Nguyễn văn cừ là ai

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh [nay thuộc phường Phù Khê, thị xã Từ  Sơn].

Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Kinh Bắc, phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Văn Cừ từ tuổi thiếu niên. Ngay từ năm 17 tuổi, khi còn đang học ở Trường Bưởi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Bị mật thám Pháp phát hiện và bị đuổi học, đồng chí được tổ chức phân công đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Không quản hiểm nguy, gắn bó với phong trào công nhân, cùng với đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Mạo Khê [Uông Bí], sau đó chỉ đạo thành lập Ðảng ủy Ðặc khu mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, bị tòa án thực dân kết án lưu đày tại nhà tù Côn Ðảo. Mặc dầu bị đày ải, tra tấn, đồng chí luôn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản, đồng thời tranh thủ thời gian học hỏi, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Ðến khi ra tù [năm 1936], đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ðảng. Tháng 3-1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới 26 tuổi đời, là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Phù Khê, thị xã Từ Sơn.

Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Ðảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian 2 năm [1938-1940], Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ðảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh cách mạng đòi dân sinh dân chủ sục sôi trong cả nước. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI, vạch ra sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chiến lược và sách lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI, được các Hội nghị Trung ương VII [1940] và nhất là Hội nghị Trung ương VIII [5-1941] kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Là người đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ và chỉ đạo thực hiện từ ý tưởng trở thành hiện thực, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Ðảng ta đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trên những hình thức mới, sắc thái mới, làm cho phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Ðảng có bước phát triển nhảy vọt, đồng thời hướng sự chỉ đạo của Ðảng tới thống nhất, chặt chẽ cả về chủ trương và tổ chức thực hiện, tạo nên một phong trào hoạt động rất sôi nổi, làm cho thế lực và ảnh hưởng của Ðảng trong quần chúng tăng lên. Ðây là những hình thức tổ chức và các hình thức đấu tranh chưa từng có ở giai đoạn trước.

Cuốn “Tự chỉ trích” do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng quản hạt ở Nam kỳ, năm 1939. Ảnh tư liệu

Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cách mạng cải lương, cơ hội, năm 1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, làm tài liệu giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi mầu sắc. Đây là một kiệt tác của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tác phẩm “Tự chỉ trích” có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Tác phẩm chẳng những uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, mà còn là một văn kiện tổng kết những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận và chính sách về Mặt trận thống nhất của Đảng ta. Tác phẩm “Tự chỉ trích” cùng với những cống hiến lý luận khác của đồng chí Nguyễn Văn Cừ phản ánh sự sáng suốt của một trí tuệ lỗi lạc, trí tuệ đó là kết quả tổng hợp của sự vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với một năng lực vận dụng phương pháp biện chứng mác-xít để nắm bắt chính xác thực tế cùng những diễn biến của nó - cái đã qua, cái đang tới - để tư duy và đề xuất chủ trương, chính sách... Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng cần những cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, thì đồng chí lại bị mật thám bắt, ngày 18-1-1940. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng kẻ thù không lay chuyển được khí tiết cách mạng của người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ. Bất lực, chúng đã xử bắn đồng chí tại Hóc Môn - Gia Định vào sáng ngày 28-8-1941.

29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nguyên Phương [Tổng hợp]

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trong những lãnh tụ kiệt xuất, một tài năng lớn của Đảng ta.

Sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống học hành, khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; năm 15 tuổi Nguyễn Văn Cừ vào học Trung học tại Trường Bưởi-Hà Nội. Từ đây anh đã hòa mình vào phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, giác ngộ lý tưởng cộng sản và dấn thân trọn đời cho sự nghiệp cách mạng cứu dân, cứu nước.

Cuối năm 1929, mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Cũng từ đây, với nhiệt huyết, trí tuệ và tài năng của tuổi trẻ, đồng chí được Đảng tin cậy giao cho giữ nhiều cương vị trọng trách của Đảng. Tháng 8-1937, tại Hội nghị Trung ương mở rộng họp ở Hóc Môn [Gia Định] Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Với tư duy chính trị nhạy bén đồng chí đã có nhiều ý kiến cực kỳ quan trọng trong việc định hướng chiến lược, sách lược của Đảng đưa cách mạng cả nước tiến lên một tầm cao mới về chất.

Đánh giá cao tài năng tổ chức và tư duy chính trị đầy sáng tạo của Nguyễn Văn Cừ , Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 [tháng 3-1938] đã bầu đồng chí làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây là một trọng trách gánh trên vai người cộng sản mới 26 tuổi trong một thời kỳ cách mạng nhiều cam go quyết liệt đòi hỏi Đảng ta không chỉ có sự thông minh, nhạy bén chuyển hướng về chiến lược mà còn phải có sự khôn ngoan đấu trí về sách lược. Với trí tuệ, tài năng của mình đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ thời kỳ thoái trào chuyển sang thời kỳ Mặt trận dân tộc và tiếp tục chỉ đạo từ Mặt trận dân tộc sang Mặt trận phản Đế. Hai lần chuyển hướng chiến lư ợc ấy đã đưa cách mạng Việt Nam từ thoái trào lên cao trào, đặt nền tảng lực lượng cho Đảng và đồng chí Nguyễn ái Quốc tiếp tục hoàn chỉnh cuộc chuyển hướng chiến lược cơ bản của cách mạng nước ta tại Hội nghị Trung ương 7 [tháng 11-1940] và Hội nghị Trung ương 8 [tháng 5-1941] để cuối cùng dẫn đến sự thành công của Cách mạng tháng 8-1945.

Sự chuyển hướng chiến lược cách mạng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ khởi xướng và lãnh đạo đã được đánh giá cao trong văn kiện Hội nghị T.Ư lần thứ 8 [5-1941] do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp. Từ sự chuyển hướng đúng đắn, kịp thời đó nên phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng tránh được tổn thất lớn khi kẻ thù trở mặt đàn áp. Đây chính là tài năng kiệt xuất, vai trò to lớn của một Tổng Bí thư trẻ tuổi thông minh, sáng suốt trong những thời điểm cam go thử thách của cách mạng. Với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, qua hoạt động thực tiễn của mình, đồng chí đã khái quát được những vấn đề tư duy, tư tưởng l ý luận hết sức sâu sắc. Những luận điểm trong cuốn “Tự chỉ trích” viết lúc 27 tuổi của đồng chí đến nay vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Tác phẩm thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ cách mạng. “Tự chỉ trích” phản ánh sự sáng suốt của một nhân tài dân tộc đồng thời thể hiện một phẩm chất trí tuệ sáng ngời của Đảng và nhân dân ta.

Kỷ niệm 93 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chúng ta bày tỏ niềm tự hào, kính trọng và biết ơn sâu sắc một lãnh tụ tài năng của Đảng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lời dặn của đồng chí: “Là những phần tử tiên tiến của giai cấp thợ thuyền và là những con cháu tinh anh tận tụy với công cuộc giải phóng dân tộc, chúng ta phải giác ngộ rõ sứ mệnh to lớn ấy và đủ can đảm, nghị lực, đủ sáng suốt để gánh vác nó. Các đồng chí hãy siết chặt hàng ngũ” đang cổ vũ chúng ta kiên định lập trường chính trị “độc lập dân tộc và CNXH” đưa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đến đích vinh quang.

Video liên quan

Chủ Đề