tiền bạc, chợ, cửa hàng.

Quyển 9: Lễ luật: luật về tế tự, nghi chế

Quyển 10: Binh luật: luật bảo vệ cung điện; quân chính

Quyển 11: Binh luật: luật canh giữ ở cửa ải trên bộ, trên sông, luật về bưu dịch

Quyển 12: Hình luật: luật hình về đạo tặc [các tội phản nghịch, trộm cắp]

Quyển 13: Hình luật: luật hình về đạo tặc [các tội trộm cắp]

Quyển 14: Hình luật: các tội về nhân mạng

Quyển 15: Hình luật: luật hình về đấu ẩu [đánh nhau]

Quyển 16: Hình luật:

–         Luật hình về mạ lệ [mắng chửi, mạt sát, lăng nhục người khác]

–         Luật hình về tố tụng

Quyển 17: Hình luật:

–         Luật hình thụ tang [tội nhân hối lộ, đút lót]

–         Luật hình về trá ngụy

Quyển 18: Hình luật:

–         Luật hình về thụ tang [tội gian dâm]

–         Luật hình về tạp phạm

–         Luật hình về bắt câu lưu

Quyển 19: Hình luật: luật hình về đoán ngục [phần thượng]: [luật hình về phán quyết bản án]

Quyển 20: Hình luật: Luật hình về đoán ngục [phần hạ]:[luật hình về phán quyết bản án]

Quyển 21: Hình luật:  Luật hình về công việc xây cất, đê điều

Quyển 22: So sánh, dẫn các điều luật

Như vậy trong Hoàng Việt Luật lệ, hình luật chiếm tỷ lệ lớn so với các luật khác [10/22 quyển]. Điều này phản ánh thực tế xã hội lúc đó , sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long mới lên ngôi, cần phải tăng cường việc trấn áp các lực lượng đối lập, giữ vững an ninh và trật tự xã hội, cũng cố địa vị thống trị của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn Đề mục tổng quan, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004;

2. Hồ sơ H43, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3. Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hưu, Hoàng Việt luật lệ, [Nguyễn Quang Thắng – Nguyễn Văn Tài dịch, giới thiệu], Nxb Văn hóa Thông tin.

4. Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

5. Viện sử học, Quốc triều hình luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1991.

Phạm Thị Huệ, Nguyễn Huy Khuyến – Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV

Đăng trên Tạp chí VTLTVN số 08/2007

Video liên quan

Chủ Đề