Bán máu ở đâu giá bao nhiêu

"Hai cháu mua hộp thuốc sắt [4.000 đồng] về uống, hằng tháng đi bán máu vô tư. Người nhà có phát hiện thì bảo đó là thuốc hãm đi ngoài...", chủ quầy thuốc di động tại bệnh viện Việt Đức [Hà Nội] hướng dẫn cho một nam sinh viên mới vào "nghề" bán máu.


Phòng đăng kí hiến máu tại Viện huyết học truyền máu Trung ương.
Ảnh: Tuấn Anh

9h sáng, tại bệnh viện Việt Đức, người đến bán máu phải xếp hàng. 52 kg, da xanh, chạy thoăn thoắt từ phòng này sang phòng khác làm thủ tục, Nam [24 tuổi] tâm sự: "Em bán máu gần chục lần. Mỗi lần em lại mua hộp thuốc về uống". Nói rồi, cậu sinh viên trường ĐH Thủy Lợi hất hàm về phía chủ quầy thuốc tên Kiểm ngồi sau cánh cửa sắt.

Bên ngoài hàng lang, hơn chục thanh niên miệng phì phèo thuốc nhưng họ vẫn không quên vén tay áo để người đàn bà ngồi sau cánh cửa sắt chăm sóc vết kim đâm. Chị Kiểm hồ hởi: "Các cháu cứ mua hộp thuốc sắt [4.000 đồng] về uống, hằng tháng đi các viện bán máu vô tư. Người nhà có phát hiện thì bảo đó là thuốc hãm đi ngoài. Muốn da nhanh hồng, nhanh lành phải chịu khó ăn thịt bò, cá, cà rốt".

Đầu tuần, phòng hiến máu tình nguyện nằm trong Viện huyết học truyền máu trung ương cũng chật kín. Những người đến đây bán máu còn khá trẻ. Ai cũng hí hoáy điền những thông tin cần thiết vào tờ giấy xanh [phiếu hiến máu nhận tiền bồi dưỡng] trước khi tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Chốc chốc, những cán bộ phòng nhận máu phải mang thêm tập giấy xanh để vào khay trong khi khay giấy hồng [hiến máu tình nguyện] vẫn còn nguyên. Một cán bộ Viện huyết học truyền máu trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày có gần trăm người đến bán máu.

Nhìn cô bạn ngồi bên cạnh lúng túng bên tờ khai, Hùng [tự giới thiệu] sinh viên năm thứ ba một trường ĐH nằm trên đường Giải Phóng nói: “Lần đầu chắc em chưa rõ, những thông tin trên giấy chỉ là thủ tục pháp lý, không có ai kiểm tra gần đây em bị cúm, ho, nhức đầu hay đã dùng kháng sinh. Nghe anh, cứ tích bừa vào đấy”.

Hướng dẫn cô bạn lần đầu đi bán máu, cậu sinh viên này nhanh chóng đi vào khu vực chờ xét nghiệm. Mặc cho những tiếng thét ré lên khi mũi kim dài chọc vào ven, Hùng có thân hình gầy nhẳng, mặt hốc hác, da xanh xao, vẫn hồn nhiên: “Em còn hạn chế chứ vài đứa bạn thân đi chuyên nghiệp. Tháng nào chúng nó cũng có vài lít [vài trăm nghìn] tiêu vặt".

Người đến bán máu tại Viện huyết học và truyền máu trung ương phần lớn thuộc thế hệ 8X. Nữ sinh các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội, học sinh các trường THPT từ ngoại thành như Sóc Sơn, Nguyễn Thượng Hiền cũng đến đây kiếm tiền. Có hàng nghìn lý do họ đổi 250 ml máu lấy 140.000 đồng.

"Bố mẹ mới cho tiền đóng học em trót tiêu mất", một nam sinh mặc áo đồng phục trường THPT Kim Anh hồn nhiên nói. Dáng vẻ thư sinh, một nam sinh viên năm thứ hai trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội cũng bật mí: “Tối nay, sinh nhật bạn gái nhưng chiếc điện thoại O2 cắm trong hiệu cầm đồ từ tuần trước vẫn chưa "nhổ" ra được. Em đành liều mình đến đây để lấy tiền mua quà”.

Ngành y tế quy định, 3 tháng không được hiến máu 2 lần. Tuổi phải từ 18 trở lên. Tuy nhiên, những người bán máu chuyên nghiệp có thể lách luật khi cần tiền.

Theo thống kê của Viện huyết học truyền máu Trung ương, năm 2007, Hà Nội thu được hơn 80.000 đơn vị máu. Gần 60% lượng máu này từ người nhà bệnh nhân và người bán máu chuyên nghiệp.

"Chưa đủ tuổi thì em đi mượn chứng minh thư nhân dân của người khác. Chỉ cần bóc ảnh đó thay ảnh của em là ổn. Phí làm dịch vụ này trên em [Sóc Sơn] không mất nhiều", Toàn, một nam sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Bách Khoa nói.

Bán máu từ khi còn là học sinh THPT, Toàn hướng dẫn một nam sinh lần đầu đi bán máu. "Muốn chuyên nghiệp phải chịu khó đổi "cửa". Viện Nhi, Việt Đức, Xanh Pôn... anh đi một vòng, bác sĩ sao phát hiện được”.

Hà Nội có gần chục nơi thu gom máu như Việt Đức, Xanh Pôn, Nhi Trung ương, 103, 108, 198, Huyết học truyền máu Trung ương... Tuy nhiên, người bán máu chuyên nghiệp thích đến viện Nhi Trung ương, Viện huyết học truyền máu Trung ương và Việt Đức.

Bác sĩ Ngô Mạnh Quân - Phó trưởng khoa vận động và tổ chức hiến máu, Viện huyết học truyền máu Trung ương thừa nhận, trong số những người đi bán máu có khá nhiều người hành nghề chuyên nghiệp. Trong số này, có cả những người hành nghề mại dâm, tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, trước khi lấy máu, các bác sĩ đã tiến hành nhiều xét nghiệm để sàng lọc những chế phẩm máu không đủ tiêu chuẩn.


Sau cánh cửa sắt, người đàn bà [góc trong cùng] đang tư vấn
công nghệ bán máu. Ảnh: Tuấn AnhTheo tìm hiểu của PV, huyết sắc tố [TO] là một trong những tiêu chí đánh giá lượng máu đó có đủ tiêu chuẩn. Nhưng trên thực tế, nhiều túi máu để một thời gian không đạt vì TO quá thấp. “Họ đã uống một loại nước để tránh mất nhiều máu, đến nay viện vẫn chưa tìm ra", bác sĩ Quân cho biết.

Người bán máu áp dụng chiêu "tiết kiệm máu" vì, không riêng người mới vào nghề, những người hành nghề lâu năm vẫn thường xuyên ngất. Theo lời kể của chị Phây, 48 tuổi làm nghề bán máu gần 20 năm ở Viện Huyết học truyền máu trung ương, nhiều người lấy máu xong ra khỏi cửa ngã gục xuống.

Người đàn bà này cho hay, người bán máu chuyên nghiệp thường kiểm tra TO xong là ra ngoài ăn lót dạ và uống một cốc nước chanh. Một số uống nước muối nhạt trước khi “hành nghề”.

Chủ Đề