Định giá lại tang vật vi phạm hành chính

Cùng với đó là Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính; Thông tư 173/2013/TT- BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính là các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, góp phần vào hiệu lực hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên thực tế triển khai các quy định của pháp luật về tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính trên thực tế lực lượng chức năng còn gặp nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong việc thi hành pháp luật cụ thể như sau:

1.Về thẩm quyền tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính:

Tại Khoản 3 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: "Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính”. Quy định trên về thẩm quyền tạm giữ tang vật hiện có hai cách hiểu khác nhau:

 -Cách hiểu thứ nhất: Thẩm quyền tạm giữ tang vật bị giới hạn bởi thẩm quyền quyền phạt tiền. Theo quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt phụ thuộc vào mức phạt tiền của chức danh đó. Điều đó có nghĩa là, một chức danh có thẩm quyền phạt tiền đến mức bao nhiêu thì chỉ được phép tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến mức đó. Trên thực tế, rất nhiều vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện đều rất lớn, vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở dẫn đến khi định giá tang vật nếu giá trị tang vật vượt thẩm quyền, chính quyền cấp cơ sở thường phải chuyển hồ sơ vụ việc lên người có thẩm quyền xử phạt cấp cao hơn. Điều đó, dẫn đến bất cập là dồn vụ việc lên cấp trên, kéo dài việc giải quyết vụ việc trong nhiều trường hợp là không cần thiết, không đảm bảo tính kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.

- Cách hiểu thứ hai: Thẩm quyền tạm giữ không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. Điều này có nghĩa là cứ người nào có thẩm quyền tịch thu tang vật thì người đó có thẩm quyền tạm giữ tang vật [ không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền và giá trị tang vật bị tạm giữ]. Nếu theo cách hiểu này sẽ đảm bảo việc tạm giữ kịp thời, tránh dồn ứ vụ việc lên cấp trên trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.

2. Về thời hạn tạm giữ tang vật

Tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

“8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này”

Luật quy định là vậy, tuy nhiên việc thực hiện quy định trên thực tế áp dụng gặp khó khăn sau:

Một là: Theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên hiện chưa có quy định cụ thể như thế nào là  “vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp” cần xác minh để gia hạn thời hạn tạm giữ. Điều này dễ dẫn đến tùy nghi trong việc áp dụng, một số cơ quan có  thẩm quyền có thể gia hạn thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lên đến 60 ngày.  Thời gian tạm giữ lâu, gây khó khăn cho công tác bảo quản, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị hư hỏng, mục nát, gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước và xã hội.

Hai là, quy định về thời hạn tạm giữ để xác định giá trị tài sản chưa hợp lý. Theo khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính về thời hạn tạm giữ tối đa không quá 24 giờ kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm không quá 24 giờ. Quy định này là chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là trong trường hợp tạm giữ những phương tiện tự chế vì trong trường hợp này, việc xác định giá phương tiện gặp nhiều khó khăn và thường phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá.

Ba là:  Chưa có quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ dẫn đến số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lưu kho quá tải. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 01 năm nên khi tạm giữ phương tiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện thì phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, cơ quan, người có thẩm quyền mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện dẫn đến số lượng và thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài. Tình trạng các phương tiện tồn đọng lâu ngày, gây mục nát, hư hỏng, lãng phí tài sản xã hội mà chưa được xử lý, tình trạng chủ phương tiện, tang vật không đến nhận lại phương tiện, tang vật còn xảy ra nhiều.

3. Kiến nghị đề xuất:

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính cụ thể:

- Sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo hướng các chức danh có thẩm quyền xử phạt được thực hiện việc tịch thu không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

- Bổ sung quy định cụ thể để xác định rõ việc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chính là việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính [cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính]. Ngoài ra, Luật cũng cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước; thời điểm nộp tiền; thời điểm trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hoãn , giảm, miễn thi hành, nộp nhiều lần đối với khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu.

- Cần có quy định hướng dẫn cụ thể về các trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, cần xác minh để làm căn cứ ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, theo cách hiểu vụ việc có tình tiết phức tạp là vụ việc có tình tiết cần có thêm thời gian để xác minh và vụ việc đó chưa đủ căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính.

- Bổ sung quy định về thời hạn gia hạn tạm giữ đối với trường hợp cần gia hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xác định giá trị tài sản tang vật, phương tiện, rút ngắn thủ tục định giá tài sản, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm cơ sở cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhanh chóng, kịp thời

-  Bổ sung hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ. Trong quy định cần nêu rõ khoảng thời gian phù hợp để cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời giạn tạm giữ, tránh trường hợp tồn đọng quá nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lưu kho, đặc biệt là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là phương tiện giao thông vận tải.

- Thùy Dương-

Xử lý Vi phạm Hành chính

Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a] Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

b] Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

c] Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại mục 9.

2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại mục 1 phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

3. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

4. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi có một trong các căn cứ quy định mục 1 và được thực hiện như sau:

a] Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại mục 12;

b] Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.

Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây:

a] Động vật, thực vật sống;

b] Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật.

7. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến.

8. Biên bản, quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử.

9. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại mục 13.

10. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó.

11. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật này nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật này thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại mục 1.c thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

12. Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm; trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến. Biên bản phải được lập thành 02 bản, giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.

13. Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

1. Người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

2. Đối với tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt phải được trả ngay cho người bị xử phạt sau khi thi hành xong quyết định xử phạt.

3. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tổ chức bán ngay theo giá thị trường và việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt và để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

a] Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

b] Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

5. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

6. Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

7. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm độc hại thì phải tiến hành tiêu hủy theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

8. Đối với các chất ma túy và những vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

9. Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.

Video liên quan

Chủ Đề