Hiến pháp nước ta thay đổi bao nhiêu lần năm 2024

TS. Vũ Hồng Anh

Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

1. Tư tưởng lập hiến và quyền lập hiến

Do tính chất và tầm quan trọng của quyền lập hiến và thủ tục lập hiến, nên vấn đề này luôn thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học pháp lý trong và ngoài nước. Ở nước ta, ngay từ khi đất nước còn chưa giành được độc lập, tư tưởng lập hiến và quyền lập hiến đã hình thành và được truyền bá rộng rãi trong giới trí thức yêu nước, điển hình là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc.

Phan Bội Châu là nhà nho yêu nước, người đầu tiên đề ra tư tưởng lập hiến là yêu cầu không thể thiếu của cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc. Năm 1929, Phan Bội Châu đã tự tay soạn thảo dự thảo bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam. Tư tưởng lập hiến của Phan Bội Châu là phải biết chọn lọc tinh hoa văn hoá lập hiến của nhân loại, kết hợp với truyền thống văn hoá và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để xây dựng hiến pháp.

Cũng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nhìn thấy sự cần thiết phải thiết lập một bản hiến pháp làm cơ sở cho hoạt động của nhà nước. Đi xa hơn Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã chỉ ra rằng, nhà nước, pháp luật của nhà nước - trong đó có hiến pháp - có nguồn gốc từ nhân dân và phải do nhân dân lập ra. Ông khẳng định: “Theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự Quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, các cơ quan để lo việc chung cho mọi người”.

Tiếp thu tư tưởng lập hiến của thế hệ đi trước, nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng khẳng định: xứ An Nam phải lập một cái hiến pháp để chia bộ phận có trách nhiệm, định quyền hạn, và để chỉnh đốn việc lợi ích chung trong xứ. Với cương vị là đại biểu Viện dân biểu Trung kỳ - một cơ cấu chính quyền của người Việt trong bộ máy cai trị do thực dân Pháp dựng lên - nhằm xoa dịu cuộc đấu tranh của nhân dân miền Trung, Huỳnh Thúc Kháng đã nhiều lần đề nghị Chính phủ Pháp phải chấp nhận để Nhà nước Việt Nam có một bản hiến pháp. Huỳnh Thúc Kháng cũng chỉ ra con đường xây dựng bản hiến pháp cho nước Việt Nam là phải lập ra một hội gọi là dự thảo hiến pháp và phải chú ý để nhân dân tự do đầu phiếu.

Điểm chung trong tư tưởng lập hiến của các nhà nho yêu nước trước Cách mạng tháng Tám là sự cần thiết phải ban hành một bản hiến pháp cho nước Việt Nam và hiến pháp đó phải thể hiện được ý chí của nhân dân, do nhân dân lập ra. Như vậy có thể thấy rằng, vượt qua cách trở về không gian cũng như điều kiện khó khăn về thông tin từ bên ngoài, các nhà nho yêu nước của Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng lập hiến tiến bộ nhất của nhân loại thời kỳ đầu thế kỷ 20 - tư tưởng nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, trong đó có quyền lập hiến.

Tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt quá trình Người đi tìm đường cứu nước. Kế thừa truyền thống văn hoá của dân tộc, tư tưởng lập hiến của các nhà nho yêu nước, tiếp thu tinh hoa văn hoá lập hiến của nhân loại, Hồ Chí Minh là người đầu tiên hiện thực hoá tư tưởng lập hiến vào bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam - Hiến pháp 1946. Trong hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài cùng đe doạ nền độc lập dân tộc, việc xây dựng hiến pháp phải tính đến sự kết hợp hợp lý giữa hai yêu cầu: một là bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; hai là bảo đảm nguyên tắc quyền lập hiến thuộc về nhân dân.

Xét bản chất, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, vì vậy, về nguyên tắc, quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, do tính phức tạp của quy trình lập hiến cũng như điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, nhân dân không thể trực tiếp thực hiện toàn bộ các giai đoạn của quy trình lập hiến. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào bảo đảm để nhân dân trong điều kiện không trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình lập hiến vẫn có khả năng tác động đến quá trình lập hiến, bảo đảm cho nội dung, tinh thần của hiến pháp phù hợp với ý nguyện của nhân dân.

Nhà tư tưởng người Pháp J.J.Rousseau cho rằng: “Luật chỉ là sự công bố của ý chí toàn dân... mọi đạo luật mà dân chúng chưa trực tiếp thông qua đều vô giá trị, không thể gọi là luật được”. Trong hệ thống pháp luật của mỗi nước, hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, là “luật của luật”, vì vậy, hiến pháp phải là văn bản cao nhất thể hiện ý nguyện của nhân dân, phải do nhân dân trực tiếp thông qua. Trên tinh thần đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn phương pháp thông qua hiến pháp bằng trưng cầu ý dân. Việc nhân dân trực tiếp thông qua hiến pháp bằng trưng cầu ý dân là một điều kiện quan trọng bảo đảm cho nội dung, tinh thần của hiến pháp phù hợp với ý chí toàn dân.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nước lựa chọn hình thức thành lập Quốc hội lập hiến để ban hành hiến pháp. Quốc hội lập hiến do nhân dân bầu ra, trao cho thẩm quyền soạn thảo và thông qua hiến pháp. Bằng hình thức này, nhân dân đã gián tiếp thông qua hiến pháp.

Trong số hai phương thức lập hiến cơ bản nêu trên, Hồ Chí Minh đã chọn phương thức thứ hai. Hiến pháp năm 1946 được thông qua bởi Quốc hội lập hiến. Nhân dân Việt Nam, thông qua cuộc bầu cử ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội khoá I. Nhiệm vụ của Quốc hội được xác định ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp 1946: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng, Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Ngày 9/1/1946, Quốc hội khoá I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Về nguyên tắc, sau khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội lập hiến tự giải thể. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1946, nước ta sẽ tiến hành bầu Nghị viện nhân dân và thành lập các cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên Hiến pháp năm 1946 không được công bố, Quốc hội khoá I tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi bầu ra Quốc hội khoá II.

Trên thế giới, một số nước còn áp dụng một phương thức lập hiến nữa là trao cho Quốc hội lập pháp quyền lập hiến. Theo phương thức này, nhân dân trực tiếp bầu ra Quốc hội lập pháp. Bên cạnh chức năng lập pháp, Quốc hội lập pháp có quyền lập hiến. Để bảo đảm cho hoạt động lập hiến của Quốc hội phù hợp với ý nguyện của nhân dân, quy trình lập hiến được xây dựng có sự tham gia của nhân dân vào quá trình soạn thảo hiến pháp.

Căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước ta, các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 đã lựa chọn phương thức thông qua Hiến pháp bằng Quốc hội lập pháp. Tuy nhiên, quy định của Điều 82 Hiến pháp năm 1980, sau đó là tại Điều 83 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) trao toàn bộ quyền lập hiến cho một chủ thể duy nhất - Quốc hội, theo tôi, các quy định này cũng chỉ phù hợp trong từng giai đoạn của lịch sử và vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện để thể hiện đầy đủ hơn nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo nguyên tắc này, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Nhà nước nói chung, quyền lực nhà nước nói riêng được hợp thức hoá bởi hiến pháp. Chính bản hiến pháp là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thiết lập hệ thống các cơ quan nhà nước; hiến pháp tạo khung pháp lý cho hoạt động của cơ quan đó; quyền lực mà các cơ quan nhà nước sử dụng cũng dựa trên cơ sở hiến pháp. Vì vậy, quyền lập hiến được gọi là quyền lực thiết lập hay còn gọi là quyền lực gốc và là biểu hiện quan trọng nhất của quyền lực nhân dân. Do vậy, về nguyên tắc, nhân dân có thể uỷ quyền lập hiến cho nhà nước, cơ quan nhà nước thực hiện, nhưng không trao toàn bộ quyền lập hiến cho cơ quan đó. Tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh, thông qua những quy định của Hiến pháp năm 1946, thể hiện rất rõ nguyên tắc này. Theo quy định của Hiến pháp, mặc dù việc sửa đổi Hiến pháp do Nghị viện nhân dân thực hiện, nhưng chủ thể có tiếng nói quyết định đối với việc sửa đổi là nhân dân Việt Nam thông qua cuộc trưng cầu ý dân (điểm c Điều 70 của Hiến pháp năm 1946).

Một thời gian khi đất nước ta ở trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và một thời gian sau khi thống nhất đất nước, tình hình kinh tế - xã hội chưa cho phép chúng ta vận dụng triệt để tư tưởng quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Ngày nay, khi đất nước đang vững bước trên con đường phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được mở rộng thì chúng ta có đủ điều kiện phát huy tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh. Theo đó, quyền lập hiến thuộc về nhân dân Việt Nam. Nhân dân có thể uỷ quyền cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, nhưng nhân dân, thông qua cuộc trưng cầu ý dân, là người có quyền quyết định đối với việc thông qua hiến pháp mới, sửa đổi hiến pháp.

2. Thủ tục lập hiến

Nếu như quyền lập hiến được hiểu là quyền thông qua hiến pháp, sửa đổi hiến pháp, thì hoạt động này phải được tiến hành theo thủ tục nhất định, được gọi là thủ tục lập hiến hay còn gọi là quy trình lập hiến. Thủ tục lập hiến bao gồm các giai đoạn: sáng quyền lập hiến (yêu cầu xây dựng hoặc sửa đổi hiến pháp), soạn thảo, thông qua, công bố hiến pháp.

Tính từ thời điểm ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đến nay, lịch sử lập hiến của nước nhà đã chứng kiến bảy lần tiến hành hoạt động lập hiến, trong đó bốn lần ban hành mới Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992) và ba lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (1988, 1989, 2001). Nhưng do các quy định về thủ tục lập hiến chưa đầy đủ, cụ thể nên những hoạt động lập hiến nêu trên chủ yếu dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có sự sáng tạo trong từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình đất nước. Ví dụ, giai đoạn thực hiện sáng quyền lập hiến, một giai đoạn của quy trình lập hiến. Trong số các Hiến pháp của nước ta chỉ có Hiến pháp năm 1946 quy định cụ thể sáng quyền lập hiến thuộc về hai phần ba tổng số nghị viên (Điều 70). Có ý kiến cho rằng, quy định tại các Điều 122 của Hiến pháp năm 1959, Điều 147 của Hiến pháp năm 1980, Điều 147 của Hiến pháp năm 1992 là: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành” bao hàm cả quyền lập hiến và sáng quyền lập hiến. Theo cách hiểu này, Quốc hội không những có quyền sửa đổi Hiến pháp, mà còn có quyền yêu cầu sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, phân tích nội dung của điều khoản này cho thấy, điều khoản này chỉ đề cập đến thẩm quyền sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội. Theo đó, trong hệ thống các cơ quan nhà nước ta, chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp và việc sửa đổi này phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Điều khoản này không đề cập đến sáng quyền lập hiến, tức là quyền yêu cầu sửa Hiến pháp. Vì vậy, thực tế lập hiến của những năm qua cho thấy, đề nghị sửa đổi Hiến pháp đã được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, cụ thể: đề nghị soạn thảo Hiến pháp năm 1946 do Chính phủ thực hiện; đề nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1946 do Ban thường trực Quốc hội thực hiện; đề nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1959 do Đảng Lao động Việt Nam thực hiện; đề nghị sửa đổi Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980 do Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Đối ngoại, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thực hiện; đề nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Thủ tục quyết định sửa đổi Hiến pháp cũng là một vấn đề gây tranh luận. Có ý kiến cho rằng, quy định tại Điều 147 của Hiến pháp hiện hành được hiểu là trước khi tiến hành việc soạn thảo dự thảo Hiến pháp, Quốc hội phải tiến hành biểu quyết về việc có sửa đổi Hiến pháp hay không, sửa đổi một phần hay toàn bộ Hiến pháp; nếu được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tán thành thì hoạt động lập hiến mới được khởi động. Ý kiến này dựa trên thực tế những lần sửa đổi Hiến pháp vừa qua, trước khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội đều thông qua nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập cơ quan soạn thảo những điều sửa đổi. Tuy nhiên, như ở phần trên đã nêu, quy định tại Điều 147 của Hiến pháp hiện hành chỉ đề cập đến quyền lập hiến của Quốc hội, tức là quyền thông qua Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, chứ không đề cập đến quyền yêu cầu sửa đổi Hiến pháp. Cách hiểu này hoàn toàn phù hợp với quy định tại các điều 84, 88 của Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) và Điều 13 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) năm 1996. Do vậy, mặc dù để tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội phải biểu quyết thông qua nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp, nhưng việc biểu quyết này lại thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện.

Bên cạnh đó, việc có đưa vấn đề sửa đổi Hiến pháp vào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội như là thủ tục bắt buộc của quy trình lập hiến hay không cũng cần được bàn đến. Từ khi Luật BHVBQPPL năm 1996 có hiệu lực đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội được tiến hành theo kế hoạch của nhiệm kỳ và hàng năm. Theo đó, đầu nhiệm kỳ Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ; hàng năm, chương trình này có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Vấn đề đặt ra ở đây là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có bao gồm cả các vấn đề liên quan đến Hiến pháp hay không? Từ thực tiễn và những quy định của Hiến pháp và Luật BHVBQPPL hiện hành cho thấy: Thứ nhất, giữa quy trình soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp với quy trình soạn thảo, thông qua, công bố luật có sự khác nhau; Thứ hai, hoạt động lập pháp của Quốc hội mang tính chất thường xuyên đòi hỏi cần có kế hoạch, trong khi đó, hoạt động lập hiến của Quốc hội không mang tính chất thường xuyên. Vì vậy, Điều 13 của Luật BHVBQPPL năm 1996 quy định: “Việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp do Quốc hội quy định”. Quy định này cho thấy, những vấn đề liên quan đến sửa đổi, thông qua Hiến pháp sẽ được quy định trong một văn bản riêng do Quốc hội ban hành. Thiết nghĩ, văn bản đó phải bao quát mọi vấn đề, trong đó có cả vấn đề về có đưa việc sửa đổi Hiến pháp vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hay không. Thực tế sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, việc sửa đổi Hiến pháp cũng đã được đưa vào trong kế hoạch lập pháp chung của Quốc hội.

Sau khi Quốc hội thông qua quyết định về việc sửa đổi Hiến pháp, việc thành lập cơ quan dự thảo Hiến pháp là giai đoạn tiếp theo. Do chưa được luật hoá nên qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, đề nghị thành lập cơ quan dự thảo Hiến pháp do các chủ thể khác nhau thực hiện. Việc thành lập cơ quan dự thảo Hiến pháp năm 1946 do Hội đồng các Bộ trưởng đề nghị; đề nghị thành lập cơ quan dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1946 vào năm 1959, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1980 vào năm 1989, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 vào năm 2001 do cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị; đề nghị thành lập cơ quan dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1980 vào năm 1992 do Chủ tịch Quốc hội đề nghị. Ngoài ra, tên gọi của cơ quan dự thảo Hiến pháp cũng khác nhau: Uỷ ban dự thảo Hiến pháp (ban hành Hiến pháp năm 1946, sửa đổi Hiến pháp năm 1959 thành Hiến pháp năm 1980); Ban sửa đổi Hiến pháp (sửa đổi Hiến pháp năm 1946 thành Hiến pháp năm 1959); Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980 vào năm 1988 và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001); Uỷ ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (năm 1989 khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Hiến pháp 1980).

Vấn đề lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp cũng là một trong những giai đoạn bắt buộc của quy trình lập hiến của những lần sửa đổi Hiến pháp vừa qua. Tuy nhiên, do chưa được pháp luật điều chỉnh nên cũng có trường hợp sửa đổi Hiến pháp không tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Ví dụ, hai lần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1980. Các lần sửa đổi khác tuy có tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhưng cách thức tổ chức khác nhau cả về cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến. Vì vậy, việc luật hoá thủ tục lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp thông qua cuộc trưng cầu ý dân, nhân dân có quyền biểu quyết về các vấn đề liên quan đến Hiến pháp thì không cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp nữa.

Thủ tục xem xét, thông qua dự thảo hiến pháp cũng là vấn đề cần được đề cập đến. Do chưa có quy định về quy trình soạn thảo, thông qua hiến pháp nên trong những lần sửa đổi trước đây, Quốc hội đã vận dụng các quy định của thủ tục xem xét, thông qua luật cho hoạt động xem xét, thông qua dự thảo Hiến pháp. Việc áp dụng này không bảo đảm sự tương thích giữa tính chất của văn bản với thủ tục xem xét, thông qua văn bản. Do vậy, cần phải xây dựng quy định riêng về thủ tục xem xét, thông qua hiến pháp như quy định tại Điều 13 của Luật BHVBQPPL năm 1996.

Sau khi dự thảo Hiến pháp được Quốc hội thông qua, công bố Hiến pháp là giai đoạn cuối cùng hoàn tất thủ tục lập hiến. Theo quy định của Hiến pháp hiện hành, công bố Hiến pháp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và được ban hành dưới hình thức lệnh. Tuy nhiên, cách thức cũng như thời hạn công bố Hiến pháp cũng chưa được đề cập đến trong các quy định của pháp luật hiện hành.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, hoạt động lập hiến của nước ta bên cạnh thành tựu rất đáng tự hào, vẫn rất cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh trình tự, thủ tục của hoạt động này.

Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đòi hỏi mọi hoạt động của nhà nước đều dựa trên cơ sở pháp luật. Hoạt động lập hiến là hoạt động mang tính chất đặc thù - hoạt động liên quan tới văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, vì vậy, hơn bất cứ hoạt động nào của nhà nước, hoạt động này cần phải được luật hoá. Do vậy, yêu cầu soạn thảo, ban hành luật về thủ tục lập hiến, trong đó bao hàm các quy định về nguyên tắc chung của hoạt động lập hiến, chủ thể có quyền yêu cầu sửa đổi hiến pháp; thủ tục thành lập ban soạn thảo hiến pháp; thủ tục thảo luận, thông qua hiến pháp; thủ tục công bố hiến pháp trở nên hết sức cần thiết. Việc ban hành luật về thủ tục lập hiến sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động sửa đổi Hiến pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ta theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.


Nghiên cứu Lập pháp, số 10(126), tháng 7/2008.

Xem Phan Chu Trinh tuyển tập, Nxb. Đà Nẵng, 1989, tr. 33.

Xem Chương Thâu, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb. Đà Nẵng, 1989, tr. 355, 480.

Xem Chương Thâu, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, sđd, tr. 355.

Xem J.J.Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, người dịch: Hoàng Thanh Đạm, Nxb. Lý luận chính trị, H., 2004, tr. 179, 180.

Xem Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 1998, tr. 391.

Xem Sắc lệnh số 34 ngày 20/9/1945 của Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hoà. Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, sđd, tr. 385.

Xem Nghị quyết về vấn đề sửa đổi Hiến pháp ngày 23/1/1957 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Xem Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp ngày 2/7/1976 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xem Nghị quyết về việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980 ngày 28/6/1988 của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 3.

Xem Nghị quyết số 43/2001/QH10 ngày 29/6/2001 của Quốc hội về thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992.

Xem Quy trình, thủ tục trong hoạt động của Quốc hội, Ban Công tác lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, H. 2005, tr. 38.

Hiện nay, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, vấn đề này vẫn được quy định như vậy (BBT).

Hiện nay, vấn đề này được quy định trong Điều 11, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 không có sự thay đổi so với Luật năm 1996 (BBT).

Nghị quyết số 42/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001.