Cục nợ là gì

From: Hung Tran Viet
Sent: Monday, November 09, 2009 8:56 AM

Chào quý Tòa soạn, chào anh Đức, chào các bạn,

Trước tiên tôi rất muốn cám ơn Tòa soạn và anh Đức đã mở ra một chủ đề mới, chủ đề về hôn nhân gia đình, chủ đề dành cho những người đàn ông có gia đình có cơ hội trải lòng mình. Từ trước đến giờ, các chủ đề tâm sự chủ yếu là của chị em, và xoay quanh nhiều về vấn đề ngoại tình, chứ ít có bài viết nào liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, gia đình nào cũng đều có những khúc mắc và bế tắc trong quan hệ vợ với chồng, bố mẹ và con cái… Là người trong cuộc, nếu tự giải quyết thì nhiều khi chúng ta bị “chủ quan duy ý chí”, và thậm chí có thể mắc sai lầm. Trải lòng mình trên mục Tâm sự này tôi nghĩ là một biện pháp rất hay, vừa cho lòng mình được thanh thản [vì chả biết tâm sự cùng ai], vừa có thể lĩnh hội được nhiều ý kiến xác đáng, chân thành và vô cùng quý báu của mọi tầng lớp độc giả từ những góc nhìn khác nhau, và từ đó ta có thể có những quyết định đúng đắn để giải quyết tình trạng của mình.

Sở dĩ từ trước đến giờ, cánh đàn ông có gia đình như chúng tôi ít có những tâm sự trên mặt báo, bởi vì đấy là bản chất của đàn ông: ít nói, ít tâm sự chuyện nhà, có điều gì thì “đóng cửa bảo nhau” hoặc “ngậm đắng nuốt cay” và tự chịu trận, vả lại cũng chẳng muốn “vạch áo cho người xem lưng”, đưa chuyện nhà mình ra cho bàn dân thiên hạ bình luận, sợ rằng “xấu nàng hổ ai”.

Thật ra, chuyện như của anh Đức, của anh Quốc, của anh Nhân, hay như của tôi sau đây là tương đối phổ biến trong xã hội hiện nay, nó chỉ là những ví dụ cho một loạt các gia đình có tình cảnh “thằng chồng khôn lấy con vợ dại” mà thôi, chứ không “hiếm có khó tìm” như một số bạn đã bình luận. Tôi rất mong các anh có hoàn cảnh tương tự lên tiếng để các anh chị và quý vị độc giả có thể hình dung được “một khoảng tối” trong thế giới phụ nữ, và “chiêm ngưỡng” hình ảnh của một số phụ nữ “té từ thiên đàng xuống” như anh Đức đã hài ước, bên cạnh các chị em là những người phụ nữ đẹp [cả về hình thức và nội dung], rất “công, dung, ngôn, hạnh”, giỏi việc nước, đảm việc nhà, bao dung, nhân hậu và tinh tế.

Tôi theo dõi loạt bài của anh Đức ngay từ đầu, và tôi đã bị cuốn hút bởi vì hoàn cảnh của anh Đức na ná hoàn cảnh của tôi. Từ trước tới giờ tôi chẳng muốn tâm sự với ai chuyện của mình, nhưng vì có bài của anh Đức, nên tôi cũng muốn góp “buồn” bằng câu chuyện của mình. Rất mong quý tòa soạn cho đăng nguyên văn để bạn đọc có thể hình dung toàn cảnh vợ chồng tôi.

Tôi tên là Hùng, tuổi ngoại tứ tuần. Tôi sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo ở giữa thủ đô Hà Nội. Cái nghèo khó đã hun đúc cho tôi một ý chí và nghị lực học tập và lao động không mệt mỏi để thoát nghèo, để có một sự nghiệp tốt và cuối cùng để có một gia đình tốt. Đấy là mục tiêu phấn đấu của tôi ngay từ thời còn thơ ấu. Mười năm học phổ thông, mười năm học sinh giỏi, mười năm làm lớp trưởng, hai năm cuối cấp làm liên đội trưởng. Năm năm đại học liên tục hoặc là bí thư chi đoàn, hoặc là lớp trưởng.

Ra trường làm đủ nghề để kiếm sống trong lúc chưa xin được việc [thời tôi xin việc khó lắm vì là thời bao cấp, mình lại không thuộc diện con ông cháu cha], từ bơm xe đạp, bán hàng nước cho đến đi buôn tàu thống nhất Bắc Nam rồi bị lừa sạch. Sau hai năm ra trường, rồi cũng xin được vào nhà nước với biên chế hẳn hoi, làm việc được hơn một năm, bỏ ra làm doanh nghiệp từ đó.

Tôi cưới vợ tôi năm 31 tuổi. Tại thời điểm đó, tài sản của tôi chưa có gì nhiều ngoài 3 tấm bằng đại học [kỹ thuật, luật và kinh tế], một chức trưởng phòng trong một doanh nghiệp có tiếng với mức lương mà nhiều người mơ ước và đủ để bảo đảm cho gia đình một cuộc sống đầy đủ.

Tôi theo quan điểm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, vì thế tôi đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi để trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình cả về vật chất và tinh thần. Cho đến nay, toàn bộ chi phí và công to việc lớn trong gia đình đều do tôi gánh vác mà không một lời ca thán, từ chi phí sinh hoạt hàng ngày, khám chữa bệnh, đối nội đối ngoại, vui chơi giải trí… đến xây nhà xây cửa, mua sắm tiện nghi đồ đạc, ôtô, xe máy… Tóm lại từ A-Z.

Từ ngày lấy vợ cho đến nay, tôi cũng không yêu cầu vợ tôi phải đóng góp gì về kinh tế, và cũng không biết và không quan tâm đến thu nhập của cô ấy. Khi vợ tôi sinh con gái đầu lòng [cách đây 14 năm], vì vừa vui vừa thương cô ấy, tôi đã thuê người giúp việc về để giúp cô ấy đỡ vất vả. Cô giúp việc là người rất tốt bụng nên đã ở nhà tôi 11 năm, trong thời gian này, vợ chồng tôi sinh thêm được một cậu con trai nữa [nay đã 9 tuổi]. Trong thời gian cô giúp việc ở nhà tôi, tôi đã động viên và tạo điều kiện cho vợ tôi đi học thêm một bằng đại học nữa và một bằng thạc sĩ khoa học. Toàn bộ tiền nong đi học tôi cũng chu cấp, thậm chí tôi còn làm giúp cô ấy đến 80% luận án thạc sĩ của cô ấy.

Sau thời gian đi làm thuê, hiện nay tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ. Chiến đấu ngoài thương trường cũng nhiều khi thăng trầm, có lúc cũng nợ nần, nhưng tôi chưa bao giờ để cho gia đình thiếu thốn và khủng hoảng về kinh tế. Tôi cũng biết luôn cân bằng cuộc sống giữa làm việc và nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, không thường xuyên nhưng hễ có cơ hội, tôi vẫn đưa gia đình đi vui chơi giải trí, ăn uống nhà hàng, xem phim xem kịch, còn nghỉ mát thì chưa thiếu năm nào.

Hồi còn là thanh niên trước khi cưới vợ, tôi cũng rất thích giao du bạn bè, nhậu nhẹt, ham chơi và galăng như bao thành niên khác. Nhưng từ sau khi lập gia đình, tôi lại không thích nhậu nhẹt, la cà [trừ khi bất đắc dĩ phải tiếp khách], không thích rượu bia, không hút thuốc lá, không biết cờ bạc, hết giờ làm việc chỉ thích về nhà. Tôi là người tham việc và chỉ thích làm việc, kể cả những việc không tên. Tóm lại, tôi là người ưa hoạt động và luôn luôn làm việc, kể cả khi ở cơ quan cũng như khi về nhà.

Về công việc hằng ngày trong gia đình, tôi vẫn tham gia dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa vật dụng trong gia đình, đưa đón, tham gia dạy dỗ con cái... Tôi đặc biệt quan tâm và dạy dỗ các cháu về kỹ năng và nghị lực sống trong môi trường đầy tệ nạn và cạm bẫy như ở Hà nội. Đối với con gái, nhiều vấn đề khó nói giữa bố và con gái, tôi mua sách về cho cháu đọc và giải thích cho cháu những điều cháu không hiểu. Đối với con trai thì vấn đề đơn giản hơn.

Vợ chồng tôi sống cùng ông bà nội [bố mẹ tôi], nhưng bố mẹ tôi là người có văn hóa và tâm lý nên đề nghị chúng tôi ăn riêng, ở riêng ngay từ đầu trong cùng một nhà, mặc dù tôi không muốn như vậy. Đối với ông bà nội, tôi luôn chu đáo với các cụ và cố gắng làm những gì tốt nhất có thể cả về vật chất và tinh thần để các cụ có một cuộc sống thanh thản, bình yên, vui vẻ lúc tuổi già [bố mẹ tôi đều đã gần 80 tuổi]. Khi còn cô giúp việc thì cô ấy phục vụ luôn cho cả bố mẹ tôi. Tất cả công to việc lớn trong gia đình, họ hàng bố mẹ tôi đều hỏi ý kiến tôi và gần như ý kiến của tôi là quyết định cuối cùng [nhà tôi có 4 anh chị em, tôi là út].

Đối với ông bà ngoại, tôi luôn chu đáo mỗi dịp lễ Tết hoặc gia đình có công có việc. Tôi tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập cho bố vợ lúc về hưu, cho cậu em vợ lúc thất nghiệp bằng các việc làm phù hợp với khả năng tại công ty tôi. Không biết tôi cư xử có được không mà cứ công to việc lớn, đi đâu hay có gì nhậu thì bố mẹ vợ lại triệu tôi đến, hình như thiếu tôi thì nhà vợ thiếu “cạ” thì phải [tôi còn một cậu em đồng hao nhưng cậu này không được sủng ái bằng tôi].

Tôi khái quát những gì trên đây về tôi, không có ý là kể lể [vì tôi chưa bao giờ kể lể như thế với ai cả], mà chỉ muốn các anh chị đánh giá xem tôi đã hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của một người chồng, người cha, người con và là người trụ cột trong gia đình hay chưa?

Quảng cáo

Với những gì tôi làm cho gia đình như trên, tôi chỉ yêu cầu vợ tôi làm tròn bổn phận của người phụ nữ trong gia đình, làm người “xây tổ ấm” và giữ lửa cho “tổ” luôn “ấm”. Tôi không yêu cầu vợ tôi một cái gì quá đáng cả, mà chỉ là những công việc hết sức bình thường mà bất kỳ người phụ nữ nào khi lập gia đình đều phải gánh vác, đó là: chợ búa cơm nước đúng giờ, nhà cửa sạch sẽ, con cái sạch sẽ, gia đình sinh hoạt có nề nếp, đối nội đối ngoại chu đáo. Đối với những người phụ nữ biết sắp xếp công việc thì tôi nghĩ họ xử lý các công việc này nhẹ như lông hồng, nhưng vợ tôi thì không làm được. Cô ấy làm như gà mắc tóc, và cái “tổ” nhà tôi đã trở thành cái “tổ lạnh” từ bao giờ rồi.

Sau đây là hình ảnh của vợ tôi để các bạn đánh giá nhé:

Vợ tôi sinh ra trong một gia đình công chức khá giả thời bao cấp. Vì là công chức nhà nước nên bố mẹ cô ấy rất bao bọc con cái, và chỉ chăm lo cho con cái “ăn” và “học” mà không phải làm bất cứ việc gì trong gia đình, không biết lao động, và đặc biệt là bố mẹ cô ta cũng không mấy quan tâm đến việc giáo dục nhân cách và kỹ năng sống.

Tốt nghiệp đại học, cô ấy cũng dễ dàng xin được việc làm vào cơ quan của bố cô ấy [vì là con ông cháu cha] mà không gặp bất kỳ một khó khăn nào. Sau khi đi làm, tình duyên của cô ấy cũng rất bằng phẳng, khi cô ấy gặp tôi, yêu tôi là mối tình đầu, và lấy tôi làm chồng mà không hề gặp trắc trở. Lúc yêu thì thường người ta mù quáng, cô ấy cũng không có cơ hội bộc lộ và tôi cũng không nhìn thấy bản chất thật trong con người cô ấy, chỉ nhìn thấy là người có học, ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng, gia đình cơ bản, thế là quyết định lấy làm vợ.

Sau khi lập gia đình và đẻ con, cô ấy đã có ngay người giúp việc như tôi đã nêu ở trên. Cô giúp việc này là họ hàng bên nhà tôi ở dưới quê lên. Cô giúp việc đã thay vợ tôi thực hiện gần như toàn bộ thiên chức của một người phụ nữ trong một gia đình, từ việc cơm nước, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đĩa cốc chén, giặt giũ quần áo, tắm rửa cho các cháu, cho các cháu ăn, chuẩn bị quần áo cho các cháu đi học… Vợ tôi còn mỗi việc làm xe ôm đưa các cháu đi học và tối đến cùng tôi dạy các cháu học bài. Vợ tôi cũng không phải mất một chút trí tuệ và sức lực nào để điều hành cô giúp việc vì đơn giản, cô giúp việc thạo việc nhà hơn vợ tôi.

Cuộc sống cứ như vậy kéo dài 11 năm và tôi cũng không cảm thấy có vấn đề gì vì những điều đơn giản tôi yêu cầu ở trên vẫn được thực hiện tốt [nhờ cô giúp việc]. Trong suốt 11 năm đó, tôi cũng không để ý nhiều đến tính cách của vợ tôi vì tôi cũng mải mê việc kinh doanh, vả lại thấy gia đình vẫn ổn. Tôi chỉ thấy vợ tôi toát lên là một người an phận thủ thường, không tham vọng, hiền lành, mặc dù thỉnh thoảng vợ chồng cũng có lúc xung đột về quan điểm dạy dỗ con cái, nhưng tôi coi đó là chuyện nhỏ. Tóm lại tôi thấy tương đối ổn trong giai đoạn đó.

Vợ tôi là một cán bộ nghiên cứu khoa học trong một cơ quan khoa học. Cơ quan của vợ tôi hầu như không có việc làm. Có lẽ đến 80% thời gian làm việc trong năm là đến cơ quan uống nước trà và tán gẫu cho hết giờ. Thu nhập chủ yếu là tiền lương từ ngân sách và tôi cũng không biết là bao nhiêu, ngoài ra cũng không có nguồn thu nhập nào khác. Thời gian rảnh rỗi tương đối nhiều và có thể “trốn” công sở bất cứ lúc nào.

Tôi hiểu cô ấy cũng buồn vì cơ quan ít việc, thu nhập thấp. Chính vì thế tôi đã động viên và tạo điều kiện cho cô ấy học thêm một bằng đại học ngoại ngữ và một bằng cao học nữa, để cô ấy có đủ hành trang có thể chuyển sang một môi trường làm việc mới năng động hơn, thu nhập cao hơn. Nhưng cho đến nay, sau khi học xong, cô ấy ngại chuyển đổi nên vẫn làm việc ở cơ quan cũ.

Gia đình tôi bắt đầu trở nên bi kịch kể từ cách đây 3 năm, khi cô giúp việc đột ngột qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Vào thời điểm đó, gia đình tôi đã là một gia đình lớn [chồng ngoài 40, vợ gần 40, con gái 11 tuổi, con trai 6 tuổi], và do đó, theo suy nghĩ của tôi, vợ chồng tôi cần đầu tư nhiều thời gian hơn cho gia đình và con cái, nhất là khi không còn người giúp việc nữa. Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, vợ tôi bắt đầu nổi loạn.

Khi không còn người giúp việc, khi mà gia đình tôi cần đến vai trò chính thức của vợ tôi thì ngược lại, cô ấy bắt đầu lao ra kiếm tiền và bê trễ việc gia đình. Các bạn biết cô ấy làm gì không, bán hàng đa cấp. Từ một người phụ nữ hiền lành, ít nói, cô ấy đã thay đổi hẳn bản chất, trở thành người nói nhiều, và đặc biệt là “buôn” điện thoại thì kinh khủng. Một cuộc điện thoại của cô ấy có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ. Mọi việc nhà cô ấy làm cho qua quít, đại khái, làm cho nhanh để còn “buôn”. Toàn bộ tâm trí của cô ấy dồn hết vào việc bán hàng đa cấp [bây giờ là chứng khoán và sàn vàng] và gần như không để tâm gì tới gia đình.

Từ ngày tiếp quản các công việc bếp núc, nội trợ và các công việc gia đình khác từ cô giúp việc, tôi mới nhận ra rằng vợ tôi “đảm” đến mức nào, và bản chất thật của cô ấy càng ngày càng lộ rõ theo ngày tháng. Các bạn thử xem một người phụ nữ gần 40 tuổi có những tính cách và đặc điểm sau đây liệu có chấp nhận được không nhé:

“Thiếu hiểu biết”: Đây là đặc điểm đầu tiên tôi muốn nêu ra, vì tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến một loạt các hành vi và ứng xử của cô ấy mà tôi kể sau đây. Tuy là cán bộ nghiên cứu khoa học nhưng trình độ chuyên môn cũng như kiến thức xã hội của cô ấy rất thấp. Cô ấy hoàn toàn không có văn hóa đọc. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy cầm tờ báo hay quyển sách để đọc, cũng như không bao giờ thấy cô ấy xem một chương trình tin tức hoặc thời sự nào trên TV, có chăng chỉ là mấy đoạn phim không đầu không cuối. Chính vì thế mà giữa tôi và cô ấy hầu như chẳng có chuyện gì để nói hoặc bàn luận với nhau cả, hoặc nếu có bàn luận vấn đề gì thì “ông nói gà, bà nói vịt”.

Nhiều khi có những vấn đề tôi rất muốn bàn, ví dụ như vấn đề giáo dục con cái hoặc vấn đề kinh doanh chẳng hạn, tôi biết là cô ấy thiếu kiến thức nên trước đó tôi đã mua về một loạt sách liên quan để cô ấy đọc trước, nhưng chỉ hôm sau là tôi đã thấy những quyển sách đó ở dưới gầm giường rồi. Và tất nhiên là cô ấy không đọc và tôi chẳng bàn được gì với cô ấy cả. Do đó, xung đột về quan điểm cũng liên tục xảy ra. Hơn nữa, mặc dù là thạc sĩ nhưng do lười đọc sách chuyên môn nên cô ấy luôn để cho các cậu sinh viên mới ra trường sai vặt, nhưng cô ấy lại không cảm thấy hổ thẹn mà coi đó là chuyện bình thường. Tôi có góp ý thì cô ấy cãi và bảo tôi “đừng can thiệp vào công việc của cô ấy”.

“Ngủ nướng”: Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy dậy trước 6h30 sáng cả. Cho đến sát giờ các cháu đi học, mẹ con mới vội vàng dậy, vệ sinh cá nhân qua loa, ăn sáng qua loa rồi cả mẹ cả con vội vàng đến trường. Nhiều hôm vì vội nên các cháu nhịn đói, tóc tai quần áo bù xù đến trường. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở, góp ý nhưng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Nói cô ấy mãi không được, tôi thấy thương các cháu nên tôi chủ động gọi các cháu dậy sớm, nhắc nhở các cháu vệ sinh cá nhân, lo cho các cháu ăn và đưa các cháu đến trường, nhưng vợ tôi thì vẫn thản nhiên… “ngủ” mà không hề có một chút cảm xúc nào. Ngày thứ bảy chủ nhật lẽ ra là một ngày giải quyết tất cả các công việc gia đình tồn đọng trong tuần, thì hầu như cô ấy… “ngủ”. Nói cô ấy thì cô ấy kêu “thiếu ngủ thì phải ngủ bù”.

“Đi chợ chiều”: Tôi chỉ thích nhìn vợ tôi buổi sáng dậy sớm đi thể dục hoặc Earobic ngay gần nhà, sau đó đi chợ để mua đồ ăn tươi như bao người phụ nữ khác, đồng thời để làm gương cho con cái nữa, nhưng điều đó dường như không tưởng, vì cô ấy còn bận… “ngủ”. Và đương nhiên không đi chợ sáng thì đi chợ chiều. Đi làm về sau 5h vào chợ mua vội mua vàng, và đặc biệt là không biết đồ nào là ngon, đồ nào là không ngon cả, và liên tục bị dân chợ xúi mua mang đồ ôi thiu về nhà.

Có lần, thằng con tôi gắp một miếng thịt gà rang, vừa đưa lên miệng nhai thì vội phì hết cả cơm thịt ra mâm và thốt lên “Thịt gà mẹ mua hôm nay có mùi chuột chết”. Thế là nó bị ăn mắng và đành phải ăn tạm. Tôi cũng thấy thế và nói cô ấy thì cô ấy bảo “cả nhà tưởng tượng”. Còn tôi thì được thưởng thức món thịt bò, thịt lợn “có mùi chuột chết” cũng nhiều nên thành quen.

“Không thạo bếp núc, vụng về”: Vì trước đây ít lăn vào bếp, không tinh ý nên cô ấy rất vụng trong chuyện bếp núc. Thịt luộc, thịt băm, trứng luộc, rán hoặc trưng, rau luộc, rau xào là các món truyền thống hết ngày này đến ngày khác của bố con tôi. Một nồi canh cá nấu dưa với một ít rau sống, hay một nồi chuối đậu, hay đơn giản hơn là món cá hoặc tép kho... vẫn chỉ là mơ ước của tôi. Muốn ăn thì tôi phải tự vào bếp hoặc ra quán. Đồ hộp và các đồ ăn sẵn trong siêu thị cũng là các món mà cô ấy hay cho bố con tôi thưởng thức.

Quảng cáo

Bên cạnh đó, vừa nấu cơm vừa “buôn” điện thoại, canh trào, thịt cháy… vẫn “buôn”, vậy thì làm sao có một bữa cơm ngon được. Trong bếp còn gì, hết gì cô ấy cũng không biết. Đi chợ mua đồ hoàn toàn theo cảm tính và đoán. Có những thứ trong bếp còn nhiều thì cô ấy tiếp tục khuôn về, để rồi hỏng lại đổ đi, có những thứ hết cả tuần nhưng lại chẳng thấy cô ấy mua về. Khi cô ấy làm việc trong bếp, thường xuyên nghe thấy tiếng đổ vỡ.

“Vô giờ giấc, không có nề nếp”: Mặc dù là thạc sĩ khoa học, nhưng hầu như tất cả mọi hoạt động của cô ấy mà tôi nhìn thấy đều chẳng tuân theo quy luật nào cả. Đi làm thì hôm 7h, hôm 8h, hôm 9h, có hôm lại nghỉ nửa buổi hay cả ngày. Giờ về cũng vậy, và cũng không thấy có lý do. Tôi chịu trách nhiệm đưa con đi học buổi sáng để cho cô ấy... “ngủ”, cô ấy chịu trách nhiệm đón con buổi chiều, nhưng nhiều khi mấy đứa con tôi đứng đường bơ vơ đến cả tiếng đồng hồ, nhưng cô ấy coi đó là chuyện bình thường và không cảm thấy lo lắng gì cả.

Về nhà la cà, dềnh dàng, “buôn” điện thoại mà không vào bếp ngay, nên bữa tối hôm 19h, hôm 20h, hôm 21h, thậm trí có hôm 23h mới ăn bữa tối. Con cái hôm nào tôi về sớm thì nhắc nhở các cháu tắm rửa học bài và đi ngủ đúng giờ, hôm nào tôi về muộn là y như rằng còn nguyên quần áo đồng phục học bài, ăn uống và đi ngủ muộn.

“Không ngăn nắp”: Mặc dù là thạc sĩ khoa học, nhưng không có một đồ vật nào trong nhà [trừ những cái của tôi] có một vị trí cố định cả, từ sách vở, giày dép, quần áo, cốc chén, bát đĩa, gương lược, chìa khóa… đều bị quăng quật tiện đâu vứt đấy, mặc dù tôi đã trang bị tất cả tủ, giá, kệ… để chứa đựng những cái đó. Tôi cũng đã dạy cho các cháu và cô ấy cách sắp xếp các đồ dùng các nhân, sách vở, quần áo, giày dép… của ai vào khu vực của người nấy, cái gì dùng chung thì để vào khu vực chung, nhưng chi được vài hôm thì đâu lại vào đấy.

Mặc dù mỗi người trong nhà đều có tủ quần áo riêng, nhưng cứ giặt quần áo của cả nhà xong là cô ấy tống tất cả vào tủ của cô ấy. Vì thế, thường xuyên các cháu mất rất nhiều thì giờ cùng với sự bực mình để đi tìm quần áo hoặc các đồ dùng hằng ngày vì chúng không có vị trí cố định. Nói cô ấy mãi chẳng được, gần đây tôi phải dành thời gian để “ốp” các cháu tự lọc, gấp và cất quần áo của từng người vào đúng vị trí, tập thói quen ngăn nắp tại góc học tập của mình và các chỗ khác trong nhà, nên đã đỡ mất thời gian rất nhiều cho việc “lục” và “tìm”.

“Lười làm việc nhà”: Bhà tôi như cái nhà trọ của cô ấy. Từ ngày về nhà chồng, có lẽ hiếm khi thấy cô ấy quét nhà, lau nhà, lau bàn ghế và các vật dụng trong nhà. Số lần thấy cô ấy làm những việc đó có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây những việc này do cô giúp việc làm. Giờ đây, đi vào nhà dẫm chân lên rác, đồ đạc trong nhà tám tầng bụi [nhà tôi ở ngay mặt đường] nhưng cô ấy hầu như không nhìn thấy và mặc kệ như nơi công cộng. Có nhắc năm lần bảy lượt thì cô ấy cũng làm nhưng rất miễn cưỡng và cằn nhằn.

Nói mãi chẳng được, tôi lại gánh tiếp phần việc này và huấn luyện các cháu cùng làm. Thấy tôi thường xuyên cầm chổi quét nhà, quét sân, các anh chị hàng xóm hay hỏi “Chị nhà đâu mà để anh làm những việc này”, tôi cố cười và nói “Nhà em đang bận”, nhưng nói xong thì cảm thấy đắng miệng vô cùng. Thỉnh thoảng sang nhà bố mẹ vợ ăn nhậu, đến giờ ăn cô ấy mới sang, ăn xong phủi quần đứng dậy về, để mặc cho hai ông bà già dọn dẹp. Mỗi lần như vậy, tôi thấy xấu hổ, góp ý mãi cũng chẳng ăn thua. Do đó, về sau này tôi cũng hạn chế sang nhà các cụ hoặc nếu sang chỉ sang chơi.

“Ăn ở bẩn”: Các cụ có câu “vào bếp biết nết đàn bà”. Quả đúng vậy, tính cách vợ tôi như thế nào thì nó thể hiện rất rõ trong căn bếp nhà tôi. Tôi trang bị cho khu bếp cũng tương đối đầy đủ, tiện nghi, nhưng giờ đây, tôi rất ngại bước chân vào bếp vì nó quá… bẩn. Không chỉ riêng tôi mà cả các cháu đều nhận xét bếp có mùi rất lạ. Tôi thì tôi nhận biết được giống mùi gì vì hồi bé tôi cũng nuôi lợn. Nếu bạn nào trước đây có nuôi lợn thì cũng sẽ cảm nhận được. Chuột, gián và bọ thì tha hồ nô đùa trong khu vực bếp.

Nhà vệ sinh thì cũng chịu cảnh tương tự. Hai khu vực này lúc nào “hứng” thì cô ấy dọn dẹp qua loa, nhưng một năm may ra “hứng” được 1-2 lần. Là phụ nữ nhưng quần áo hai ba ngày mặc một bộ, đầu tóc không mấy khi mượt mà và có hương thơm, xe máy thì khi nào không thể bẩn hơn được nữa mới đem đi rửa. Con cái thì để nhếch nhác, thường xuyên đầu tóc bù rù, quần áo nhàu nhĩ đi học. Góp ý nhiều rồi mà cô ấy cũng chẳng thay đổi.

“Vô tâm, vô tình, vô cảm”: Sống cùng bố mẹ chồng nhưng hiếm khi cô ấy có lời thăm hỏi các cụ, chứ đừng nói là chăm sóc. Chưa bao giờ thấy cô ấy mua cho bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ cô ấy đồng quà tấm bánh, hoặc là một món quà nho nhỏ để động viên tinh thần các cụ. Đợt vừa rồi mẹ tôi nằm viện ba tháng thập tử nhất sinh, tất cả anh chị em thay nhau vào trực cụ trong bệnh viện, riêng cô con dâu động viên mãi mới vào trông cụ được ba buổi.

Tôi sau một thời gian chinh chiến ngoài thương trường, giờ đây trong người cũng mang đủ thứ bệnh: gout, mỡ gan, mỡ máu. Những lúc lên cơn đau, bạn bè đến đầy nhà hỏi thăm, nhưng vợ thì chỉ đi qua hỏi như khách. Tôi mang bệnh cũng vài năm rồi, phải tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, nhưng chắc chắn cô ấy chẳng biết bản chất của các bệnh chồng đang mắc là gì, nên thật dễ hiểu khi cô ấy chẳng biết tôi phải dùng thuốc gì cũng như không biết loại thực phẩm gì là cấm kỵ đối với tôi, loại gì là có ích cho tôi. Mấy lần đau quá phải gọi xe tự đi bệnh viện hoặc đi khám một mình.

Trong khi đó tôi luôn chu đáo thuốc men khi cô ấy ốm đau hoặc đưa đón khi đi khám ở bệnh viện. Sinh nhật của cô ấy hay ngày phụ nữ quốc tế tôi chưa bao giờ quên, hoặc bó hoa, hoặc đi ăn nhà hàng, hoặc một món quà. Nhưng cô ấy hầu như chưa bao giờ nhớ đến sinh nhật của tôi. Nhiều lần sinh nhật mình, anh em chiến hữu, đồng nghiệp tặng hoa và chúc mừng, xong tôi lại café một mình vì biết về nhà là buồn thêm.

Con gái đến tuổi dậy thì rồi, rất cần sự gần gũi và hỗ trợ của mẹ về các vấn để tâm sinh lý, nhưng cô ấy cũng chẳng hề bận tâm. Nhiều khi hỏi mẹ không được, cháu quay sang hỏi bố, tôi chẳng biết trả lời thế nào lại phải chạy đi mua sách về cho cháu tự nghiên cứu. Mặc dù là doanh nhân, nhưng tôi lại rất thích trong nhà lúc nào cũng có hoa tươi, đặc biệt là hoa loa kèn. Mùa hoa loa kèn, tôi bảo cô ấy thỉnh thoảng đi chợ mua một bó về cắm, thì cô ấy nói không có… tiền. Chả nhẽ tôi lại ra chợ mua hoa? Nhìn các cô các chị sáng sáng đi chợ cầm bó hoa trên tay mà thèm.

“Xưng hô thiếu văn hóa” với con. Bình thường thì không sao, nhưng hễ cô ấy bực bội điều gì là sẵn sàng “mày, tao” , “con kia, thằng kia” với con, sẵn sàng nhục mạ con là “đồ ngu, đồ mất dạy, đồ nọ, đồ kia”, “tao tát vỡ mồm mày bây giờ”, “tao đập chết cha mày bây giờ”… Tôi nghe mà cảm giác như cô ấy đang chửi tôi vậy. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy ôn tồn chỉ bảo dạy dỗ con cái cả. Góp ý mãi vẫn chứng nào tật ấy.

“Mở miệng là tiền”: Trước đây khi còn đi làm công ăn lương, toàn bộ tiền lương, tiền thưởng tôi đều đưa hết cho cô ấy để lo sinh hoạt gia đình và tích lũy, nên hầu như không có vấn đề gì xảy ra, vì tôi còn khoản thu nhập nào khác đâu mà đòi. Nhưng từ khi tôi dấn thân vào con đường kinh doanh, mặc dù khó khăn nối tiếp khó khăn, tôi vẫn chu cấp đều đặn chi phí sinh hoạt gia đình như trước đây, thậm trí còn hơn thế nữa. Nhưng còn vốn liếng kinh doanh thì vì tính cách của cô ấy như vậy nên tôi chưa thể cho cô ấy biết và đưa cho cô ấy quản lý được, vả lại tôi cũng không muốn kéo cô ấy vào những thăng trầm trong kinh doanh, để đầu óc thảnh thơi còn nuôi dạy con cái.

Nhưng hình như chính vì điều này làm cho cô ấy ấm ức. Chi phí tôi chu cấp cho cô ấy hàng tháng khoảng từ 8-10 triệu đồng chỉ để phục vụ vấn đề ăn uống cho 4 miệng ăn và học phí ở trường cho các cháu, còn lại tất cả các chi phí phát sinh khác trong gia đình do tôi chịu trách nhiệm, cô ấy cứ yêu cầu là trước sau tôi đều đáp ứng. Nếu có tiền là tôi đáp ững ngay, còn nếu chưa có tiền thì tôi sẽ thực hiện sau đó.

Tôi cũng không hề yêu cầu cô ấy đóng góp và cô ấy cũng chưa bao giờ đóng góp. Tôi nghĩ số tiền tôi đưa cô ấy không phải là nhiều, nhưng khả năng tài chính của tôi tại thời điểm này chỉ có vậy. Tôi chỉ nói với cô ấy rằng “Chi tiêu cần có kế hoạch, khả năng đến đâu, chi tiêu đến đó”, nhưng không hiểu cô ấy chi tiêu kiểu gì mà cứ đến 20-25 hằng tháng là cô ấy kêu hết tiền. Tôi nói khả năng tài chính của tôi bây giờ chỉ có vậy thôi, thì cô ấy bảo tôi là người “keo kiệt”.

Nhưng cô ấy có biết đâu rằng rất nhiều tháng, do khách hàng nợ đọng không thu được vốn, tôi phải đi vay nóng ngân hàng để trả lương cho nhân viên và chu cấp cho gia đình. Nhưng tôi có nói thì cô ấy bỏ ngoài tai và không hề thông cảm, mà lúc nào cô ấy cũng nghĩ là tôi có nhiều tiền. Từ suy nghĩ lệch lạc đó và không biết chia sẻ với chồng, cô ấy cứ gặp tôi, nói câu trước câu sau là… tiền. Nhiều khi đi làm về mệt mỏi rã rời, thấy cô ấy đến cười nói, tôi tưởng sẽ nhận được ở cô ấy một lời động viên hoặc một cốc nước lọc, nhưng sau một lúc huyên thuyên cô ấy chìa ra trước mặt tôi một tờ giấy, trong đó liệt kê… tiền phát sinh. Mà nào có nhiều nhặn gì cho cam, toàn những thứ lặt vặt trị giá 5-3 chục, 1-2 trăm, nhưng cô ấy “săn” tôi và đòi tôi bằng được.

Nhiều khi cô ấy buột miệng “lấy chồng bao nhiêu năm mà chẳng được gì cả”. Tôi thực sự bàng hoàng và cảm thấy mình bị phụ công. Tôi hỏi cô ấy mong muốn điều gì khi quyết định đi lấy chồng và cô ấy đã có những gì: những đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi - đã có; một ông chồng biết kiếm tiền, có trách nhiệm với gia đình, không cờ bạc, rượu chè, bồ bịch – đã có; nhà cửa, xe cộ, tiện nghi – đã có và cần là có; cuộc sống tinh thần cũng không thiếu … Vậy cô ấy còn muốn gì nữa? Tôi hỏi, cô ấy không trả lời được, nhưng tôi hiểu, cô ấy cần sở hữu nhiều… tiền.

“Hay cãi cùn”: Bất cứ tôi nhắc nhở hay góp ý cô ấy điều gì là cô ấy cãi lấy cãi để. Cô ấy hầu như không biết lắng nghe và suy nghĩ. Nhiều khi tôi chưa nói hết câu là cô ấy đã cãi rồi. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy nói một điều gì từ tốn, có tình, có lý, có tính thuyết phục, phân tích phải trái, mà chỉ có cãi và… cãi. Cô ấy cãi như một đứa con nít cãi, nhiều khi tôi rất xấu hổ trước mặt các cháu và tôi thường là người phải nhịn, vì nói thêm một câu là cô ấy lại xả ra một tràng những câu và từ rất khó nghe. Tôi càng nhịn thì cô ấy càng làm già. Có lẽ cô ấy có họ hàng gần với “Chí Phèo” thì phải.

“Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”: Nhiệt tình với công việc của người khác có lẽ là ưu điểm duy nhất tôi nhận thấy ở cô ấy. Người ta không nhờ, cô ấy vẫn vô tư lao vào… giúp. Người ta không hỏi, cô ấy vẫn vô tư… trình bày và giải thích. Nhiệt tình đến mức đi đến đâu người ta cũng khen cô ấy “tốt và ngoan”. Và cô ấy rất tự hào với những lời khen đó và do đó huyễn hoặc, tự hào với chính bản thân mình. Gần bốn mươi tuổi mà vẫn tự hào khi người ta khen là “ngoan” đấy các bạn ạ. Thật sỉ nhục.

Còn nữa. Vợ tôi là một người “chỉ biết nhận, không biết cho”: Mặc dù tôi đối xử với cô ấy như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được từ cô ấy một chút gì về vật chất và tinh thần cả. Và tôi cũng chưa bao giờ thấy cô ấy sắm sửa cho gia đình một vật dụng gì đáng giá bằng đồng tiền của cô ấy cả, kể cả từ cái tăm. Cô ấy là người “chỉ biết hưởng thụ, không biết cống hiến”. Cô ấy chưa bao giờ chủ động đặt kế hoạch, bàn với tôi hay chịu trách nhiệm và hoàn thành tốt một hoặc một số công việc nào đó trong gia đình cũng như công việc của cô ấy, nhưng lại thường xuyên gợi ý đi du lịch trong ngoài nước, đi chơi hoặc đi nhà hàng.

Vợ tôi thế đấy các bạn ạ, có tuyệt vời không. Những gì tôi kể trên đây là sự thật 100% mà không hề hư cấu. Nó được tuôn chảy từ “cục đắng” đã hình thành và tồn tại trong đầu tôi từ mấy năm nay mà chả biết tâm sự và chia sẻ cùng ai.

Đọc những gì tôi viết, các bạn đừng vội trách tôi là quá soi xét vợ. Như tôi đã nói, 11 năm đầu hầu như tôi không để ý và không soi. Nhưng sau khi cô giúp việc qua đời, khi tôi bắt đầu tham gia công việc nhà, tiếp xúc và va chạm công việc nhà với cô ấy thì mọi cái cứ rõ nét dần. Tôi là người nhạy cảm nên rất dễ dàng để cảm nhận những điều đó. Tất cả những lời nói, hành vi nêu trên của cô ấy cứ lặp đi lặp lại, có hệ thống và đập vào mắt tôi hằng ngày nên nó hằn sâu trong suy nghĩ của tôi, nó tích lũy dần theo thời gian và hình thành nên “cục đắng” trong đầu tôi.

Đọc những gì tôi viết, các bạn cũng đừng vội trách tôi là quá hiền lành, nhu nhược với vợ. Tôi cũng như anh Đức, dùng đủ các biện pháp: đánh du kích có, đánh tổng lực có; nhu có, cương có; mềm dẻo có, cứng rắn có; tâm sự có, quát tháo có; tát có [1-2 lần gì đó]; chiến tranh lạnh có, và gần đây tôi phải dùng đến biện pháp hành chính: họp gia đình, có ghi biên bản và ký. Sau một số biện pháp như trên, cô ấy cũng nhiều lần khóc lóc, nhận ra lỗi và hứa sửa chữa, nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Quả thực là “Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”.

Tôi thực sự không hiểu tại sao vợ tôi lại như vậy. Nhiều đêm nằm suy nghĩ để cố tìm hiểu nguyên nhân. Ngoại tình ư, tôi chưa thấy cô ấy có biểu hiện, còn tôi thì cũng chưa. Hết tình ư, cũng không hẳn như vậy. Có thể do nhiều yếu tố “thiên, thời, địa, lợi, nhân hòa” đã tạo ra cô ấy như vậy. Từ bé được bố mẹ bao bọc nhưng lại không được dạy dỗ về kỹ năng sống, khi yêu cũng không có sóng gió, xin việc thì dễ dàng. Công việc cơ quan thì nhàn. Lấy chồng thi gặp được người tốt và có trách nhiệm. Lập gia đình thì có người giúp việc và không phải lo toan vất vả gì; lại thiếu hiểu biết do không có văn hóa đọc; không có chí tiến thủ…

Nhưng chung quy lại, tôi nghĩ lỗi chính là do tôi, do tôi là người quá tốt và quá trách nhiệm. Cuộc đời của cô ấy cho đến giờ quá bằng phẳng, có lẽ cô ấy chưa bao giờ biết đau khổ, và chính vì thế khi đang nắm hạnh phúc trong tay, nhưng cô ấy lại không cảm nhận được và không biết cách gìn giữ, và cô ấy đang vô tình đập phá hạnh phúc của mình. Có lẽ ai đó nói đúng “Ai chưa từng đau khổ thì sẽ không bao giờ có hạnh phúc”

Có lẽ vợ tôi đã “hết thuốc chữa” và “di căn giai đoạn cuối” rồi. Bây giờ tôi thực sự cảm thấy thế nào là “Vợ là nợ”. Có lẽ không có cô ấy thì sẽ tốt hơn cho bố con tôi rất nhiều, vì cô ấy đang gieo những hình ảnh rất không tốt vào đầu các cháu. Cô ấy thực sự không có vai trò tích cực gì trong gia đình tôi nữa. Cô ấy như giặc trong nhà. Nhiều khi cô ấy bỏ về nhà ngoại hoặc đi công tác vài ngày, bố con tôi mới thực sự cảm nhận được sự yên ổn và cuộc sống thanh bình.

Có lẽ 99% là tôi đã quyết định ly hôn. Nhưng các bạn ạ, vấn đề ly hôn khi con cái đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách không hề đơn giản như một số bạn nghĩ, khi các bạn không ở trong cuộc, và càng không đơn giản đối với những người trọng tình, trọng nghĩa và sống có trách nhiệm. Con cái là sợi dây tình cảm mà không thể cắt phựt một cái là xong, mà phải có lộ trình. Mỗi lần tôi và cô ấy xung đột, cả hai cháu con tôi đều ngồi im ở góc nhà và nước mắt chảy ròng ròng, tôi nhìn thấy vậy lại phải im.

Tôi cũng nhiều lần đem câu chuyện của vợ chồng tôi ra để nói chuyện với con gái [14 tuổi] và có ý đặt vấn đề ly hôn của bố mẹ, nhưng cháu phản ứng dữ dội, khóc lóc thảm thiết và thậm trí dọa tự tử. Vậy thì tôi làm sao có thể thực hiện được điều đó. Thôi đành chịu đựng thêm vài năm nữa, thuyết phục các cháu dần dần, hy vọng mưa dầm thấm lâu đợi khi các cháu lớn thêm một chút nữa chắc các cháu sẽ hiểu và đồng ý. Nhiều khi tôi nghĩ hay là làm đau cả nhà một lần để giải quyết vấn đề, nhưng chỉ sợ cháu làm liều rồi lại ân hận cả đời, nghĩ vậy tôi lại thôi. Vả lại còn ông bà nội ngoại già cả ốm yếu, tôi cũng không muốn làm các cụ phiền lòng lúc xế chiều. Thôi đành giương cao ngọn cơ “hy sinh” lên vậy và đợi thời cơ chín muồi.

Cổ xưa có câu “Thế gian được vợ mất chồng, có là tiên bồng mới được cả đôi”, trong xã hội nào cũng vậy, bên cạnh các anh em bị “dính” vào hoàn cảnh “thằng chồng khôn lấy con vợ dại”, thì lại có các chị em “dính” vào cảnh “con vợ khôn lấy thằng chồng dại”, mà họ lại chẳng bao giờ gặp được nhau để “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Thật bất công phải không các bạn.

Tôi nghĩ chuyên mục Tâm sự nên thành lập một số câu lạc bộ hoặc diễn đàn ảo cho những người đồng cảnh ngộ, ví dụ “CLB những người có vợ [có chồng] cũng như không”, “Câu lạc bộ những người thứ nhất”… để họ có dịp được giao lưu, chia sẻ, đồng cảm và giúp nhau trong cuộc sống. Biết đâu có nhiều điều bổ ích và lý thú từ những câu lạc bộ như thế này. Rất mong anh Đức và các bạn đồng cảnh ngộ liên hệ với tôi qua email .

Vài dòng tự sự buồn để các bạn nhìn thấy một góc khuất của cuộc sống.

Cảm ơn Quý tòa soạn đã đăng và cảm ơn các bạn đã đọc bài.

Video liên quan

Chủ Đề