Chí cường ca sĩ là ai?

Ca sĩ Lương Chí Cường biểu diễn ca khúc “Hùng oai bách Việt” trong chương trình nghệ thuật “Âm vang miền Đông” tổ chức vào tháng 5 tại TP. Vũng Tàu. Ảnh: Minh Tâm.

Cùng với Thanh Thúy, ca sĩ Lương Chí Cường là nhân vật “làm sáng” sân khấu ca nhạc tại các lễ hội Festival Biển; bắn súng thần công, Khai hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Gương mặt dễ mến, một giọng hát khỏe khoắn, trẻ trung, ca sĩ Lương Chí Cường đã chiếm được tình cảm của khán giả Bà Rịa - Vũng Tàu.

* P.V: Là một ca sĩ người Việt gốc Hoa, nhưng Lương Chí Cường hát nhạc Việt rất hay. Con đường đến với nghệ thuật của anh như thế nào?

- Trước khi đến với nghệ thuật, Lương Chí Cường từng làm đủ thứ nghề như thợ tiện, thợ dệt và cả đầu bếp. Năm 1992, lần đầu tiên tham gia Tiếng hát Truyền hình, khi đó Cường phát âm tiếng Việt còn chưa chuẩn nên không đạt giải. Sau 4 năm học thêm tiếng Việt và luyện âm, năm 1996, Cường đạt ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh với ca khúc Người mẹ Việt Nam tay không thắng giặc của nhạc sĩ Thuận Yến. Một năm sau đó, Cường nhận luôn giải nhất tiếng hát truyền hình toàn quốc. Cường xuất thân là một người lính của Sư đoàn 5 Tây Ninh nên năm 1997 sau những thành công đó, Cường gia nhập vào Đoàn nghệ thuật quân khu 7 với mong muốn được “trả ơn” cho quân đội. Cường luôn muốn được gắn bó cuộc đời làm nghệ thuật của mình với hình ảnh người lính.

* Trước đây, khán giả biết đến Lương Chí Cường với chất giọng tenor 2 [giọng nam cao], chuyên những ca khúc dân ca Trung Hoa. Thời gian gần đây, Cường lại còn thành công ở một số thể loại nhạc khác như: nhạc truyền thống Việt Nam, sử ca Việt Nam?

- Trước đây, Cường rất mê dòng nhạc cổ trang và hâm mộ những diễn viên kinh kịch Trung Quốc nên Cường thường xuất hiện trên sân khấu với vai Đường Tăng [ca khúc nhạc phim Tây Du Ký], Bao Công [nhạc phim Bao Thanh Thiên], Ngũ A Ca [nhạc phim Hoàn Châu Công Chúa]… Để không bị đóng khung trong một dòng nhạc nhất định, sau này, Cường đã thử các bản sử ca Việt Nam như: Dân nước Nam; Phù Đổng Thiên Vương; Trọng Thuỷ – Mỵ Châu; Huyền sử Âu Lạc... và Cường nhận được nhiều lời khen. Trong các chương trình nghệ thuật, khán giả cũng thấy Cường khoẻ khoắn, mạnh mẽ và rất Việt Nam với những ca khúc truyền thống như: Người mẹ Việt Nam tay không thắng giặc, Đất nước, Đất nước trọn niềm vui, Mỗi bước ta đi…

Có thể nói, phong cách của Cường là hát các thể loại nhạc dân gian Trung Quốc; nhạc sử ca và truyền thống Việt Nam. Cường đặc biệt thích trang phục cổ trang và những điệu múa của dân tộc Kh’mer...

* Khán giả Bà Rịa - Vũng Tàu rất thích xem Lương Chí Cường khi anh diễn tại các chương trình nghệ thuật được tổ chức ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn anh, anh có ấn tượng gì với khán giả ở đây?

- Có vẻ như Lương Chí Cường rất có duyên với Bà Rịa – Vũng Tàu. Mỗi năm, Cường có nhiều show diễn ở TP. Vũng Tàu cũng như các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Có khi Cường diễn theo kế hoạch phục vụ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 trong các chương trình nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày thương binh liệt sĩ; cũng có lúc Cường được mời tham gia vào các chương trình nghệ thuật lớn như Khai hội Văn hoá – Du lịch, Giải vô địch Cờ vua trẻ thế giới 2008, chương trình Âm vang miền Đông năm 2009 tại BR-VT…

Mỗi lần trở lại Vũng Tàu, Cường cảm thấy rất thoải mái. Cường thích không khí ở đây, thật trong lành, mát mẻ và không bao giờ có cảnh kẹt xe như ở TP. Hồ Chí Minh. Khán giả ở đây cũng rất nhiệt tình và dành cho Cường nhiều tình cảm. Đặc biệt, Cường thích nhiều ca khúc viết về Bà Rịa – Vũng Tàu như: Vũng Tàu biển hát, Mùa xuân từ những giếng dầu, Giàn khoan và hoa lửa, Bà Rịa – Vũng Tàu trong trái tim ta…

Hải Đăng
[thực hiện]

;

28 tuổi, chúng tôi khẳng định tài năng!

Họ là những diễn viên, ca sĩ, nhà thơ tròn 28 tuổi [sinh năm 1975]. Mỗi năm, cứ đến ngày 30-4 lịch sử, họ cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc và dặn mình không ngừng phấn đấu để khẳng định sức sáng tạo trên con đường nghệ thuật

Ca sĩ Lương Chí Cường:

Tự hào được mặc chiếc áo xanh bộ đội

Năm 1996, Lương Chí Cường vượt qua 1.752 thí sinh để đoạt giải nhất sau ba lần “khăn gói” đi thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM [1992, 1994, 1995]. Lương Chí Cường là con của một gia đình người Hoa sống trong Chợ Lớn. Mê ca hát, Cường đã tập luyện để chiến thắng khuyết điểm của mình. Mẹ của Cường kể, từ năm 10 tuổi Cường đã tham gia phong trào ca hát thiếu nhi tại quận 5 và quận 6. Gia đình Cường làm nghề chế biến thực phẩm, ngoài việc ca hát, anh còn phụ giúp việc kinh doanh. Trước khi đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình 1996 với bài Bà mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Lương Chí Cường tham gia nghĩa vụ quân sự và công tác tại đơn vị T67. Sau đó, anh chuyển về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 và công tác đến nay. Lương Chí Cường nói: “Tôi rất tự hào khi được mặc chiếc áo xanh bộ đội vì đó là giai đoạn giúp tôi ý thức rõ trách nhiệm của người thanh niên đối với đất nước. Xin được đem lời ca tiếng hát xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp, phồn vinh”.

Ca sĩ Minh Tú - Minh Thư:

Luôn học tập để được ca hát

Bắt đầu sinh hoạt văn nghệ tại Nhà Thiếu nhi quận 1, rồi tham gia chương trình ca múa nhạc Tuổi hồng của HTV từ lúc lên 5 tuổi, hai chị em sinh đôi Minh Tú - Minh Thư [sinh ngày 18-1-1975] đã lớn lên với niềm kỳ vọng của gia đình về hai chị em sinh đôi mê hát và thích làm ca sĩ. Sau khi đoạt giải nhất Tiếng hát Học sinh Sinh viên năm 1991, giải nhì cuộc thi Tiếng hát Phát thanh năm 1992... Minh Tú - Minh Thư đã kết hợp với người chị ruột là Tuyết Ngân hình thành nhóm Tam ca Áo Trắng. Tam ca Áo Trắng đã xuất hiện trong hầu hết các chương trình ca nhạc của TPHCM. Họ đang tập trung thực hiện album CD thứ 5 mang tên Theo bóng hoàng hôn gồm nhiều ca khúc về cha, mẹ và những người thân trong gia đình. Minh Tú nói: “Cho dù tuổi áo trắng có trôi theo thời gian nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề, để tuổi 28 luôn đẹp và có ý nghĩa”.

Diễn viên Bửu Trung:

Vươn lên từ những vai người lao động

Sau thành công của vai Long trong phim Long xích lô [Hãng phim TFS], Bửu Trung cho biết trong năm nay, anh có khá nhiều vai diễn mới. Đó là các vai Trung trong phim Đất lạ, Đất trong vở kịch truyền hình Quan huyện về làng [đạo diễn Hữu Châu]. Có người cho rằng ở tuổi 28, Bửu Trung đang sung sức, nhưng có người bảo anh quá tham khi thích đóng kịch, đóng phim rồi lại làm ca sĩ. Bửu Trung cười chân thành: “Các bộ môn nghệ thuật luôn đem kinh nghiệm cho diễn viên, do đó tôi luôn đặt mình vào tư thế được “thử sức”.

Nhà thơ Ly Hoàng Ly:

Nhiều hoài bão về thơ và hội họa

Là con gái của nhà báo Hoàng Hưng [Báo Lao Động], người chuyên viết về hội họa, lúc còn bé, Hoàng Ly đã được ba hướng dẫn đến với nghề cầm cọ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM và từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân tại TPHCM, Ly Hoàng Ly [tên thật là Hoàng Ly] từng được bạn đọc Báo Người Lao Động trao giải Mai Vàng lần V năm 1999 nhưng ở lãnh vực thơ. Tuyển tập Cỏ trắng của Ly gồm 38 bài thơ do NXB Hội Nhà văn phát hành năm 1999, trong đó có nhiều bài thơ được nhiều người yêu thích như: Bướm ma, Ký họa làng, Ngựa đêm Bắc Hà, Gọi duyên, Cây Ngà voi và mẹ, Hội An... Riêng về hội họa, năm 1997, Ly Hoàng Ly được bình chọn là một trong 10 họa sĩ trẻ có tác phẩm xuất sắc tại Cuộc triển lãm của họa sĩ trẻ. Ly Hoàng Ly tâm sự: “Có nhiều ước mơ cho tuổi 28, nhưng tôi lại dành nhiều mơ ước và nghị lực để đưa những cảm xúc vào thơ và tranh. Riêng hội họa, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để chuyển tải những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về con người trẻ trước công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Video liên quan

Chủ Đề