Giải pháp phát triển tư vấn tâm lý trong các nhà trường đáp ứng nhu cầu người học

Thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, tất cả các trường học trong tỉnh đều đã có kế hoạch cụ thể cho hoạt động tư vấn học đường. Tuy nhiên, công tác tư vấn tâm lý trong hầu hết các nhà trường vẫn chưa thực sự thường xuyên, thiết thực, hiệu quả.

Tư vấn tâm lý học đường góp phần giải tỏa áp lực học tập cho học sinh.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tế nhiều trường chưa có giáo viên chuyên làm công tác tư vấn tâm lý, hoạt động này chủ yếu do giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn do áp lực mưu sinh mà gia đình [nơi gần gũi, có vai trò quan trọng nhất với các em học sinh] lại có phần mờ nhạt về sự quan tâm và những tác động tích cực, cần thiết đối với con, em mình. Nhiều phụ huynh đặt nặng vấn đề điểm số, hầu như chỉ quan tâm nhiều đến kết quả học tập, chưa thực sự sâu sát về các mối quan hệ của con em mình với nhà trường, bạn bè, xã hội. Chính vì áp lực vô hình này, nhiều học sinh sinh ra chán nản, học để vừa lòng cha mẹ, thụ động trong lựa chọn hướng đi cho tương lai và ngại giao tiếp. Nhiều em không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, lại ngại chia sẻ suy nghĩ với bạn bè, thầy cô. Bởi vậy, nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi của lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày càng trở nên bức thiết.

Hoạt động giáo dục trong các nhà trường cũng cần được làm phong phú thêm với những hiểu biết sâu hơn về mặt tâm lý của học sinh để các nội dung giáo dục phù hợp với khả năng và tâm lý lứa tuổi của các em. Bên cạnh những buổi sinh hoạt lớp hằng tuần, các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật [về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em,], các buổi nói chuyện, tư vấn chuyên đề [tư vấn hướng nghiệp, giáo dục giới tính, phương pháp giải quyết các vấn đề phát sinh trong mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử với gia đình, bạn bè, giáo viên và mối quan hệ xã hội khác] được tổ chức định kỳ ở một số trường đã tạo không gian riêng cho học sinh chia sẻ, giải tỏa những khó khăn, bức xúc tâm lý do học tập và cuộc sống mang lại.

Đơn cử như Trường THCS Châu Sơn [TP.Phủ Lý], nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình, phương pháp cụ thể cho tổ tư vấn, mục tiêu sẵn sàng giúp đỡ những học sinh có nhu cầu, giúp các em định hướng nhận thức, duy trì tinh thần, thái độ sống tích cực, tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ sau giờ học căng thẳng. Theo đó, tổ tư vấn nhà trường [gồm giáo viên có kinh nghiệm và những thầy, cô giáo trẻ], hoạt động thường xuyên từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, buổi sáng từ 7h30 đến 11h tại phòng y tế hoặc phòng đoàn đội nhà trường. Nhà trường còn chủ động bố trí hòm thư góp ý để các em học sinh chủ động hỏi, tham vấn nếu có nhu cầu tư vấn những vấn đề tế nhị, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Tổ tư vấn của nhà trường sẽ tiếp nhận và sẵn sàng tư vấn tâm lý cho học sinh hoặc phụ huynh có nhu cầu.

Chia sẻ về kinh nghiệm tư vấn học đường sau nhiều năm giữ vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Đồng Thị Tưởng [giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Trần Phú, TP. Phủ Lý] cho biết: Nhà trường chưa có giáo viên tư vấn học đường riêng nên giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải như người mẹ thứ hai của học sinh. Khi tạo được mối gắn kết khăng khít, thân thiết, mối quan hệ thầy trò không chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa người dạy và người học thì học sinh mới chủ động tìm đến người thầy. Thực tế cho thấy, đa số học sinh hiện nay khi gặp vấn đề khó khăn đều rất ngại và do đó ít chủ động nhờ giáo viên, phụ huynh gỡ rối. Vì vậy, giáo viên phải thực sự coi trò như con, luôn sâu sát, quan tâm và tinh ý mới có thể nhận biết được các em đang gặp vấn đề, từ đó chủ động tìm hiểu, lắng nghe và thấu hiểu, giúp các em giải bài toán khó.

Đồng quan điểm trên, cô giáo Phạm Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa cho rằng: Trường học của chúng ta vẫn đặt nặng việc dạy tri thức mà chưa để ý tới sự phát triển sức khỏe tinh thần, cũng như việc phát huy tối đa tiềm năng của học sinh. Những năm gần đây, công tác tư vấn học đường đã và đang được triển khai, song số lượng vẫn còn hạn chế. Ở độ tuổi bắt đầu có sự thay đổi về tâm sinh lý, nhiều em khó có thể nói trực tiếp vấn đề của mình với giáo viên. Vì vậy, nhà trường vẫn luôn khuyến khích giáo viên và học sinh chia sẻ số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử hoặc mạng xã hội facebook với nhau. Nếu ngại gặp trực tiếp, các em có thể chia sẻ vấn đề của mình với giáo viên bằng những cách trên. Bản thân giáo viên cũng tham gia vào các nhóm zalo, facebook của các lớp học để hiểu hơn các em đang nghĩ gì, cần gì.

Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp tình thế, theo ý kiến nhiều giáo viên, các trường vẫn cần có những cán bộ tâm lý chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm, bởi những giáo viên kiêm nhiệm không thể đồng thời làm tốt hoàn toàn công tác chuyên môn và hoạt động tư vấn tâm lý. Hiện nay, hoạt động tư vấn tâm lý học đường chủ yếu chỉ dừng lại ở hình thức tham vấn, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của học sinh, phụ huynh riêng lẻ, chưa trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu cần trợ giúp về tâm lý, sức khỏe, giáo dục của học sinh. Vì vậy, công tác tư vấn học đường cần phải trở thành hoạt động chuyên môn bài bản, là nhiệm vụ quan trọng trong các nhà trường nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Cùng với đó, các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn, quan tâm, sâu sát hơn, luôn là điểm tựa tâm lý vững chắc, tin cậy, giúp các em vượt qua những tác động, khó khăn trong quá trình trưởng thành.

Thanh Hà

Video liên quan

Chủ Đề