Cánh tả và cánh hữu là gì

Đầu năm, bàn vắn tắt vài khái niệm cho những bạn mới bắt đầu đọc báo chí và tài liệu tiếng Anh về các vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội. Hiểu được một vài khái niệm cơ bản trong lĩnh vực thì sẽ dễ tiếp cận.

Trong lĩnh vực chính trị Tây phương, có rất nhiều hệ tư tưởng, từ chuyên ngành gọi là “phổ chính trị” [political spectrum].

Trong đó, có thể tạm chia ra 3 nhóm chính, bao gồm “left-wing”, “centre” và “right-wing”. Tạm dịch ra tiếng Việt là “cánh tả”, “trung dung” và “cánh hữu”. Đây là các từ chuyên ngành cốt lõi trong lĩnh vực chính trị, đòi hỏi người đọc có kiến thức nhất định về chúng.

Theo từ điển tiếng Anh Cambridge 4th, Longman 5th và Wikipedia thì có thể hiểu như sau:

Người theo “left-wing” [cánh tả] ủng hộ sự công bằng xã hội, chủ nghĩa quân bình, và thường chống lại thứ bậc xã hội [social equality and egalitarianism, often in opposition to social hierarchy]. Những người này ủng hộ quan điểm rằng tài sản và quyền lực nên chia đều giữa các thành phần xã hội. Thông thường, nhóm này theo “socialism” [chủ nghĩa xã hội] và “communism” [chủ nghĩa cộng sản].

Những người theo “right-wing” [cánh hữu] ủng hộ quan điểm cho rằng trật tự và thứ bậc xã hội là bình thường, tự nhiên, không thể tránh khỏi và đáng để vươn tới [social orders and hierarchies are inevitable, natural, normal, or desirable]. Thông thường, nhóm này ủng hộ quan điểm “capitalism” [chủ nghĩa tư hữu tài sản, tư bản].

Còn lại là những người theo “centre” [trung dung] thì cho rằng con người hoàn toàn có thể đạt được cân bằng giữa sư công bằng và thứ bậc xã hội [a balance of a degree of social equality and a degree of social hierarchy].

Ngoài ra, còn có những nhóm khác, pha lẫn và kết hợp, ví dụ như “cực tả” [far-left], “cực hữu” [far-wing], “trung tả” [centre-left] hay “trung hữu” [centre-far].

Các nhà chính trị học đưa ra các lý thuyết rất rạch ròi và nghe rất hay, nhưng trong thực tế thì hành động không hẳn là như vậy. Khoảng cách giữa các tuyên bố và hành động thường khá xa nhau.

Thực chất, những khái niệm trên cũng chỉ là học thuyết. Đã là thuyết, thì chỉ có giá trị tham khảo. Thầy có vài ý đơn giản. Bạn có thích làm việc hết mình rồi chia lại tài sản là cho một người khỏe mạnh nhưng lao động ít không? Ngay cả trong môi trường giáo dục, một lớp học còn có lớp trường, lớp phó, tổ trưởng thì làm sao mà xã hội có thể xóa bỏ giai cấp và thứ bậc. Những phát minh khoa học công nghệ thời hiện đại, đến từ những nước nào, chế độ chính trị nào?

Cho nên, “cánh tả”, “cánh hữu”, hay “trung dung” thì còn tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Người giàu nhìn khác, người nghèo nhìn khác. Người có tài năng nhìn khác, người bình thường nhìn khác. Mỗi thời điểm khác nhau thì dễ có quan điểm khác nhau. Tôn giáo cũng giảng rằng, “mỗi người mỗi nghiệp”; mà “nghiệp” đã khác nhau thì khó mà có sự công bằng.

TẢN MẠN VỀ THUẬN ĐẠO TỰ NHIÊN TRONG DÒNG CHẢY PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Ở phương Đông, nếu Khổng Tử đề ra những quy tắc Nho gia như Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, thì Lão Tử chỉ nói đơn giản là “Vô Vi”. Nếu Mạnh Tử nói “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là người sinh ra ai cũng bản tính tốt thì Tuân Tử lại cho rằng “Nhân chi sơ tính bản ác”, tức là người ta sinh ra cơ bản là ác. Vì ác nên phải được giáo dục.

Một lần nữa, các lý thuyết thì chỉ là lý thuyết, nói giúp ta có những nền tảng ban đầu để tiếp cận và nhìn nhận vấn đề. Còn đúng, sai, phải, trái; khi nào “tả”, khi nào “hữu”, khi nào “trung dung” thì cần được nhìn nhận tổng quan ở nhiều khía cạnh, và thường hay lệ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi cá nhân, lợi ích và những nhóm lợi ích.

Tính cờ thầy thấy trên một cái bảng hiệu quảng cáo, ghi câu nói: “Âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức” [Ludwig Van Beethoven]. Thầy cũng không hiểu rõ nghĩa ở đây là gì, nhưng nếu nhà soạn nhạc nói vậy thì chắc là như vậy. Cứ nghe và để đó, nếu bạn có liên quan, hoặc lợi ích gì đó, thì có thể, điều này sẽ quan trọng; còn nếu không thì cũng không bận tâm. Nên xem những lý thuyết nhẹ như vậy.

Cơ bản, mọi việc cũng là chữ “tùy”. Cho nên, khi thi vấn đáp trong bài thi IELTS, gặp câu hỏi lựa chọn, ví dụ như: “Do you think it is better to have one-to-one lessons or to study in a class?” thì thí sinh nhớ tìm cách nói đệm bằng cụm “It depends” vào câu trả lời, để nghe cho có vẻ hợp tình hợp lý.

Nhìn nhận một vấn đề cần, ta cần có cái nhìn sâu rộng. Và dù sâu rộng đến thế nào đi chăng nữa thì cũng rất chủ quan.

Thử nhìn nhận vấn đề bên dưới. Trên kênh CNN [một đài “cánh tả”] có đưa tin:

US-South Korea reach agreement over cost of US troops in region

  • The US and South Korea have reached a preliminary agreement on the cost of keeping nearly 30,000 troops in South Korea, two State Department officials said, alleviating fears among President Donald Trump’s advisers that he could move to withdraw US troops during his upcoming summit with North Korea’s leader.

tạm dịch nhanh:

Hoa Kỳ và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận về chi phí cho quân đội đồn trú

  • Quan chức bộ ngoại giao của hai nước cho hay, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về chi phí trong việc giữ gần 30 ngàn quân đồn trú tại Hàn Quốc, xóa bỏ những e ngại từ nhóm cố vấn của Tổng thống Donald Trump, cho rằng ông có thể sẽ cho rút quân Hoa Kỳ đồn trú về nước trong hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra với lãnh đạo Triều Tiên.

Câu hỏi 1. Về dịch thuật, hai danh từ riêng “South Korea” và “North Korea” dịch ra tiếng Việt là “Hàn Quốc” và “Triều Tiên”. Tuy nhiên, vẫn còn cách dịch khác là “Bắc Hàn” và “Nam Hàn” hoặc “Bắc Triều Tiên” và “Nam Triều Tiên”? Theo các bạn, trong ba cách trên, cách nào là thích hợp nhất? Các bạn sẽ dùng cách nào?

Câu hỏi 2. Theo bạn, việc quân đội Hoa Kỳ đồn trú ở nước ngoài, hay can thiệp vào nước ngoài là tốt hay không?

Câu trả lời tùy thuộc vào hàng trăm yếu tố. Đầu tiên, tùy vào lượng thông tin và kiến thức mà bạn hiện có cũng như niềm tin và độ chính xác.

Tiếp theo, tùy vào bạn là ai. Bạn là người Mỹ? Bạn là người Mỹ có con là quân nhân đang đồn trú tại Hàn Quốc? Bạn là người Hàn Quốc? Bạn là người Triều Tiên? Bạn là người Việt và bạn thích Hàn Quốc? Bạn yêu Triều Tiên? Bạn thích Hoa Kỳ? v.v. Câu trả lời giống như một hàm toán học có hàng trăm biến số.

Chủ Đề