Vì sao trẻ mầm non sợ đến trường

Vụ bạo hành trẻ tại nhà trẻPhương Anh [TPHCM] đã gây bức xúc trong dư luận, khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho con mìnhở trường[ảnh cắt từ clip].

Ám ảnh hình phạt

Năm nay con tôi 2 tuổi rưỡi. Tôi gửi cháu tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội. Những ngày đầu tiên đi học, gia đình cứ nhắc đến từ đi lớp là cháu lại khóc ầm lên rồi bám chân mẹ, quyết không đi học. Nhiều đêm đang ngủ, cháu vật người rồi khóc thét lên. Một lần, tôi tắm cho con gái thì giật mình vì thấy bên sườn phải của cháu bị thâm tím. Gọi điện hỏi, cô giáo bảo cháu bị ngã va vào thành giường, nghĩ không nguy hiểm gì nên cô không nói với gia đình. Vợ chồng tôi chán quá, thực tế chiếc giường của các cháu ở trường cao không quá 20cm, ngã làm sao đến mức thâm tím cả cạnh sườn như thế [?]. Sau đó, tôi quyết định chuyển cháu đến học một trường mầm non khác thì cháu không còn khóc đêm và ăn uống cũng tốt hơn. Thậm chí hôm nào vui vẻ, cháu còn đòi đi học. Đó là câu chuyện của chị Hà Phương, một phụ huynh có con đang học mầm non ở Hà Nội.

Cũng tâm trạng lo lắng, chị Thúy Hường [Mỹ Đình, Hà Nội] kể, sau mấy tháng đi học, tự nhiên con chị sợ đi nặng ở lớp. Tôi thương quá, đến trường tìm hiểu thì được biết, có một hôm cháu ị đùn ở lớp, cô giáo đã phê bình con trước mặt các bạn. Từ đó, cháu luôn ám ảnh về việc phải đi vệ sinh ở lớp, chị Hường cho biết.

Chị Hoàng Thị Phương [Hà Đông, Hà Nội] cũng lo lắng kể: Con trai tôi 30 tháng tuổi và đã đi học được 7 tháng. Ngoài tiền học phí đóng hàng tháng, mẹ chồng mình luôn gửi thêm tiền để các cô chăm cháu tốt hơn [giải pháp tâm lý cho các cụ đỡ lo]. Hàng ngày, sau khi đón con về tôi vẫn thủ thỉ nói chuyện với con. Tôi hỏi cháu: Ở trường, con yêu cô nào nhất? Cháu trả lời ngay: Con yêu cô Hạnh, không yêu cô Hường vì cô đánh con tè dầm, đánh vào chân vì con không ngồi đẹp, cô quát vì con ăn trớ ra áo.

Vụ bạo hành trẻ tại nhà trẻ không phép Phương Anh [TPHCM] đã gây bức xúc trong dư luận [ảnh cắt từ clip]. Ảnh: TL

Luôn lắng nghe con

Theo một số chuyên gia tâm lý, những trẻ có biểu hiện lạ như sợ đi học, sợ cô giáo, đang đêm tự nhiên thức giấc và khóc thét đều là dấu hiệu cho thấy có khả năng trẻ bị bạo hành. Cô Huỳnh Thị Nam Hà, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Yến [TP Đà Nẵng] cho biết, những lo lắng như trên của các bậc phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở. Trong đó, những biểu hiện của trẻ trong một thời gian dài có thể là sợ sệt, không dám xa mẹ dù mẹ đang ở nhà vì bé luôn cảm thấy không an toàn. Việc trẻ sợ đi vệ sinh do các hình phạt của cô giáo trước lớp [hoặc có trường hợp một số giáo viên ép trẻ ngồi bô vào một giờ nhất định vì cô không có thời gian dọn dẹp] cũng có thể xảy ra ở một số nơi, bởi dù là giáo viên thì cũng có những người này, người khác. Quan trọng, người làm quản lý phải nhắc nhở giáo viên có tâm, biết yêu thương trẻ. Như vậy, trẻ sẽ mến yêu trường lớp và thường xuyên nhắc đến cô giáo.

Cô giáo Phạm Thị Cúc Hà - Thạc sỹ quản lý giáo dục, Giám đốc đào tạo Trường mầm non song ngữ Justkids [Hà Nội] cho rằng, không hẳn các bậc phụ huynh cứ thấy trẻ có những dấu hiệu sợ hãi, khóc lóc ban đêm, tè dầm ra quần nghĩa là nghi ngờ trẻ bị bạo hành. Thông thường trong thời gian đầu mới đi học, mặc dù ở trường được chăm chút rất chu đáo nhưng có một số trẻ vẫn khóc. Nguyên nhân do các cô giáo chưa thể lấy được lòng tin của trẻ chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, hoặc do thay đổi môi trường từ nhà đến lớp nên sức khỏe của trẻ cũng có thay đổi nhất định. Đặc biệt, có những trẻ không thích đi học đơn giản là vì trẻ còn buồn ngủ hoặc muốn gây sức ép với bố mẹ.

Tuy nhiên, để biết con mình có bị bạo hành ở trường hay không, theo cô Phạm Thị Cúc Hà, các phụ huynh phải thường xuyên quan tâm và lắng nghe con mình. Phụ huynh không nên hỏi trẻ tại sao có vết thâm trên người mà hỏi những câu khơi gợi để trẻ khai ra sự thật thì sẽ tốt hơn. Dù là trẻ bị ngã thực sự ở lớp, hoặc trẻ khóc ban đêm thì vẫn nên nói với giáo viên và hỏi cô giáo cần có giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng ấy... Với những trẻ chưa biết nói, gia đình phải luôn gần gũi trẻ để xem tâm lý của trẻ có thay đổi không. Với các trẻ đã biết bi bô, gia đình nên lắng nghe lý do vì sao trẻ không thích đi học, vì sao trẻ khóc... Phụ huynh hãy cho trẻ xả tâm tư thoải mái để nắm bắt vấn đề một cách khách quan. Hơn ai hết, bố mẹ và người thân phải là người gần gũi trẻ hàng ngày để phát hiện những gì đang xảy ra với trẻ ở lớp.
H.Nguyên

Video liên quan

Chủ Đề