Chúa con là ai

CHÚA BA NGÔI : CHÚA CHA

CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

LỄ CHÚA BA NGÔI, năm B

Mt 28,16-20

Nói về Chúa Ba Ngôi là một việc không phải là dễ ! Bởi vì, người ta chỉ có thể hiểu được Chúa Ba Ngôi nhờ đức tin. Tôi vẫn còn nhớ khi còn nhỏ tham dự các lớp giáo lý :các Sơ, các Thầy và các Giáo lý viên hay dung ngón tay có ba đốt để ví von về Chúa Ba Ngôi. Có người dùng trái trứng gà, trứng vịt hoặc trứng ngỗng để cắt nghĩa Chúa Ba Ngôi. Càng lớn lên, càng suy niệm, học hỏi, tôi càng cả thấy những cách diễn tả ấy không ổn mấy! Phải có đức tin, suy niệm, lắng đọng thẳm sâu tâm hồn, với đức tin, người ta mới nhận ra Chúa Ba Ngôi như Chúa Giêsu dạy :” …Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” [ Mt 28, 20 ].

Thực tế, khi nói về Chúa Ba Ngôi, chúng ta chỉ có thể nhận ra Ngài khi chính Thiên Chúa mặc khải, Đấng ấy là Chúa Giêsu, Con Một duy nhất của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Đây là mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi. Thánh Gioan định nghĩa :” Thiên Chúa là Tình Yêu “. Thiên Chúa duy nhất nhưng không hề lẻ loi, đơn độc, không bao giờ cô đơn . Nhiều lần Chúa Giêsu đã xác định :” Ta và Cha Ta là một “ “ Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha “.Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđăng, chúng ta nhận thấy Ba Ngôi Thiên Chúa xuất hiện một lúc “ Trên trời có tiếng phán : Đây là Con Ta yêu dấu, Con làm đẹp lỏng Ta. Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa “. Có lần Chúa Giêsu nói :” Cha Ta làm việc liên lỉ. Ta cũng làm việc liên lỉ. Chúa Giêsu cũng nhiều lần nói tới Chúa Thánh Thần :” Cha sẽ ban cho anh em Một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với anh em luôn mãi “ [ Ga 14, 16 ]. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn khăng khít với nhau để dẫn đưa con người, dẫn dắt Giáo Hội. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Do đó, Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong con người chúng ta. Thiên Chúa luôn cần cù làm việc để tô đẹp vũ trụ, gìn giữ vũ trụ, loài người, con người. Chúa Giêsu, nghĩa là Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa hy sinh mạng sống cứu đời, làm cho con người, loài người được hạnh phúc, được thoát vòng tội lỗi. Chúa Thánh Thần, Đấng tác sinh, thánh hóa, soi dẫn con người, dẫn dắt Giáo Hội.

Mầu nhiệm Ba Ngôi đưa chúng ta vào sự thật vì chính Chúa Giêsu đưa chúng ta kết hiệp, hiệp nhất với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đưa chúng ta sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương bởi vì “ Ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy “ [ 1 Ga 4, 16 ].

Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Tin Kính là chúng ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Sáng Danh là mỗi lần chúng ta ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, mỗi lần chúng ta vì dấu Thánh Giá là mỗi lần chúng ta in dấu Thánh Giá trên con người chúng ta. Chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Ba Ngôi ngày chúng ta được chịu phép rửa.Chúa Ba Ngôi luôn đi theo chúng ta trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta.

Cha Francois-Xavie Amherdt viết :” …Hãy rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hãy dìm họ vào trong tình yêu đã kết hợp Thầy với Chúa Cha và được gọi là Thánh Thần. Hãy hít thở bằng sự hiện diện của Thầy. Hãy để cho Thần Khí của Thầy cư ngụ trong các con, hãy hiệp thông với Người và chuyển giao Người cho đồng loại “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tôn kính, mến yêu Chúa Ba Ngôi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúng ta biết Chúa Ba Ngôi nhờ ai ?

2.Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là ai ?

3.Nơi nào cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều xuất hiện ?

4.Ba Ngôi Vị : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là mấy Chúa ?

5.Trong Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần, Ngôi nào lớn, Ngôi nào bé hơn?

Hiện có nhiều Cơ đốc nhân tranh cãi về Đức Chúa Cha – Đức Chúa Con, ai lớn hơn – ai nhỏ hơn. Xin nêu ra vài điểm để suy gẫm với mong muốn chúng ta hãy cất đi những sự tranh cãi vô ích mà hết lòng cho sự thờ phượng Chúa.

Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ một vài điều:

  1. Đức Chúa Cha là thần [thường không ai chối cãi]
  2. Đức Chúa Con là thần [Giăng 1:1, Phi-líp 2:6,…]
  3. Đức Thánh Linh là thần [không ai chối cãi] và là thân vị chứ không phải là một lực hay hơi thở [hơi thở không biết buồn, Ê-phê-sô 4:30, trong Ma-thi-ơ 28:19 Chúa bảo nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm. Không lý Đức Chúa Giê-xu bảo nhân danh Đức cha, Đức Con và hơi thở của Đức Cha?] [Xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 5:3-4]
  4. Được quyền thờ lạy Chúa Giê-xu [các môn đồ thờ lạy trong Ma-thi-ơ 28:17, Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2,….], nhưng không được thờ phượng thiên sứ [Khải Huyền 19:10a]. Ngay cả thiên sứ cũng phải thờ lạy Đức Chúa Giê-xu [
  5. Trong điều răn thứ nhất, “trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác”. Trong khi trong các điểm trên, Chúa Giê-xu là thần và chúng ta được quyền thờ lạy, thì Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời y như Giăng 1:1 đã khẳng định.
  6. Ba Thân Vị làm việc với nhau cách nhịp nhàng [Sáng Thế Ký 1:26, Mác 1:10-12]

Qua các điểm nhất thiết phải tin trên, chúng ta có thể nói tin về Ba Ngôi hiệp làm một, chẳng có gì là sai. Nhiều người cho rằng Kinh Thánh không nói gì về giáo lý Ba Ngôi. Thật ra, cái mà người ta thường gọi là Ba Ngôi [Trinity] là một thực tế chứ không phải một giáo lý. Ba Ngôi chỉ là tên gọi của một thực tế được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh, đó là sự hiện hữu của ba Thân Vị “Đức Chúa Cha”, “Đức Chúa Con”, “Đức Thánh Linh”. Chúng ta có thể gọi thực tế đó bằng bất cứ chữ gì cho dễ hiểu. Xưa nay người ta thường gọi là Ba Ngôi [Trinity].  Nếu không thích chữ Ba Ngôi, chúng ta có thể dùng chữ khác, nhưng điều đó không hề thay đổi thực tế về sự hiện hữu của ba Thân Vị đó.

Tuy nhiên, nhiều tranh cãi còn xoay quanh về việc “Cha” phải cao hơn “Con”. Với những sự tôn trọng Đức Chúa Giê-xu dành cho Đức Chúa Cha, thì điều này rất có thể, nhưng có “mắc mớ” gì đến chúng ta. Hãy liên tưởng các vị tướng trong bộ tư lệnh và các binh nhì trong quân đội. Các vị Tướng đó ra lệnh thì các binh nhì như chúng ta chỉ biết răm rắp vâng theo, bất kể là lệnh của vị lớn hơn hay nhỏ hơn. Cũng như các vị tướng đó đều thuộc trong bộ tư lệnh, Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, đều là Đức Chúa Trời. Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh thuộc giới “Đức Chúa Trời” hay giới “Thần” còn chúng ta là giới “người”. Còn Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh lớn nhỏ cao thấp ra sao đó là chuyện “ngoài tầm kiểm soát” của chúng ta. Nếu chúng ta phải biết tất cả sự vận hành của giới Đức Chúa Trời mới được cứu, thì chúng ta “chết chắc”. Đức Chúa Cha không ganh tị khi thấy chúng ta thờ phượng Đức Chúa Con và ngược lại [Khải Huyền 5:13-14]. Làm vui lòng Đức Chúa Cha là làm vui lòng Đức Chúa Con. Làm buồn lòng Đức Chúa Con là làm buồn lòng Đức Chúa Cha. Nhiều bạn trẻ đang mắc một sai lầm rất nghiêm trọng đó là phủ nhận thần tánh của Đức Chúa Giê-xu. Thần tánh của Đức Chúa Giê-xu vô cùng quan trọng, đó là mấu chốt của lẽ đạo cứu rỗi, đó là “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” vì “Mọi người đều đã phạm tội”.

Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, đều hoàn hảo, trọn vẹn. Xin minh họa điều này bằng một phép toán nhỏ:

∞ + 1 = ∞

∞ + 10000000000 = ∞

∞ + x = ∞

Chúng ta không thể làm cho ∞ lớn hơn được, cũng vậy, chúng ta không thể làm cho Đức Cha, hay Đức Con hay Đức Thánh Linh trọn vẹn, hoàn hảo hơn được. Các binh nhì không cần phải biết ai cao hơn ai mới tuân lệnh. Cũng vậy, chúng ta không nên tranh cãi, chỉ hãy hết lòng thờ phượng và hầu việc CHÚA.

Nguyện Chúa ban phước trên anh chị em.

MS Lê Tự Hiển

***

Kinh Thánh:

Ma-thi-ơ 28:17-19: 17 Khi môn đồ thấy Ngài, thì thờ lạy Ngài; nhưng có một vài người nghi ngờ. 18 Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. 19 Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ.

Giăng 1:1: Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

Phi-líp 2:6: Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ;

Công Vụ Các Sứ Đồ 5:3-4: 3 Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? 4 Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào, ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời.

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2: Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm.

Ê-phê-sô 4:30: Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.

Khải Huyền 19:10a: Tôi bèn gieo mình xuống dưới chân người đặng thờ lạy; song người phán rằng: Hãy giữ lấy, đừng làm vậy; ta là bạn tôi tớ với ngươi và với anh em ngươi là người cùng giữ lời chứng của Đức Chúa Jêsus.

Hê-bơ-rơ 1:6:  Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con.

Sáng Thế Ký 1:26: Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.

Mác 1:10-12: 10 Vừa khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra, và Đức Thánh Linh ngự xuống trên mình Ngài như chim bồ câu. 11 Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường. 12 Tức thì Đức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng.

Khải Huyền 5:13-14: 13 Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất, trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!

14 Rồi bốn con sinh vật đều nói: A-men. Và các trưởng lão sấp mình xuống mà thờ lạy.

Video liên quan

Chủ Đề