Mọi văn bản chứng thực đều có giá trị pháp lý đúng hay sai

Sự khác nhau về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được công chứng 

Trong lĩnh vực hoạt động công chứng, chứng thực trước khi Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực [Nghị định 75/2000/NĐ-CP] được ban hành thì chưa có sự phân định rõ ràng giữa hoạt động công chứng và chứng thực.

Tại Điều 2 Nghị định 75/2000/NĐ-CP đã quy định: “Công chứng là việc Phòng Công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác [sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch] và thực hiện các việc khác theo quy định của Nghị định này; Chứng thực là việc UBND cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của Nghị định này”. Như vậy, Nghị định 75/2000/NĐ-CP bước đầu đã có sự tách bạch giữa công chứng và chứng thực, tức là đã có sự phân biệt giữa cơ quan hoạt động chuyên trách thực hiện công chứng là phòng công chứng và cơ quan kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là UBND cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa công chứng và chứng thực về cơ bản mới chỉ ở khía cạnh chủ thể thực hiện công chứng, chứng thực, có nghĩa là cùng một việc, nếu do Phòng Công chứng thực hiện thì được gọi là công chứng, còn nếu do UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện thì được gọi là chứng thực.

Theo những nội dung quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được công chứng đều có giá trị pháp lý như nhau: đó là giá trị chứng cứ và giá trị thi hành đối với các bên giao kết. Sau khi Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng [sửa đổi] năm 2014 được ban hành, vẫn giữ nguyên quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng, theo đó hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan và có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu. Như vậy, theo những văn bản pháp luật nói trên thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng, giao dịch được công chứng. Thực tế áp dụng những quy định này thời gian qua đã gây ra một số tác động không tích cực đến hoạt động công chứng, chứng thực, thể hiện trên một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện việc công chứng, chứng thực:

- Đối với công chứng viên: để được bổ nhiệm công chứng viên, phải là người tốt nghiệp đại học về chuyên ngành Luật, có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật và phải trải qua lớp đào tạo nghiệp vụ công chứng, thời gian tập sự hành nghề công chứng, đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng... Được bổ nhiệm chỉ để hành nghề duy nhất là công chứng và hành nghề ổn định, lâu dài theo hướng chuyên nghiệp hóa.

- Đối với người có thẩm quyền thực hiện chứng thực: là cán bộ, công chức được bầu hoặc bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chứng thực tại UBND cấp huyện, cấp xã. Thực tế nhiều trường hợp không tốt nghiệp đại học về chuyên ngành Luật mà tốt nghiệp Đại học chuyên ngành khác hoặc Trung cấp… Mặt khác, cán bộ, công chức được bầu hoặc bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước, nhiệm vụ chứng thực chỉ là kiêm nhiệm và tính chất của đội ngũ này lại thường xuyên biến động, thiếu ổn định do thường được luân chuyển, điều động công tác khác…

Trong khi đó, hợp đồng, giao dịch [đặc biệt là hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc có giá trị lớn] thường là loại việc phức tạp, dễ nảy sinh tranh chấp, đòi hỏi người thực hiện chứng thực phải am hiểu sâu rộng về pháp luật và có kinh nghiệm thực tiễn thì mới có thể đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch này. Do đó, việc giao cho người thực hiện chứng thực một nhiệm vụ nặng nề là đảm bảo an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch tương tự như công chứng viên là chưa phù hợp với thực trạng tính chất, năng lực của đội ngũ này. Nếu quy định hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng, giao dịch được công chứng thì khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải chịu trách nhiệm về tất cả các yếu tố đảm bảo hiệu lực của một hợp đồng, giao dịch như: thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng; tư cách chủ thể của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; tình trạng pháp lý của tài sản được giao dịch; nội dung thỏa thuận của các bên… Như vậy, khi chứng thực hợp đồng, giao dịch, trách nhiệm của người thực hiện chứng thực rất “nặng nề” đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với đội ngũ những người thực hiện chứng thực. Điều này dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng của hợp đồng, giao dịch được chứng thực. Mặt khác, do người thực hiện chứng thực cũng phải chịu trách nhiệm tương đương công chứng viên nên một số người thực hiện chứng thực lại có tâm lý quá thận trọng khi chứng thực hợp đồng, giao dịch, dẫn đến không đáp ứng tốt yêu cầu của người dân.

Thứ hai, về nội hàm của khái niệm công chứng và chứng thực:

Công chứng là hoạt động chứng nhận tính xác thực. Theo Từ điển Tiếng Việt “Chứng nhận” có nghĩa là nhận cho để làm bằng là có, là đúng sự thật. Để chứng nhận một sự việc, thông thường người chứng nhận phải qua một loạt thao tác kiểm tra, xác minh, đối chiếu…Chứng thực là hoạt động xác nhận. Theo Từ điển Tiếng Việt “xác nhận” có nghĩa là thừa nhận là đúng sự thật. Thông thường, “xác nhận” chỉ mang tính hình thức, người đứng ra xác nhận không phải chịu trách nhiệm về nội dung sự việc mà mình xác nhận... Xét về mặt ngữ nghĩa, thì hai từ “chứng nhận” và “xác nhận” có khác nhau về mức độ cao thấp trong mối liên hệ với thực tế và khác nhau về quy trình thao tác.

Tóm lại, có thể hiểu là hành vi xác nhận có tính chất đơn giản hơn, ít phức tạp hơn hành vi chứng nhận. Để thực hiện hành vi công chứng, công chứng viên phải thực hiện một chuỗi các thao tác như: xác định tư cách chủ thể của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; xác định đúng đối tượng của hợp đồng, giao dịch; giúp các bên trong hợp đồng, giao dịch thể hiện ý chí của mình một cách rõ ràng, chính xác, đúng pháp luật; chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch …

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi hoạt động chứng thực vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn…thì việc tìm ra một giải pháp phù hợp, vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo phù hợp với tính chất, năng lực của đội ngũ người thực hiện chứng thực là cần thiết. Nếu giao cho cơ quan thực hiện chứng thực nhiệm vụ chứng thực hợp đồng, giao dịch thì kết quả của hoạt động chứng thực [tức giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực] phải được cân nhắc so với kết quả của hoạt động công chứng [giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng]. Hoạt động chứng thực có tính chất đơn giản hơn, do đó giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực cần được đánh giá đúng mức so với giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 16 tháng 02 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CPVề cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2015 và thay thế những quy định trước đây về công tác chứng thực. Tại khoản 4, điều 3 Nghị định đã quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau: “Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.

Việc quy định hợp đồng, giao dịch được chứng thực chỉ có giá trị được đảm bảo về mặt “hình thức”, tức là không được đảm bảo về mặt “nội dung” như trên là phù hợp. Theo đó, người thực hiện chứng thực chỉ chịu trách nhiệm về một số yếu tố mang tính “hình thức” của hợp đồng, giao dịch như: thời gian, địa điểm giao kết, năng lực hành vi dân sự, ý chí, chữ ký của các bên giao kết, còn nội dung của hợp đồng, giao dịch sẽ do các bên giao kết tự chịu trách nhiệm.

Như vậy, việc quy định hợp đồng, giao dịch được chứng thực chỉ có giá trị pháp lý về mặt “hình thức” đã xác định đúng bản chất của hoạt động chứng thực, đảm bảo sự phù hợp giữa năng lực và trách nhiệm của người thực hiện chứng thực, vì vậy không tạo áp lực quá lớn đối với người thực hiện chứng thực khi thi hành công vụ. Đồng thời, đảm bảo sự phù hợp giữa kết quả của hoạt động chứng thực với tính chất của hoạt động chứng thực cũng như đảm bảo tính khoa học trong phân công công việc giữa hệ thống tổ chức hành nghề công chứng và hệ thống cơ quan thực hiện chứng thực. Bên cạnh đó, làm giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho người dân tại những địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, nơi hoạt động chứng thực của UBND cấp huyện, cấp xã vẫn rất cần thiết đối với người dân. Mặt khác, khi chỉ chịu trách nhiệm về hình thức của hợp đồng thì những giấy tờ mà người thực hiện chứng thực đòi hỏi sẽ đơn giản hơn, thời gian chứng thực nhanh hơn. Tuy nhiên, chỉ khi xảy ra tranh chấp, thì sự khác biệt về giá trị pháp lý giữa hợp đồng, giao dịch được công chứng đảm bảo về mặt “nội dung” và hợp đồng, giao dịch được người thực hiện chứng thực đảm bảo về mặt “hình thức” mới có ý nghĩa đối với các bên tham gia hợp đồng, giao dịch./.

                                                                                                                                                                                                                    Luật gia Từ Minh Liên

Video liên quan

Chủ Đề