vì sao mĩ và chính quyền sài gòn coi “ấp chiến lược” là xương sống của“chiến tranh đặc biệt”?

Đánh thắng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ [1961 - 1965]

Từ cuối năm 1960, Mỹ áp dụng hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm nhưng đã liên tiếp bị thất bại.

ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT"
CỦA ĐẾ QUỐC MỸ [1961 - 1965]

Từ cuối năm 1960, Mỹ áp dụng hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm nhưng đã liên tiếp bị thất bại. Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, chiếm lại những địa bàn, vùng dân cư đã mất sau cuộc Đồng khởi của ta, ngày 28-1-1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi chính thức thông qua chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", thực chất là cuộc chiến tranh "dùng người Việt đánh người Việt" với công thức: lực lượng ngụy + vũ khí và cố vấn Mỹ, nhằm đè bẹp và tiêu diệt cách mạng miền Nam. Đây là chiến lược đầu tiên trong ba loại chiến tranh nằm trong chiến lược quân sự toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" của đế quốc Mỹ. Nội dung cơ bản của chiến lược này là càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược trên quy mô lớn, theo chiến thuật "tát nước bắt cá", đưa hàng triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân và tăng cường bắn pháo, ném bom, rải chất độc hóa học diệt sự sống trên mặt đất.
Để thực hiện chiến lược này, Mỹ tăng cường tổ chức quân ngụy và bộ máy cảnh sát ngụy quyền, tăng cường cố vấn và lực lượng yểm trợ Mỹ, tăng viện trợ quân sự và đưa vào miền Nam các phương tiện hiện đại như trực thăng, cơ giới, thiết giáp. Năm 1960, quân Mỹ ở miền Nam có 2.000 tên, đến năm 1962 tăng lên 11.300 tên với 257 máy bay các loại; đến năm 1964 đã lên đến 26.200 tên cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Mỹ viện trợ hàng tỷ đô la để tăng số quân ngụy từ 15 vạn năm 1960 lên 56,3 vạn năm 1964, với 983 máy bay, 418 khẩu pháo, 942 xe tăng-thiết giáp. Đồng thời, chúng vạch kế hoạch Xtalây-Taylo, với ý đồ bình định miền Nam trong vòng 18 tháng [từ giữa 1961 đến hết năm 1962]. Tiếp đó, chúng triển khai thực hiện kế hoạch Giôn-xơn-Mắc Namara, bình định miền Nam trong 2 năm [1963 - 1964]. Mỹ - Diệm coi việc lập ấp chiến lược là "quốc sách" và là "xương sống" của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" với mục tiêu của chúng là lập 16.000 ấp trong tổng số 17.000 ấp ở toàn miền Nam. Trong các cuộc càn, địch đã áp dụng chiến thuật mới của Mỹ mà chúng gọi là "Bủa lưới phóng lao", "Trên đe dưới búa", "Phượng hoàng vồ mồi" nhằm tiêu diệt bộ đội và du kích, thanh lọc quần chúng, bắn giết cán bộ ta.
Để đối phó với chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ, trên cơ sở thế và lực mới do cao trào "Đồng khởi" tạo ra, ngày 31-1-1961 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị "Về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam". Ngày 15-2-1961, các tổ chức vũ trang miền Nam đã thống nhất thành "Quân giải phóng miền Nam Việt Nam". Từ đây các cuộc khởi nghĩa từng phần phát triển lên thành cuộc chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền. Ở đô thị, phong trào đấu tranh của CNLĐ, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào các tôn giáo làm lung lay ý chí bọn xâm lược, tay sai. Đồng bào ta ở những vùng bị gom kiên quyết đấu tranh, bám đất, bám làng, nêu cao khẩu hiệu "một tấc không đi, một li không rời". Điển hình là phong trào đấu tranh chống gom dân của đồng bào ấp Bầu Mây, xã An Tịnh [huyện Trảng Bàng - Tây Ninh], của đồng bào Cai Lậy [Mỹ Tho], của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh và An Giang, cuộc đấu tranh chống địch rải chất độc hóa học của nhân dân huyện Châu Thành [Bến Tre]...
Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, các phong trào thi đua sôi nổi "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" ở khắp các địa phương, các cấp, các ngành đã đưa miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam, với lực lượng kinh tế quốc phòng lớn mạnh. Để phục vụ cách mạng miền Nam, miền Bắc không ngừng chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Trong những năm 1961 - 1964, nhân dân miền Nam vừa đấu tranh, vừa chú trọng xây dựng LLVT cách mạng với sự chi viện đắc lực từ miền Bắc đã liên tiếp giành được những thắng lợi trên các chiến trường. Điển hình là trận ấp Bắc [2-1-1963], chiến dịch Bình Giã [2/12/1964 - 3/1/1965], Ba Gia [28/5 - 20/7/1965], Đồng Xoài [10/5 - 22/7/1965]. Với những thất bại liên tiếp của nguỵ quân, nguỵ quyền, cuối năm 1963, cùng với sự kiện Tổng thống Mỹ Jôn Ken-nơ-đi bị ám sát, Giôn-xơn lên nắm quyền ở Mỹ, buộc chúng phải "thay ngựa giữa dòng" bằng việc phế bỏ Diệm - Nhu, làm cho nền chính trị tay sai của Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên. Chỉ trong hơn một năm rưỡi [11-1963 - 6-1965] đã có 14 lần đảo chính và phản đảo chính ở miền Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra từ miền Nam Việt Nam về đã báo cáo trước Nhà trắng và Quốc hội Mỹ rằng" Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không còn đủ sức chiến đấu, chế độ Sài Gòn đã thất bại".
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng ngăn chặn sự chi viện của "hậu phương lớn" cho "tiền tuyến lớn". Ngay trong ngày, chúng dùng 64 lần chiếc máy bay mở cuộc tiến công "Mũi tên xuyên" đánh ồ ạt các khu vực sông Gianh [Quảng Bình], Cửa Hội [thành phố Vinh], Lạch Trường [Thanh Hóa], Bãi Cháy [Quảng Ninh]. Ngay trận đầu, 8 máy bay phản lực Mỹ bị bắn rơi. Trong 3 tháng đầu năm 1965 đã có 440 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Ngày 5/8 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Chiến thắng 5-8-1964 cổ vũ mạnh mẽ khí thế chiến đấu, củng cố niềm tin và khẳng định ý chí quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ của nhân dân ta.
Trước những thắng lợi vang dội của ta ở cả hai miền Nam - Bắc, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ đã hoàn toàn thất bại, buộc Mỹ phải ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam để thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" hòng cứu vãn thế sụp đổ. Từ đây, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Video liên quan

Chủ Đề