Cách xử lý khi bị quấy rối

Những lời nói và hành vi quấy rối tình dục xuất hiện ở khắp nơi: trong cuộc sống thực, trên mạng xã hội và cả nơi làm việc.

Theo số liệu khảo sát từ tổ chức ActionAid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần. Có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này, nhưng ⅔ trong số họ không làm gì cả.

Sở dĩ có những con số đáng báo động như vậy là vì những biểu hiện của việc quấy rối tình dục thường được ngụy tạo dưới dạng “câu đùa vui”, “lời quan tâm", hoặc xuất phát từ những tư tưởng khuôn mẫu [thường nhắm đến nữ giới và cộng đồng LGBT+]. Chính vì vậy, mọi người thường thờ ơ, hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của những hành vi đó.

Hành vi thế nào được coi là quấy rối tình dục?

“Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu,” trích từ Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam năm 2012.

Hành vi quấy rối tình dục vẫn diễn ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức từ “công khai lộ liễu" đến “ẩn nấp tinh vi” tại công sở.

Quấy rối tình dục bằng hành vi

Là những hành vi công khai liên quan đến tiếp xúc thể xác như vuốt ve, sàm sỡ, ôm ấp hoặc hôn.

Quấy rối tình dục bằng lời nói

Cũng tương tự như catcall, hành vi quấy rối này bao gồm những lời nói, nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn. Ví dụ, nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ, hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Quấy rối tình dục phi lời nói

Gồm các hành động không được thể hiện bằng lời nói như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, huýt sáo trêu ghẹo, ánh nhìn, nháy mắt liên tục, phô bày hình ảnh, email, ghi chép hoặc tin nhắn liên quan tới tình dục.

Quấy rối tình dục thường diễn ra dưới 3 hình thức: hành vi, lời nói và phi lời nói.

Quấy rối tình dục ảnh hưởng tiêu cực thế nào?

Tổn hại về sức khỏe tinh thần và thể chất

Nhiều nghiên cứu cho thấy lo lắng, căng thẳng, trầm cảm là một trong những biểu hiện tâm lý phổ biến của nạn nhân bị quấy rối tình dục. Nghiêm trọng hơn, nạn nhân có thể chịu đựng hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương và thậm chí có xu hướng cố gắng tự tử.

Ảnh hưởng tiêu cực của hành vi quấy rối không chỉ giới hạn ở mặt tinh thần mà còn tác động đến thể chất của nạn nhân. Người bị quấy rối có xu hướng tăng sụt cân mất kiểm soát, hút thuốc nhiều hơn, nằm ù lì trên giường lâu hơn và đánh mất cân bằng giữa công việc – gia đình. Sau một thời gian, họ có thể có các triệu chứng như đau dạ dày, đau đầu và các bệnh khác do căng thẳng thần kinh kéo dài.

Đánh mất cơ hội thăng tiến

Theo bác sĩ tâm lý Colleen C. Cullen trong một cuộc phỏng vấn với NBCnews, nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở có thể cảm thấy xấu hổ và tội lỗi đến mức đánh mất lòng tự tôn và giá trị của bản thân trong công việc.

Một nghiên cứu khác được đăng trên Sage Journals cho thấy mối tương quan giữa việc bị quấy rối và quyết định nghỉ việc khi 8 trên 10 người phụ nữ tìm việc mới trong vòng hai năm sau khi bị quấy rối. Đồng thời, thay đổi công việc cũng gây nên áp lực về tài chính và ảnh hưởng lâu dài đến sự thăng tiến trong công việc của người bị quấy rối.

Quấy rối tình dục có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý và thể chất lẫn công việc của người bị quấy rối.

Làm thế nào khi bị quấy rối tình dục nơi công sở?

Cuộc sống công sở vốn dĩ không đơn giản. Mỗi người phải biết bảo vệ mình trước nạn quấy rối tình dục nơi làm việc bằng cách tỏ thái độ dứt khoát, và lựa chọn cách phản ứng phù hợp.

1. Dứt khoát phản kháng

Im lặng đồng nghĩa bạn đã thỏa hiệp một phần. Vì thế, tỏ thái độ dứt khoát với mọi hành vi quấy rối ngay từ đầu là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Nói rõ với người quấy rối rằng hành vi của họ là không mong muốn và bạn muốn họ ngừng lại.

2. Tìm hiểu quy định và luật pháp liên quan

Hãy chủ động tìm hiểu chính sách nội bộ của công ty, đồng thời theo dõi và cập nhật thông tin từ Bộ luật lao động liên quan đến hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Điều này có thể giúp ích nếu bạn quyết định có hành động pháp lý bảo vệ bản thân sau này.

3. Ghi chép lại sự việc

Nếu không thể nói chuyện trực tiếp vì nhiều lý do như cấp bậc, bị đe doạ hay cảm giác e ngại thì bạn hãy bắt đầu ghi lại các hành vi quấy rối đó bằng văn bản. Cụ thể:

  • Chuyện gì đã xảy ra
  • Nó đã xảy ra khi nào
  • Nó đã xảy ra ở đâu
  • Hành động hay lời nói nào đã được thực hiện
  • Ai đã thực hiện hành vi đó
  • Ai đã nhìn thấy những gì xảy ra, và bạn đã làm gì lúc đó

4. Dũng cảm khiếu nại

Nếu bạn quyết định khiếu nại trong nội bộ, cách tốt nhất là bạn nên gửi bằng văn bản/ email để đảm bảo quyền riêng tư. Liệt kê tất cả các chi tiết sự kiện đã diễn ra như nêu trên và yêu cầu được trả lời bằng văn bản/ email. Giữ một bản sao khiếu nại của bạn và bất kỳ phản hồi nào bạn có thể nhận được từ công ty.

5. Cân nhắc đổi việc

Cuối cùng, nếu cảm thấy quá lo âu vì không được bảo vệ bởi công ty dù đã phản ánh hành vi quấy rối, hãy cân nhắc xin đổi vị trí công tác hay thậm chí đổi công ty để tránh những tác động tiêu cực về lâu dài.

Mỗi người cần bảo vệ mình bằng cách tỏ thái độ dứt khoát, và lựa chọn cách phản ứng phù hợp.

Các bước chữa lành sau khi bị quấy rối

1. Thẳng thắn nhìn nhận sự việc đã qua

Đừng làm giảm nhẹ vấn đề cũng như tìm lý do biện hộ cho người xâm hại mình. Hành vi đùa giỡn thế nào cũng có giới hạn đạo đức của nó. Bạn nên dũng cảm chấp nhận chuyện đã xảy ra và tôn trọng cảm xúc của bản thân thay vì đè nén những tổn thương vào lòng.

2. Đừng đổ lỗi cho bản thân

Chuyện đã xảy ra không hề là lỗi của bạn, bạn chỉ là nạn nhân. Bạn không thể điều khiển được hành vi của người gây rối, nhưng bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ của bản thân về việc đã diễn ra. Đổ lỗi cho bản thân chỉ làm chậm quá trình chữa lành cho chính bạn.

3. Tìm đến các liệu pháp hỗ trợ tinh thần

Nếu bạn cảm thấy bản thân khó vượt qua cú sốc tâm lý sau khi bị quấy rối, hãy tìm đến những giải pháp hỗ trợ tinh thần như trò chuyện với người mà bạn tin tưởng, thiền định, yoga, hay tìm đến khoa tư vấn tâm lý.

4. Hành động để giúp đỡ người khác

Gretchen Carlson, nhà hoạt động nữ quyền, đã chia sẻ tại TED Talks về việc mình từng bị quấy rối tại nơi làm. Tương tự, bạn có thể tạo nên điều tích cực cho cộng đồng bằng việc lên tiếng, chia sẻ bài báo về nạn quấy rối tình dục để nâng cao ý thức của những người xung quanh, trò chuyện với những nạn nhân khác, lập các nhóm phụ nữ trong cùng bộ phận hay công ty để bảo vệ nhau.

Hình ảnh trong bài được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Chủ Đề