Đánh giá chung về nam cao năm 2024

Nhà văn Nam Cao được biết đến với vai trò là nhà văn hiện thực với thiên chức dùng ngòi bút chống lại cái ác, chống lại sự tha hóa của chế độ cũ. Từ làng ra phố, Nam Cao nhìn rõ hơn về cuộc sống người dân quê. Những người nông dân kiêm thợ thủ công thất nghiệp, mất dần ruộng vườn về tay cường hào ác bá. Nhà văn Nguyễn Thế Vinh, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam cho biết: Từ những tấn bi kịch của người nông dân và trí thức trong xã hội cũ, chúng ta thấy Nam Cao quan tâm sâu sắc tới hai vấn đề lớn của con người là quyền được sống lương thiện và điều kiện để phát huy tài năng để sống một cuộc sống có ích, có ý nghĩa. Những cuộc đời như Chí Phèo, Lão Hạc, thầy giáo Thứ... mỗi người một tính cách, một số phận, một diện mạo riêng, nhưng tất cả đều là những con người vốn lương thiện, họ muốn làm người lương thiện, khát khao vươn tới hạnh phúc.

Theo nhà văn Nguyễn Thế Vinh, những tác phẩm đầy sức khám phá và sáng tạo của Nam Cao là thông điệp thể hiện khát vọng cháy bỏng của những con người chân chất lam lũ về một ngày mai tốt đẹp hơn, nhất định sẽ trở thành hiện thực, và sự thật đã trở thành hiện thực. Đồng quan điểm, nhà phê bình văn học Trần Đăng Suyền cũng cho biết: Nam Cao không chỉ đồng tình với khát vọng sống lương thiện mà còn đòi hỏi cho mỗi con người được phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình, cổ vũ cho khát vọng được cống hiến, được sáng tạo của người trí thức, người nghệ sỹ chân chính. Cao cả và đẹp đẽ biết bao lý tưởng nhân văn của Nam Cao được gửi gắm qua dòng suy ngẫm của nhân vật Thứ về sự sống “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại” [Sống mòn].

Nếu cần khái quát thật gọn tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao, cái linh hồn và cũng là cái lớn lao toát lên từ toàn bộ sáng tác của ông theo quan điểm của PGS,TS. Lê Quang Hưng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đó là: nhà văn của câu chuyện nhân cách và tình thương. Nam Cao luôn đăm đăm soi xét nhân cách con người trong tương quan với môi trường sống, với hoàn cảnh xã hội. Ông đau đớn, xót xa khi nhân cách con người bị lăng nhục, bị chà xát. Ông mừng vui phấn khởi khi con người bảo toàn được nhân cách trước sự xô đập của hoàn cảnh, sự đe dọa tha hóa bởi chính mình, qua Lão Hạc, Dì Hảo, anh đĩ Chuột trong Nghèo.

Các nhân vật của Nam Cao, từ trạng thái “chết mòn” của một thế hệ trí thức, và từ những cái “chết thật” vì đói hoặc “khùng điên” của người nông dân một vùng quê, thể hiện thái độ của nhà văn khi đón nhận cách mạng tháng Tám thật sự như một cuộc đổi đời. GS. Phong Lê nhận định, ngót sáu năm cho một hành trình cùng nhân dân, từ nông thôn ra thành thị, từ miền xuôi lên miền núi, cùng bộ đội và dân công, với vũ khí vẫn chỉ là ngòi bút và trang viết, những trang viết gắng viết theo kịp những chuyển động muôn mặt của sự sống, và là một sự sống gắng được soi nhìn bằng một đôi mắt mới, nên sớm chuyển được vào đường ray cách mạng.

Có thể nói, với việc phản ánh đa dạng và rất thành công những loại nhân vật bị tước nhân phẩm, đòi lấy lại nhân phẩm, đấu tranh gìn giữ và vươn tới nhân phẩm của con người, cho dù trong hoàn cảnh khó khăn, đen tối nhất, những sáng tác của Nam Cao đã mang lại những lại giá trị lớn lao nhiều mặt cho đời sống văn chương nói riêng, cho xã hội nói chung. PGS, TS. Phan Thị Việt Trung, Đại học Thái Nguyên nhận xét: “Các sáng tác đó góp phần thanh lọc tâm hồn con người; nó kêu gọi tình thương và trách nhiệm của con người đối với nhau và đối với xã hội. Trong xã hội ngày nay, những khát vọng hưởng thụ được đẩy lên ở mức độ cao khó cưỡng đối với một số khá đông người trong cộng đồng, thì những sáng tác của Nam Cao vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí còn mang tính thời sự nữa”.

Tuy chưa đi trọn chặng đường 9 năm kháng chiến để được cùng Đảng, cùng dân đánh đuổi thực dân Pháp nhưng nhà văn Nam Cao đã có những cống hiến đáng ghi nhận trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Con đường văn đến với cách mạng, cầm bút kháng chiến của ông là cả một quá trình đấu tranh tự thân nhận thức, vượt lên chính mình để tìm ra chân lý trong cuộc sống và hướng đi đúng trong sáng tạo văn học.

Trước cách mạng tháng 8/1945, Nam Cao cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ trí thức tiểu tư sản đương thời chịu ảnh hưởng của trào lưu sáng tác lãng mạn. Buổi đầu cầm bút, ông làm thơ đăng trên một vài tờ báo ở Sài Gòn với bút danh Thuý Rư, Nhiêu Khê... Nhưng chẳng được bao lâu, bởi không thể sống tự lừa dối và chối bỏ bản thân mình, không thể quay lưng trước nhiều cảnh đời khổ đau trong xã hội thực dân nửa phong kiến, đặc biệt là cuộc sống của những người nông dân cùng khổ, ông tìm về với phương pháp sáng tác hiện thực, phản ánh cuộc sống trong nỗi bức xúc, suy tư, nỗi đau đáu của cõi lòng. Truyện ngắn “Trăng sáng” là bộc bạch tâm sự của ông về quá trình đấu tranh giữa con đường sáng tác lãng mạn và sáng tác hiện thực, giữa cuộc sống thực và cuộc sống ảo, để rồi ông đi tới khẳng định không có thứ nghệ thuật nào đứng ngoài cuộc sống, tách rời khỏi cuộc sống, dù cuộc sống ấy khắc nghiệt đến thế nào.

Đề tài chủ yếu trong sáng tác văn học của Nam Cao trước cách mạng là cuộc sống của hai hạng người trong xã hội đương thời - người nông dân và người trí thức tiểu tư sản. Nông dân và nông thôn là quan hệ gốc gác xuất thân của ông. Cuộc sống của lớp người trí thức tiểu tư sản là môi trường mà ông dấn thân, đã và đang phải trải. Viết về hai mảng đề tài cuộc sống ấy chính là Nam Cao viết ra từ tâm can máu thịt của mình, nên sáng tác ông mang được đặc điểm khác biệt so với sáng tác của nhiều tác giả theo phương pháp sáng tác hiện thực cùng thời.

Khác với Nguyễn Công Hoan, Nam Cao viết về cuộc sống của những người nông dân không cần dùng đến các thủ pháp miêu tả ước lệ, cường điệu, không lấy mục đích đả kích, châm biếm, tố cáo làm trọng. Khác với Ngô Tất Tố có cái nhìn từ trên xuống của một người trí thức vẫn còn phảng phất chút Nho học nhân văn, luôn đượm niềm thương tâm trước nỗi khốn cùng của người nông dân, Nam Cao viết về nỗi khốn cùng ấy như viết về tấn bi kịch của mình. Ông phải hiểu Chí Phèo thì mới biết được lối suy nghĩ của gã, mới viết được những dòng độc thoại nội tâm uẩn ức đến vậy, và mới tái hiện được những hành động bản năng của nhân vật này.

Những cảnh đời, cảnh người, cảnh thiên nhiên mà Nam Cao miêu tả về nông dân và nông thôn tuy sần sùi, thô ráp nhưng luôn được thông qua một thế giới nội tâm phức tạp, sinh động của nhân vật. Ông như nhập vào nhân vật để viết ra cái tinh thần của nó. Ở nhân vật Chí Phèo, Nam Cao mổ sẻ những gì sâu kín nhất [như trạng thái mơ hồ ngái ngủ của ý thức, những hành động bản năng của nhân vật] nhằm cung cấp cho người đọc những cái thật nhất, bản chất nhất. Chí Phèo lúc tỉnh, lúc say, say nhiều hơn tỉnh. Trong cơn say cuối cùng ở đời, Chí đã vác dao đến nơi cần đến để đòi lương thiện. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng, sở dĩ Chí Phèo không thực hiện ý đồ ban đầu là tìm giết chết bà cô của Thị Nở mà tìm giết Bá Kiến là do ma men dẫn lối, theo kiểu ngựa quen đường cũ, là do ảnh hưởng chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng theo chúng tôi, chính là lúc ấy tiềm thức mách bảo Chí biết rõ ràng nhất nguyên nhân gây nên số phận bi đát của mình. Chí đã bỏ qua nguyên nhân trực tiếp mà truy tìm tới nguyên nhân sâu xa. Cái nguyên nhân đã biến Chí thành lưu manh, không cho trở về làm người lương thiện được nữa.

Bằng một giọng điệu ngôn ngữ văn chương lạnh lùng, Nam Cao đã tái hiện lại hình ảnh cái làng Vũ Đại bức bối trong tăm tối, những kẻ bề trên một mặt nơm nớp lo âu trong mâu thuẫn bè đảng, mặt khác tìm mọi cách bóc lột dân nghèo, và những người dân quê cũng chẳng thể nào sống tốt được bởi chẳng ai có thể giúp đỡ được ai. Đúng như những lời vợ ông giáo Thứ trong truyện ngắn Lão Hạc đã từng đay nghiến về lòng tốt của chồng.

Về đề tài trí thức tiểu tư sản cũng vậy, Nam Cao đã phơi bày không giấu giếm những mâu thuẫn nội tại trong tâm hồn, trong cuộc sống thường nhật của lớp người mà ông đại diện. Hạng người này được xã hội thường cho rằng là có học, nhưng theo ông, họ cũng không thoát khỏi kiếp người nô lệ, họ nhìn đời vẫn bằng đôi mắt thiển cận, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, dù đã tự huyễn hoặc mình nhưng ở họ tương lai vẫn mù mịt, cuộc sống thì ngày một hoen rỉ ra, mòn đi [Sống mòn].

Ở hai mảng đề tài trên, ông tái tạo hiện thực như bản thân nó vốn có, tái tạo tỉ mỉ đến tận mọi chi tiết. Thực tiễn thật sinh động và là nguồn mạch dồi dào luôn cung cấp các tư liệu cho ông sáng tạo văn học. Nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện đại đã suy tôn Nam Cao là Đôxtôiepxkyi của Việt Nam, bởi phương pháp sáng tác của ông gần gũi với phương pháp sáng tác của nhà văn hiện thực người Nga này - phương pháp sáng tác hiện thực nghiêm ngặt.

Đọc truyện ngắn của Nam Cao viết trước năm 1945, người đọc sẽ có một cảm xúc rất mạnh sau khi thật lắng sâu suy nghĩ. Nếu đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nhiều người rớt lệ trước cảnh thương tâm của gia đình chị Dậu, thì nhiều truyện ngắn như Lão Hạc, Một bữa no hay Chí Phèo… của Nam Cao, tuy không làm người đọc rơi nước mắt nhưng lại thấy nỗi đau quặn ở trong lòng, căng thẳng trong trí óc. Những suy tư day dứt của Nam Cao [luôn được bộc lộ trong hầu hết các tác phẩm của ông] là những vấn đề bức xúc như dân trí, dân tình, dân sinh và dân chủ. Vì thế tính triết lý và tính khái quát của tác phẩm Nam Cao rất cao - như những thông điệp đấu tranh vì quyền sống của con người. Những vấn đề này đã được nhà văn đề cập trong nhiều sáng tác trước năm 1945 với thế giới quan, nhân sinh quan của ông giáo Thứ - một trí thức tiểu tư sản, và cũng được nêu ra rồi giải thích theo thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng của ông sau này.

Sau khi đến với cách mạng, Nam Cao đã nhiều lần phê phán trong các tác phẩm của mình cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong cuộc sống theo kiểu cực đoan một chiều, không thấy nó đang biến động, thay đổi. Cách nhìn nhận, miêu tả, phân tích sự vật, hiện tượng trong sự vận động của ông thực ra đã có trong các sáng tác trước 1945, nó gần với phương pháp sáng tác hiện thực cách mạng sau này, giống như ngọn lửa sẵn có trong con người ông, gặp gió là bùng cháy. Nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo theo lăng kính nhìn nhận như vậy. Chí Phèo có đủ phẩm chất, tính cách một tên lưu manh, nhưng vẫn còn sần sùi gốc gác [nhà quê] nông dân chất phác. Chí chỉ lưu manh trong hoàn cảnh bị và cần phải lưu manh. Trong hoàn cảnh có [đôi khi chỉ là gợi lên] tình đời, tình người thì Chí lại trở về thành con người lương thiện, mơ ước đến một cuộc sống hạnh phúc giản dị của anh dân quê [cảnh Chí Phèo bưng bát cháo hành của Thị Nở, cảnh Chí nghe tiếng chim hót, tiếng người hỏi nhau trong phiên chợ sớm].

Do cách nhìn quần chúng cần lao đói khổ, cùng quẫn theo con mắt nhân văn như vậy nên sau này đi theo cách mạng, Nam Cao càng hiểu được nhân dân hơn. Nếu trong các sáng tác trước 1945, Nam Cao thể hiện nỗi day dứt, hồ nghi về trình độ dân trí của người nông dân thì sau này nhà văn đã nhận thức lại. Ông cho rằng, chính hoàn cảnh đã làm thay đổi tất cả. Những người dân quê mới hôm qua còn bị áp bức, bóc lột, còn ngu dốt, sợ sệt, không dám đấu tranh, thì hôm nay theo cách mạng, làm cách mạng họ lại hăm hở, bừng bừng khí thế, nói nhiều và cũng làm nhiều, họ là động lực chính chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Từ những thay đổi trong cách nhìn nhận về nhân dân như vậy, Nam Cao đã dấn thân vào cuộc sống lao động, chiến đấu của dân tộc. Ông cho rằng những người trí thức phải hòa mình vào cuộc sống của nhân dân để học và dạy nhân dân. Cuộc sống của nhân dân là thực tiễn sinh động để người trí thức học tập, tránh được những nhận thức lệch lạc [như nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi Mắt]. Và cũng qua thực tiễn ấy, Nam Cao đã đi đến kết luận Thà làm một anh tuyên truyền nhãi nhép để có ích cho dân còn hơn viết những điều tưởng to lớn mà sáo rỗng. Ông không ngần ngại một nhiệm vụ nào khi được tổ chức giao cho, từ viết văn, làm báo, đến làm chủ tịch xã, dạy bình dân học vụ, làm công tác thuế… Ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, hăm hở tham gia đoàn quân Nam tiến với nhiệm vụ của một phóng viên, lên Việt Bắc làm phóng viên rồi phụ trách báo Cứu quốc và làm thư ký toà soạn báo Cứu quốc Việt Bắc, làm Tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam. Đặc biệt có thời gian ông đã công tác tại Ty Văn hóa Hà Nam, giúp tỉnh nhà ra báo Giữ ngước và báo Cờ chiến thắng.

Chủ Đề