Mục tiêu của Mỹ trong các cuộc phản công chiến lược hai mùa khô là gì

Sau thất bại của chiến tranh Đặc biệt, Mỹ thiết lập chiến lược chiến tranh Cục bộ với nỗ lực quân sự cao nhất mà Mỹ có thể và cần phải chủ động vẫn là một loại chiến tranh hạn chế trong chiến lược toàn cầu phản ứng linh hoạt. Quy mô của chiến tranh tuy lớn, nhưng vẫn mang tính chất chống nổi dậy [counter insurgency] nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Nội dung của cuộc chiến tranh bao gồm ba bộ phận: tiêu diệt bộ đội chủ lực quân Giải phóng, bình định nông thôn, nhằm phá hết cơ sở hạ tầng của cách mạng và phá hoại miền Bắc chủ yếu bằng không quân nhằm đánh vào cái gọi là "nguồn gốc của sự nổi dậy". Đồng thời, tiến hành thương lượng hoà bình để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra. Dựa vào ưu thế quân sự, với số quân đông, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh, Mỹ vừa mới vào miền Nam đã cho quân mở ngay cuộc hành quân "tìm diệt" vào căn cứ quân Giải phóng ở Vạn Tường [Quảng Ngãi]. Tiếp đó, Mỹ mở liền hai cuộc phản công chiến lược mùa khô: đông - xuân 1965-1966 và 1966-1967 bằng hàng loạt cuộc hành quân "tìm diệt" và "bình định.

Mùa khô đến là điều kiện hết sức thuận lợi trong việc sử dụng hoả lực có phối hợp của không quân, hải quân pháo binh và xe tăng, mà những thứ vũ khí hiện đại này chỉ quân Mỹ mới có, nên Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn ráo riết chuẩn bị, triển khai lực lượng trên các hướng, sẵn sàng tiến công ồ ạt và bất ngờ trên diện rộng, cụ thể hoá thành năm điểm:

- Tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Giải phóng giành lại chủ động trên chiến trường, buộc đối phương phải phân tán, do đó không đủ khả năng đánh lớn.

- Bình định có trọng điểm, giành dân, đánh phá hậu cần dự trữ.

- Ổn định tình hình chính trị, củng cố quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

- Khai thông các hệ thống giao thông giữa các vùng chúng kiểm soát với nhau.

- Đánh phá miền Bắc, cô lập miền Nam.

Đông - xuân 1965-1966, với 720.000 quân [trong đó có 220.000 quân Mỹ, còn lại là quân đồng minh và quân đội Sài Gòn], gồm 14 sư đoàn, 9 lữ đoàn và trung đoàn bộ binh Mỹ- ngụy và các nước chư hầu, hơn 1.000 khẩu đại bác, 1.342 xe tăng, xe bọc thép, 2.288 máy bay các loại, 541 tàu, xuồng chiến đấu. Mỹ mở đợt phản công với 5 cuộc hành quân "tìm diệt" lớn nhằm vào hai hướng chiến lược chính ở Đông Nam Bộ và khu V gọi là chiến dịch Năm mũi tên. Mục tiêu đánh bại quân chủ lực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tiểu đoàn Quyết Thắng quân Giải Phóng và chiến lợi phẩm thu được trong trận chiến thắng Nhuận Đức, Củ Chi, ngày 9-5-1965. [Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia]

Trên hướng thứ nhất, Củ Chi là trọng điểm, địch mở cuộc hành quân Cái bẫy nhằm diệt cơ quan đầu não Quân khu Sài Gòn - Gia Định và triệt hạ vùng giải phóng Củ Chi. Trong cuộc hành quân Cái bẫy, Mỹ tập trung 12.000 quân [có 8.000 lính Mỹ], 200 máy bay, 600 xe quân sự, 100 đại bác đánh và Củ Chi hòng dồn lực lượng quân Giải phóng vào vùng Hố Bò để tiêu diệt. Với lực lượng lớn, ưu thế binh lực, hoả lực, lính Mỹ tin chắc sẽ đánh bại quân Giải phóng. Tuy nhiên, quân và dân Củ Chi đã đánh 200 trận lớn, nhỏ, diệt và làm bị thương gần một ngàn quân Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, bắn rơi 84 máy bay [phần lớn là HU-1A], phá huỷ và phá hỏng 77 xe quân sự [có 56 xe bọc thép M113, hai pháo 105mm. Trong cuộc hành quân tìm diệt này, quân Mỹ đã san bằng gần 3.000 ngôi nhà, triệt hạ hàng ngàn hécta vườn cây, ruộng lúa, càn nát nhiều giao thông hào, đánh sập một số cửa địa đạo. Mặc dù vậy, cuộc hành quân Cái bẫy của Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra là tiêu diệt cơ quan đầu não và đơn vị chủ lực Quân giải phóng. Ngày 19- 1, Mỹ buộc phải kết thúc và rút các lữ đoàn bộ binh Sư đoàn Anh cả đỏ xuống nam Củ Chi để lập căn cứ tại Đồng Dù. Tại đây, quân Mỹ đã san bằng 2.000 ngôi nhà, nhiều vườn cây, trong đó có 350 hecta cây cao su của xã Phước Vĩnh An để làm căn cứ đóng quân cho 4.500 lính Mỹ [gồm Sư đoàn bộ và Lữ đoàn 2, Sư đoàn 25]. Tiếp đến, trong tháng 4 và 5-1966, Lữ đoàn 1, Lữ đoàn 3, Tiểu đoàn cơ giới của Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới Mỹ, lần lượt được điều đến chiến trường bắc Long An cùng Lữ đoàn dù 173 càn quét chà xát từ Bàu Trai - Đức Lập [Hậu Nghĩa] sang Bến Lức, Vườn Thơm - Bà Vụ, tiến đánh Đức Hoà, Đức Huệ từng đợt năm, sáu ngày cho đến lúc kết thúc cuộc phản công mùa khô thứ nhất [30-5-1966].

Xác chiếc máy bay Mỹ F104 bị bộ đội và du kích xã Cẩm Sơn, Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho bắn rơi ngày 5-3-1966. [Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia]

Ở đây, hàng ngàn lính Mỹ đã bị thương vong. Đặc biệt, lần đầu tiên trên chiến trường khu VIII, tại Bàu Sen, một đại đội Mỹ thuộc Lữ đoàn dù 173 đã bị diệt hoàn toàn. Ý đồ của Mỹ chặt đứt hành lang kháng chiến từ miền Đông xuống Đồng Tháp Mười không thực hiện được. Đầu tháng 5, Mỹ mở cuộc hành quân Birminghom đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu, với lực lượng hai lữ đoàn thuộc Sư đoàn 1 Anh cả đỏ và Lữ đoàn dù 173. Phạm vi càn quét tương đối rộng từ Tàpang, Lò Gò, Bàu Cỏ, Sóc Ky đến suối Ông Hùng, Bến Củi. Trong các đợt càn quét, quân Mỹ bị bộ đội chủ lực tại chỗ, du kích cơ quan đánh chặn gây cho chúng nhiều thương vong. Nắm vững thời cơ Mỹ phải đối phó với lực lượng tại chỗ, Sư đoàn 9 chủ lực Miền tiến công vào cụm quân của Sư đoàn 1 Mỹ ở Bầu Sắn [Tây Ninh], đánh thiệt hại một chiến đoàn của Mỹ, bẻ gãy cuộc hành quân vào Chiến khu Dương Minh Châu.

Một đơn vị súng ĐK 75 quân Giải phóng đã lập thành tích xuất sắc bắn tan xác 13 xe bọc thép của Mỹ, mùa khô 1965-1966. [Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia]

Nhìn tổng quát, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, kẻ địch đã tập trung hầu như toàn bộ lực lượng cơ động của Mỹ- ngụy và các nước chư hầu, huy động tối đa cơ sở vật chất và binh khí kỹ thuật, sử dụng mọi biện pháp và thủ đoạn nhằm xoay chuyển cuộc chiến tranh có lợi cho chúng. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường đã ngược lại với tham vọng của Mỹ, chúng hoàn toàn không thực hiện được các mục tiêu đề ra. Đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của Mỹ và làm phá sản kế hoạch bình định của địch ở miền Nam, cùng với chiến thắng oanh liệt chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, nhân dân Việt nam đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, đánh thắng hiệp đầu chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Kết quả mùa khô 1965-1966, quân và dân tại miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 67.000 địch, trong đó có hàng vạn lính Mỹ, đánh thiệt hại 9 tiểu đoàn Mỹ, 7 tiểu đoàn quân Sài Gòn, bắn rơi, phá huỷ 940 máy bay [hầu hết là máy bay lên thẳng], phá huỷ và phá hỏng 6.000 xe quân sự [có 300 xe tăng, xe bọc thép]. Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ được tính ưu việt của nó, có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ dưới bất cứ hình thức, quy mô nào.

ChuLộc- Phương Thảo [tổng hợp]

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Video liên quan

Chủ Đề