Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nước ta

Các đại biểu ấn nút lễ khởi động chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tự hào hàng Việt Nam.

[Thanhuytphcm.vn] - Sáng 11/10, tại TPHCM, Bộ Công Thương tổ chức Lễ khởi động chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tự hào hàng Việt Nam và hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm; đại diện các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành trong cả nước.

Hàng hóa Việt Nam đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã bước sang năm thứ 9. Kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cho thấy, có đến 92% người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm tới cuộc vận động, 63% người tiêu dùng Việt Nam xác định khi mua hàng hóa ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam. Như vậy, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường và hơn 90% hàng hóa sản xuất trong nước đã được tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam không những có chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước mà sắp tới Bộ Công Thương sẽ có ký kết với tập đoàn bán lẻ của nước ngoài để đưa hàng hóa Việt Nam không những tiêu thụ trên hệ thống siêu thị các tập đoàn phân phối của nước ngoài ở Việt Nam mà còn mở rộng ra hệ thống tiêu thụ của các tập đoàn này tại chính nước bản địa của họ và các hệ thống của họ trên các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Đối với TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, chương trình hành động, nên TPHCM thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được một số kết quả tích cực như: đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp [DN] về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường trong nước gắn với việc cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh; đồng thời quảng bá sâu rộng và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trong nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng của nhân dân TP.

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích; lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp các địa bàn, đặc biệt là việc đưa hàng Việt Nam về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được triển khai sâu rộng thông qua phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động. Ngoài ra, một số chương trình nhánh đã phát triển theo chiều sâu, kết nối DN và thúc đẩy tạo lập các mối liên kết trong sản xuất - lưu thông hàng hóa có tính chất lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

“Bên cạnh những hiệu quả tích cực, DN và sản phẩm sản xuất trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ trong thương mại của nước ta chưa được hoàn thiện, chưa thực sự trở thành công cụ bảo vệ thị trường trong nước và kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế” - , Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho hay.

Tạo thuận lợi cho sự kết nối, chia sẻ của mọi loại hình doanh nghiệp

Nhằm tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách hiệu quả và đẩy mạnh kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Minh Hương cho rằng: Các DN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh của DN. Đồng thời, không ngừng cải tiến thiết kế, cải tiến chất lượng sản phẩm, cải tiến năng suất và dịch vụ hậu mãi nhằm mang lại giá trị về vật chất và tinh thần cho khách hàng. Mặt khác, DN cần đẩy mạnh công tác thị trường, hiểu rõ nhu cầu, năng lực, mặt hàng hàng hóa, dịch vụ mà DN khác muốn mua, bán.

Các sản phẩm hàng hóa Việt Nam trưng bày tại hội nghị.

Bên cạnh đó, bà Phạm Minh Hương cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ tiếp tục giảm thiểu các thủ tục hành chính, quy tắc quy định về đấu thầu để các DN thuận tiện hơn trong việc kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau; có cơ chế ưu đãi về phí, thuế như thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên… khi các tập đoàn, tổng công ty sử dụng sản phẩm của nhau để hỗ trợ DN khi liên kết. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cụ thể về vốn và định hướng về công nghệ, sản phẩm; tạo môi trường kinh doanh thích hợp để DN phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm có tính kỹ thuật cao, có chất lượng và mẫu mã nhằm đáp ứng thị trường tốt nhất. Đối với các địa phương cần quy hoạch rõ ràng, định hướng các khu công nghiệp phục vụ cho ngành dệt may, trong đó có đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: Trong thời gian tới, TPHCM và các tỉnh, thành sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của địa phương. Cụ thể, tăng cường hợp tác giữa các Sở Công thương chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư, kiểm tra kiểm soát lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối tiêu thụ, định kỳ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành.

Mặt khác, hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN tại các địa phương khác nhau; lưu thông hàng hóa hiệu quả và có kiểm soát từ nuôi trồng đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, phát huy lợi thế từng địa phương, tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong thời điểm hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh hết sức gay gắt. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ làm hết sức mình để đưa hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, DN, triển khai nhiều hoạt động thực hiện Quyết định 634/QĐ- TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 nhằm tạo sự thuận lợi hơn nữa cho sự kết nối, chia sẻ của mọi loại hình DN với mục tiêu cao nhất là nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, ưu tiên sử dụng các hàng hóa Việt Nam.

Đình Lý

Tin liên quan

Phóng to
Người dân vùng biên giới huyện Tân Châu, Tây Ninh chọn mua hàng Việt trong một phiên chợ hàng Việt về nông thôn - Ảnh: N.Bình

1- Mỗi chợ cần có những cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam

Ở các chợ cần có những cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam. Chỉ cần nhìn thấy tấm bảng có dòng chữ “Hàng hóa Việt Nam chất lượng cao” chắc chắn sẽ gây ấn tượng khó quên cho người tiêu dùng và họ sẽ muốn ghé vào mua để kiểm tra chất lượng hàng Việt Nam và dần yêu thích hàng hóa Việt Nam. Từ các gian hàng Việt Nam sẽ tiến tới những ngôi chợ chuyên bán hàng Việt Nam.

2. Cha mẹ cần dùng hàng Việt Nam để làm gương cho con cái

Nếu các bậc cha mẹ thường xuyên dùng hàng Việt Nam, con cái sẽ bắt chước cha mẹ. Ngoài ra cha mẹ cần giải thích cho con hiểu ý nghĩa của việc dùng hàng Việt Nam là thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Cha mẹ cần mua cho con các đồ chơi sản xuất trong nước, đây là hình thức tập cho các em có thói quen dùng hàng Việt Nam ngay từ thuở nhỏ và quen dần cho đến lúc trưởng thành.

3. Đưa hàng Việt Nam về vùng sâu, vùng xa

Cần có những phiên chợ hàng Việt về các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa để giới thiệu sản phẩm cho mọi người. Như trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua đã có những “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” đầu tiên là ở huyện Cần Đước và có hàng ngàn lượt người đến mua sắm trong ngày quả là những tín hiệu đáng mừng.

4. Cuộc vận động cần được quảng bá rộng rãi

Muốn mọi người hiểu cuộc vận động này thì cần in panô, apphich dán ở trên các con đường, các khu dân cư hay những tờ giấy in trao cho từng gia đình. Làm được việc này thì chắc chắn cuộc vận động sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tại các địa phương trong những khi họp dân, cần đưa nội dung cuộc vận động này vào phổ biến cho mọi người biết dùng hàng Việt Nam thể hiện ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng cho người Việt Nam.

5. Cuộc vận động cần được quảng bá tại trường học

Lực lượng học sinh, sinh viên chiếm số lượng đông đảo tại các trường học, vì vậy nếu cuộc vận động này được phổ biến tại các trường học sẽ có hiệu quả cao. Thông thường các bạn trẻ thường có tư tưởng “sính hàng ngoại” vì vậy cần có sự giải thích cho các học sinh, sinh viên ý nghĩa của việc dùng hàng Việt Nam, chắc chắn các bạn sẽ vận động tất cả người thân của mình cùng sử dụng hàng Việt Nam.

Tại trường học khi giảng dạy bài học có liên hệ thực tế về việc mua hàng hóa thì giáo viên cần hướng cho học sinh sử dụng hàng Việt Nam, lời nói của thầy cô luôn có uy tín với học sinh vì vậy các em sẽ thay đổi nhận thức và yêu thích dùng hàng Việt Nam.

6. Diễn đàn trên báo chí để người tiêu dùng phản ảnh chất lượng hàng Việt

Trên báo chí hay đài phát thanh cần có thường xuyên diễn đàn dành cho người tiêu dùng để họ bày tỏ nhận xét của mình dành cho hàng Việt Nam. Sự nhận xét của người tiêu dùng sẽ giúp các nhà sản xuất trong nước có sự đánh giá chính xác về chất lượng của sản phẩm mình làm ra và có sự chấn chỉnh kịp thời để duy trì lòng tin của người tiêu dùng.

7. Cần hạn chế quảng cáo hàng hóa nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng

Nếu hạn chế quảng cáo hàng hóa nước ngoài và tăng cường quảng cáo hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chắc chắn hiệu quả cuộc vận động sẽ cao hơn vì mọi người sẽ tò mò muốn mua hàng Việt Nam sử dụng để có sự so sánh với hàng nước ngoài. Giới thiệu hàng Việt Nam trên mạng Internet để mọi người cùng biết.

8. Hàng Việt Nam cần đảm bảo chất lượng và có giá cả phù hợp

Nếu các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam luôn giữ uy tín bằng cách sản xuất hàng hóa đạt chất lượng và có giá cả hợp lý thì không bao giờ người Việt Nam nỡ quay lưng với hàng nội địa. Các mặt hàng như nhôm Kim Hằng, sữa Vinamilk, gốm sứ Minh Long I... tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng cũng nhờ đảm bảo được hai yêu cầu nêu trên. Các ngành chức năng cần xử lý nghiêm minh các nhà sản xuất chỉ biết chạy theo lợi nhuận mà sản xuất hàng kém chất lượng làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

9. Cần xử phạt thật nghiêm hàng giả, nhái hàng Việt Nam

Các ngành chức năng cần xử phạt thật nặng những người làm hàng giả, hàng nhái các mặt hàng trong nước. Nếu còn hàng giả hay hàng nhái hàng Việt Nam tồn tại thì mọi người sẽ rất lo sợ dùng hàng Việt Nam. Cần khen thưởng những cá nhân phát hiện các cơ sở làm hàng nhái, hàng giả và tố cáo với các ngành chức năng.

10. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu hàng Việt Nam

Thông qua các cuộc thi tìm hiểu hàng Việt Nam trên báo chí, đài phát thanh hay đài truyền hình về chất lượng, giá cả của từng mặt hàng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về hàng hóa Việt Nam. Hình thức tổ chức có thể là câu hỏi hay trò chơi tương tự như trò chơi “Hãy chọn giá đúng” hay “Siêu thị may mắn” trên truyền hình. Những trò chơi thế này vừa mang tính giải trí vừa tạo sự hấp dẫn cho người tiêu dùng và khuyến khích mọi người dùng hàng Việt Nam thì mới có kiến thức cần thiết để tham gia cuộc thi.

NGUYỄN THANH DŨNG

Video liên quan

Chủ Đề